7. Khách thể nghiên cứu
1.2.2.3. Biểu hiện khó khăn tâm lý trong hoạt động học tập
Khó khăn tâm lý trong hoạt động học tập được hiểu là những nét tâm lý cá nhân mang tính tiêu cực nảy sinh, tồn tại trong hoạt động học tập của chủ thể học tập, làm cho quá trình học tập chệch hướng, bị cản trở, dẫn tới hiệu quả học tập không cao. Những khó khăn tâm lý này biểu hiện ở những mặt sau: [15]
Nhận thức
Nhận thức là một trong những thành tố quan trọng của đời sống tâm lý người. Nhận thức giúp con người hiểu biết về các sự vật hiện tượng, từ đó bày tỏ thái độ tình cảm và có hành vi tương ứng.
Với đặc điểm học tập ở bậc đại học căng thẳng về trí tuệ, gây cho sinh viên những khó khăn và phức tạp trong nhận thức vì thế đôi lúc họ không nhận thức được đầy đủ về nó. Chính sự không nhận thức đúng và chưa phù hợp đó gây nên những khó khăn tâm lý, gây nên những sai lầm trong hoạt động học tập của cá nhân. Về khó khăn tâm lý biểu hiện ở dạng nhận thức chúng ta có thể chia làm 2 nhóm: nhận thức về bản thân với vai trò là chủ thể của hoạt động học, là tiến hành hoạt động và nhận thức về đối tượng học tập.
Nhận thức về bản thân: có nhiều vấn đề liên quan đến mặt nhận thức bản thân của sinh viên. Ở đây tôi xin nhấn mạnh nghiên cứu ở mặt động cơ học tập trong quá trình nhận thức về bản thân của sinh viên. Động cơ được hiểu theo một nghĩa chung nhất là cái thúc đẩy và quy định chiều hướng hoạt động nhằm đạt được mục đích nào đó, là những gì thúc đẩy con người có những ứng xử nhất định. A.N.Leonchiev và B.Ph.Lomov thì cho rằng “Lĩnh vực động cơ của nhân cách có liên quan chặt chẽ đến nhu cầu, chế định hành vi của con người một cách khách quan và có quy luật. Động cơ là sự thể hiện chủ quan của nhu cầu, là vị trí gián tiếp của nhân cách trong xã hội. Ngược lại nhu cầu là cơ sở của động cơ. Trên thực tế nhu cầu và động cơ
gắn bó mật thiết với nhau đến mức không thể phân tách chúng ra được” [21, tr478- 482]
Trên cơ sở mối quan hệ giữa động cơ học tập – nhu cầu học tập như đã phân tích trên, thì việc không xác định được động cơ học tập, tức động cơ không rõ ràng sẽ là một khó khăn tâm lý trong hoạt động học tập của sinh viên.
Nhận thức đối tượng học tập: nhận thức ở đây không chỉ là sự nhận thức nội dung môn học mà còn là sự nhận thức của sinh viên về vị trí và vai trò, tầm quan trọng của đối tượng học tập sẽ giúp sinh viên tích cực học tập và ngược lại sẽ gây ra việc thiếu tâm thế học tập, học đối phó, dẫn đến hoạt động học tập thiếu hiệu quả.
Vì vậy, muốn xác định được động cơ học tập sinh viên phải tạo nhu cầu học tập. Nhu cầu học tập là thành tố quan trọng của động cơ, là nguồn gốc tích cực học tập, biểu hiện tính tự giác, thái độ nghiêm túc, luôn vượt lên khó khăn để giải quyết nhiệm vụ học tập. Nhu cầu xuất phát từ 2 nguồn gốc sau đây:
Nguồn gốc bên ngoài: được xác định bởi nhu cầu của con người. Trong học tập có thể là nhu cầu thông tin, nhu cầu xã hội (muốn có ích cho xã hội, muốn đạt mục đích xã hội. Những điều kiện xã hội của hoạt động sống, yêu cầu, hy vọng, khả năng quan hệ tới con người. Những yêu cầu của xã hội về hành vi và hình thức hoạt động. Chẳng hạn ở trường đòi hỏi sinh viên phải tự giác nghe giảng, xemina, làm bài kiểm tra, thi theo một thời gian nhất định, đòi hỏi sinh viên phải giao tiếp có văn hóa…
Nguồn gốc cá nhân: xác định bởi hứng thú, mong ước, tâm thế, niềm tin, thế giới quan, biểu tượng về bản thân…nguồn gốc này là có giá trị tích cực trong việc hoàn thiện của nhân cách.
Căn cứ vào mục đích học tập các nhà tâm lý học nghiên cứu lĩnh vực này chia thành 5 loại động cơ chủ yếu: động cơ xã hội, động cơ nhận thức khoa học, động cơ nghề nghiệp, động cơ khẳng định bản thân, động cơ vụ lợi.
Thái độ
Để học tập tốt ở bậc đại học sinh viên không chỉ nhận thức đúng đắn là đủ mà còn phải hình thành thái độ, niềm tim và tình cảm đạo đức trong sáng, đúng đắn của
mỗi con người. Thái độ là những biểu hiện cụ thể của quan điểm sống, là niềm tin của con người đối với những khái niệm văn hóa đạo đức, với những giá trị, chuẩn mực xã hội, với tương lai và lý tưởng cuộc sống.
Trong sự chuyển hóa nhận thức thành hành động, tình cảm chiếm vị trí vô cùng quan trọng, tình cảm là yếu tố hướng dẫn con người hành động. Tình cảm trở thành nội lực, một sức mạnh tinh thần để biến những tác động của nhà giáo dục thành phẩm chất cá nhân.
Khó khăn tâm lý ở mặt thái độ trong hoạt động học tập là sự biểu hiện ở thái độ, tình cảm là việc xuất hiện những xúc cảm âm tính đối với hoạt động học tập như coi thường việc học, chán ghét, thờ ơ, lo lắng, sợ hãi, căng thẳng, chán nản khi gặp những vấn đề nảy sinh trong học tập…Chính những cảm xúc âm tính này làm cản trở, gây khó khăn đến việc học tập. Cũng có nhiều sinh viên lập kế hoạch học tập rất tốt, tức khâu nhận thức của bản thân đối với nhiệm vụ học tập, nhưng thái độ đối với kế hoạch học tập thì không tốt, cũng có những sinh viên không lên kế hoạch cụ thể nhưng họ dự định những suy nghĩ trong đầu tích cực đối với việc học, cần cù, chăm chỉ, biết tìm những biện pháp để tạo sự hứng thú trong học tập…sẽ dẫn đến hiệu quả cao trong học tập.
Hành vi
Đích cuối cùng của quá hoạt động học tập là sinh viên phải hình thành những thói quen hành vi trong hoạt động học tập. Hành vi là sản phẩm của nhận thức, là sự thể hiện cụ thể của thái độ, tình cảm của sinh viên. Hành vi học tập phải được hình thành bằng sự luyện tập lâu dài, liên tục theo một phương hướng nhất định, vì vậy trong quá trình rèn luyện đòi hỏi phải có ý chí. Hành vi học tập của sinh viên phải được xây dựng thành một hệ thống vững chắc, thành kỹ xảo, tự động hóa thể hiện trong mọi tình huống.
Hành vi là “bộ mặt” đời sống tâm lý của con người. Đây là dạng khó khăn tâm lý biểu hiện cụ thể, dễ nhận thấy nhất trong hoạt động học tập. Những khó khăn tâm lý về mặt hành vi có thể là kết quả của sự chi phối bởi nhận thức và thái độ tình cảm
hoặc do những kỹ năng không đủ thuần thục để sử dụng trong quá trình học tập khiến cho hoạt động học tập không có hiệu quả cao.
Trong phạm vi nghiên cứu của đề tài, tác giả muốn nghiên cứu khó khăn tâm lý của những hành vi là những kỹ năng học tập được tiến hành trong các hoạt động của hoạt động học tập.
Kỹ năng là khả năng thực hiện có kết quả những hành động trên cơ sở những tri thức có được đối với việc giải quyết những nhiệm vụ đặt ra cho phù hợp với điều kiện cho phép. Nói cách khác kỹ năng là tri thức trong hành động [22,tr.125]. Với đặc trưng hoạt động học mang tính chất nghiên cứu, tự học dưới sự hướng dẫn của giảng viên, đòi hỏi tính độc lập học tập cao đòi hỏi sinh viên phải nắm vững những kỹ năng, kỹ xảo tiến hành hoạt động học một cách tốt. Nếu sinh viên không nhận thức được vị trí, vai trò của kỹ năng cũng như không rèn luyện thuần thục kỹ năng, kỹ xảo học tập sẽ gây khó khăn tâm lý lớn đến các hoạt động học tập và chắc chắn kết quả học tập sẽ thấp.
Nhận thức, thái độ và hành vi có mối quan hệ chặt, không thể tách rời nhau. Sinh viên muốn thực hiện tốt hoạt động học tập của mình cần phải giải quyết cả 3 mặt này.