Chiếc chuông nhịp đập cuộc sống

Một phần của tài liệu biểu tượng nghệ thuật trong tiểuthuyết “âm thanh và cuồng nộ” của william faulkner (Trang 73 - 75)

7. Cấu trúc luận văn

3.1.2. Chiếc chuông nhịp đập cuộc sống

Biểu tượng chiếc Chuông cũng nằm giữa lằn ranh gợi nhắc âm thanh và tiếng gọi của thời gian. Chúng tôi dựa trên tiêu chí định tính khi xếp nó vào hệ biểu tượng thời gian trong tiểu thuyết Âm thanh và cuồng nộ.

Chiếc Chuông với tiếng ngân của nó cộng hưởng với cuộc đời các nhân vật trong đã xuất hiện rất nhiều trong các tác phẩm của Faulkner như Thánh đường, Nắng tháng Tám,

Khi tôi hấp hối,.. Và mỗi lần Chuông rung, nó nhắc cho nhân vật về sự hiện hữu của đời sống. Do đó chúng tôi khảo sát biểu tượng này như một phương thức nhà văn đã dùng để khắc họa hơi thở cuộc sống đang đập trong trái tim của mỗi nhân vật. Thật vậy, tiếng Chuông xuất hiện rất nhiều ở toàn văn bản. Cụ thể với Benjy, nó xuất hiện 3 lần, đó là lúc

Ruskos rung chuông để gọi bọn trẻ về ăn chiều, Dilsey rung chuông để báo hiệu bữa ăn. Còn ở phần tự thuật của Quentin, chiếc chuông xuất hiện hơn 10 lần, đó là tiếng chuông đánh điểm danh của trường Harvard, tiếng chuông ngân của quảng trường, của quê nhà Jefferson,.. Và hành trình tìm đến cái chết của nhân vật này cũng gắn với tiếng chuông. Tiếng Chuông đánh thức cảm thức thời gian ở Quentin, và cả với Jason, anh ta cũng cảm nhận thời gian bằng cách nghe tiếng chuông rung, báo hiệu sự hiện hữu của đời sống đang diễn ra. Đặc biệt là phần cuối của câu chuyện, Faulkner cho Benjy cảm nhận tiếng chuông cứu rỗi của nhà thờ. Thanh âm và hình ảnh của nó chứa đầy tính biểu trưng cho hình tượng nhân vật.

Với Quentin, thanh âm của tiếng chuông đưa hắn trở lại thực tại của đời sống, giúp hắn nhận thấy ra sự hiện hữu trong cõi đời. Đó không chỉ là tiếng chuông báo hiệu sự sống đang chảy trôi qua đôi tai của hắn, mà còn biểu trưng cho sự cứu chuộc tội lỗi và linh hồn cho em gái Caddy. Nó âm vang trong mỗi phút suy tư của nhân vật này về ý nghĩa và giá trị cuộc sống. Đồng thời những thanh âm của nó gợi nhắc đến một quá khứ tươi đẹp và thanh bình ở quê nhà Jefferson với những buổi chiều tháng Tám êm dịu và tháng Tư yên ả,…Do đó tiếng chuông với những đặc tính của mình khiến tâm thức Quentin xáo trộn trong sự tranh đấu giữa sự sống và cái chết. Mỗi lần xuất hiện, tiếng chuông lại chứa đựng những biến điệu, đó là sự chảy trôi chậm rãi của một ngày, lúc thì gấp gáp và hối hả, khi lại buồn đến ghê rợn và có lúc lại thanh bình, yên ả,.. Những sự phức điệu do thanh âm của tiếng chuông mang lại góp phần chỉ ra được trạng thái của một kẻ mất hết hi vọng vào cuộc sống.

Biểu tượng chiếc Chuông gắn với Benjy là sự gợi nhắc tới bữa ăn gia đình khi mỗi lần chuông rung. Bởi Benjy chỉ có cảm giác của một sinh vật, do đó tiếng Chuông đánh vào anh ta như tiếng kẻng gọi bữa ăn theo những thí nghiệm của Palop trên loài chó. Những chuỗi âm dằng dặc của nó đánh vào tâm thức của một thằng khùng, cùng với tiếng “Caddy”

của người đánh gôn, khiến hắn lẫn lộn giữa hiện thực và quá khứ. Đồng thời, nó ngân vang trong sự thanh bình và êm ả của buổi thuyết giáo, đó là tiếng chuông cứu dỗi linh hồn cho hắn, một kẻ bất hạnh được sinh ra trong cõi đời.

Âm thanh của chiếc chuông cũng mang tới những cảm nhận cho Jason, hắn với đầu óc tỉnh táo nghe ra được sự u buồn khi nhà thờ đánh từng hồi chuông ngân. Nó là tiếng nói định mệnh đang trói buộc hắn trong một hiện tại bế tắc và chán nản vì sự suy sụp của gia đình. Hành trình đi tìm ý nghĩa sự sống trong tiếng chuông của Jason là quá trình khước từ quá khứ đau thương và một thực tại bế tắc đang vây xung quanh hắn. Tiếng chuông khiến

hắn nhận ra được sự bất hạnh của mình. Nhưng sự bất hạnh của Jason không giống em trai hắn, đó không phải là nỗi đau khi không thể đối thoại với người khác mà là sự đánh mất địa vị và lợi ích của dòng họ trên mảnh đất miền Nam.

Còn Dilsey nghe ra được thông điệp của tiếng chuông cứu rỗi linh hồn cho các nhân vật nhà Compson bởi sự đau thương và thất bại mà họ đã gánh trên vai mình. Do đó tiếng chuông nhà thờ cùng với lời thuyết giảng của mục sư Shegog giúp bà thấy cái mở đầu và cái kết thúc của bi kịch trong gia đình Compson, “tao đã thấy cái bắt đầu, và bây giờ tao thấy cái kết thúc”[18, 411].

Với những đặc tính của mình, thông điệp mỗi lần chuông rung đã tạo cho nhân vật những xúc cảm riêng. Đưa người đọc xâm nhập sâu hơn vào đời sống nội tâm bên trong mỗi hình tượng. Tiếng nói nhân bản về tình yêu thương con người và cuộc sống được hiện rõ trong biểu tượng độc đáo này. Không chỉ là dấu ấn của Kinh Thánh mà còn hơn thế nữa, đó là thanh âm của tình thương yêu giữa con người với nhau. Trong mỗi cá nhân luôn có một quả chuông tình yêu ngân reo và hòa điệu với cuộc sống. Đó có lẽ là thông điệp mà nhà nghệ sĩ đã kí thác cho mỗi người tiếp nhận văn bản. Đồng hồ và chiếc chuông cộng hưởng cùng nhau để làm nên hệ thanh âm độc đáo trong văn bản, chúng kết nối những khoảng mờ giữa các thanh âm lộn xộn giữa các hình tượng nhân vật với nhau. Đồng thời thông qua nó, dấu ấn kĩ thuật dòng ý thức hiện lên đậm nét. Thời gian có thể tồn tại như một chiều thứ tư trong cuộc sống. Đó là thứ thời gian hiện sinh trong ý thức của mỗi người chứ không là thời gian tuyến tính. Với Đồng hồ, ta thấy được một cảm thức lưu đày rõ nét trong mỗi nhân vật. Còn chiếc Chuông lại gợi lên nhịp đập của cuộc đời và đưa ta vào hành trình cứu rỗi linh hồn cho mỗi hình tượng. Nếu biểu tượng thời gian như một thứ lưu đày nhân vật trong sự hiện hữu của cuộc sống, thì biểu tượng không gian bên trong tiểu thuyết trên lại chứa đựng những thông điệp khác mà Faulkner muốn người đọc khám phá và giải mã cùng ông.

Một phần của tài liệu biểu tượng nghệ thuật trong tiểuthuyết “âm thanh và cuồng nộ” của william faulkner (Trang 73 - 75)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)