VQG U Minh Thượng là một trong ba vùng lõi thuộc Khu dự trữ sinh quyển
Kiên Giang, là Khu dự trữ sinh quyển lớn thứ 2 trong 8 Khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam đã được UNESCO công nhận. Để bảo vệ, Ban Quản lý Vườn đã áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống cháy rừng, đồng thời, tăng cường bảo tồn các quần xã thực vật, noi cư trú của các loài chim để chúng tiếp tục phát triển. Thực tế cho thấy, nhiều loài chim quý hiếm ở đây đang phát triển nhanh, số lượng cá thể tăng lên nhiều so với trước đây như cò bộ Java, cò trắng, vạc, cò lửa, cò lửa lùn, cuốc ngựa trắng...
Bên cạnh các hoạt động bảo vệ rừng, nhằm thực hiện một trong chín chương trình hoạt động chính phủ giao, thời gian qua công tác giáo dục môi trường đã và đang từng bước đi vào hoạt động, với mục tiêu lớn: nâng cao nhận thức cho cộng đồng từ đó hình thành thái độ hành vi đúng đắn hơn với môi trường thiên nhiên, khuyến khích cộng đồng tham gia tích cực vào công tác bảo tồn vườn.
Từ đó, ban quản lý rừng đã tổ chức nhiều khóa học tập, tuyên truyền bảo vệ môi trường rừng đến người dân vùng đệm và thu được kết quả đáng kể thể hiện là người dân không còn đánh bắt, khai thác ở khu vực lõi của Vườn.
Phát biểu sau chuyến thăm thực địa VQG U Minh Thượng, TS. Raman Letchumanan, Trưởng phòng Môi trường và nguồn lực, Ban Thư ký ASEAN đã xúc động bày tỏ: "Có một điều mà tôi nhận thấy ở đây rất khác biệt so với những nơi tôi
đã từng đi thăm, đó là không hề nhìn thấy có người dân sinh sống hay khai thác sản phẩm gì trong khu vực vùng lõi của Vườn mà chỉ có dân sống trong khu vực vùng đệm. Điều này cho thấy, Việt Nam đã rất nỗ lực trong vấn đề gìn giữ và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Tôi cho rằng để làm được điều này là rất khó."
Năm 2008, Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Kết hợp bảo tồn và phát triển tại các trọng điểm Khu Dự trữ Sinh quyển tỉnh Kiên Giang” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Úc (AusAID) thông qua Tổ chức Hỗ trợ Kỹ thuật Đức (GTZ) tài trợ cho tỉnh Kiên
Giang. Dự án nhằm mục tiêu nâng cao năng lực và đào tạo, quản lý nước và phòng
chống cháy rừng nhằm cải thiện năng suất và duy trì hệ sinh thái. Xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy và các giải pháp thay thế việc quản lý nước bằng các trang thiết bị phù hợp cho hoạt động phòng chống cháy rừng. Xây dựng chương trình và tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của đa dạng sinh học và đất ngập nước cho các cư dân sống trong những vùng trọng điểm của Khu Dự trữ Sinh quyển. Nâng cao năng lực thực hiện và quản lý dự án cho cán bộ trong tỉnh. Nhằm đạt được mục tiêu tổng thể của dự án “Sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên của tỉnh Kiên Giang, nâng cao hiệu quả quản lý các khu vực bảo vệ”.
Năm 2009 với sự hỗ trợ của dự án VCF vườn đã tổ chức nhiều hoạt động giáo dục môi trường cho cộng đồng và học sinh, gồm: tổ chức các tuyên truyền về môi trường đến cộng đồng dân cư sống trong và xung quanh vùng đệm vườn quốc gia với số lượng người tham gia tương đối lớn. Tổ chức giảng dạy ngoại khóa, thi tìm hiểu và tham quan VQG cho các em học sinh tại các trường học, bước đầu tạo cho các em mối quan tâm đến môi trường, tạo cơ hội khám phá thiên nhiên.
Năm 2010, công ty ô tô Toyota Việt Nam (TMV) và Trung tâm Giáo dục
Thiên nhiên (ENV) đã phối hợp tổ chức khoá tập huấn kéo dài 10 ngày về giáo dục
truyền thông nâng cao nhận thức về việc bảo vệ môi trường tại Vườn quốc gia U Minh Thượng, Ấp Công Sự, xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang.
Khóa tập huấn năm nay có 10 học viên đến từ 5 vườn quốc gia / khu bảo tồn thiên nhiên bao gồm: Tràm Chim, U Minh Thượng, U Minh Hạ, Mũi Cà Mau và Côn Đảo. Ngay trong khóa tập huấn, các học viên đã được các cán bộ của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên hướng dẫn về phương pháp truyền thông môi trường, các giải pháp môi trường và xây dựng các chiến lược bảo vệ môi trường phù hợp với tình hình địa phương ở các vườn quốc gia/khu bảo tồn thiên nhiên, đồng thời cùng thực hành truyền thông nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho cộng đồng dân cư của rừng U Minh Thượng.
Như vậy trong thời gian qua Ban quản lý rừng cũng như các chương trình dự án của nước ngoài đã tích cực tham gia giáo dục bảo vệ môi trường rừng dưới nhiều hình thức: tuyên truyền, đài báo, học tập… đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên hoạt động giáo dục môi trường vẫn còn nhiều khiếm khuyết do cán bộ còn trẻ và thiếu kinh nghiệm. Công tác giáo dục môi trường nhiều lúc còn chưa được ở nhiều vùng sâu nên cũng gặp nhiều khó khăn trong khâu vận động, tuyên truyền, nội dung truyền tải hơi cao so với sự tiếp nhận cuả cộng đồng vì thế VQG luôn tìm các phương pháp sao cho hiệu quả nhất. Hiện nay vườn vẫn tiếp tục các hoạt động giáo dục môi trường vùng đệm, xin các dự án đầu tư trong và ngoài nước nhằm mục đích cấp kinh phí cũng như kinh nghiệm trong hoạt động giáo dục môi trường.