Giải pháp phát triển nguồn nguyên liệu.

Một phần của tài liệu Luận văn: Định hướng chiến lược đầu tư phát triển ngành Dệt May Việt Nam đến năm 2010 pot (Trang 74 - 76)

III. CÁC GIẢI PHÁP ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN NGÀNH DỆT-MAY VIỆT NAM ĐẾN 2010.

2.Giải pháp phát triển nguồn nguyên liệu.

Theo ý kiến đánh giá của các nhà phân tích thị trường, thời gian qua tuy có những biến động về giá nhưng thị trường tơ lụa thế giới và khu vực chưa bao giờ cung ứng đủ do nhu cầu người tiêu dùng ngày càng tăng, trong khi những nước sản xuất dâu tằm lớn như Trung Quốc, Brazil đang dần thu hẹp diện tích dâu và sản lượng kén. Xét ngay nền kinh tế trong nước ta cũng thấy nhu cầu nội địa về bông, tơ tằm ngày càng cao. Những chỉ tiêu về phát triển bông đặt ra cho đến năm 2010 cũng chỉ mới đáp ứng được 70% nhu cầu nguyên liệu của ngành dệt. Cũng cần thấy rằng nhu cầu về bông xơ trong 10 đến 15 năm tới sẽ luôn lớn hơn khả năng cung cấp (đây là nguyên liệu quan trọng nhất của ngành Dệt - May), xơ tổng hợp sẽ còn tăng song nhu cầu không lớn so với cung.

Trong các loại nguyên liệu cho ngành Dệt - May, Việt Nam có điều kiện tốt nhất trong phát triển hai loại nguyên liệu là bông xơ và tơ tằm. Bởi vậy cần tập trung đầu tư phát triển hai nguồn nguyên liệu này trong tương lai.

Quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu dệt. Các vùng trồng cây nguyên liệu cần phải được quy hoạch dựa trên cơ sở:

- Chọn vùng sinh thái thích hợp, quỹ đất trồng nguyên liệu của từng vùng, khả năng sản xuất nguyên liệu tập trung.

- Căn cứ vào điều kiện lao động, cơ sở hạ tầng của vùng. - Khả năng cạnh tranh với các cây trồng khác trong vùng. - Căn cứ vào các tiến bộ kỹ thuật đạt được.

Dựa vào những tiêu chí trên có thể mở rộng diện tích trồng bông, dâu bằng các cách:

- Trồng xen canh với các loại cây khác như ngô, đậu,...

- Khuyến khích nông dân chuyển sang trồng bông vì đây là ngành đòi hỏi đầu tư thấp, nhanh thu hoạch, đầu ra đã có sẵn (ngành dệt may), được Chính phủ trợ giúp về mặt kỹ thuật, vốn, sử dụng đất giúp nông dân ổn định sản xuất, ổn định lợi nhuận.

- Hình thành các khu trồng bông lớn, năng suất cao, chất lượng tốt, áp dụng mô hình trang trại trồng bông ở một số địa phương.

- Quy hoạch một số vùng trồng bông mới như Sơn La, Thanh Hoá, Đồng bằng sông Cửu Long, Duyên hải miền Trung.

Về khoa học kỹ thuật phải tiếp tục hoàn thiện về giống cây, con như các giống bông lai, giống dâu, giống tằm. Bên cạnh nhiệm vụ sản xuất giống, công tác xác định thời vụ, chế độ chăm sóc, công tác phòng trừ dịch bệnh cần tiếp tục được quan tâm. Nhà nước tăng thêm đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật về phát triển giống và công tác khuyến nông. Sử dụng giải pháp tăng năng suất bông hạt bằng cách:

- Lai tạo các giống bông cho năng suất cao.

- Áp dụng các phương pháp phòng trừ sâu bệnh mới, hiệu quả cao hơn. - Nghiên cứu về chất đất, môi trường sinh thái để cây bông dồn sự phát

triển vào hạt bông.

- Nghiên cứu để kéo mùa thu hoạch bông về mùa khô, vừa cho năng suất bông hạt cao, vừa đảm bảo chất lượng.

Xây dựng và triệt để thực hiện hệ thống các chính sách phát triển nguyên liệu cho ngành dệt. Hệ thống các chính sách tập trung chủ yếu vào:

- Chính sách miễn thuế nông nghiệp cho các vùng mới khai phá để trồng cây nguyên liệu trong 2 -3 nămđầu.

- Thực hiện có hiệu quả vay tín dụng cho nông dân qua các chính sách khuyến nông, đầu tư cho sản xuất giống

- Thực hiện chính sách bảo hiểm giá nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm cho người sản xuất nguyên liệu.

- Ưu tiên vốn ngân sách cho nghiên cứu khoa học kỹ thuật phục vụ cho phát triển vùng nguyên liệu.

- Thực hiện chính sách phát triển cơ sở hạ tầng cho các vùng trồng cây nguyên liệu.

- Chính sách về đào tạo cán bộ, chuyển giao kỹ thuật cho các hộ trồng cây nguyên liệu.

Đồng thời với việc phát triển vùng nguyên liệu, ngành may cũng cần đầu tư phát triển phụ liệu may. Cần xác định được mức độ đầu tư sản xuất phụ liệu trong nước, phần vùng đầu tư xem loại phụ liệu nào Nhà nước đầu tư, loại phụ liệu nào khuyến khích các thành phần kinh tế khác đầu tư; đa dạng các thành phần kinh tế tham gia sản xuất và cung cấp phụ liệu may.

Một phần của tài liệu Luận văn: Định hướng chiến lược đầu tư phát triển ngành Dệt May Việt Nam đến năm 2010 pot (Trang 74 - 76)