2.4.1.1 Thời gian nhàn rỗi
Một trong những tiêu chí được xác định trong khái niệm du lịch là chuyến đi du lịch được thực hiện trong thời gian nhàn rỗi của con người như: thời gian nghỉ phép, ngày nghỉ cuối tuần, thời gian rỗi khi đi công tác,…Không có thời gian nhàn rỗi thì con người không thể thực hiện được các chuyến đi.
2.4.1.2. Thu nhập
Ngành du lịch chỉ phát triển khi có khách du lịch. Nhân tố hình thành nên khách du lịch bao gồm thời gian rỗi, động cơ – nhu cầu đi du lịch, khả năng tài chính. Chúng ta thấy rằng khả năng tài chính của cá nhân mỗi du khách đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy bước chân của du khách tham gia cuộc hành trình. Để có thể đi du lịch và tiêu dùng dịch vụ du lich, người ta phải có phương tiện vật chất đầy đủ để thanh toán nhiều loại hàng hóa và dịch vụ như: trả tiền tàu xe, tiền nhà ở và các khoản chi phí khác cho các dịch vụ bổ sung,..
2.4.1.3. Trình độ văn hóa
Trình độ văn hóa cao tạo điều kiện cho việc phát triển du lịch. Trong các nước mà nhân dân có trình độ văn hóa cao thì số người đi du lịch ra ngoài tăng lên không ngừng với cường độ cao. Trình độ văn hóa thấp ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch: ăn xin, cướp giật, ép khách mua hàng,…
Một quốc gia giàu có về tài nguyên du lịch nhưng nếu không biết sử dụng trí óc của con người để phát huy hết giá trị của tài nguyên đó thì coi như “muối bỏ bể”. Ngược lại, có những quốc gia nghèo về tài nguyên du lịch nhưng biết phát huy hợp lí sẽ thu hút được lượng khách du lịch rất lớn và ngành du lịch sẽ phát triển bền vững.
2.4.1.4. Kinh tế
Một trong những yếu tố quan trọng có ảnh hưởng đến sự phát sinh và phát triển du lịch là điều kiện kinh tế. Nền kinh tế phát triển là tiền đề cho sự ra đời và phát triển của ngành kinh tế du lịch. Theo ý kiến của các chuyên gia kinh tế thuộc hội đồng kinh tế và xã hội của Liên Hợp Quốc, một đất nước có thể phát triển du lịch một cách vững chắc nếu nước đó tự sản xuất được phần lớn số của cải vật chất cần thiết cho du lịch.
Sự phát triển của nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm có ý nghĩa quan trọng với phát triển du lịch. Đây là cơ sở cung ứng nhiều hàng hóa nhất cho du lịch. Ngành công nghiệp dệt cung cấp cho các xí nghiệp du lịch các loại vải để trang bị phòng khách, các loại khăn trải bàn, ga giường,… Ngành công nghiệp chế biến gỗ trang bị đồ gỗ cho các văn phòng, cơ sở lưu trú.
Trên bình diện cả nước, nền kinh tế ngày càng phát triển, nhiều công trình cao cấp, nhiều khách sạn, resort liên kết với nước ngoài được đầu tư xây dựng. Đó là cơ sở để chúng ta có cơ sở và đảm bảo khả năng khai thác và đón tiếp nguồn khách quốc tế đến tham quan.
Ngày nay điều kiện kinh tế của con người được nâng cao rõ rệt và vấn đề ăn, mặc trở thành thứ yếu. Nhu cầu được nghỉ ngơi, giải trí và giao lưu tình cảm xuất hiện. Hiện nay, trong các nước kinh tế phát triển, du lịch trở thành nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống của họ. Các nhà nghiên cứu kinh tế du lịch đã đưa ra nhận định là ở các nước kinh tế phát triển nếu nhu cầu quốc dân trên mỗi người tăng lên 1% thì chi phí du lịch tăng lên 1.5%.
2.4.1.5. Hệ thống giao thông vận tải
Khi nói đến nền kinh tế của đất nước, không thể không nói đến giao thông vận tải. Từ xa xưa, giao thông vận tải đã trở thành một trong những nhân tố chính cho sự phát triển của du lịch, đặc biệt là du lịch quốc tế. Giao thông vận tải ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch trên hai phương diện: số lượng và chất lượng.
Trong những năm gần đây, giao thông vận tải đã có những bước chuyển biến quan trọng và điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của du lịch. Sự phát triển về số lượng của các phương tiện vận chuyển đã làm cho mạng lưới giao thông vươn tới được mọi nơi trên đất nước. Song song đó là sự phát triển các loại hình
phương tiện vận chuyển đã làm cho hoạt động du lịch trở nên tiện lợi, có khả năng đáp ứng tốt nhu cầu của du khách. Giúp du khách di chuyển nhanh hơn, đảm bảo được sự an toàn trong vận chuyển, vận chuyển với giá rẻ hơn,…
2.4.1.6. An ninh chính trị và an toàn xã hội
Để du lịch không ngừng phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, sự phối hợp chặt chẽ giữa quốc phòng và an ninh với các hoạt động du lịch cũng như các ngành kinh tế khác có ý nghĩa cực kì quan trọng. Sự đảm bảo vững chắc về quốc phòng, an ninh tạo môi trường ổn định cho đất nước và khách đến tham quan.
Du lịch, bên cạnh việc nghỉ ngơi là “thẩm nhận những giá trị vật chất, tinh thần độc đáo, khác lạ với quê hương mình” điều này đòi hỏi sự giao lưu, đi lại của du khách giữa các quốc gia, các vùng với nhau. Bầu chính trị hòa bình, hữu nghị sẽ kích thích sự phát triển của du lịch quốc tế. Một thế giới bất ổn về chính trị, xung đột về sắc tộc, tôn giáo làm ảnh hưởng tới việc phát triển du lịch tức là nó không làm tròn “sứ mệnh” đối với du lịch, gây nên nỗi hoài nghi, tâm lý sợ hãi cho du khách. Tầm quan trọng của an ninh, chính trị, an toàn xã hội cho du khách du lịch là nhân tố quan trọng tạo nên sự thành bại của ngành du lịch.
2.4.1.7. Đường lối, chính sách phát triển du lịch
Chính sách phát triển du lịch là chìa khóa dẫn đến thành công trong việc phát triển du lịch. Nó có thể kìm hãm nếu đường lối sai với thực tế. Chính sách phát triển du lịch thể hiện ở hai mặt:
- Thứ nhất là chính sách du lịch chung của tổ chức du lịch thế giới đối với các nước thành viên.
- Thứ hai là chính sách của cơ quan quyền lực của địa phương của quốc gia đó. Mặt thứ hai có ý nghĩa quan trọng hơn cả vì nó huy động được sức người, căn cứ vào khả năng thực tế tại mỗi vùng, quốc gia đó để đưa ra chính sách phù hợp.