7. Cấu trúc luận văn
3.2.4. Ngọn cây khát vọng truy tầm
Biểu tượng Ngọn cây như biểu trưng cho khát vọng khám phá bản chất của cuộc sống.
Biểu tượng này gắn bó mật thiết với Caddy và con gái nàng. Khi Caddy leo lên cây để nhìn vào đám tang của bà Nội. Đó là ước muốn và khát vọng tìm hiểu ý nghĩa của cái chết. Sau đó, nàng leo cây để đến với người tình, khát vọng muốn khám phá đời sống xác thân. Những thay đổi ở Caddy cũng gắn bó với Ngọn cây. Khi Caddy trèo lên cây, chiếc váy nàng đính đầy bùn, dấu hiệu đó báo trước sự bất hạnh về tình dục mà cô phải gánh lấy sau này. Dường như ở Faulkner có một thuyết định mệnh của phương Đông khi miêu tả về các nhân vật. Thật ra biểu tượng nghệ thuật với tư duy trừu tượng sẽ là mảnh đất ươm mầm cho biểu tượng nghệ thuật. Xây dựng một tác phẩm chứa nhiều yếu tố huyền thoại, Faulkner đã cố làm sống lại những biểu tượng độc đáo mang đậm tâm thức tôn giáo và biểu tượng phương Đông. Có sự giao thoa văn hóa Đông- Tây trong tiểu thuyết của nhà văn. Cây gắn bó mật thiết với đất mẹ, nó làm thành một quan hệ phức hợp về tình yêu bám rễ vào cuộc đời.
Những đứa trẻ nhà Compson không bám được vào tình yêu thương của mẹ. Chúng không có rễ yêu thương nên khi trèo lên ngọn cây, Caddy đã mang mầm mống của bi kịch như Faulkner miêu tả. Khát vọng truy tầm cuộc sống với một cô bé, khi cô không tin có bất hạnh và đau thương trong đời sống. Caddy với “thiên tính nữ” cố gắng dẫn dắt và che chở các anh em nàng. Tiếng nói đối thoại của cô với cuộc sống vang lên đầy phức tạp. Từ một cô gái êm đềm trong tuổi thơ, Caddy bất hạnh khi không thể trở về chính ngôi nhà mình yêu thương bởi khát vọng kiếm tìm tình yêu và hạnh phúc của mình đã không được trân trọng. Caddy là đất mẹ, thanh âm cuồng nộ của nàng chính là bi kịch bất hạnh từ tình yêu vô bờ bến của nàng, Caddy không chấp nhận sự ti tiện và ích kỉ của em trai là Jason. Nó được hiện lên với những trang hồi ức lấp lánh ánh sáng tinh nguyên của dòng kí ức. Với ba điểm nhìn của ba
anh em, nàng vẫn mãi không trọn vẹn và có điểm khuyết. Ngọn cây không chỉ gợi ra một không gian cao với hiện thân của vẻ đẹp trong sạch mà nó còn chứa đựng một khát vọng đi vào thật sâu trong hành trình khám phá tâm linh con người.
Bản chất đời sống đó là hành trình đi tìm kiếm và khám phá. Trên con đường ấy, đớn đau, vinh quang và tủi nhục luôn song hành. Các nhà văn Mỹ luôn đẩy các nhân vật của mình vào lộ trình này, một Moby Dick với Ahab đi tìm con cá voi Trắng, một Gastby vĩ đại trong hành trình đi tìm tình yêu hay những cuộc phiêu lưu của Hulklebelly Finn, … Khát vọng chinh phục tự nhiên luôn sống trên mảnh đất Hoa Kỳ. Họ với bản chất phiêu lưu của một nền văn hóa Lai tạo cho cư dân Mỹ ưa thích khám phá. Và từ tự nhiên, nhà văn đi vào tìm hiểu những bí ẩn giấu kín trong tâm hồn mỗi thế hệ nước Mỹ.
Xã hội miền Nam thời Faulkner sống đã qua thời chiến tranh Nam- Bắc nhưng vẫn có một hoài niệm, nỗi đau về nó. Bất hạnh đã hằn sâu lên dấu ấn trong những sáng tác trước của ông. Là một nhà văn của lương tri, Faulkner và Hemingway đã cố gắng đi thật sâu vào tận cùng tâm hồn của những cư dân Mỹ trong thế kỉ XX. Các nhân vật Faulkner đa phần thất bại trong cuộc sống, họ chìm vào rượu như Jason Compson cha. Nó hằn lên Jason con và cả tâm trạng hoài nghi yếm thế trước cuộc đời của Quentin. Chỉ có sức sống mãnh liệt và tình yêu vô tận của Dilsey và Caddy mới vượt thoát được nó. Đó cũng là khát vọng của nhà văn, đưa mảnh đất miền Nam đang cằn cỗi, đau thương thành một vùng đất huyền thoại và ngập tràn sự cuồng nộ trong những thanh âm của bi kịch và bất hạnh. Và Faulkner đã thật sự sáng tạo được một không gian như thế.
Tóm lại, với hai biểu tượng Cửa sổ và Ngọn cây, nhà văn đã làm sống dậy một vùng đất hoang cằn đầy bóng tối một khát vọng vượt thoát nỗi cô đơn và bất hạnh của hiện hữu trước số phận cuộc đời. Chúng tôi thấy rất rõ thông điệp đã gửi gắm cho người đọc. Nhà văn muốn sáng tạo một không gian nhuốm đầy đau thương ở đó các nhân vật luôn cố gắng vượt lên trên số phận nhưng họ luôn bị rơi vào bất hạnh. Chính nó đã tạo nên thanh âm cuồng nộ đầy đau đớn trong các sáng tác của nhà văn này.
Tiểu kết chương 3:
Hệ biểu tượng Không- thời gian trong tiểu thuyết đã được Faulkner sáng tạo đầy độc đáo. Dưới các biểu tượng đó, nhân vật bị cầm tù trong không gian và họ cố vượt thoát khỏi sự lưu đày của thời gian. Nhưng tất cả những cố gắng ấy đều bị thất bại, bi kịch “tâm hồn
con người gây hấn với chính nó” hiện lên. Chính điều đó đã tạo nên những thanh âm khác
trong mỗi nhân vật. Dưới ánh sáng của biểu tượng này, bi kịch về sự suy tàn của gia đình Compson được lộ ra đầy đủ và rõ nét hơn. Một không gian miền Nam thật đẹp nhưng đầy đau thương được hiện ra trên cái nền của thời gian chiến tranh Nam – Bắc đã kết thúc nhưng dư ảnh và sự thương đau của nó vẫn tồn tại trong tâm thức của những thế hệ sau.
Hệ biểu tượng Không - thời gian kết hợp với hệ biểu tượng Âm thanh đã cho thấy được khả năng sáng tạo của nhà nghệ sĩ Faulkner trong việc tái hiện hiện thực bên trong tâm hồn của mỗi người bởi, “Tiểu thuyết là một đối tượng khác hẳn với hiện thực, nó bước ra từ
chính cái cung cách mà một bức tranh vẽ lâu đài khác với cái lâu đài mà nó thể hiện”
(Kundera). Nên bức tranh tâm lí nhân vật đạt đến chiều sâu của nhận thức.
Biểu tượng nghệ thuật Không - thời gian còn tạo cho văn bản Âm thanh và cuồng nộ một chất thơ đặc biệt. Với những biểu tượng hàm chứa năng lượng cảm xúc , nó dồn nén những cung bậc và thổi vào văn bản những ý niệm đậm sắc màu huyền thoại.
Để hiểu được tính huyền thoại được cất giấu như thế nào trong văn bản này, chúng tôi muốn đi vào khám phá hệ biểu tượng Tâm linh mà nhà văn đã sáng tạo trong tiểu thuyết này.
CHƯƠNG 4: HỆ BIỂU TƯỢNG TÂM LINH TRONG “ÂM THANH
VÀ CUỒNG NỘ”
Mỗi nhà văn lớn trước hết luôn thuộc về một đất nước, một dân tộc sau đó là gương mặt công dân nhân loại. Tiếng nói tư tưởng cùng nhận thức về con người và cuộc sống làm nên mô hình quan niệm của nhà nghệ sĩ trước cuộc đời. Faulkner gắn bó mật thiết với mảnh đất miền Nam nước Mỹ với bao câu chuyện hoang đường và huyền bí khiến những trang văn của ông chứa đầy sắc màu biểu tượng và huyền thoại. Bởi bản chất của văn học nghệ thuật, “không chỉ là mô tả thực tại, cái thế giới nhìn thấy được, có sẵn, mà quan trọng hơn là biểu hiện, là khám phá các tầng sâu uyển chuyển và tế nhị của đời sống tâm linh con người, chỉ có như thế nghệ thuật mới khắc phục được tính đơn điệu, phiến diện và đạt tới chiều sâu”[10, 110].
Hành trình tìm kiếm giá trị tình yêu và con người thân phận đã đưa Faulkner đến gần hơn những giá trị vĩnh hằng của tâm thức nhân loại đậm chất nhân văn. Do đó đi vào Âm thanh và cuồng nộ, bên trên lớp biểu tượng Âm thanh gợi lên những hình ảnh đầy cuồng nộ đầy đớn đau ở nhân vật. Đi cùng với nhóm biểu tượng Không - thời gian như cầm tù và lưu đày nhân vật trong một hiện thực tang thương là hệ biểu tượng Tâm linh chứa những giá trị biểu trưng đậm chất nhân văn. Từ đó bài ca nhân đạo về tình yêu thương con người và cuộc sống được cất vang.