Giải pháp 3: Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý

Một phần của tài liệu Một số giải pháp phát triển đội ngũ cán bộ quản lý trường trung học cơ sở trên địa bàn quận 2, thành phố Hồ Chí Minh (Trang 76 - 79)

3.2.3.1. Mục tiêu, ý nghĩa của giải pháp

Phẩm chất và năng lực đội ngũ CBQL trường THCS là một trong những yếu tố quyết định chất lượng và hiệu quả GD&ĐT của nhà trường. Đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao phẩm chất và năng lực là yêu cầu mang tính tất yếu trong sự nghiệp phát triển giáo dục nói chung và trong việc thực hiện mục đích phát triển giáo dục THCS nói riêng.

Đào tạo, bồi dưỡng là trang bị kiến thức, truyền thụ kinh nghiệm hình thành kỹ năng, kỹ xảo trong hoạt động, hình thành nên phẩm chất

chính trị, tư tưởng, đạo đức và tâm lý, tạo nên những mẫu hình con người đặc trưng và tương ứng với một xã hội nhất định, tạo ra năng lực hoạt động cho mỗi con người: “Nội dung của đào tạo, bồi dưỡng được quy định bởi nội dung của các phẩm chất và năng lực định hướng phát triển của người CBQL giáo dục; đào tạo, bồi dưỡng còn là hoạt động nhằm khắc phục mặt tiêu cực, phát huy mặt tích cực trong mỗi con người, bù đắp những thiếu hụt, khiếm khuyết của mỗi cá nhân trong quá trình hoạt động. Quá trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng là quá trình tạo ra chất mới và sự phát triển toàn diện trong mỗi con người” [24; Tr.54].

3.2.3.2. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng

Nội dung đào tạo, bồi dưỡng CBQL giáo dục nằm trong nội dung đào tạo bồi dướng cán bộ, công chức nhà nước đã được quy định trong Quyết định 874/TT ngày 20/11/1996 của Thủ tướng Chính phủ gồm 6 nội dung cơ bản sau:

- Đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, cập nhật đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước.

- Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về hành chính nhà nước.

- Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về quản lý nhà nước trong nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN.

- Đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức quản lý các lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp.

- Đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ;

- Trang bị những kiến thức cơ bản về tin học.

Căn cứ vào những nội dung cơ bản đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ra Quyết định số 3481/GD&ĐT ngày 01/11/1997 ban hành chương trình bồi dưỡng cán bộ, công chức nhà nước của ngành GD&ĐT. Chương trình gồm 4 phần: Cung cấp và trang bị cho học viên những quan điểm cơ bản của Đảng và nhà nước về phát triển KT-XH và giáo dục trong giai đoạn hiện nay;

Trang bị cho học viên những kiến thức cơ bản về Nhà nước và Quản lý hành chính nhà nước; Trong phần này cung cấp cả phương pháp luận cũng như một số kỹ năng về quản lý GD&ĐT; Phần này đi sâu vào một số phương pháp luận, kỹ năng có tính chất chuyên biệt đối với các đối tượng cụ thể.

Những nội dung trên được xây dựng thành các chương trình để đào tạo, bồi dưỡng một cách hệ thống. Ngoài ra, Phòng GD&ĐT kiến nghị với Sở GD&ĐT thành phố cần tiến hành bồi dưỡng mang tính cập nhật và bổ túc đối với đối tượng CBQL đương chức.

3.2.3.3. Cách thức thực hiện a) Với CBQL đương chức

- Có kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên, định kỳ theo hình thức tập trung, tại chức, tự bồi dưỡng, trao đổi kinh nghiệm: Bồi dưỡng đầu năm học về nhiệm vụ, kế hoạch năm học; Bồi dưỡng giữa kỳ hay đột xuất do các nhiệm vụ quản lý đặt ra; Bồi dưỡng bổ túc các kỹ năng quản lý; Bồi dưỡng theo các chuyên đề.

- Có những quy định bắt buộc CBQL phải tham gia các khoá bồi dưỡng cập nhật kiến thức, tăng cường kỹ năng đối với CBQL. Có những chính sách khích lệ, động viên CBQL tự học, tự nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu công việc.

- Có kế hoạch đào tạo CBQL với các nội dung nhằm đáp ứng tiêu chuẩn cán bộ gồm: Đào tạo chuyên môn trên đại học, hoặc về chuyên ngành “Quản lý giáo dục” ở các trường Đại học sư phạm, Đại học quốc gia, Trường Cán bộ QLGD; Đào tạo lý luận chính trị (Trung cấp, Cao cấp) tại Học viện chính trị quốc gia, Trường Cán bộ thành phố; Đào tạo nghiệp vụ quản lý nhà nước (Trung cấp, Cao cấp) tại các Phân viện, Học viện Hành chính Quốc gia, Trường Cán bộ thành phố; Đào tạo ngoại ngữ, tin học.

b) Với CBQL trong quy hoạch

- Giai đoạn trước quy hoạch: Diện cán bộ đã qua đào tạo càng rộng, trình độ cán bộ được đào tạo càng cao thì nguồn cán bộ đưa vào quy hoạch càng phong phú và có chất lượng. Không có nguồn cán bộ đã được đào tạo sẽ gây khó khăn cho công tác quy hoạch. Bởi thiếu điều kiện, tiêu chuẩn để quy hoạch sẽ dẫn đến quy hoạch vội vã, hình thức.

- Giai đoạn sau quy hoạch: Đây là giai đoạn đào tạo, bồi dưỡng có vai trò quyết định kết quả thực hiện quy hoạch. Sau quy hoạch là một quá trình công phu, phải đào tạo, bồi dưỡng, thử thách, rèn luyện đối với cán bộ trong quy hoạch, để thực hiện có kết quả kế hoạch đã được thông qua.

Do vậy phải: Lựa chọn, cử đúng cán bộ thuộc diện quy hoạch; Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hàng năm, 5 năm; Lựa chọn nội dung, chương trình, phương thức đào tạo, bồi dưỡng... lấy tiêu chuẩn CBQL làm căn cứ; Có biện pháp thích hợp để phối hợp với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhằm quản lý cán bộ và đo lường, nắm bắt được hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng; Bố trí, sử dụng cán bộ sau đào tạo, bồi dưỡng.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp phát triển đội ngũ cán bộ quản lý trường trung học cơ sở trên địa bàn quận 2, thành phố Hồ Chí Minh (Trang 76 - 79)