Những đặc điểm của thời đại hiện nay đối với việc giáo dục đạo đức cho sinh viên

Một phần của tài liệu Đạo đức hồ chí minh về tình yêu thương con người sống có tình nghĩa và vận dụng vào giáo dục đạo đức cho sinh viên trường cao đẳng (Trang 61 - 67)

đức cho sinh viên

Giáo dục cho sinh viên Việt Nam hiện nay luôn gắn liền với việc vận dụng tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Đặc biệt là giáo dục đạo đức tình yêu thương con người, sống có tình nghĩa. Để vận dụng một cách đúng đắn, sáng tạo và phù hợp với sự phát triển của đất nước, trước hết đòi hỏi chúng ta phải xuất phát từ thực tiễn tình hình thế giới và trong nước.

* Tình hình thế giới

Từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật có những bước phát triển mạnh mẽ. Có nhiều lĩnh vực khoa học mới xuất hiện và nhanh chóng được đưa vào ứng dụng. Điều này đưa nền kinh tế thế giới phát triển theo những hướng mới. Đặc biệt, nó thúc đẩy nhanh chóng quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở mỗi nước cũng như trên thế giới. Quốc tế hóa và tổ chức phân công lao động xã hội góp phần tổ chức lại đời sống vật chất và tinh thần của nhân loại. Đồng thời, nó cũng phá vỡ tư duy và cách làm, cách sống cũ và tạo ra cách thức và lối sống mới, làm thay đổi căn bản không chỉ các xã hội công nghiệp mà cả các xã hội nông nghiệp truyền thống trong đó có Việt Nam.

Trong hệ thống các công nghệ hiện đại thì công nghệ thông tin có vai trò then chốt trong việc mở ra một thời đại kinh tế mới – kinh tế tri thức. Trong thời đại cách mạng thông tin, lực lượng sản xuất, cơ cấu kinh tế có sự thay đổi căn bản. Dựa trên những thành tựu của công nghệ sinh học, công nghệ người máy đã tạo ra những chuyển biến cách mạng trong nền sản xuất vật chất. Sản xuất công nghiệp sẽ trải qua những biến đổi sâu sắc nhờ hệ

thống tự động hóa quá trình chế tạo sử dụng người máy thay thế dần chức năng thể lực của con người. Do tác động của cách mạng khoa học và công nghệ, đặc biệt là cách mạng tin học, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo chiều hướng gia tăng của các ngành có hàm lượng trí tuệ cao.

Cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, xu thế toàn cầu hóa bao trùm lên tất cả các lĩnh vực. Nó vừa thúc đẩy các nước giao lưu, hợp tác cùng phát triển nhưng cũng tăng sức ép cạnh tranh lẫn nhau. Từ đây, các quan hệ song phương, đa phương hình thành sâu rộng cả trong kinh tế, văn hóa và xã hội. Toàn cầu hóa kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế là một quá trình vừa hợp tác để phát triển, vừa đấu tranh phức tạp. Đối với nước ta, trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, đòi hỏi chúng ta phải ra sức nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh và khả năng độc lập tự chủ của nền kinh tế, tham gia có hiệu quả vào phân công lao động quốc tế. Thực tế, khi công nghệ thông tin có những bước nhảy vọt trong việc nối liền giữa các quốc gia dân tộc thì có nhiều thế lực phản động và tiêu cực đã lợi dụng để tuyên truyền những văn hoá đồi truỵ, thiếu lành mạnh. Có những trò chơi điện tử, những bộ phim ảnh...trở thành những liều thuốc phiện cho thế hệ trẻ. Có khi, nó làm lu mờ chí hướng phát triển của các thế hệ thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên. Trước tình hình đó, mỗi con người tham gia vào quá trình phân công lao động phải có kiến thức mới, kỹ năng mới và phẩm chất mới để giữ vững ý chí cho bản thân. Do đó, đòi hỏi tất cả các nước, nhất là các nước chậm phát triển và đang phát triển phải có cuộc cách mạng mới trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, phải có chiến lược cụ thể về con người.

Trong đời sống xã hội, nhân loại luôn luôn thừa nhận và khẳng định vai trò quan trọng của giáo dục nói chung và giáo dục đạo đức nói riêng. Cho tới nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều quan tâm sâu sắc đến đầu tư cho sự phát triển của giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước. Đồng thời, họ nhấn mạnh chính sách giáo dục là chính sách ưu tiên quốc gia để thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Bởi họ cho rằng, muốn phát triển nền kinh tế thì

phải quan tâm đến giáo dục và chỉ nói suông thôi thì không đủ mà cần thực hiện hiện đại hoá. Từ đây tạo ra nguồn nhân lực có trí có tài có nhân đức.

Ngày nay, hầu hết các quốc gia đều hướng sự nghiệp phát triển và mở rộng giáo dục nhằm đảm bảo yêu cầu cơ bản là bình đẳng, chất lượng và có hiệu quả. Nghĩa là giáo dục phải đảm bảo quyền lợi học tập cho đông đảo mọi người trên cơ sở bình đẳng, không phân biệt già trẻ, trai gái, tôn giáo, sắc tộc,...Bình đẳng là tạo nên số lượng lớn người được giáo dục, tạo điều kiện cho tất cả các cá nhân có điều kiện phát triển. Từ đó mới có thể tạo ra sự bình đẳng trong các lĩnh vực khác như chính trị, văn hoá, xã hội... Trong quá trình giáo dục, các nước cũng đẩy mạnh đa dạng hoá các loại hình và cơ sở giáo dục, bằng cách thành lập nhiều loại hình trường lớp. Nhờ vậy mà đã lấp dần khoảng cách giữa các dân tộc, giới tính, tôn giáo, sắc tộc...

Tuy có nhiều bước phát triển, song những năm gần đây, giáo dục các nước trên thế giới ngày càng bộc lộ dấu hiệu khủng hoảng. Cơ sở vật chất xuống cấp, chất lượng không cao. Đặc biệt ở các nước đang và chậm phát triển. Tình trạng suy đồi trong giá trị đạo đức mạnh mẽ bởi sự du nhập của các luồng văn hoá không chính thống. Việt Nam cũng không nằm ngoài luồng. Điều này đòi hỏi phải có chuẩn mực giáo dục cụ thể cho chiến lược phát triển con người mới, nguồn lao động mới.

* Tình hình trong nước

Từ năm 1986 trở lại đây, nước ta bắt đầu tiến hành công cuộc đổi mới đất nước. Nội dung cơ bản của công cuộc đổi mới này là thực hiện nhất quán và lâu dài chính sách phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Sau gần 30 năm đổi mới, nước ra đã đạt được những thành tựu to lớn về nhiều mặt. Đời sống của nhân dân được cải thiện một cách căn bản. Trong lịch sử hàng ngàn năm của đất nước, chúng ta chưa bao giờ có bước phát triển nhảy vọt kinh tế như vậy.

Việt Nam đang trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và cũng nằm trong xu thế phát triển của thế giới. Việt Nam cũng đứng trước nhiều cơ hội và thách thức. Để xây dựng và phát triển đất nước theo mục tiêu đặt ra là đưa nước ta trở thành nước công nghiệp hoá, hiện đại hoá thì chúng ta cần phát huy tối đa các nguồn lực trong nước. Trong các nguồn lực ấy, nguồn lực con người đóng vai trò quyết định. Cho đến thời điểm hiện nay, nước ta về cơ bản vẫn là nước có nền kinh tế nông nghiệp chiếm chủ đạo. Nguồn nhân lực ở nông thôn khá lớn, trình độ thấp, đặc biệt là ở vùng miền núi, vùng sâu. Đòi hỏi phải nâng cao trình độ văn hóa cho thế hệ thanh thiếu niên, tạo điều kiện để các em được đến trường học tập. Bởi lẽ, khi đất nước thực hiện công cuộc đổi mới, nền kinh tế có nhiều chuyển biến. Đó là sự phát triển của nền kinh tế nhiều thành phần tạo ra nhiều cơ hội và thách thức mà chúng ta cần có chiến lược phát triển cụ thể.

Như chúng ta biết, nền kinh tế thị trường hiện nay đang làm cho đất nước có sự phát triển đáng kể. Việt Nam đã thoát khỏi một trong những nước nghèo nhất thế giới. Trong nền kinh tế thị trường đã làm cho các chủ thể kinh tế luôn có tính độc lập. Họ có quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh. Con người trở nên năng động, nhạy bén và sáng tạo trong lao động, sản xuất để có thể tồn tại được. Bên cạnh đó, nền kinh tế thị trường có tính mở cao và vận hành theo quy luật vốn có của thị trường như: cạnh tranh, cung – cầu, giá trị…Song, chính nền kinh tế này làm cho sự du nhập của thị trường quốc tế vào trong nước là khó kiểm soát. Đồng thời với sự du nhập của kinh tế là kéo theo các vấn đề về văn hóa – xã hội, lối sống, đạo đức... Mà ở đây tác giả đi sâu vào sự tác động của kinh tế thị trường đã làm cho giá trị đạo đức suy đồi. Cụ thể hơn là nó làm giảm đi tình cảm yêu thương giữa con người với nhau trong thế hệ sinh viên hiện nay.

* Sự tác động đối với việc giáo dục đạo đức cho sinh viên hiện nay. Những tác động tích cực

Với đặc điểm của xã hội hiện nay làm cho sinh viên trở nên sáng tạo và hiếu học hơn. Có thể nói, nó đem lại nguồn sinh khí làm thay đổi cách suy nghĩ, học tập và cách sống của đại bộ phận sinh viên. Bởi lẽ, ngày nay, sinh viên phải tự tìm việc làm, tự thích nghi với môi trường sống của họ. Do vậy, họ phải chuẩn bị cho mình kiến thức vững về nghề nghiệp và những kỹ năng sống. Những yêu cầu khắt khe của nền kinh tế thị trường đòi hỏi sinh viên phải có trình độ học vấn, chuyên môn phù hợp với nghề đã chọn. Vì vậy mà nhu cầu học tập cao. Các gia đình đều muốn cho con em mình đi học. Tinh thần hiếu học của cha ông ta lại càng được phát huy cao độ. Không chỉ vậy, xu hướng mở cửa hiện nay đòi hỏi sinh viên cần am hiểu nhiều lĩnh vực như ngoại ngữ, văn hóa, chính trị...để có thể phát triển toàn diện nhất.

Một vấn đề nữa là xã hội hiện nay làm cho sinh viên gắn học với hành, đề cao giá trị thực tiễn. Trong việc học, nếu chỉ dừng lại ở lý thuyết thì chưa đủ. Những kiến thức sinh viên tiếp thu được qua sách vở là những kiến thức cơ bản, khuôn mẫu. Thực tế trong công việc không đơn giản như vậy mà nó đa dạng muôn màu. Sinh viên thường thích tìm hiểu thực tế qua các công việc làm thêm ngoài giờ học. Hoặc có thể, họ tham gia nghiên cứu khoa học. Với việc đề cao giá trị thực tiễn ấy, một bộ phận sinh viên đã nhanh chóng thích nghi với cuộc sống, thậm chí trở nên thành đạt.

Tác động tích cực nữa trong cơ chế hiện nay là, sinh viên dám chấp nhận thử thách, cạnh tranh để tồn tại và phát triển. Họ cạnh tranh bằng trí tuệ, phẩm giá con người. Cạnh tranh đã giúp họ hoàn thiện về năng lực và phẩm chất để trở thành những chủ nhân tương lai của đất nước.

Những tác động tiêu cực

Song song với những mặt tích cực, cơ chế hiện nay cũng có những mặt tiêu cực đối với việc giáo dục đạo đức nói chung và giáo dục tình yêu thương con người nói riêng. Hiện nay, ở Việt Nam, nền kinh tế thị trường đã và đang làm thay đổi nhiều giá trị tinh thần nói chung, giá trị đạo đức vốn được coi là truyền thống của dân tộc nói riêng. Việc giữ gìn và phát huy các giá trị đạo

đức truyền thống cũng như việc xây dựng đạo đức mới đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Thực tế cho thấy trong đời sống xã hội đã có những biểu hiện coi nhẹ những giá trị đạo đức truyền thống, chạy theo lối sống không lành mạnh. Đảng và Nhà nước đã chỉ rõ: “tệ sùng bái nước ngoài, coi thường những giá trị văn hóa dân tộc, chạy theo lối sống thực dụng, cá nhân vị kỷ… đang gây hại đến thuần phong mỹ tục của dân tộc. Không ít trường hợp vì đồng tiền và danh dự mà chà đạp lên tình nghĩa gia đình, quan hệ thầy trò, đồng chí, đồng nghiệp.”[16, tr. 46].

Điều đầu tiên phải kể đến là xu hướng coi trọng giá trị vật chất, xem nhẹ giá trị tinh thần. Với cơ chế hiện nay đã kích thích lợi ích mỗi cá nhân, làm cho tâm lý làm giàu bao trùm lên toàn xã hội. Song, tâm lý này phát triển thái quá dẫn đến nhiều sinh viên choáng ngợp trước lợi ích đồng tiền đem lại. Họ tự tha hóa mình, đánh mất mình, chạy theo đồng tiền bất chấp đạo lý và pháp luật. Các yếu tố của đời sống tinh thần bị xem nhẹ. Điều này dẫn đến nhiều thanh niên, sinh viên đã lấy vật chất làm mục đích sống để rồi làm nảy sinh các tệ nạn xã hội. Không ít các bạn trẻ dùng tiền điều khiển các mối quan hệ giữa con người với nhau, kể cả các mối quan hệ thiêng liêng nhất. Họ sẵn sàng dùng tiền mua bằng cấp, mua chuộc tình bạn, tình yêu. Họ chà đạp lên tình cảm giữa cha mẹ - con cái, anh chị em, vợ chồng...Vì đồng tiền con cái hành hung cha mẹ, anh em đánh nhau, từ bỏ nhau, vợ chồng ly tán… Chính sự rối loạn trong các mối quan hệ là một trong những nguyên nhân tạo điều kiện cho cái ác và cái bất lương phát triển.

Tác động tiêu cực thứ hai mà chúng ta thấy là việc coi nhẹ yếu tố đạo đức. Việc này làm cho con người bị tha hóa trong lao động và cuộc sống. Con người lừa đảo nhau, làm hàng giả, hàng kém chất lượng ảnh hưởng đến chính sức khỏe của con người. Một số sinh viên ra trường vì chưa tìm được việc làm sẵn sàng thi hộ, tổ chức các trung tâm không chân thực lừa lấy tiền, làm bằng cấp, chứng chỉ giả...Có lẽ họ quên đi tình người trong đạo đức truyền thống mà cha ông để lại.

Rồi từ xã hội thực tại, thế hệ trẻ nói chung, sinh viên nói riêng có lý tưởng sống mờ nhạt. Các tệ nạn xã hội gia tăng nhanh chóng. Nhiều khi, họ chỉ quan tâm tới lợi ích trước mắt, lợi ích cá nhân với lối sống vị kỷ mà chưa hiểu được lý tưởng sống cao cả, lý tưởng cách mạng. Vì không có lý tưởng rõ ràng, muốn hưởng thụ, ăn diện, đua đòi, nhiều người đã sa vào tệ nạn xã hội như: nghiện hút ma túy, mại dâm, trộm cướp...Rồi trái với truyền thống coi trọng tình yêu thương, nhân ái của dân tộc ta, một bộ phận thanh niên, sinh viên đã và đang sa vào cuộc sống bạo lực, phi nhân tính. Một loạt tội danh mới, nguy hiểm đã xuất hiện như: khủng bố cá nhân, tống tiền, bắt cóc trẻ em, buôn bán phụ nữ, đâm thuê chém mướn...Các vụ phạm tội ở lứa tuổi thanh niên, sinh viên ngày càng có chiều hướng gia tăng.

Như vậy, những vấn đề trên đây đã phần nào cảnh báo cho chúng ta biết được vấn đề đạo đức và tình yêu thương con người, sống có tình nghĩa trong điều kiện kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay đang diễn ra hết sức phức tạp. Các bậc thang giá trị đạo đức có phần bị đảo lộn. Cuộc đấu tranh giữa lối sống lành mạnh, bao dung, nhân ái …với lối sống sa đọa, ích kỷ, bạo lực; giữa cái thiện và cái ác vẫn đang không ngừng diễn ra với tốc độ ngày càng gia tăng. Song bên cạnh những điều tốt, những cái hay du nhập vào Việt Nam thì cùng với đó là những tiêu cực cũng đang xâm nhập vào cuộc sống của mọi người dân, mọi tầng lớp, đặc biệt là thanh thiếu niên, sinh viên. Sự biến đổi giá trị đạo đức trong điều kiện thị trường ở Việt Nam như đã nêu trên là vấn đề cần báo động. Nó không chỉ là mối quan tâm của một số người mà là vấn đề của toàn Đảng, toàn dân. Đối tượng đầu tiên để tập trung quan tâm đó là tầng lớp học sinh, sinh viên hay thế hệ trẻ nói chung.

Một phần của tài liệu Đạo đức hồ chí minh về tình yêu thương con người sống có tình nghĩa và vận dụng vào giáo dục đạo đức cho sinh viên trường cao đẳng (Trang 61 - 67)