Các mô hình nghiên cứu về chất lượng dịch vụ trước

Một phần của tài liệu Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên bậc đại học hệ chính quy đối với chất lượng dịch vụ đào tạo tại trường đại học Sài Gòn (Trang 34 - 37)

Sherry, Bhat & Ling (2004) với thang đo SERVQUAL đã tiến hành nghiên cứu đo lường kỳ vọng và cảm nhận của sinh viên nước ngoài về Học viện Công nghệ UNITEC, Auckland, New Zealand. Kết quả của nghiên cứu cho thấy thang đo đạt độ tin cậy và giá trị tốt với 5 thành phần phân biệt như: tính hữu hình, độ tin cậy, đáp ứng, đảm bảo, đồng cảm; tất cả các khoảng cách giữa cảm nhận và kỳ vọng của 5 thành phần đều âm và có ý nghĩa thống kê. Trong khi chất lượng kỳ vọng của sinh viên trong nước và bản xứ khác nhau không đáng kể, thì chất lượng cảm nhận của sinh viên nước ngoài thấp hơn rất nhiều. Do đó, sinh viên nước ngoài có khoảng

cách giữa cảm nhận và kỳ vọng lớn hơn, trong đó, khoảng cách đáng kể nhất là thuộc về các thành phần cảm thông, năng lực phục vụ và khả năng đáp ứng.

Chua (2004) đã nghiên cứu đánh giá chất lượng dịch vụ đào tạo theo nhiều quan điểm khác nhau: sinh viên, phụ huynh, giảng viên và người sử dụng lao động. Kết quả nghiên cứu cho thấy hầu hết các thành phần của thang đo SERVQUAL: sinh viên, phụ huynh và người sử dụng lao động đều kỳ vọng cao hơn những gì họ nhận được. Riêng các giảng viên, sự khác biệt giữa cảm nhận và kỳ vọng xuất hiện ở hai thành phần phương tiện hữu hình và năng lực phục vụ. Tuy nhiên, Chua sử dụng cỡ mẫu nghiên cứu chưa lớn lắm, cỡ mẫu của sinh viên: 35; phụ huynh: 27; giảng viên: 10; người sử dụng lao động: 12.

Nghiên cứu của Nguyễn Thành Long (2006) đã đánh giá sự hài lòng của sinh viên đối với chất lượng dịch vụ đào tạo tại trường Đại học An Giang bằng thang đo SERVPERF. Trong đó hoạt động đào tạo được xem như một dịch vụ dưới đánh giá của khách hàng là sinh viên. Kết quả hồi quy cho thấy sự hài lòng của sinh viên chỉ phụ thuộc ba trong số năm thành phần SERVPERF là giảng viên, cơ sở vật chất, mức tin cậy vào nhà trường. Thứ tự này cũng biểu diễn độ lớn vai trò từng thành phần đối với sự hài lòng. Tác giả kết luận rằng việc sử dụng thang đo SERVPERF để đo lường chất lượng hoạt động đào tạo trong nghiên cứu này là có ý nghĩa thực tiễn. Một số hạn chế của nghiên cứu là tính đại điện chưa cao do cách lấy mẫu thuận tiện theo lớp; chưa nêu lên được khác biệt trong đánh giá của sinh viên đối với giảng viên tại chỗ và thỉnh giảng; khó có thể tổng quát hoá kết quả nghiên cứu.

Lê Phước Lượng (2010), trích từ Nguyễn Quốc Tuấn (2013). Với 63 câu hỏi khảo sát điều tra về: Cơ sở vật chất (phòng thực tập máy tính; phòng thí nghiệm cơ bản, cơ sở, chuyên ngành; thư viện, giảng đường); giảng viên (năng lực, thái độ, phục vụ, cư xử, đáp ứng công việc); nhân viên nhà trường (năng lực, thái độ phục vụ, cư xử, đáp ứng công việc) và về chương trình đào tạo của nhà trường. Kết quả nghiên cứu cho thấy các tiểu thang đo đều đạt yêu cầu của tiêu chuẩn quy định.

Nguyễn Thị Thắm (2010), đã thực hiện Luận văn khảo sát sự hài lòng của sinh viên đối với hoạt động đào tạo tại trường Đại học Khoa học tự nhiên TP. HCM.

Nghiên cứu chỉ ra rằng có 13 nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên đối với chất lượng đào tạo tại trường. Kết quả là thành phần đội ngũ giảng viên (trình độ và sự tận tâm của giảng viên, phương pháp giảng dạy và kiểm tra của giảng viên), sự phù hợp và mức độ đáp ứng chương trình đào tạo, mức độ đáp ứng từ phía nhà trường, thư viện và một số nhân tố khác có ảnh hưởng quan trọng đến sự hài lòng của sinh viên.

Đỗ Đăng Bảo Linh (2011), cũng sử dụng thang đo SERVPERF để đánh giá các nhân tố của chất lượng dịch vụ đào tạo ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên tại các trường trung cấp chuyên nghiệp địa bàn tỉnh Đồng Nai. Nghiên cứu đã chỉ ra được bốn thành phần cơ bản tác động đến sự hài lòng của sinh viên đối với chất lượng dịch vụ đào tạo của nhà trường gồm: môi trường học tập, phương tiện hữu hình, giáo viên, nhân viên. Trong bốn thành phần trên thì môi trường học tập có vai trò quan trọng nhất, tiếp đến là yếu tố giáo viên, phương tiện hữu hình, nhân viên. Sự hài lòng đối với chất lượng dịch vụ đào tạo được sinh viên cảm nhận chưa cao, đạt mức trung bình. Nhìn chung, sinh viên chưa cảm nhận cao về sự hài lòng đối với chất lượng dịch vụ đào tạo của các trường.

Nguyễn Minh Tuấn (2012), đã thực hiện nghiên cứu đánh giá sự hài lòng của sinh viên tại bốn trường đại học khác nhau, cụ thể là Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh (IU), SaigonTech (SGT), Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh (UTE) và Trường Đại học Ngoại ngữ và Công nghệ thông tin (HUFLIT), về chất lượng dịch vụ đào tạo và mức học phí của chương trình học. Trong nghiên cứu này, chất lượng dịch vụ nhận được dựa trên năm kích thước của chất lượng dịch vụ trong công cụ SERVQUAL trong đó bao gồm độ tin cậy, đáp ứng, đảm bảo, sự đồng cảm, và hữu hình (Zeithaml, Parasuraman, Berry, năm 1990; Bresinger và Lambert, năm 1990; Crompton và MacKay, năm 1989). Sự công bằng giá nhận thức được đo như là một biến một chiều (Fair). Công cụ để đo lường sự hài lòng của sinh viên được chuyển thể từ Athiyaman (1997). Cũng như những nghiên cứu trước, nghiên cứu này chỉ ra rằng chất lượng dịch vụ đào tạo có tác động đáng kể đến sự hài lòng của sinh viên. Trong

đó cơ sở vật chất đóng vai trò quan trọng nhất, nhân tố thứ hai là chi phí khóa học tác động nhạy cảm đến người học, đội ngũ quản lý là nhân tố có tầm ảnh hưởng thứ ba, và môi trường, tài liệu học tập được xếp ở mức ảnh hưởng thứ tư.

Nguyễn Quốc Tuấn (2013), đã sử dụng thang đo SERVPERF với biến thể 6 thành phần gồm: Cơ sở vật chất, khả năng thực hiện cam kết, cán bộ nhân viên, đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo, quan tâm nhà trường với 57 biến quan sát để đo lường cảm nhận của sinh viên về chất lượng dịch vụ đào tạo bậc sau đại học ở trường Đại học Mở TP HCM. Kết quả là thành phần chương trình đào tạo có ảnh hưởng quan trọng đến sự hài lòng của sinh viên, kế đến là cán bộ nhân viên, hoạt động ngoại khóa, cuối cùng là thành phần dịch vụ thư viện và căn tin.

Một phần của tài liệu Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên bậc đại học hệ chính quy đối với chất lượng dịch vụ đào tạo tại trường đại học Sài Gòn (Trang 34 - 37)