Sử dụng bài tập ra về nhà để giúp HS tự học

Một phần của tài liệu tổ chức và sử dụng hệ thống bài tập tiếng việt theo hướng phát triển tư duy cho học sinh bậc trung học phổ thông (Trang 91 - 92)

Có thể nói khả năng tự học luôn tiềm ẩn trong mỗi con người và điều quan trọng trong dạy học là GV phải biết khơi dậy khả năng này ở HS. Tự học là tự suy nghĩ, sử dụng năng lực tư duy của bản thân để đạt được sự hiểu biết về một tri thức nào đó. Đây là quá trình học tập tự giác, tích cực nhằm chiếm lĩnh tri thức khoa học để hướng tới những mục đích nhất định.

Bài tập về nhà để giúp HS tự học Tiếng Việt có thể có hai hình thức như sau:

2.4.3.1. Bài tập khảo sát ngữ liệu (trước khi học tại lớp)

Mục đích của bài tập khảo sát ngữ liệu (trước khi học tại lớp) là giúp HS thấy được vai trò của ngữ liệu trong việc học Tiếng Việt, nhận thấy mối liên hệ mật thiết giữa các kiến thức tiếng Việt với thực tế giao tiếp.

Ví dụ: Trước khi dạy bài “Phong cách ngôn ngữ báo chí”, GV nêu bài tập khảo sát ngữ liệu như sau:

Chọn một bài báo bất kì trong các loại báo mà em vẫn đọc thường ngày và nêu nhận xét về: cách sử dụng từ ngữ, câu, các biện pháp tu từ trong bài báo đó.

84 Quá trình hướng dẫn HS gồm các bước:

Bước 1: GV cung cấp ngữ liệu hoặc nêu yêu cầu về phạm vi ngữ liệu để HS tự tìm, đồng thời nêu các yêu cầu về khảo sát ngữ liệu bằng những câu hỏi cụ thể (tương tự dạng bài tập rèn luyện tư duy phân tích).

Bước 2: HS tìm, khảo sát ngữ liệu, rút ra những quy tắc hoặc khái niệm ngôn ngữ.

Bước 3: HS trình bày kết quả bài tập tự học tại lớp, các HS khác bổ sung, GV tổng kết, đánh giá kết quả và quá trình tự học.

2.4.3.2. Bài tập thực hành (sau khi học tại lớp)

Mục đích của việc làm bài tập thực hành sau giờ học là giúp HS tự ôn tập, củng cố kiến thức, tự nhận ra những kĩ năng đã có và còn thiếu để chú ý rèn luyện bổ sung.

Ví dụ: Sau tiết học “Thực hành biện pháp tu từ ẩn dụ và hoán dụ”, GV ra bài tập về nhà như sau:

1. Quan sát một sự vật, nhân vật quen thuộc và thử đổi tên gọi của chúng theo phép ẩn dụ hoặc hoán dụ để viết một đoạn văn về sự vật, nhân vật đó.

2. Hãy sưu tầm những câu tục ngữ, ca dao có sử dụng biện pháp tu từ ẩn dụ, hoán dụ và phân tích.

Quá trình hướng dẫn HS bao gồm các bước:

Bước 1: GV nêu bài tập và yêu cầu cụ thể của từng bài tập.

Bước 2: HS xác định những kiến thức cần huy động và vận dụng để giải bài tập.

Bước 3: HS trình bày kết quả bài làm, HS khác và GV nhận xét.

Một phần của tài liệu tổ chức và sử dụng hệ thống bài tập tiếng việt theo hướng phát triển tư duy cho học sinh bậc trung học phổ thông (Trang 91 - 92)