7. Kết cấu của đề tài
2.1.2. Một số tình huống có vấn đề thường được tổ chức trong dạy học Tiếng Việt
Trong nghiên cứu, khi đưa ra các dấu hiệu bản chất của dạy học nêu vấn đề và tình huống có vấn đề, các nhà nghiên cứu đều quan tâm đến việc phân chia các loại tình huống có vấn đề. Chúng tôi, trong phạm vi nghiên cứu của mình, tập trung vào 4 tình huống thường gặp trong dạy học TV và có nhiều tác dụng trong việc phát huy hoạt động tích cực nơi HS như sau:
2.1.2.1. Tình huống lựa chọn
Tình huống lựa chọn xuất hiện khi HS đứng trước một số cách giải quyết và cần lựa chọn cách giải quyết hợp lí nhất, tối ưu nhất. Tình huống lựa chọn thường được tạo ra dựa trên mâu thuẫn giữa kiến thức cũ và kiến thức mới trong một bài, thể hiện bằng một câu hỏi hay bài tập có vấn đề với những phương án, kết luận khác nhau về một hiện tượng TV trong các ngữ liệu cho sẵn. Thông qua việc lựa chọn phươg ná đúng theo yêu cầu của tình huống có vấn đề, HS sẽ tìm được tri thức mới cho bài học.
Tình huống lựa chọn được ứng dụng trong phần nhập đề (giới thiệu bài mới) hay phần nội dung của bài lí thuyết, bài ôn tập, luyện tập hay thực hành TV. Ngoài ra tình huống lựa chọn còn được sử dụng để tổ chức các hoạt động ngoại khóa TV.
Khi thực hiện tình huống lựa chọn, GV cần lưu ý quan tâm đến trình độ của HS để đặt ra các phương án lựa chọn cho phù hợp vừa chứa đựng tri thức mới và đặc biệt là phải kích thích tâm lí tìm tòi của HS. Ở tình huống lựa chọn, GV phải đưa ra một loạt các đối tượng thuộc các phạm trù gần nhau, hoặc đối lập với nhau để HS tiến hành lựa chọn. Giữa các phương án lựa chọn phải có ranh giới rõ ràng, các điều kiện và dữ kiện phải đủ để HS so sánh, lập luận, suy luận để đưa ra kết quả. Các phương án đúng và phương án sai bao giờ cũng phải có một khoảng cách sao cho HS rơi vào tâm trạng thú vị của sự bất ngờ khi tìm được phương án đúng.
Ví dụ khi dạy bài “Những yêu cầu về sử dụng tiếng Việt”, GV có thể đưa ra một số ngữ liệu để HS phân tích và lựa chọn theo đúng yêu cầu sử dụng của tiếng Việt, từ đó HS có thể thấy được sự khác nhau giữa các phương án lựa chọn rồi đưa rút ra kết luận về những yêu cầu sử dụng tiếng Việt.
2.1.2.2. Tình huống không phù hợp
Tình huống không phù hợp là tình huống được tạo ra bằng cách giới thiệu những hiện tượng “nghịch lí” trái với quan niệm thông thường và kinh nghiệm cá nhân của HS vào một thời điểm nào đó. Tình huống không phù hợp được thể hiện trong một câu hỏi hay bài tập chứa đựng mối quan hệ gắn bó giữa kiến thức cũ và kiến thức mới, “cái mới” không còn phù hợp với “cái cũ” ở một phương diện nào đấy. Chính cái không phù hợp đó lại là thuộc tính mới của đối tượng mà HS phải khám phá và nhận thức.
Tình huống không phù hợp được ứng dụng để tổ chức dạy các kiểu bài lý thuyết và thực hành, dùng để tổ chức các hoạt động ngoại khóa TV, góp phần mở rộng tầm nhìn cho HS, giúp họ tiếp xúc với thực tiễn hoạt động phong phú của tiếng mẹ đẻ.
Khi tổ chức tình huống không phù hợp, GV cần quan tâm tới kinh nghiệm của cá nhân HS (gồm tri thức về tiếng mẹ đẻ mà HS đã tích lũy được bằng con đường tự giác và tự phát trong suốt quá trình học tập). Sự không phù hợp được nêu ra ở tình huống có vấn đề là sự không phù hợp có tính chất nhất thời so với kinh nghiệm của HS.
Ví dụ: Tổ chức tình huống không phù hợp khi dạy bài “Ngữ cảnh”. Tình huống trong bài tập 5 (phần Luyện tập): Trên đường đi, hai người không quen biết nhau. Một người hỏi: “Anh có đồng hồ không?”. GV đặt vấn đề: Trong trường hợp này mục đích của người hỏi là gì? (Muốn hỏi về thời gian), người kia cần trả lời như thế nào? ( Trả lời về thông tin thời gian). Như vậy giữa câu hỏi và câu trả lời dường như không đề cập đến một vấn đề. Theo em tại sao người kia lại đáp như vậy?. HS sẽ dựa vào sự hiểu biết, kinh nghiệm của bản thân để giải quyết vấn đề này.
2.1.2.3. Tình huống phản bác
Tình huống phản bác là tình huống tạo ra cho HS cơ hội tranh luận, bàn bạc, phê phán… một hiện tượng TV nào đó không phù hợp với yêu cầu đặt ra ở bài học. Nếu ở tình huống lựa chọn GV đưa ra nhiều phương án để HS chọn một phương án duy nhất đúng thì ở tình huống phản bác, vấn đề được đặt ra bằng một phương án sai để yêu cầu HS phản bác phương án sai đó. Tình huống phản bác được thể hiện bằng một câu hỏi hay một bài toán có vấn đề chứa đựng mâu thuẫn đối lập giữa đúng và sai.
Tình huống phản bác được ứng dụng trong tất cả các công đoạn của giờ lí thuyết và thực hành TV. Ngoài ra, tình huống phản bác còn được sử dụng khi tổ chức các hoạt động ngoại khóa TV.
Đối với tình huống phản bác, GV luôn phải tạo cơ hội cho HS tranh luận bày tỏ quan điểm của mình. Trọng tâm cần đạt được qua ý kiến tranh luận của HS là khả năng lập luận về một vấn đề. Dùng tình huống phản bác khi dạy TV, GV sẽ tổ chức được một giờ học sôi nổi hấp dẫn và có hiệu quả. Vấn đề đặt ra cho HS tranh luận phải rõ ràng và phải được xây dựng từ nội dung tri thức của bài học.
Thông thường, GV hay đưa ra phương án sai để HS bày tỏ quan điểm, dựa và sự hiểu biết của mình để phát hiện cái sai của vấn đề. Ví dụ khi dạy bài “Ngữ cảnh”, GV có thể đưa ra bài tập sau:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
“Gửi ban giám hiệu trường ta Cùng cô chủ nhiệm chính là cô Nhung
Hôm nay em viết đơn này
Kính xin được nghỉ một ngày dưỡng thương Em tuy vẫn nhớ lớp, trường
Nhưng mà sức khỏe khó lường mối nguy Suốt đêm em sốt li bì
Trán nay nóng hổi, yếu suy quá chừng Việc học chắc phải tạm ngừng Để còn điều trị kẻo chừng… thăng thiên!
Bài ghi em sẽ chép liền Em xin lỗi đã làm phiền thầy cô!”.
(Theo “Vietnamnet”)
Đặt vấn đề: Đây là đơn xin phép nghỉ học của một HS lớp 11 gửi cho cô giáo chủ nhiệm. Sau khi đọc xong, cô giáo đã yêu cầu bạn HS ấy viết lại. Theo em, tại sao đơn của bạn ấy không được chấp nhận?
Bài tập này đã tạo ra tình huống để HS bày tỏ quan điểm, vận dụng những hiểu biết của mình về văn bản hành chính mà HS đã được học ở lớp 7,8 để phản bác về hình thức trình bày, cách dùng từ, viết câu trong lá đơn.
2.1.2.4. Tình huống giả định
Tình huống giả định là tình huống đặt HS trước những giả thiết về một hiện tượng TV nào đó, yêu cầu HS tham gia thể nghiệm bằng cách xử lí những yêu cầu cụ thể đặt ra trong những ngữ liệu, những bài tập TV.
Tình huống giả định được sử dụng trong các giờ lí thuyết, ôn tập hay các giờ ngoại khóa TV.
Khi tổ chức tình huống giả định, GV thường đưa ra các bài tập có chứa một khái niệm, quy tắc nào đó theo một hướng giả định đã chuẩn bị trước. Sau khi tiếp nhận bài toán và thực hiện những thao tác biến đổi cần thiết của quy trình giải, HS sẽ thu được một kết quả mới khác xa với bài tập ban đầu về nội dung, hình thức, kết
cấu, giá trị… GV có thể đưa ra những bài tập có những dữ kiện chưa chính xác hoặc không phù hợp với yêu cầu của bài toán để HS điều chỉnh và chọn dữ kiện đúng và phù hợp.
Muốn tạo ra tình huống giả định GV cần phân tích rõ quan hệ bản chất của hiện tượng ngôn ngữ, rồi căn cứ vào các dấu hiệu bản chất đó đặt ra các giả định. Có như vậy thì sự biến đổi trong tình huống giả định mới thực sự khác biệt so với hiện tượng ban đầu. Sự phát biệt càng cơ bản, càng rõ ràng thì HS càng nắm chắc đặc điểm của đối tượng.
Ví dụ xây dựng tình huống giả định khi dạy bài “Lựa chọn trật tự các bộ phận trong câu”:
Bài tập: Đọc đoạn trích, chú ý trật tự các bộ phận in đậm trong câu:
Hắn móc đủ loại túi, để tìm một cái gì, hắn giơ ra: đó là một con dao nhỏ,
nhưng rất sắc. Hắn nghiến răng nói tiếp:
- Vâng, bẩm cụ, không được thì con phải đâm chết dăm ba thằng, rồi cụ bắt con giải huyện.
(Nam Cao, Chí Phèo)
Đặt vấn đề: Em có nhận xét gì nếu thay đổi trật tự sắp xếp “nhỏ nhưng rất sắc” thành “rất sắc nhưng nhỏ” trong đoạn trích trên? Theo em, tại sao tác giả lại sắp xếp như vậy?
Với bài tập này, HS phải thực hiện đảo trật tự từ trong vế in đậm, sau đó so sánh, đối chiếu với trật tự trong nguyên bản, nhận xét ý nghĩa, sự liên hệ với các câu trước và sau trong hai trường hợp để nhận thấy rằng cách sắp xếp trật tự từ trong câu của tác giả là có chủ ý và hợp lí. Bởi vì nếu sắp xếp theo trật tự “rất sắc nhưng nhỏ” thì nội dung ý trong nội bộ câu dù không thay đổi nhưng sự liên kết với câu đi sau không phù hợp. Mục đích của Chí Phèo rút dao là để uy hiếp, hăm dọa Bá Kiến. Do đó đặc tính “rất sắc” của con dao cần được đặt vào vị trí có hiệu lực mạnh – vị trí cuối câu, sau đặc tính “nhỏ”. Việc sắp xếp theo trật tự “nhỏ nhưng rất sắc” là phù hợp với sự liên kết ý câu trước và câu sau.