Điều kiện tự nhiên khắc nghiệt nên trong cộng đồng người Chăm đã hình thành và phát triển mối gắn kết cộng đồng, cùng nhau đoàn kết, chung sức, vượt qua khó khăn khắc nghiệt để cùng tồn tại. Theo đó là sự hình thành và phát triển hệ thống luật tục nhằm duy trì và điều hoà các quan hệ xã hội bao gồm các quy định về việc bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đập nước và giải quyết các quan hệ về tưới nước để bảo đảm đời sống kinh tế, quy định cấm các hành vi chặt phá rừng làm ảnh hưởng tới môi trường sống, các quy định về khai thác và các quy định cụ thể trong việc gìn giữ mối quan hệ gắn kết trong gia đình dòng họ, gìn giữ khối đoàn kết trong cộng đồng người Chăm không phân biệt các dòng đạo khác nhau… Chính hệ thống luật tục đó đã đóng vai trò quan trọng trong hoạt động tự quản của xã hội đồng bào Chăm và đã có ảnh hưởng, tác động rất nhiều trong hoạt động quản lý nhà nước của chính quyền cơ sở nói chung, tới hoạt động của cán bộ chính quyền cơ sở nói riêng. Biểu hiện cụ thể là:
Hệ thống luật tục đã lưu truyền từ lâu đời trong xã hội đồng bào Chăm nên một bộ phận đồng bào Chăm có khuynh hướng xử lý các quan hệ xã hội trong cộng đồng bằng luật tục. Vì thế sẽ gây khó khăn cho chính quyền cấp xã trong việc phổ biến, tuyên truyền pháp luật nhằm nâng cao kiến thức pháp luật cho người dân. Cũng vì tồn tại hệ thống luật tục nên cộng đồng người Chăm có tính gắn bó và hướng nội nên gây khó khăn cho công tác vận động, tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào cộng đồng nếu người cán bộ không có kỹ năng vận động tốt.
Với những ngành nghề truyền thống phong phú, với những kinh nghiệm đã được chắt lọc qua nhiều thế hệ cho thấy kinh tế của đồng bào Chăm ở Ninh Thuận đã có thời kỳ phát triển mạnh mẽ tạo cơ sở tiền đề quyết định cho sự hình thành phát triển của các lĩnh vực khác trong đời sống của xã hội đồng bào Chăm, trong đó có hệ thống luật tục về bảo vệ và phát triển sản xuất nông nghiệp như bảo vệ mương nước, đập nước; các quy định về mở nước, theo nước; bảo vệ tài sản của các chủ thể trong cộng đồng, các quy định về đóng góp tài sản cho cộng đồng, tộc họ; các quy định về phân công lao động và thừa kế tài sản trong gia đình người Chăm. Kinh tế phát triển, đời sống vật chất trong xã hội đồng bào Chăm được nâng cao cũng là tiền đề quyết định tới sự phát triển trong đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội của đồng bào Chăm. Sự phát triển đó giúp cho hoạt động quản lý nhà nước về kinh tế của chính quyền cấp xã trong việc khôi phục các ngành nghề truyền thống, vừa lưu giữ những ngành nghề mang bản sắc văn hoá dân tộc, vừa tạo điều kiện thúc đẩy nền kinh tế của cộng đồng phát triển. Kinh tế phát triển, cùng với tính đoàn kết trong cộng đồng cao là tiền đề quan trọng giúp cho hoạt động quản lý nhà nước của chính quyền cấp xã trong nhiều lĩnh vực khác như xoá đói giảm nghèo, văn hoá-xã hội, giáo dục, y tế...
Về chính trị, những cơ sở chính trị đã ảnh hưởng nhiều tới quá trình hình thành khối đoàn kết giữa dân tộc Chăm và các dân tộc khác, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc thuận lợi cho chính quyền cấp xã trong việc tuyên truyền, vận động thực hiện những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong cộng đồng đồng bào Chăm, góp phần hướng tới xây dựng đời sống văn hoá mới trong cộng đồng đồng bào Chăm ở Ninh Thuận.
Về văn hoá, sự phát triển phong phú, đa dạng với sự bảo tồn tương đối tốt các kho tàng giá trị văn hóa nghệ thuật mà lồng trong đó là những phong tục tập quán, truyền thống nên đây là cơ sở, là điều kiện quan trọng giúp cho chính quyền trong việc quản lý, gìn giữ và phát triển các giá trị văn hoá, lưu giữ bản sắc văn hoá dân tộc Chăm, góp phần tạo nên tính đa dạng về bản sắc văn hoá dân tộc.
Về tín ngưỡng - tôn giáo, lịch sử phát triển của cộng đồng đồng bào Chăm ở Ninh Thuận đã gắn chặt với tín ngưỡng tôn giáo và tín ngưỡng tôn giáo đã tác động, chi phối mạnh mẽ tới các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, các hoạt động kinh tế, văn hóa nghệ
thuật và đặc biệt là tác động mạnh vào hoạt động quản lý nhà nước của chính quyền cấp xã như phải tôn trọng những ngày lễ của người dân, không tổ chức hội họp được vào những ngày lành theo phong tục đồng bào Chăm...
Tín ngưỡng đa dạng nên trong cộng đồng đồng bào Chăm ở Ninh Thuận đã hình thành một tầng lớp các thầy cúng, thầy pháp để làm lễ cúng hay trừ đuổi tà ma mà kèm theo đó là một hệ thống các hủ tục lạc hậu tuy đã được hạn chế rất nhiều song vẫn còn tồn tại làm ảnh hưởng không nhỏ tới việc xây dựng làng văn hoá mới, đời sống văn minh lành mạnh trong cộng đồng của chính quyền cấp xã.
Từ thực tiễn về kinh tế, chính trị, văn hoá vùng đồng bào Chăm cho thấy rằng, ngoài những vấn đề chung của các vùng có đồng bào dân tộc thiểu số của cả nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, vùng đồng bào Chăm Ninh Thuận còn có đặc điểm riêng cơ bản:
Một là, Người Chăm ở Ninh Thuận cư trú xen kẻ với các dân tộc anh em ở 22 làng thuộc 12 xã của 4 huyện. Nghề nghiệp chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, trong đó trồng lúa nước là chính. Có một số hộ trồng thêm hoa màu, cây ăn trái, cây công nghiệp, chăn nuôi gia súc gia cầm và kinh doanh buôn bán. Có một làng làm thêm nghề dệt thổ cẩm và một làng làm nghề gốm thủ công. Với tình trạng sản xuất nông nghiệp như vậy cho nên đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó kết cấu hạ tầng: giao thông, thủy lợi, thông tin liên lạc… còn nhiều yếu kém.
Hai là, do đặc điểm về văn hoá, cách suy nghĩ của người Chăm Ninh Thuận chịu sự ảnh hưởng khá nặng của tín ngưỡng tôn giáo của người chăm. Cách suy nghĩ của người chăm thường đơn giản, theo kinh nghiệm. Trong nhiều vấn đề họ thường đỗ lỗi khách quan mà không thấy được tính chủ động, sáng tạo, vai trò chủ quan của con người. Do ảnh hưởng của tín ngưỡng tôn giáo họ thường giải thích các sự vật hiện tượng thiên về đời sống tâm linh, về thế giới vô hình, thế giới bên kia… Chính điều này đã làm cho con người thụ động trong cuộc sống, quá thiên về sự cầu, cúng, thủ tiêu tính tiến thủ, ý thức vươn lên khắc phục khó khăn để phát triển sản xuất nâng cao đời sống, thoát khỏi đói nghèo.
Yếu tố chủ quan đó làm hạn chế, ảnh hưởng rất nhiều trong quá trình phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội ở vùng đồng bào Chăm ảnh hưởng đến việc thực hiện các chủ
trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Lãnh đạo nhân dân vùng đồng bào Chăm phát huy được những giá trị tiên tiến của văn hoá dân tộc, khắc phục được những thủ tục lạc hậu xây dựng đời sống văn hoá mới tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc là động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội là yêu cầu đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở cơ sở.
Ba là, hiện nay, các thế lực thù địch không ngừng lợi dụng vấn đề dân tộc để chống phá cách mạng nước ta. Chúng kích động, chia rẽ đồng bào dân tộc thiểu số hòng phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc làm mất ổn định chính trị xã hội. Trong âm mưu và hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc để chống phá cách mạng Việt Nam, cùng với Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ thì vùng dân tộc Chăm là một trong những mục tiêu trọng điểm mà các thế lực thù địch tập trung chú ý. Hiện nay có 10 tổ chức Chăm lưu vong ở nước ngoài. Trong 10 tổ chức này có 7 tổ chức ở Mỹ 01 tổ chức tại Pháp, 01 ở Canađa, 01 ở Ucraina luôn luôn tìm cách thực hiện nhiều âm mưu chiến lược, sách lược, lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc ở vùng đống bào Chăm để kích động tư tưởng ly khai, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, liên kết với vấn đề người Khơme ở Tây Nam Bộ, “tin lành, Đềga” ở Tây Nguyên để chống phá cách mạng Việt Nam. Thực tế đã xảy ra những điểm nóng cục bộ ở Phước Hải, Phước Nam… Vì vậy, giữ vững an ninh, ổn định chính trị để phát triển kinh tế xã hội ở vùng đồng bào Chăm là vấn đề được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước là đòi hỏi khách quan đối với năng lực lãnh đạo của đội ngũ cán bộ chủ chốt cơ sở. Trong những năm gần đây, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều Nghị quyết và quyết định để phát triển vùng đồng bào Chăm. Đặc biệt ngày 26/10/1981 Ban bí thư có Chỉ thị 121 CT/TW về công tác đối với đồng bào Chăm. Nghị quyết 22 của Bộ chính trị ngày 27/11/1989 về một số chủ trương chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội miền núi. Ngày 17 tháng 10 năm 1991 Ban bí thư có Thông tri số 03-TT/TW về công tác đối với đồng bào Chăm trong đó có đoạn “Tăng cường giáo dục, nâng cao giác ngộ chính trị cho cán bộ và đồng bào Chăm cũng như Kinh, làm cho mọi người quán triệt chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước, chấp hành luật pháp, tăng cường đoàn kết dân tộc, hăng hái góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Ngày 18/02/2004 Thủ tướng chính phủ ra Chỉ thị số
06/TC-TTg về tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm an ninh trật tự đối với đồng bào Chăm trong tình hình mới.
Những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vừa là cơ sở, động lực vừa là yêu cầu đòi hỏi đội ngũ cán bộ chủ chốt cơ sở phải không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo để đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới.