Nguyên nhân học sinh học yếu môn Hóa

Một phần của tài liệu “Thiết kế tài liệu hỗ trợ việc dạy và học phần hóa phi kim lớp 10 với đối tượng học sinh trung bình – yếu” (Trang 32 - 37)

Theo chúng tôi việc học sinh học yếu môn Hóa có thể do một số nhóm nguyên nhân sau đây:

1.4.3.1. Về phía giáo viên [9]

- Nguyên nhân trước hết ở sự không hoàn thiện của các phương pháp giảng dạy. Nhiều GV lại có khuynh hướng giải thích việc học yếu của HS bằng những thiếu sót của những phẩm chất ý chí và đạo đức ở trẻ, bằng sự thiếu chuyên cần và chăm chỉ. Một số GV còn yếu kém về năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chất lượng bài lên lớp chưa tốt, chưa gây hứng thú, kích thích tính tích cực, khả năng tự học của học sinh, còn thiếu nghệ thuật sư phạm để cảm hoá học sinh yếu, lôi cuốn giúp học sinh yêu thích môn học.

- Tài liệu giảng dạy cho đối tượng HSTBY còn rất hạn chế. Trong khi đó, GV lại chưa dành thời gian, chưa đầu tư nghiên cứu tìm phương pháp dạy học cũng như biên soạn tài liệu giảng dạy cho phù hợp (hệ thống lý thuyết, bài tập, phương pháp giải bài tập,…).

- Một số giáo viên chưa dạy đúng chuẩn kiến thức, chuẩn kĩ năng và trọng tâm của từng bài dạy. Tốc độ giảng bài nhanh khiến cho HSTBY không theo kịp.

- GV chưa khai thác hết tác dụng của đồ dùng dạy học, việc sử dụng đồ dùng dạy học trực quan, tranh ảnh, SGK, thí nghiệm còn hạn chế.

- Một số GV chưa thực sự chú ý đúng mức đến từng đối tượng học sinh đặc biệt là HSTBY, chưa có biện pháp dạy học phân hóa đúng trình độ HS.

- Giáo viên chưa quan tâm nhiều đến học sinh HSTBY. Một số GV chỉ chú trọng vào các em HS khá – giỏi và coi đây là chất lượng chung của lớp mà quên đi HSTBY. Tâm lí GV thường e ngại khi nhận lớp có tỉ lệ HSTBY cao. Mặt khác, một số GV chưa thật sự quan tâm tìm hiểu đến hoàn cảnh, những suy nghĩ, khó khăn của HSTBY, chưa theo dõi sát sao và xử lý kịp thời các biểu hiện sa sút của học sinh, đôi lúc tỏ ra khó chịu khi các em hỏi bài, có thể là do GV chưa có tinh thần trách nhiệm cao, thiếu tâm huyết với nghề, chưa thật sự quyết tâm giúp đỡ HSTBY vươn lên trong học tập.

- Chưa hoặc ít động viên, khen ngợi kịp thời những biểu hiện tích cực hay sáng tạo dù rất nhỏ của HSTBY.

- Một số GV đối xử không công bằng, trù dập HS để lại những dấu ấn không tốt trong lòng HS, khiến HS không yêu thích môn học.

- Một số GV còn có hiện tượng chạy theo thành tích, chưa coi trọng việc đánh giá chất lượng thực của HS.

- Sự phối hợp giữa GV bộ môn – GV chủ nhiệm – Phụ huynh học sinh và các đoàn thể khác chưa tốt.

1.4.3.2. Về phía học sinh [23]

Nghiên cứu của tác giả Nguyễn Phương Hoa – cán bộ viện tâm lí học cho thấy một số yếu tố ảnh hưởng đến kết quả học tập của học sinh yếu là:

- Thứ nhất là khả năng tập trung kém, dễ phân tán tư tưởng.

- Thứ hai là sự thiếu tự tin. Khi thấy con học kém phản ứng của bố mẹ thường là thiếu tin tưởng, đánh giá thấp khả năng của con. Chính những lo lắng, nghi ngờ và những lời đánh giá thiếu thận trọng của bố mẹ đã vô tình truyền sang các em khiến chúng có mặc cảm là mình kém cỏi. Vì thế chúng càng ngày càng thiếu tự tin, học tập đã kém nay lại càng kém.

- Thứ ba là sự phụ thuộc vào bố mẹ và khả năng thích nghi xã hội kém. Đặc điểm tâm lí này bắt nguồn từ phương thức giáo dục của bố mẹ: bao bọc con quá

nhiều, không cho con độc lập, buộc con phụ thuộc vào mình. Điều đó dẫn đến phản ứng thụ động, cản trở sự thích nghi với trường học dẫn tới những khó khăn trong học tập của trẻ.

- Thứ tư là về tác phong sinh hoạt chậm chạp, lề mề. Tác phong này đã hạn chế phần nào sự thích ứng với nhà trường và với hoạt động học tập.

- Thứ năm là sự tổn thương tâm lí của một số em. Điều đó đã góp phần vào các rối nhiễu hiện nay ở trẻ nói chung và khó khăn trong học tập của trẻ nói riêng.

Ngoài ra, HS học yếu môn Hóa còn do một số nguyên nhân sau:

- Hạn chế về năng lực trí tuệ hoặc sức khỏe nên tiếp thu bài chậm so với học sinh bình thường.

- HS ngồi nhầm lớp do bệnh thành tích “xóa mù trung học cơ sở” ở cấp 2. - HS mất căn bản kiến thức từ cấp II nên gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức mới, dễ rơi vào tâm lí chán nản, lười học, bỏ học.

- HS lười học, thiếu chuyên cần và chăm chỉ, chưa tự giác trong học tập như không soạn bài, không làm bài tập về nhà.

- HS có thiếu sót những phẩm chất ý chí và đạo đức chưa tốt.

- Khả năng phân tích tổng hợp, so sánh còn hạn chế, không có khả năng vận dụng kiến thức vào bài tập.

- Thiếu tự tin, không tin vào nỗ lực của bản thân.

- HS chưa có động cơ và mục đích học tập đúng đắn, chưa có phương pháp học tập, chủ yếu học vẹt, khả năng tự học kém, lười đọc sách, không xem kỹ lý thuyết đã nhanh chóng làm bài tập, không làm được thì lại lấy bài giải ra chép để đối phó,…

- HS không có tính kiên nhẫn, thiếu cẩn thận khi làm bài.

- HS không thích môn học vì thời gian trước kia đã có các dấu ấn, để lại những kỷ niệm buồn cho các em (ví dụ giáo viên bộ môn đối xử không công bằng đối với các em, trù dập hoặc các em thường xuyên bị xúc phạm nhân phẩm).

1.4.3.3. Về phía phụ huynh (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

- Còn một bộ phận phụ huynh HS chưa thật sự quan tâm, chăm lo và đôn đốc đến việc học tập của con cái, chỉ lo làm ăn, phó thác hết mọi việc cho nhà trường, thầy cô.

- Gia đình học sinh gặp nhiều khó khăn về kinh tế nên phải di chuyển chổ ở thường xuyên. HS có cha mẹ thường xuyên bất hòa, không hạnh phúc hoặc li dị, có khi các em chỉ sống với bố hoặc mẹ hay được gửi sống với người khác khiến các em không chú tâm vào học tập.

- Do các tác động khách quan, bị ảnh hưởng từ các sự việc xảy đến cho gia đình các em như các trường hợp bị thiên tai, lũ lụt, mưa bão,… dẫn đến việc sa sút trong học tập.

- Thói quen xin xỏ của phụ huynh. Nhiều ông bố, bà mẹ, tuy biết rất rõ con mình học dở, học yếu, không đủ điều kiện lên lớp mà vẫn cố “níu kéo” bằng đủ cách, xin xỏ, nhờ vả, chạy chọt thầy cô giáo, nhà trường.

- Một số cha mẹ quá nuông chiều con cái, không kiểm tra việc học, quá tin tưởng vào chúng nên học sinh lười học, có khi tự ý nghỉ học dẫn đến mất căn bản, lực học giảm sút dẫn đến chán học, bỏ học.

- Một số phụ huynh đầu tư cho con học thêm quá nhiều nhưng không phù hợp với trình độ HS. Bản thân các em học yếu nhưng do yếu tố tâm lí, phụ huynh lại gây áp lực cho HS bằng cách đưa các em vào các lò luyện thi dành cho HS khá – giỏi khiến các em ngày càng hỏng kiến thức căn bản trầm trọng.

1.4.3.4. Về phía bộ môn Hóa

- Đặc thù của môn Hóa là vừa học lý thuyết vừa thực nghiệm. Nếu thiết bị dạy học, điều kiện thí nghiệm ở một số trường phổ thông hạn chế thì giờ học sẽ không sinh động dẫn đến việc học sinh không có hứng thú học tập.

- Học sinh học yếu môn Toán thì ít nhiều cũng ảnh hưởng đến việc học tập môn Hóa.

- Tại một số trường phổ thông, số giờ qui định để học môn Hóa là 2 đến 3 tiết trong một tuần. Với số tiết như vậy HSTBY không đủ thời gian để luyện tập các kĩ

năng giải bài tập hóa học, các em sẽ dễ phạm sai lầm trong quá trình giải bài tập, dẫn đến không làm được một số dạng bài tập cơ bản.

1.4.3.5. Về phía nhà trường

- Xuất phát từ bệnh thành tích của người trong ngành giáo dục. Cấp trên chạy theo bệnh thành tích nên bắt cấp dưới phải chạy theo, nếu ai không theo thì sẽ bị phê bình, bị chỉ trích. Đầu năm là nhà trường giao khoán chất lượng cho giáo viên, ai không ký thì sẽ không được xét thi đua và khen thưởng cho dù cuối năm đạt được tỉ lệ do trường qui định hoặc cao hơn. Tỉ lệ giao khoán thì phần lớn là năm sau lại cao hơn năm trước một chút. Điều này làm cho một số giáo viên dù không muốn cũng phải nâng điểm của học trò lên để đạt chỉ tiêu, để yên thân, để được thưởng. Mặt khác, một số trường chuẩn quốc gia, ban giám hiệu "sợ không đạt chuẩn" nên cuối năm tìm mọi cách cho học sinh lên lớp hết. Chính điều đó đã tạo nên thành tích ảo, nguyên nhân chính của sự yếu kém. Cũng do áp lực của thành tích, các nhà trường chỉ lo đầu tư bồi dưỡng học sinh giỏi, luyện thi đại học mà bỏ qua hoặc coi nhẹ việc phụ đạo, kèm cặp những HSTBY.

- Hiện nay đa số các lớp học đều có sĩ số học sinh đông từ 40 đến 55, với trình độ học tập không đồng đều. Vì vậy người thầy dù hết lòng vì học sinh cũng không thể áp dụng phương pháp dạy học chung cho mọi đối tượng học sinh.

- Kế hoạch phụ đạo HSTBY của nhà trường còn chưa được thực hiện hoặc triển khai còn chậm.

- Chưa thực hiện tốt việc kiểm tra đánh giá chất lượng học sinh (ngân hàng đề, bốc thăm đề kiểm tra, quản lý đề, duyệt đề,...).

- Ảnh hưởng từ cuộc vận động “hai không”, nguyên bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã phát biểu ngày 29/01/2008 ở Hà Nội: “Chúng tôi vui khi tỉ lệ HS giỏi giảm và trung bình, kém tăng, vì chúng tôi đang tập trung chống bệnh thành tích trong giáo dục…”. Nhiều trường học đã “hưởng ứng tích cực” cuộc vận động bằng việc trở nên “thờ ơ” với HSTBY, nên HSTBY càng ngày càng yếu hơn.

- Cơ sở vật chất, dụng cụ thí nghiệm ở một số trường còn thiếu thốn, không có điều kiện để thực hiện các thí nghiệm.

1.4.3.6. Về phía xã hội

Cùng với sự phát triển kinh tế, đời sống nhân dân được cải thiện, nhiều loại hình vui chơi, giải trí ra đời, thu hút, lôi cuốn phần đông đối tượng thanh thiếu niên, học sinh tham gia. Những hình thức vui chơi, giải trí, những tác động xấu của internet nhất là game online bùng nổ, có mặt ở mọi nơi, mọi lúc, đã và đang "đầu độc" và làm hao tốn biết bao nhiêu thời gian dành cho việc học tập của học sinh. Nhiều học sinh sa đà, đắm mình vào trong thế giới ảo, hết ngày này qua tháng khác mà không biết chán, việc học tập ngày càng sao nhãng, bỏ bê.

1.4.3.7. Về phía bạn bè

Bước vào tuổi vị thành niên, bạn bè có một vai trò quan trọng. HS dễ bị tác động từ bạn bè, từ cái tốt đến cái xấu (đua đòi, hút thuốc, đua xe, bỏ học, trò chơi điện tử, bạo lực học đường...). HS ham chơi sợ bạn bè tẩy chay hay loại ra khỏi nhóm nếu không hòa nhập theo.

Một phần của tài liệu “Thiết kế tài liệu hỗ trợ việc dạy và học phần hóa phi kim lớp 10 với đối tượng học sinh trung bình – yếu” (Trang 32 - 37)