Tài liệu hỗ trợ dạy và học với HSTBY được biên soạn phù hợp với nội dung và cấu trúc của chương trình học tập của các em, đồng thời phù hợp với khả năng của HSTBY. Tài liệu là công cụ giúp HS học tập hiệu quả dưới sự hướng dẫn của GV. Dựa vào tài liệu, HS tự nghiên cứu các kiến thức cơ bản theo hướng dẫn các hoạt động của vở ghi bài, ôn tập lại kiến thức đã được hệ thống hoặc HS có thể tự hệ thống theo cách hiểu riêng của mình, từ đó hoàn thiện kiến thức cần đạt được. Vì vậy, theo chúng tôi vai trò quyết định tính hiệu quả của việc dạy và học cho HSTBY là chất lượng của tài liệu và tính chính xác của phần nội dung có trong tài liệu. Tuy nhiên, tùy thuộc vào khả năng của từng HS mà tác dụng của các tài liệu đạt được sẽ khác nhau. Để có thể phát huy hiệu quả tài liệu hỗ trợ dạy và học, việc hướng dẫn HSTBY sử dụng tài liệu cần được tiến hành cụ thể như sau:
- Bước 1: HSTBY cần nắm được mục tiêu về kiến thức mỗi bài học
HS cần bám sát các kiến thức cơ bản, nội dung trọng tâm cần nắm ở mỗi bài học đã nêu trong tài liệu hướng dẫn, tránh tình trạng học lan man, xa rời nội dung cơ bản.
- Bước 2: Lập kế hoạch học tập cụ thể
HS đặt ra mục tiêu cụ thể, phù hợp với năng lực của bản thân, từ đó tiến hành xây dựng kế hoạch học tập mang tính khả thi và hiệu quả. Muốn vậy, HSTBY cần có kế hoạch học ở nhà (ôn tập kiến thức cũ và chuẩn bị kiến thức mới) và kế hoạch học trên lớp (nghe giảng, làm BT trên lớp, sửa và hoàn thiện vở ghi bài sau mỗi tiết học).
- Bước 3: Tiến hành thực hiện kế hoạch học tập đã đề ra
HS cần phải tiến hành thực hiện đầy đủ những nhiệm vụ học tập cụ thể đã đặt ra ở phần hướng dẫn của tài liệu.
HS chuẩn bị những nội dung kiến thức của bài học mới dựa vào SGK và tài liệu tham khảo. Trước tiên, HS cần ôn tập hệ thống lý thuyết tóm tắt bài cũ, phần bài tập về nhà của tiết trước cần làm hết các bài tập bắt buộc để rèn luyện kĩ năng giải các bài tập, nếu còn thời gian có thể làm các bài tập thêm. Sau đó, HS tự điền những thông tin cần thiết vào vở ghi bài mới, tham khảo trước những dạng bài tập có hướng dẫn giải theo algorit, nếu tiếp thu được thì sẽ tiến hành làm thử bài tập vận dụng, nếu chưa hiểu thì sẽ được GV hướng dẫn trong phần bài giảng trên lớp.
+ Chuẩn hóa, bổ sung, mở rộng và hoàn thiện kiến thức mới.
HS tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ học tập trên lớp dưới dự hướng dẫn của GV, chỉnh sửa nội dung kiến thức cho hoàn thiện.
+ Rèn kĩ năng vận dụng kiến thức
HS kiểm tra mức độ vận dụng kiến thức của mình đạt được sau mỗi bài học bằng cách tiến hành giải các dạng bài tập trong hệ thống bài tập có đáp số kèm theo, HS được sự hướng dẫn trực tiếp của GV và hướng dẫn gián tiếp thông qua phần hướng dẫn bài tập tự giải sẽ hình thành được kĩ năng, kĩ xảo giải bài tập hóa học, nâng cao chất lượng học tập môn Hóa học.
- Bước 4: Tự kiểm tra, đánh giá việc học của mình
HSTBY có thể tự kiểm tra, đánh giá hiệu quả học tập của mình thông qua các
đề tự kiểm tra thường xuyên sau mỗi bài học và đề tự kiểm tra định kì cuối chương. Đây là những bài kiểm tra để đánh giá mức độ nắm vững kiến thức của các em. HSTBY có thể tự đánh giá kết quả đạt được của mình bằng cách đối chiếu với mục tiêu ban đầu đã đề ra. Thông qua điểm đạt được của bài kiểm tra, cho phép HS tự đánh giá sự tiến bộ của bản thân, có thể rút ra được những kinh nghiệm, biết những chỗ còn yếu kém và có biện pháp khắc phục để đạt được tốt hơn mục tiêu đề ra.