Những nhân tố ảnh hưởng đến vai trò của các khu công nghiệp đối với phát triển kinh tế xã hội ở tỉnh Bắc Ninh

Một phần của tài liệu LUẬN văn THẠC sĩ KINH tế CHÍNH TRỊ VAI TRÒ của các KHU CÔNG NGHIỆP đối với PHÁT TRIỂN KINH tế xã hội ở TỈNH bắc NINH (Trang 25 - 32)

nghiệp đối với phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh Bắc Ninh

Có nhiều nhân tố ảnh hưởng đến vai trò của các KCN đối với phát triển KT - XH ở tỉnh Bắc Ninh, tuy nhiên, tựu chung lại có hai nhân tố chính đó là nhân tố khách quan và nhân tố chủ quan.

* Nhân tố khách quan

Một là, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của Tỉnh.

Về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên: Bắc Ninh nằm trong vùng châu thổ sông Hồng, tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội và vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh); có hệ thống giao thông thuận lợi; địa hình tương đối bằng phẳng, chủ yếu là đồng bằng, địa chất của vùng ổn định; mạng lưới sông ngòi khá dày đặc; diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 47.615 ha chiếm 57,88% tổng diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh; đất phi nông nghiệp là 34.441 ha chiếm 41,86% tổng diện tích đất tự nhiên (trong đó đất dành cho khu, cụm công nghiệp là 5.115 ha); đất chưa sử dụng là 215 ha chiếm 0,26% [13, tr. 21-22]. Ngoài ra, Bắc Ninh có một số loại tài nguyên kháng sản như đất sét, đá cát, than bùn [13, tr. 20]… Đây là thế mạnh của tỉnh Bắc Ninh trong thu hút vốn đầu tư, khoa học công nghệ tiên tiến vào tỉnh nói chung và các KCN nói riêng. Các điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên là cơ sở để các KCN của tỉnh sản xuất ổn định, tạo nên giá trị sản xuất cao, tăng kim ngạch xuất khẩu của Tỉnh, tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước.

Điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục: Về kinh tế, tổng sản phẩm trên địa bàn Tỉnh năm 2016 theo giá so sánh năm 2010 phân theo khu vực

kinh tế là 109.106,2 tỷ đồng, tăng 8,96% so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, theo đó trong khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 76,27%, dịch vụ là 19,06%; Nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm còn 4,67%. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2016 đạt 79.785,2 tỷ đồng, tăng 10,4% so với năm 2015 [13, tr. 107]. Thu nhập bình quân theo đầu người năm 2016 là 4.847 USD tăng 2,9% so với năm 2015 [13, tr. 123]. Đây là tiền đề để tỉnh Bắc Ninh tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho các KCN, tạo điều kiện để kinh tế của tỉnh phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Chất lượng giáo dục, đào tạo toàn diện, có bước tiến bộ rõ rệt; Lao động, việc làm và công tác xã hội được quan tâm; Triển khai xây dựng đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đẩy mạnh thực hiện chương trình kiên cố hóa trường học, xây dựng các trường đạt chuẩn quốc gia. Đây là cơ sở để nâng cao trình độ tay nghề cho lao động làm việc trong các KCN, góp phần cùng các KCN đào tạo nguồn nhân lực.

Tuy nhiên, về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội còn có một số khó khăn: Quỹ đất của tỉnh Bắc Ninh còn hẹp, ảnh hưởng lớn đến việc mở rộng các KCN, do vậy chưa phát huy hết vai trò của KCN. Tài nguyên khoáng sản còn quá ít và có trữ lượng thấp là hạn chế lớn cho quá trình phát triển công nghiệp, cung cấp tài nguyên cho các KCN của Tỉnh. Kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội tuy được cải thiện nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển và yêu cầu cao của các nhà đầu tư trong và ngoài nước; Lực lượng lao động đã qua đào tạo còn thấp, tác phong công nghiệp của lao động trong tỉnh vẫn còn hạn chế… Đây chính là những khó khăn chính ảnh hưởng đến vai trò của KCN đối với sự phát triển KT - XH.

Hai là, vị trí và tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp

Khu công nghiệp được xây dựng ở vị trí gần các tuyến đường giao thông quan trọng như gần quốc lộ 1A, 1B, quốc lộ 18, quốc lộ 38 nên đảm bảo thuận lợi về giao thông, vận chuyển và trao đổi hàng hóa. Các KCN lại

nằm cách biệt với khu dân cư, điều đó sẽ tránh được những tác động, ảnh hưởng trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của KCN đối với dân cư, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các KCN phát triển cơ sở hạ tầng trong và ngoài hàng rào. Các KCN được xây dựng, bố trí với một khoảng cách hợp lý với các khu đô thị, trung tâm văn hóa, xã hội của địa phương và thuận lợi cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng như: giao thông, hệ thống thông tin, viễn thông và nguồn điện, nước… tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất của các KCN, đồng thời tạo sự lan tỏa đối với sự phát triển KT - XH của địa phương, hình thành nên các khu đô thị mới của vùng.

Tỷ lệ lấp đầy diện tích quy hoạch các KCN cũng ảnh hưởng lớn đến vai trò của các KCN đối với sự phát triển KT - XH. Tỷ lệ lấp đầy các KCN cao thể hiện các doanh nghiệp vào hoạt động trong KCN nhiều, tạo điều kiện thuận lợi trong thu hút tối đa lượng vốn đầu tư trong nước và quốc tế, gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, thu hút lao động, tạo ra nhiều việc làm cho công nhân, tránh gây lãng phí tài nguyên đất của địa phương. Nếu tỷ lệ lấp đầy các KCN thấp sẽ không cho phép tận dụng được cơ hội sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp muốn đầu tư vào đó, không giải quyết được nhiều việc làm cho người lao động và gây lãng phí tài nguyên đất do bỏ trống, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của người dân và gây ra các vấn đề xã hội khác.

Ba là, môi trường chính trị, kinh tế, xã hội.

Các nhà đầu tư ngoài việc xem xét các ưu đãi về kinh tế của nơi tiếp nhận đầu tư mà còn rất quan tâm tới sự ổn định về chính trị, xã hội vì nó đảm bảo sự ổn định vững chắc trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các chủ thể tham gia kinh doanh và đầu tư vào các KCN. Do vậy, để vai trò của các KCN đối với phát triển KT - XH ở Bắc Ninh được phát huy thì cần có sự ổn định về chính trị, xã hội, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài vào địa phương nói chung và vào các KCN nói riêng. Thực tiễn ở tỉnh Bắc Ninh, trong những năm qua, do tình hình chính trị, xã hội ổn định, tình hình an ninh chính trị được bảo đảm đã tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư

ngày càng nhiều vào Tỉnh, trong đó có các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư với lượng vốn lớn, khoa học công nghệ hiện đại. Điều đó giúp các doanh nghiệp KCN ổn định sản xuất, tạo ra giá trị xuất khẩu cao, tăng thu ngân sách cho Tỉnh, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động.

Bốn là,kết cấu hạ tầng của khu vực xây dựng khu công nghiệp.

Một yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến vai trò của KCN với sự phát triển KT - XH ở tỉnh Bắc Ninh là kết cầu hạ tầng kinh tế, xã hội của các KCN: hệ thống giao thông, điện, thông tin liên lạc, nước,... và kết cấu hạ tầng xã hội khác: Y tế, trường học, nhà văn hóa… Hầu hết các KCN của Tỉnh đều được xây dựng trên các khu đất mới, do đó nếu kết cấu hạ tầng cả trong và ngoài hàng rào KCN được xây dựng đồng bộ thì dễ dàng thu hút và hấp dẫn các nhà đầu tư, phát huy vai trò của các KCN. Như hệ thống giao thông đủ rộng và hiện đại sẽ thuận tiện cho các phương tiện vận tải vận chuyển và lưu thông hàng hóa. Hệ thống điện đảm bảo công suất và cấp đủ ngay cả khi có sự cố lưới điện quốc gia sẽ giúp cho doanh nghiệp sản xuất ổn định và đạt hiệu quả, không bị dừng sản xuất trong mọi tình huống. Hệ thống đèn chiếu sáng đủ độ sáng cần thiết và thường xuyên để đảm bảo an toàn cho người đi lại và an ninh của KCN. Hệ thống cung cấp nước đầy đủ và hiện đại, bền vững để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất ổn định và năng suất cao. Hệ thống thoát nước phải được quy hoạch đồng bộ có tính toán lâu dài. Các trạm xử lý nước thải, rác thải phải được xây dựng nhằm đảm bảo hạn chế đến mức thấp nhất ô nhiễm môi trường từ hoạt động của các nhà máy, xí nghiệp trong các KCN...

Cùng với đó là hạ tầng xã hội như nhà ở, khu vui chơi, giải trí,... nhằm ổn định, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động làm việc trong các KCN. Người lao động trong KCN có nơi ăn, ở ổn định thì họ sẽ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, điều đó sẽ góp phần giúp phát huy hơn nữa vai trò của các KCN đối với phát triển KT - XH.

* Nhân tố chủ quan

Một là, năng lực, vốn và trình độ công nghệ của các dự án đầu tư vào các khu công nghiệp ở tỉnh Bắc Ninh.

Vốn đầu tư bao gồm vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và vốn đầu tư vào các dự án sản xuất trong các KCN. Các KCN ở Bắc Ninh đã thu hút được nhiều dự án sản xuất có tỷ lệ vốn đầu tư trên quy mô sử dụng đất cao , điều đó giúp thu hút được nhiều máy móc thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến. Đồng thời, có công nghệ tiên tiến, hiện đại sẽ tiêu thụ ít nguyên nhiên liệu, tạo ra năng suất lao động cao, hạn chế ô nhiễm môi trường, góp phần nâng cao trình độ tay nghề và thu nhập của người lao động. Các dự án sử dụng công nghệ cao còn góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh doanh nghiệp KCN trên thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu. Đây chính là cơ sở để doanh nghiệp phát triển sản xuất, góp phần nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Bắc Ninh theo hướng CNH, HĐH. Ngược lại, một số dự án đầu tư vào KCN Bắc Ninh có trình độ công nghệ lạc hậu, tiêu thụ nhiều nguyên nhiên liệu, sử dụng nhiều lao động, gây ô nhiễm môi trường...

Hai là, nhân tố con người, chất lượng nguồn nhân lực

Trong những năm qua, Tỉnh ủy Bắc Ninh đã xây dựng nhiều chương trình hành động, trong đó nhiệm vụ được quan tâm đầu tiên là xây dựng con người Bắc Ninh phát triển toàn diện, với những đức tính quý báu. Đây là cơ sở, nhân tố quan trọng góp phần tạo ra nguồn lao động có chất lượng cao, được đào tạo và cần cù lao động. Tuy nhiên, nguồn lao động tại chỗ ở địa phương trong toàn tỉnh Bắc Ninh về cơ bản vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu cao của các khu công nghiệp khi đi vào hoạt động.

Nguồn nhân lực tại chỗ phục vụ cho các KCN ở tỉnh Bắc Ninh bao gồm đội ngũ cán bộ quản lý KCN, quản lý trong doanh nghiệp và người lao động.

Để nâng cao hiệu quả, vai trò của các KCN đối với sự phát triển KT - XH cần có đội ngũ cán bộ quản lý KCN, doanh nghiệp có trình độ chuyên môn, năng lực tốt; Có lực lượng công nhân kỹ thuật lành nghề để có thể đáp ứng một cách tốt nhất nhu cầu rất đa dạng của sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, trình độ chuyên môn kĩ thuật của người lao động địa phương đang là những cản trở không nhỏ tới vai trò của KCN đối với KT - XH của tỉnh. Số lượng lao động địa phương trong các KCN còn ít, chất lượng lao động địa phương còn chưa bảo đảm, nhiều lao động trình độ tay nghề chưa cao, chưa được đào tạo, chưa đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu phát triển của các doanh nghiệp trong các KCN, đặc biệt là các doanh nghiệp có trình độ khoa học công nghệ tiên tiến.

Ba là, chủ trương chính sách, cơ chế và môi trường đầu tư thuận lợi của tỉnh Bắc Ninh.

Một nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến vai trò của KCN đối với phát triển KT - XH là chủ trương chính sách, cơ chế và môi trường đầu tư thuận lợi. Một chính sách toàn diện, cơ chế đầy đủ, minh bạch, rõ ràng, thông thoáng sẽ tạo ra môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào các KCN. Nếu chính sách ưu đãi tốt sẽ giảm được chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận kinh doanh tạo hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng, giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính, không gây trở ngại cho các nhà đầu tư và có nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư vào KCN sẽ tạo sự hấp dẫn với các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ đưa doanh nghiệp đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm chi phí đầu tư và tăng lợi nhuận kinh doanh, giúp các doanh nghiệp nhanh chóng ổn định sản xuất, tạo ra giá trị sản xuất cao, tăng giá trị xuất khẩu, tạo ra nhiều việc làm…

* * *

Khu công nghiệp ở nước ta là khu chuyên sản xuất hàng công nghiệp và thực hiện các dịch vụ cho sản xuất công nghiệp, có ranh giới địa lý xác định,

không có dân cư sinh sống, do Chính phủ quyết định thành lập. Việc xây dựng, phát triển các KCN là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta nói chung và của tỉnh Bắc Ninh nói riêng để thúc đẩy sự phát triển KT - XH trên địa bàn. Các KCN ở tỉnh Bắc Ninh là một kênh quan trọng để thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài;tạo nên giá trị gia tăng cao về giá trị sản xuất công nghiệp, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh; là nhân tố quan trọng nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, góp phần tăng thu ngân sách địa phương. Các KCN đã góp phần quan trọng trong giải quyết việc làm, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao thu nhập, đời sống và trình độ của người lao động; thúc đẩy sự phát triển của các loại hình dịch vụ phục vụ sản xuất công nghiệp và đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa; góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng xã hội. Vai trò của các KCN đối với phát triển KT - XH ở tỉnh Bắc Ninh chịu sự tác động, ảnh hưởng của các nhân tố khách quan và chủ quan như: Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của Tỉnh; vị trí, tỷ lệ lấp đầy của các KCN trên địa bàn tỉnh; môi trường kinh tế, chính trị - xã hội; kết cấu hạ tầng, vốn và trình độ công nghệ của các dự án đầu tư vào KCN; nguồn lao động và cơ chế chính sách, môi trường đầu tư vào các KCN. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Chương 2

Một phần của tài liệu LUẬN văn THẠC sĩ KINH tế CHÍNH TRỊ VAI TRÒ của các KHU CÔNG NGHIỆP đối với PHÁT TRIỂN KINH tế xã hội ở TỈNH bắc NINH (Trang 25 - 32)