Kiến nghị nhằm phát triển hoạt động khai thác cảng Hải Phòng
3.2.1. Kinh nghiệm phát triển cảng biển của Singapore
Như chúng ta đã biết, Singapore là một trong những nước có hệ thống cảng biển và dịch vụ cảng biển rất phát triển. Theo thống kê, năm 2002 giá trị xuất khẩu hàng hoá trên thế giới là 6.270 tỷ USD thì có hơn 80% khối lượng hàng hoá được chuyên chở bằng đường biển, trong số đó hơn một phần tư là hàng hoá và một nửa là số lượng dầu mỏ thế giới được chuyên chở qua eo biển Malacca. Singapore thành công trong lĩnh vực phát triển cảng biển và dịch vụ logistics là nhờ các nguyên nhân sau đây.
Thứ nhất, Singapore biết tận dụng lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên để phát triển hệ thống cảng trung chuyển quốc tế và cảng nước sâu. Singapore có một vị trí địa lý vô cùng thuận lợi, nằm trong eo biển Malacca, trấn giữ con đường hàng hải huyết mạch từ đông sang tây và nối liền Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Với một tầm nhìn chiến lược, ngay từ những năm đầu của thập niên 80 của thế kỷ 20, Singapore đã tiến hành đầu tư cho hạ tầng một cách đồng bộ để chuẩn bị cho sự phát triển của cảng biển và dịch vụ logistics sau này.
Thứ hai, giải quyết tốt bài tóan về vốn cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và cảng biển thông qua trái phiếu chính phủ và tiết kiệm trong nước là vốn. Để có thể huy động nguồn vốn cho đầu tư cơ sở hạ tầng, Chính phủ Singapore đã phát hành trái phiếu chính phủ. Năm 2001, nguồn vốn huy động được từ trái phiếu chính phủ lên đến 92 tỷ đô la Singapore. Ngòai ra, Chính phủ cũng đưa ra một chương trình tiết kiệm bắt buộc đối với tất cả người lao động Singapore do quỹ tiết kiệm Trung ương Singapore quản lý (quỹ CPF). Tiếp đó, Singapore đã thực hiện chiến lược cắt giảm thuế, vừa nhằm thúc đẩy kinh tế vĩ mô, vừa khiến quốc gia này trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Nhờ vậy đã thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngòai đến đầu tư tại Singapore từ đó tạo nguồn hàng ổn định cho các cảng họat động. Mặt khác với chính sách ưu đãi về thuế quan đã mang về cho Singapore một lượng lớn hàng container trung chuyển từ các quốc gia khác trong khu vực. Trong 3 thập niên qua, chính phủ
Singapore chủ yếu đã sử dụng các nguồn vốn trên để đầu tư, phát triển một cách đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng như xây dựng hệ thống cảng trung chuyển, các đường cao tốc hiện đại, sân bay tốt nhất thế giới Changi, các trung tâm logistics cũng như cơ sở hạ tầng cho ngành viễn thông, cáp quang hiện đại.
Thứ ba, Singapore đã chủ động ứng dụng triệt để những thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại vào họat động khai thác và quản lý điều hành cảng biển. Một số công nghệ tiêu biểu mà PSA corp đã đầu tư và đang ứng dụng tại các cảng ở Singapore có thể kể như: CITOS -Công nghệ Computer Integrated Terminal Operations System (Hệ thống vận hành cảng được tích hợp máy tính); Portnet® ; Flow Through Gate System, hệ thống Cửa ra kiểu dòng chảy xuyên. Chính nhờ việc đầu tư và ứng dụng công nghệ thông tin đã tạo ra bước phát triển đột phá trong lĩnh vực cảng biển, biến Singapore trở thành một trong những cảng biển hiện đại và đông đúc nhất trong khu vực và trên thế giới, hỗ trợ một cách tích cực và hiệu quả cho họat động logistics. Cho đến nay, Singapore được đánh giá là cảng thu hút nhiều tàu thuyền qua lại nhất trong khu vực và trên thế giới, là nơi trung chuyển của hơn 400 hãng tàu lớn trên thế giới và liên kết hơn 700 cảng của trên 130 nước. Singapore hiện đang khai thác 4 cảng container và 2 cảng đa năng với tổng cộng 41 bến. Ngòai ra 4 bến khác thuộc cảng container Pasir Panjang cũng đang được xây dựng. Năm 2006 Singapore đã trung chuyển 24,792 triệu TEU, thu về 3,736 tỷ đô la . Mới đây nhất, năm 2007 Singapore cũng đã trung chuyển một lượng kỷ lục là 27,9 triệu TEU, tiếp tục giữ vị trí cảng nhộn nhịp nhất thế giới trong cuộc cạnh tranh căng thẳng với Shanghai và Hongkong .
Thứ tư, Singapore đã chuẩn bị tốt hệ thống hạ tầng giao thông, đặc biệt là hệ thống cảng biển trước một bước để đón đầu sự phát triển của dịch vụ logistics. Hệ thống hạ tầng được xây dựng đồng bộ, hòan chỉnh, cơ sở vật chất cảng biển hiện đại đi trước một bước đã tạo điều kiện cho ngành dịch vụ logistics của Singapore phát triển rất mạnh. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong khu vực cũng như trên thế giới thì ngành dịch vụ logistics ở Singapore được xem là phát triển nhất Châu Á với sự hỗ trợ tích cực và hiệu quả của hệ thống cảng biển hiện đại và hầu hết các khâu trong tất cả
các họat động khai thác cảng biển đều được ứng dụng các công nghệ tiên tiến, đặc biệt là công nghệ thông tin.
3.2.2. Các giải pháp đối với cảng Hải Phòng
Nghị quyết số 32/NQ-TW ngày 05 tháng 8 năm 2003 của Bộ chính trị về xây dựng và phát triển Thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đã khẳng định: “ Hải Phòng là Thành phố Cảng lâu đời, nằm ở vị trí trung tâm vùng duyên hải Bắc bộ, là đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc, giao lưu thuận lợi với các địa phương trong nước và quốc tế. ”
Xác định rõ vai trò của cảng biển đối với sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của Thành phố, trong những năm qua hệ thống Cảng biển trên địa bàn Hải Phòng đã không ngừng đổi mới về tổ chức sản xuất, tăng cường công tác đầu tư, áp dụng các công nghệ tiên tiến nhằm từng bước nâng cao chất lượng quản lý và hiệu quả sản xuất, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước và Thành phố.
Tuy nhiên hệ thống cảng biển trên địa ban Thành phố cũng còn một số hạn chế, bất cập. Chính vì thế, tôi xin có một số đề xuất kiến nghị để hệ thống cảng biển Hải Phòng phát triển đáp ứng các mục tiêu của đề án đã đề ra như sau.