phát triển tư duy cho học sinh
Làm thế nào để phát triển tư duy cho người học một cách hiệu quả? Đó là câu hỏi đặt ra không chỉ cho ngành giáo dục mà cho toàn xã hội. Trong thực tế, phát triển tư duy cho người học là mục tiêu quan trọng của các chương trình dạy học. Để đạt được mục tiêu đó, chương trình thường cấu trúc theo hướng đồng tâm và phát triển; phương pháp dạy học hướng vào người học nhằm tôn trọng lợi ích, quyền lợi, sáng tạo cá nhân của họ. Nhờ đó, tư duy của người học sẽ được hình thành và phát triển trong môi trường, điều kiện tốt nhất.
Các nhà nghiên cứu về PPDH Tiếng đã rút ra những kết luận có tính chất phương pháp từ việc nhận thức mối quan hệ giữa ngôn ngữ và tư duy. Theo họ, kiến thức, kĩ năng ngôn ngữ phải được xem xét như là những yếu tố của sự phát triển tư
30
duy; các hệ thống dạy học Tiếng Việt phải bảo đảm mối liên hệ giữa lời nói và tư duy; phải thường xuyên luyện tập cho HS khả năng diễn đạt tư tưởng của mình bằng nhiều hình thức ngôn ngữ khác nhau. Lời nói cần có nội dung, trong dạy học Tiếng có thể đi từ tư duy đến ngôn ngữ hoặc ngược lại (giải nghĩa từ là đi từ ngôn ngữ đến tư duy; viết câu, dựng đoạn là đi từ tư duy đến ngôn ngữ). Họ cũng cảnh báo rằng, phương pháp dạy học Tiếng không dựa vào sự phát triển tương hỗ giữa lời nói và tư duy thì đó là phương pháp sai lầm về phương diện Triết học. Quan điểm trên cho thấy trong quá trình dạy học Tiếng Việt, chúng ta cần tuân thủ nguyên tắc phát triển tư duy cho HS với những yêu cầu: (1) Phải chú ý rèn luyện các thao tác và phẩm chất tư duy trong giờ dạy Tiếng cho các em; (2) Phải làm cho HS thông hiểu được ý nghĩa của các đơn vị ngôn ngữ; (3) Phải tạo điều kiện cho HS nắm được nội dung các vấn đề cần nói cần viết và biết thể hiện nội dung này bằng các phương tiện ngôn ngữ.
Phát triển tư duy cho HS qua dạy học thực hành Tiếng Việt cần đặc biệt quan tâm đến việc rèn luyện các thao tác tư duy logic, hình thành các phẩm chất tư duy, góp phần hình thành tư duy hình tượng cho các em. Ngôn ngữ là phương tiện của nhận thức logic - lí tính nên chúng ta phải rèn luyện các thao tác tư duy cho HS. Chính trong các đơn vị và các dạng thức ngôn ngữ có sự khái quát hoá, trừu tượng hoá. Chẳng hạn, khi chúng ta nói “danh từ” nghĩa là không phải nói đến một danh từ cụ thể nào cả mà nói đến tất cả các danh từ trong sự đối chiếu với động từ, tính từ. Các bài học hình thành khái niệm, áp dụng khái niệm để giải quyết một vấn đề cụ thể của ngôn ngữ, của việc sử dụng ngôn ngữ là những cơ hội để phát triển tư duy cho HS. Thông qua việc phân tích những hiện tượng ngôn ngữ riêng lẻ, các em vận dụng những phẩm chất tư duy logic để khái quát hoá thành những khái niệm, những tri thức về ngôn ngữ. Và từ những kiến thức đã thu nhận được, các em lại vận dụng năng lực tư duy logic của mình để sử dụng những kiến thức đó trong giao tiếp bằng ngôn ngữ.
Ngoài ra, trong giờ Tiếng Việt, GV cần chú ý bồi dưỡng và phát triển các thao tác và phẩm chất tư duy cho HS. Muốn vậy, GV cần tạo điều kiện cho HS nắm
31
được các vấn đề cần nói và viết, biết thể hiện nội dung các vấn đề đó bằng phương tiện ngôn ngữ khác nhau. Trong thực tế, chúng ta cần chú ý xây dựng các bài tập phù hợp với trình độ tư duy của HS. Ngoài ra, chúng ra cần rèn cho HS nói/viết từ một ý bằng nhiều cách khác nhau, cần biết sử dụng các dạng ngôn ngữ nói/viết cho phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp.
Môn Tiếng Việt cũng có nhiều lợi thế để hình thành tư duy hình tượng cho HS vì chữ viết được xem là một biểu tượng. Học chữ là một trong những con đường để hình thành biểu tượng. Việc tích hợp dạy Văn qua môn Tiếng Việt được xem là một biện pháp để hình thành và phát triển tư duy hình tượng văn học cho các em.
1.2.2.2. Những đặc tính của tư duy
Tính “có vấn đề” của tư duy là một trong những đặc tính quan trọng hàng đầu. Tư duy chỉ nảy sinh khi gặp tình huống có vấn đề. Vì vậy, để tăng cường tính chủ động, tích cực tư duy, cần phải tạo nhu cầu nhận thức cho HS. Nhu cầu này xuất hiện trong những trường hợp mà trong hoạt động học tập HS gặp phải khó khăn và trở ngại về nhận thức. Qua đó, các em sẽ tìm tòi, phát hiện ra các tri thức mới. Trong dạy học, tính “có vấn đề” của tư duy thường được khai thác khi nghiên cứu tài liệu mới. GV tạo ra và đặt HS vào tình huống có vấn đề, cung cấp những tài liệu ngôn ngữ để các em quan sát. HS tự quan sát, phân tích, so sánh và rút ra những kết luận cần thiết.
Tư duy liên hệ chặt chẽ với ngôn ngữ. Quá trình tư duy nhất thiết phải sử dụng ngôn ngữ là phương tiện: giữa tư duy và ngôn ngữ có mối quan hệ không thể chia cắt, tư duy và ngôn ngữ phát triển trong sự thống nhất với nhau.
Tư duy không tách rời quá trình nhận thức cảm tính.Tư duy phải dựa vào những tài liệu nhận thức cảm tính, trên kinh nghiệm, trên cơ sở trực quan sinh động, ngược lại tư duy và sản phẩm của nó cũng ảnh hưởng đến quá trình nhận thức cảm tính. Căn cứ vào đặc tính này, dạy học thực hành Tiếng Việt phải tổ chức sao cho gắn liền với hoạt động giao tiếp hàng ngày diễn ra xung quanh HS.
32
Ngoài ra, tư duy còn có tính gián tiếp và tính khái quát. Thông qua đó ta có khả năng hiểu biết những đặc điểm bên trong, những đặc điểm bản chất mà các giác quan không phản ánh được. Nhờ hai đặc tính này, quá trình tư duy bổ sung cho nhận thức và giúp con người nhận thức hiện thực một cách toàn diện hơn.
Từ những đặc tính trên đây của tư duy, ta có thể ra những kết luận cần thiết: - Phải coi trọng việc phát triển tư duy cho HS. Bởi lẽ, không có khả năng tư duy HS không học tập và rèn luyện được.
- Muốn kích thích HS tư duy thì phải đưa HS vào những tình huống có vấn đề và tổ chức cho các em độc lập, sáng tạo giải quyết tình huống có vấn đề.
- Việc phát triển tư duy phải được tiến hành song song và thông qua truyền thụ tri thức. Mọi tri thức đều mang tính khái quát, nếu không tư duy thì không thực sự tiếp thu, không vận dụng được những tri thức đó.
- Việc phát triển tư duy phải gắn với việc trau dồi ngôn ngữ. Bởi lẽ có nắm vững ngôn ngữ thì mới có phương tiện để tư duy có hiệu quả.
- Tăng cường khả năng trừu tượng và khái quát trong suy nghĩ.
- Việc phát triển tư duy phải gắn liền với việc rèn luyện cảm giác, tri giác, năng lực quan sát và trí nhớ. Bỡi lẽ, thiếu những tài liệu cảm tính thì tư duy không thể diễn ra được.
- Để phát triển tư duy không còn con đường nào khác là thường xuyên tham gia vào các hoạt động nhận thức và thực tiễn. Qua đó tư duy của con người sẽ không ngừng được nâng cao.
1.2.2.3. Các thao tác tư duy Phân tích và tổng hợp:
Phân tích là tách một hiện tượng nào đó thành các bộ phận cấu thành để có thể xem xét tất cả các mặt của nó, lí giải đặc trưng của chúng và trên cơ sở đó mà đánh giá hiện tượng đó một cách trọn vẹn. Tổng hợp là thao tác tư duy nhằm phát hiện ra các mối liên hệ giữa các mặt, các bộ phận của hiện tượng; trên cơ sở đó mà hình dung ra cả chỉnh thể sự vật, hiện tượng.
33
Phân tích và tổng hợp luôn luôn đi kèm với nhau, giúp con người nhận thức toàn diện hiện thực khách quan. Bản chất của quá trình dạy học là quá trình tư duy để nắm tri thức một cách toàn diện và chi tiết. Bởi vậy, phân tích và tổng hợp đã trở thành một trong những thủ pháp không thể thiếu trong dạy học Tiếng Việt. Chẳng hạn khi dạy học về từ tiếng Việt, chúng ta phải vận dụng thao tác phân tích để chia tách đối tượng thành các phương diện (đặc điểm cấu tạo và đặc điểm ngữ nghĩa), sau đó lại tiếp tục chia tách các phương diện này thành các bộ phận chi tiết hơn (đơn âm, đa âm, đơn, ghép, nghĩa từ vựng, nghĩa ngữ pháp,...). Sau và trong khi chia tách chúng ta lại luôn luôn phải vận dụng thao tác tổng hợp bởi nếu không tổng hợp thì chúng ta không thể nhận thức và gọi tên được hiện tượng. Chẳng hạn, chúng ta phải trên cơ sở mối quan hệ định danh, biểu niệm, biểu cảm để tập hợp tất cả các nét nghĩa cụ thể của từ cụ thể thành một phạm trù nghĩa biểu vật, nghĩa biểu niệm, nghĩa biểu thái; phải căn cứ vào mối quan hệ giữa tường minh và không tường minh để quy các nét nghĩa cụ thể của từ, của câu về các phạm trù nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn,....
So sánh: là thao tác tư duy để phân biệt hiện tượng, khái niệm này với các hiện tượng, khái niệm khác. Một khái niệm, qui tắc ngôn ngữ chỉ trở thành yếu tố tâm lí của HS khi các em biết đặt nó vào hệ thống các yếu tố tâm lí của mình. Nói cách khác, các em cần phải so sánh đối chiếu chúng với các khái niệm và qui tắc đã có của bản thân. Mặt khác, do bản chất hệ thống của ngôn ngữ, không một khái niệm hay một quy tắc nào không nằm trong mối quan hệ so sánh đối chiếu với những khái niệm, quy tắc khác trong hệ thống. Chẳng hạn khi dạy từ đơn thì phải so sánh với từ phức, dạy từ ghép phải so sánh với từ láy, dạy nghĩa biểu vật phải so sánh với nghĩa biểu niệm, dạy nghĩa tường minh phải so sánh với nghĩa hàm ẩn, dạy phong cách chính luận phải so sánh với phong cách biểu cảm... Vì vậy, so sánh được xem là một thủ pháp quan trọng, thường dùng nhất trong các phương pháp và công đoạn dạy học Tiếng Việt.
Khái quát hóa: là thao tác tư duy đi từ việc phân tích, so sánh đối chiếu nhiều sự vật hiện tượng cùng loại, tổng hợp rút ra những đặc điểm bản chất chung. Đây là
34
thao tác tiếp nối ở bước cao hơn của thao tác tổng hợp và hết sức cần thiết trong dạy học Tiếng Việt. Chính nhờ có khái quát hoá mà từ các sự kiện ngôn ngữ riêng lẻ cùng loại ta có thể rút ra các khái niệm và quy tắc. Ví dụ: Để hình thành được khái niệm “câu ghép chính phụ” chúng ta phải phân tích nhiều câu ghép cụ thể với những quan hệ logic rất khác nhau như: nguyên nhân - kết quả, đối lập, nhượng bộ, liệt kê, tăng tiến,... sau đó lại phải xét từ góc độ chức năng thông báo để thấy được mối quan hệ giữa các vế là đẳng lập hay chính phụ và chính trên cơ sở đó, chúng ta so sánh đối chiếu với các câu cụ thể đã xét, tổng hợp tất cả các câu tuy có quan hệ logic khác nhau nhưng đều chung một quan hệ xét theo chức năng thông báo của các vế thành câu ghép chính phụ. Quá trình đi từ việc phân tích so sánh các câu cụ thể đến rút ra được một định nghĩa về câu ghép chính phụ gọi là quá trình quy nạp kiến thức.
Tóm lại, các thao tác tư duy phân tích – tổng hợp, so sánh, khái quát hóa là những thao tác thường xuyên được sử dụng trong nghiên cứu, học tập môn Tiếng Việt, đó cũng chính là lý do mà các thao tác tư duy này đã trở thành những thủ pháp dạy học quan trọng hàng đầu trong lý luận về PPDH Tiếng. Nói cách khác, việc xây dựng và sử dụng hệ thống bài tập Tiếng Việt với mục đích rèn luyện tư duy cho HS là hoàn toàn có cơ sở.
1.2.2.4. Những hình thức cơ bản của tư duy
Khái niệm là sự phản ánh những dấu hiệu bản chất riêng biệt của sự vật hiện tượng. Khái niệm đóng vai trò quan trọng trong quá trình tư duy, được xây dựng trên cơ sở các thao tác tư duy, làm điểm tựa cho tư duy phân tích và là cơ sở để đào sâu kiến thức, tiến tới xây dựng khái niệm mới. Ngoài ra, các hoạt động suy luận, khái quát hóa nhờ có khái niệm mới có cơ sở để tư duy và đi sâu thêm vào bản chất của sự vật hiện tượng.
Phán đoán là sự khẳng định hay phủ định về một đối tượng nào đó có hay không thuộc tính nào đó.
35
Suy lí là hình thức suy nghĩ liên hệ các phán đoán với nhau để tạo thành phán đoán mới. Suy lí được cấu tạo bởi hai bộ phận: các phán đoán có trước gọi là tiền đề; các phán đoán có sau gọi là kết luận. Suy lí chia làm ba loại: loại suy, suy lí quy nạp và suy lí diễn dịch.
Với tư cách là hình thức tư duy gián tiếp, suy lí trong tư duy logic có vai trò quan trọng trong tất cả các hoạt động tư duy. Việc hướng dẫn quy tắc logic trong suy lý tạo được hiệu quả lớn trong quá trình lĩnh hội tri thức. Khẳng định rèn luyện tư duy logic trong học tập chính là tạo cho HS có phương pháp trong tư duy từ khái niệm đến phán đoán suy lý, đây không phải là quá trình tuần tự cho rèn luyện mà là những thao tác được vận dụng đồng thời.
1.2.2.5. Dấu hiệu đánh giá tư duy phát triển
Chúng ta vẫn thường nói đến việc phát triển tư duy cho HS, vậy thì bằng cách nào biết được tư duy HS có phát triển hay không sau quá trình rèn luyện. Căn cứ vào những phẩm chất của tư duy như: tính định hướng, bề rộng, độ sâu, tính linh hoạt, tính mềm dẻo, tính độc lập, tính khái quát chúng tôi xin đưa ra một số dấu hiệu cơ bản sau đây:
- HS có thể ý thức nhanh chóng và chính xác đối tượng cần lĩnh hội, mục đích phải đạt được và những con đường tối ưu để đạt được mục đích đó.
- Có khả năng vận dụng kiến thức đã có để nghiên cứu các đối tượng khác. Nói cách khác, đó là khả năng tự lực chuyển các tri thức, kĩ năng sang một tình huống mới. Trong quá trình học tập, HS đều phải giải quyết những vấn đề đòi hỏi liên tưởng đến những kiến thức đã học trước đó. Nếu HS độc lập chuyển tải tri thức vào giải quyết tình huống mới thì chứng tỏ đã có biểu hiện tư duy phát triển.
- Có khả năng phát hiện cái chung của các hiện tượng, quy tắc ngôn ngữ khác nhau; sự khác nhau giữa các hiện tượng, quy tắc ngôn ngữ tương tự. Qua đó nắm vững ngày càng sâu sắc hơn bản chất của sự vật, hiện tượng.
- Nhạy bén trong việc vận dụng những tri thức và cách thức hành động vào những tình huống khác nhau một cách sáng tạo. Tái hiện nhanh chóng các kiến
36
thức, các mối quan hệ cần thiết để giải quyết bài tập. Thiết lập các mối quan hệ bản chất giữa các sự vật hiện tượng.
- Biết cách lật đi lật lại vấn đề. Tự mình phát hiện ra vấn đề, đề xuất cách giải quyết và tự giải quyết được vấn đề.
- Khi giải quyết một loạt vấn đề nào đó sẽ đưa ra được mô hình khái quát, trên cơ sở đó để có thể vận dụng để giải quyết các vấn đề tương tự, cùng loại.
- Có năng lực áp dụng kiến thức vào thực tế. Đây là kết quả phát triển tổng hợp của sự phát triển tư duy. Để có thể giải quyết tốt các bài tập đòi hỏi HS phải có sự