III. THỰC TRẠNG ĐẦU TƯ CỦA NGÀNH DỆT-MAY VIỆT NAM 1 Đầu tư phát triển nguồn nhân lực.
b) Đầu tư cho xử lý môi trường.
Đa số các thiết bị hiện đang sử dụng ở các doanh nghiệp dệt may là các thiết bị cũ, lạc hậu nên việc gây ô nhiễm môi trường là điều không thể tránh khỏi. Vấn đề ô nhiễm môi trường bao gồm cả ô nhiễm môi trường sinh thái, môi trường lao động, môi trường xã hội... Cụ thể môi trường ngành dệt may nước ta trong những năm qua như sau:
Ô nhiễm nước thải. Đây là loại ô nhiễm chủ yếu mà ngành Dệt - May gây ra cho môi trường. Các công ty dệt may phần lớn không tiến hành xử lý nước thải. Nước thải ở các công ty này được đưa trực tiếp ra sông với độ kiềm cao, màu đậm, chứa một lượng các chất hữu cơ và vô cơ có tính độc đối với cá, quần thể sinh vật và gây ô nhiễm môi trường đất. Hiện nay, theo tài liệu điều tra của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và các báo cáo của các Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường thì tình trạng nước thải của các Công ty Dệt - May ở nước ta đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến môi trường và tác động trực tiếp đến sức khoẻ con người, đòi hỏi các nhà sản xuất phải quan tâm đến các giải pháp xử lý nước thải.
Tại các Công ty Dệt, vấn đề ô nhiễm hữu cơ đang ở mức báo động. Chỉ số nhu cầu oxy sinh hoá BOD5 (Biological Oxygen Demand) và nhu cầu oxy hoá hoá học COD luôn vượt quá giới hạn cho phép. Báo cáo điều tra đánh giá tác động môi trường của các Công ty Dệt thì giá trị BOD5 trung bình thải ra môi trường đều vượt quá giới hạn cho phép từ 2 - 4 lần. Trong nước thải có những chất chỉ có thể oxy hoá bằng hoá học mà không thể phân giải bằng vi sinh.
Các Công ty Dệt càng sử dụng nhiều xơ sợi tổng hợp (polyeste) thì giá trị của COD càng cao, vì phải dùng nhiều thuốc nhuộm và chất phụ gia để nhuộm
và in hoá. Công ty Dệt kim Đông Xuân, do sản phẩm chủ yếu là sợi bông nên COD có tỷ lệ 340 mg/lít. Công ty Dệt Hà Nội sản phẩm chủ yếu là sợi pha polyeste/bông nên tỷ lệ COD lên tới 455,80 mg/lít. Với đà sản xuất sử dụng xơ sợi tổng hợp ngày một tăng trong ngành Dệt thì nước thải sẽ ngày càng khó phân giải vi sinh. Ngoài ô nhiễm, nước thải mang nhiều độc tố như độ pH, kim loại nặng làm mất khả năng phân giải vi sinh, gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ cộng đồng.
Các công ty gây ô nhiễm môi trường trọng điểm gồm công ty dệt Phước Long, công ty dệt Phong Phú, công ty dệt Thành Công, công ty dệt 8/3 Hà Nội, Dệt kim Đông Xuân, Dệt Nam Định, Dệt Vĩnh Phú... Một số công ty dệt may như dệt Nhà Trang, công ty dệt Đông Nam có xử lý sơ bộ nước thải nên đỡ gây ô nhiễm môi trường hơn. Các dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải cho các
Công ty Dệt 8-3, Dệt Hà Nội, Dệt kim Đông Xuân, Dệt Nam Định, Dệt Thắng
Lợi, Dệt Thành Công... cho đến nay vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu xây
dựng và tìm kiếm nguồn vốn tài trợ từ nước ngoài hoặc đang xin đăng ký sử
dụng vốn ODA.
Ô nhiễm bụi. Do thiết bị công nghệ lạc hậu nên trong quá trình sản xuất các doanh nghiệp đã gây nên tình trạng ô nhiễm bụi bông, dệt, bụi than. Sự ô nhiễm này không chỉ gây ảnh hưởng đến môi trường lao động mà còn ảnh hưởng đến các khu dân cư xung quanh các khu công nghiệp, đặc biệt là khu vực Nam Định, Vĩnh Phú, Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh. Song nguy hiểm hơn là nếu các loại bụi trên không được xử lý tốt thì có thể gây cháy nổ ngay tại xưởng sản xuất.
Ô nhiễm khí độc. Các loại khí thải ra chủ yếu là Cl2, NaOH, NH3, CO, CO2 từ tẩy nhuộm, in hoa, lò ga, hoá chất mài quần áo bò gây ra ô nhiễm cục bộ từng khu vực.
Việt Nam đã ban hành luật môi trường và các tiêu chuẩn Nhà nước về môi trường nên việc đầu tư xử lý môi trường không chỉ là vấn đề chủ quan mà còn là một thực tế khách quan đối với các đơn vị của ngành Dệt - May, sao cho đến năm 2005 tất cả mọi chất thải từ các nhà máy dệt cần được xử lý đúng theo tiêu chuẩn trước khi xả ra môi trường sinh thái xung quanh.