Đấu tranh để giải phóng con người, thoát khỏi áp bức, bóc lột, nghèo nàn, lạc hậu

Một phần của tài liệu Đạo đức hồ chí minh về tình yêu thương con người sống có tình nghĩa và vận dụng vào giáo dục đạo đức cho sinh viên trường cao đẳng (Trang 50 - 52)

nghèo nàn, lạc hậu

Tình yêu thương con người là cội nguồn của sự đấu tranh để giải phóng con người thoát khỏi áp bức, nghèo nàn, lạc hậu, để vươn tới cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Như chúng ta đều biết, Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân cũng là xuất phát từ lòng yêu nước, thương dân tha thiết với khát vọng giải phóng dân tộc và giải phóng con người. Để thực hiện điều đó, Hồ Chí Minh đã hi sinh tuổi trẻ, hi sinh cả cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh của dân tộc của con người Việt Nam. Người đã không quản khó khăn, vất vả, chỉ với hai bàn tay trắng, chưa biết tiếng nước người ra sao, vậy mà Người đã quyết tâm ra thế giới để xem họ làm thế nào rồi trở về giúp đồng bào. Những năm tháng nơi xứ người, Người lăn lộn với cuộc sống, làm nhiều việc khác nhau, không ngại khó, ngại khổ. Khi làm phu xe, lúc làm bồi bàn, có khi là nhà báo…Tất cả những công việc này, ngoài sự trang trải cho cuộc sống thì còn là sự đi sâu thâm nhập vào đời sống của con người lao động trên thế giới. Và sau nhiều năm bôn ba khắp năm châu bốn biển, Người đã thấy không chỉ dân tộc mình mất tự do mà nhiều dân tộc khác cũng “cùng chịu chung một nỗi khổ đau”- đó là “sự bạo ngược của chế độ thực dân”. Người cũng thấy, không chỉ đồng bào mình bị đối xử như nô lệ mà nhân dân lao động ở các nước khác không kể màu da, chủng tộc hay quốc tịch cũng đều là nạn nhân của một kẻ giết người – chủ nghĩa tư bản quốc tế. Từ việc nhận thức chung đó mà Hồ Chí Minh coi giải phóng dân tộc và giải phóng con người không chỉ là vấn đề của dân tộc Việt Nam mà là vấn đề toàn cầu.

Nhận thức rõ điều này, Người đã kiên quyết, kiên trì đấu tranh giải phóng con người khỏi ách áp bức, bóc lột của kẻ thù. Bởi lẽ, sau khi tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc, cũng là con đường giải phóng cho kiếp lầm

than của người lao động nói chung, Hồ Chí Minh đã tìm mọi cách để tuyên truyền Chủ nghĩa mà Người chọn - Chủ nghĩa Mác – Lênin về nước. Đặc biệt là sự kết hợp chủ nghĩa này với phong trào yêu nước và phong trào giai cấp công nhân để cho ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là tổ chức trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh của dân tộc ta. Để có thể giành được thắng lợi trong cuộc đấu tranh này, Hồ Chí Minh đã cụ thể hóa mục tiêu, chiến lược, phương hướng, nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng. Nhờ có sự sáng tạo đó mà Người đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Mở đầu là thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 giải phóng dân tộc ta nói riêng và con người lao động nói chung khỏi sự áp bức của thực dân Pháp. Từ đây, những người lao động từ kiếp lầm than, cơ cực đã có tự do, có quyền quyết định cuộc sống của chính mình. Với tiêu chí Độc lập – Tự do – Hạnh phúc cho nhân dân, cho con người, chỉ một ngày sau khi tuyên bố đất nước độc lập, Người đã đề ra nhiệm vụ cấp bách để giải quyết ngay các vấn đề liên quan đến vận mệnh dân tộc và sự sinh tồn của mỗi con người Việt Nam. Người khẳng định: “chúng ta phải thực hiện ngay: 1. Làm cho dân có ăn; 2. Làm cho dân có mặc; 3. Làm cho dân có chỗ ở; 4. Làm cho dân có học hành”[45, tr. 175]. Như vậy, Người luôn chú tâm để thực hiện từng tiêu chí cho con người Việt Nam.

Cũng với tinh thần yêu thương con người, đấu tranh cho quyền con người, Hồ Chí Minh lại cùng Đảng, Nhà nước đưa nhân dân Việt Nam thoát khỏi giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm ngay sau đó. Theo Hồ Chí Minh, để có thể thực hiện hoàn toàn giải phóng quyền con người thì chúng ta phải đưa đất nước theo chế độ xã hội chủ nghĩa. Đó là chế độ mà đời sống của con người được nâng cao. Một chế độ không có áp bức, bóc lột …một chế độ mà con người được làm chủ, trong đó con người được thỏa mãn các nhu cầu và đảm bảo các giá trị làm người.

Hồ Chí Minh coi việc đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc cho nhân dân là tiền đề quan trọng để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Không chỉ vậy, Người còn khuyến khích mọi người tích cực lao động, sản xuất, thực hành tiết kiệm để tạo cơ sở vững chắc duy trì cuộc sống ấy. Người từng nói: “Nước ta còn nghèo, muốn sung sướng thì phải có tinh thần tự lực cánh sinh, cần cù lao động. Phải cố gắng sản xuất, lao động là nghĩa vụ thiêng liêng, là nguồn sống, nguồn hạnh phúc của chúng ta”[54, tr. 69].

Có thể nói, tình yêu thương trong con người Hồ Chí Minh về giải phóng con người trước hết là ở sự khẳng định con người cần được sống cuộc sống của một con người. Thực tế, ngày nay, chúng ta đang được hưởng thành quả từ tình yêu thương ấy. Phải chăng một trong những điều này là xuất phát từ lòng nhân ái, khoan dung, vị tha của vị cha già của dân tộc?

Một phần của tài liệu Đạo đức hồ chí minh về tình yêu thương con người sống có tình nghĩa và vận dụng vào giáo dục đạo đức cho sinh viên trường cao đẳng (Trang 50 - 52)