Thực trạng công tác phát triển đội ngũ cán bộ quản lý trường THCS trên địa bàn quận 2, thành phố Hồ Chí Minh

Một phần của tài liệu Một số giải pháp phát triển đội ngũ cán bộ quản lý trường trung học cơ sở trên địa bàn quận 2, thành phố Hồ Chí Minh (Trang 57 - 62)

THCS trên địa bàn quận 2, thành phố Hồ Chí Minh

Thực trạng công tác phát triển đội ngũ cán bộ quản lý trường THCS trên địa bàn quận 2, thành phố Hồ Chí Minh được tổng hợp như sau:

2.2.3.1. Thực trạng công tác quy hoạch phát triển đội ngũ cán bộ quản lý trường THCS

Qua bảng tổng hợp kết quả đánh giá công tác quy hoạch phát triển đội ngũ CBQL ở các trường THCS quận 2, thành phố Hồ Chí Minh (Phụ lục 1) có thể nhận thấy rõ: Việc xây dựng tiêu chuẩn giáo viên trong diện quy hoạch CBQL ở các trường THCS chỉ được đánh giá ở mức yếu với điểm bình quân 2,9. Ngoài ra, các tiêu chí khác của công tác này cũng chỉ được đánh giá ở mức trung bình với điểm bình quân chung 3,2. Điều này hoàn toàn phù hợp với thực tế tại địa phương.

Căn cứ Kế hoạch số 14-KH/QU ngày 22/8/2006 của Ban Thường vụ Quận ủy quận 2, Hướng dẫn số 07-HD/BTC ngày 21/9/2006 về thực hiện công tác quy hoạch chức danh Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học, THCS giai đoạn 2006-2015, Phòng GD&ĐT quận 2 đã có nhiều cố gắng tham mưu thực hiện công tác xây dựng kế hoạch quy hoạch phát triển đội ngũ CBQL trường học nói chung và trường THCS nói riêng. Song phải thừa nhận là chưa quan tâm đúng mức và hiệu quả chỉ tạm đạt yêu cầu. Hầu hết các đơn vị chỉ lập danh sách cán bộ được quy hoạch, chưa xây dựng được đề án quy hoạch quy hoạch cán bộ. Quy hoạch còn nặng tính thụ động, tuần tự, khép kín, cục bộ ở trong một đơn vị; chưa làm tốt việc định kỳ xem xét, rà soát lại quy hoạch, hoặc điều chỉnh quy hoạch khi cần thiết cho

sát với thực tiễn; Số lượng cán bộ đưa vào quy hoạch ở một số đơn vị chưa đảm bảo tỷ lệ theo quy định; chưa gắn quy hoạch CBQL với các khâu khác trong công tác cán bộ (đánh giá, luân chuyển, đào tạo - bồi dưỡng, bố trí - sử dụng, chính sách cán bộ) nên có những cán bộ được quy hoạch dự nguồn nhưng đến khi quá tuổi bổ nhiệm lần đầu vẫn chưa được xem xét; Công tác dự báo, dự nguồn chưa đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài. Phương châm “động” và “mở” trong công tác quy hoạch CBQL, cán bộ kế cận chưa được vận dụng phù hợp vào thực tế.

Đây chính là nguyên nhân dẫn đến đội ngũ CBQL các trường học của quận 2 nói chung và đội ngũ CBQL trường THCS nói riêng trong những năm qua thiếu nguồn, hạn chế về chất lượng, cơ cấu chưa hợp lý về chuyên môn, độ tuổi, thâm niên quản lý... Và đây cũng chính là những vấn đề mà Phòng GD&ĐT quận 2 cần chú ý khắc phục trong thời gian tới.

2.2.3.2. Thực trạng công tác tuyển chọn, sử dụng hợp lý năng lực, sở trường của đội ngũ CBQL

Từ số liệu tổng hợp ở bảng phụ lục 2 vế kết quả khảo sát đánh giá thực trạng công tác tuyển chọn, bổ nhiệm, luân chuyển, miễn nhiệm CBQL trường THCS trên địa bàn quận 2, chúng tôi nhận thấy: công tác tuyển chọn, bổ nhiệm, luân chuyển, miễn nhiệm CBQL trường THCS trên địa bàn quận 2 được đánh giá ở mức trung bình với điểm bình quân chung là 3,3. Trong đó việc xây dựng được tiêu chuẩn chức danh Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng trường THCS có mức đánh giá thấp nhất (2,9 điểm).

Từ năm 2008 đến năm 2012, quận 2 đã tuyển chọn, bổ nhiệm bổ sung 11 CBQL trường THCS (tỷ lệ 55%), luân chuyển 02 CBQL (tỷ lệ 10%), tái bổ nhiệm 03 CBQL (tỷ lệ 15%), cho thôi giữ chức vụ 01 CBQL (tỷ lệ 5%), giải quyết nghỉ hưu 04 trường hợp (tỷ lệ 20%), không có miễn nhiệm.

Nhìn chung, đội ngũ CBQL trường THCS quận 2 được tuyển chọn chủ yếu từ đội ngũ giáo viên thông qua hoạt động thực tiễn của họ trong nhà trường cùng với việc theo dõi, đánh giá của Phòng GD&ĐT. Hầu hết họ là những giáo viên giỏi, có trình độ chuyên môn trên chuẩn và đạt các tiêu chuẩn khác theo quy định của Nhà nước và của địa phương.

Tuy nhiên: Do không khảo sát được các kỹ năng quản lý trước khi bổ nhiệm nên hiện tại trong đội ngũ CBQL có một vài cá nhân gặp không ít khó khăn khi thực thi nhiệm vụ; Việc bổ nhiệm, bố trí CBQL có lúc chưa gắn với quy hoạch, chưa đảm bảo các tiêu chuẩn quy định tại Điều lệ trường THCS, còn nặng về bằng cấp, về lý lịch nên chưa thực sự chọn được người giỏi nhất vào vị trí lãnh đạo, quản lý; chưa chú trọng đánh giá hiệu quả thực tế của công tác cán bộ; Cơ cấu về độ tuổi, giới tính, chuyên môn của đội ngũ CBQL trường THCS chưa được chú ý quan tâm nên dẫn đến bất hợp lý ở một số đơn vị như: cùng lúc bổ nhiệm mới cả hiệu trưởng và phó hiệu trưởng; chưa kiên quyết thực hiện miễn nhiệm những CBQL trường THCS yếu năng lực, chưa hoàn thành nhiệm vụ.

Một thời gian dài, không quan tâm đúng mức đến việc tái bổ nhiệm và luân chuyển CBQL nên có tình trạng 02 hiệu trưởng giữ chức vụ trên 15 năm tại một đơn vị mới được tái bổ nhiệm và luân chuyển đầu năm học 2012- 2013. Hiện còn 01 CBQL giữ chức vụ trên 12 năm tái bổ nhiệm tại chỗ chờ điều động về trường mới trong năm học 2013-2014.

Thực tế trên cần có giải pháp phù hợp để tuyển chọn và sử dụng tốt đội ngũ CBQL trường THCS trên địa bàn quận 2.

Kết quả khảo sát đánh giá thực trạng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBQL trường THCS quận 2, thành phố Hồ Chí Minh (Phụ lục 3) cho thấy: công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBQL trường THCS ở quận 2 được thực hiện không đồng bộ, được đánh giá ở mức trung bình (3,2 điểm), có những mặt được đánh giá ở mức khá (3,9 điểm). Thực tế trong những năm qua, quận 2 thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ theo các hình thức ngắn hạn và dài hạn. 100% CBQL đã có trình độ lý luận chính trị từ Trung cấp trở lên và có chứng chỉ về QLGD. Trong đó có 01 Thạc sĩ QLGD, 01 Cử nhân QLGD, 01 Cử nhân Quản lý Hành chính Nhà nước. Có thể nói, công tác đào tạo, bồi dưỡng CBQL trường THCS quận 2 đã nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức và trang bị cho đội ngũ CBQL kiến thức cơ bản về QLGD và tư duy đổi mới để từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn phát tiển và hội nhập với giáo dục thế giới.

Nhưng xét về hiệu quả thì biện pháp khuyến khích CBQL tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ quản lý có mức độ đánh giá thấp nhất (2,0 điểm). Ngoài ra việc bồi dưỡng nghiệp vụ QLNN, bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học cho đội ngũ CBQL cũng chưa được quan tâm; chưa tạo điều kiện cho CBQL học Đại học, sau đại học chuyên ngành QLGD. Do vậy, trong phần đề xuất giải pháp phát triển đội ngũ CBQL trường THCS quận 2, rất cần thiết phải quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng.

2.2.3.4. Thực trạng công tác đánh giá, sàng lọc cán bộ quản lý

Kết quả điều tra thực trạng công tác kiểm tra, đánh giá đội ngũ CBQL ở các trường THCS quận 2, thành phố Hồ Chí Minh (Bảng phụ lục 4) cho thấy công tác này được thực hiện ở mức khá với điểm trung bình chung 4,0.

Phòng GD&ĐT quận 2 đã làm tốt việc định hướng công tác thanh, kiểm tra; xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá CBQL trường THCS. Điều này thể hiện thống nhất với kết quả khảo sát mức đánh giá cao nhất 4,9 điểm.

Tuy đã được quan tâm và thực hiện thường xuyên, đúng quy trình các bước nhưng vẫn còn một số hạn chế cần phải chú ý khắc phục như sau: Một số CBQL chưa trung thực trong việc tự đánh giá, thường nhấn mạnh, đề cao ưu điểm, hạ thấp khuyết điểm, hạn chế; Cách thức đánh giá CBQL thông qua bản tự kiểm điểm, tự đánh giá và góp ý của CB-GV-CNV qua biểu mẫu chung nặng tính hình thức, không sát thực tế dẫn đến xu thế chạy theo thành tích; Các tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá CBQL còn chung chung, nhiều định tính, thiếu định lượng, chưa có hệ thống chỉ số đánh giá phân loại theo chức danh, nhiệm vụ (hiện nay vẫn sử dụng Chuẩn hiệu trưởng trường THCS để đánh giá phó hiệu trưởng); Nội dung đánh giá còn chưa quan tâm đến các mặt kết quả hoạt động của nhà trường, khả năng quản lý của hiệu trưởng và phó hiệu trưởng, tinh thần hợp tác với các trường khác và cộng đồng, mức độ tín nhiệm của CB-GV-CNV đối với CBQL. Nói chung công tác đánh giá CBQL trường THCS có lúc còn chủ quan, cảm tính, cục bộ địa phương; Công tác kiểm tra, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật còn hình thức, chạy theo thành tích và thiếu các chính sách kiểm tra sau đánh giá nên hiệu quả thúc đẩy chưa cao. Những vấn đề nêu trên cần được quan tâm đưa ra giải pháp khắc phục.

2.2.3.5. Thực trạng chế độ chính sách phát triển đội ngũ CBQL

Qua bảng phụ lục 5 tổng hợp kết quả khảo sát thực trạng việc thực hiện chế độ, chính sách đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật đối với CBQL ở trường THCS quận 2, thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi nhận thấy như sau:

Mặc dù việc thực hiện chế độ chính sách của nhà nước theo quy định đối với CBQL trường THCS trên địa bàn quận 2 được thực hiện đầy đủ, kịp thời và được đánh giá tốt với điểm tối đa (5 điểm). Song còn một số những nội dung khác chỉ được đánh giá ở mức khá trở xuống. Thấp nhất là việc xây dựng chính sách riêng cho đội ngũ CBQL phù hợp với đặc điểm địa bàn quận 2 chưa được quan tâm, điểm đánh giá chỉ đạt mức yếu (2,2 điểm). Ngoài ra,

Các văn bản quy định hệ thống chế độ, chính sách còn chưa thỏa đáng, thiếu đồng bộ; Việc huy động nguồn lực vật chất để thực hiện các chính sách hỗ trợ còn hạn chế, cũng được đánh giá ở mức yếu (2,7 điểm), chưa đủ để tạo động lực cho CBQL tích cực công tác; chưa tập hợp, thu hút được CBQL giỏi cho ngành. Các khoản thu nhập từ lương mang tính bình quân chủ nghĩa nên không tạo động lực; lương và các khoản phụ cấp không theo kịp biến động của thị trường và không phản ánh đúng giá trị sức lao động và yêu cầu của vị trí quản lý vì vậy chưa khuyến khích được CBQL cố gắng hết sức để nâng cao hiệu quả công tác.

Đây cũng là những vấn đề phải quan tâm trong phần giải pháp.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp phát triển đội ngũ cán bộ quản lý trường trung học cơ sở trên địa bàn quận 2, thành phố Hồ Chí Minh (Trang 57 - 62)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(101 trang)
w