“Dạy Tiếng phải chú ý đến cả ba bình diện: ngôn ngữ (như cấu trúc), lời nói (như sản phẩm) và hoạt động lời nói (như quá trình đi đến sản phẩm)” [12,tr. 167]. Chương trình Tiếng Việt từ lâu nay chỉ chú ý đến dạy ngôn ngữ, chưa chú ý đến dạy lời nói, càng chưa nghĩ đến dạy hoạt động lời nói như mục đích cao. Điều này thể hiện ở hệ thống bài tập Tiếng Việt trong các SGK Ngữ văn chương trình phổ thông chủ yếu được dùng để minh họa lý thuyết về Tiếng Việt mà HS vừa học. Từ quan
72
điểm thực hành theo quan điểm hoạt động lời nói, chúng tôi đề xuất thiết kế một nhóm bài tập ngữ thi tạm gọi là bài tập tình huống thực tiễn.
Bài tập tình huống thực tiễn là những bài tập có nội dung (điều kiện và yêu cầu) xuất phát từ thực tiễn. Bài tập Tiếng Việt phải gắn với thực tiễn để thông qua đó HS biết cách điều chỉnh giao tiếp trong cuộc sống hàng ngày: biết sử dụng ngôn ngữ, biết nói năng đúng vai, đúng mục đích với người xung quanh; biết nêu nhận xét, đánh giá trước sự vật, sự việc… (không phải chỉ nhằm tới mục đích là biết làm văn như trước đây). Thông qua nội dung bài tập giúp HS thấy rõ lợi ích của việc học môn Tiếng Việt từ đó tạo ra động cơ học tập tích cực, kích thích trí tò mò, óc quan sát, sự ham mê hiểu biết, làm tăng hứng thú học tập. Ngoài ra, vì các bài tập thực tiễn gắn liền với hoạt động giao tiếp thực tiễn, với đời sống của chính bản thân HS, của gia đình, của địa phương và với môi trường xung quanh nên càng góp phần tăng động cơ học tập của HS. Với những kết quả ban đầu của việc vận dụng kiến thức Tiếng Việt phổ thông để giải quyết các vấn đề thực tiễn, HS sẽ có thêm tự tin vào bản thân mình để tiếp tục học hỏi, tiếp tục phấn đấu và phát triển.
Dạy Tiếng Việt thực chất là trang bị cho HS công cụ giao tiếp và tư duy. Sử dụng bài tập thực tiễn chính là ứng dụng lý thuyết Tiếng Việt vào thực tế cuộc sống, vào sinh hoạt hàng ngày góp phần đảm bảo quan điểm giao tiếp trong dạy học Tiếng Việt. Để làm được bài tập, HS phải vận dụng nhiều thao tác tư duy, phải biết suy luận đúng hướng và biết cách diễn đạt phong phú, linh hoạt, mới mẻ.
Muốn có hiệu quả, GV cần sử dụng bài tập chứa đựng tình huống có vấn đề, đặt HS vào các tình huống giao tiếp cụ thể, tạo ra khả năng đa dạng trong cách giải quyết tình huống để HS có điều kiện tranh luận, phản biện… Bởi quá trình tư duy được thực hiện trong tình huống có vấn đề, tình huống có vấn đề là khâu trung tâm để hình thành tư duy. Theo Rubinstein, “tư duy sáng tạo được bắt đầu bằng một tình huống gợi vấn đề”. Tình huống có vấn đề trong dạy học là tình huống trong đó mâu thuẫn khách quan được biến thành mâu thuẫn chủ quan. HS chấp nhận nó như một vấn đề học tập cần phải giải quyết và có thể giải quyết được bằng sự nỗ lực cá nhân. Nhờ đó HS vừa nắm được tri thức, vừa phát triển tư duy sáng tạo.
73
Khi sử dụng bài tập tình huống thực tiễn cần chú ý đến cả hai quá trình tiếp nhận và sản sinh lời nói trong giao tiếp. Căn cứ vào đó, theo chúng tôi có thể có 2 dạng bài tập như sau:
2.3.2.1. Bài tập giải quyết tình huống thực tiễn
Là bài tập mà GV đưa ra tình huống thực tiễn và yêu cầu HS giải quyết để rèn luyện kĩ năng tiếp nhận lời nói, khả năng phát hiện vấn đề và giải quyết vấn đề. Nếu không phát hiện được cốt lõi vấn đề sẽ dễ bị sa vào những chi tiết bề ngoài, từ đó dẫn đến những sai lầm khi lĩnh hội nội dung ngôn bản.
Như đã nói ở trên, tình huống phải có vấn đề mới kích thích được tư duy HS. Căn cứ vào đặc điểm tình huống, chúng tôi nhận thấy có hai loại tình huống thường được sử dụng trong dạy học Tiếng Việt là: tình huống phản bác, tình huống không phù hợp. Theo đó, chúng tôi xây dựng hai loại bài tập tình huống thực tiễn:
a) Bài tập về tình huống không phù hợp
Tình huống không phù hợp là tình huống được tạo ra bằng cách giới thiệu những hiện tượng có tính “nghịch lí”, trái với quan niệm thông thường và kinh nghiệm cá nhân của HS ở một thời điểm nào đó nhưng kỳ thực nó là một vấn đề khoa học hợp lý. Bài tập thực tiễn về tình huống không phù hợp được xây dựng khi có mâu thuẫn giữa kiến thức đã có ở HS với kiến thức mới đang cần hình thành. Tình huống thực tiễn này phản ánh tính chất đa dạng, phức tạp của các quy tắc ngôn ngữ khi tham gia vào giao tiếp. Nó luôn đặt HS trước câu hỏi “Tại sao”. Chính sự không phù hợp có tính chất nhất thời giữa kiến thức cũ với kiến thức mới đòi hỏi HS phải tìm hiểu để nhận thức vấn đề. Đó cũng chính là động lực thúc đẩy HS tích cực hơn trong hoạt động học tập.
Ví dụ 1: Tổ chức bài tập về tình huống không phù hợp khi dạy bài “Ngữ cảnh”:
Đọc đoạn hội thoại sau và trả lời câu hỏi:
Con: Mẹ ơi, cái đèn lồng ông sao kia đẹp quá! Mẹ: Còn cả tháng nữa mới đến trung thu mà con.
74
Câu nói của người mẹ và người con dường như không cùng đề cập đến một vấn đề. Theo em, tại sao người mẹ lại đáp như vậy? Trong cuộc sống thường ngày, em còn gặp tình huống nào tương tự không? Nêu tình huống và lí giải?
HS dựa vào những hiểu biết của bản thân về một số phong tục, tập quán… của dân tộc để giải quyết vấn đề mà mới nghe tưởng như câu trả lời của người mẹ không phù hợp với câu nói của người con. Đằng sau những lời nói đó có biết bao nhiêu hiểu biết về hoàn cảnh giao tiếp (tâm lí trẻ em, phong tục rước đèn lồng trong ngày tết trung thu…) mà hai mẹ con đã thể hiện trong lời nói và người nghe cũng phải huy động những hiểu biết ấy để hiểu được cuộc đối thoại. Khi HS đã giải quyết được vấn đề, GV dẫn dắt để giúp các em tự rút ra những yếu tố thuộc về bối cảnh giao tiếp rộng, một phần quan trọng của ngữ cảnh.
Qua quá trình giải quyết tình huống, HS được tự kiến tạo kiến thức. Qua câu hỏi về tình huống tương tự kiến thức sẽ được khắc sâu hơn. (Chẳng hạn, HS đưa ra tình huống: lâu ngày về quê chơi, các em gặp một người quen đi chợ, em nói: “Bác đi chợ đấy ạ?”. Bác đáp lại: “Con mới về à? Gớm, mày càng lớn càng đẹp trai ấy nhỉ”). Cũng với bài tập này HS còn được rèn khả năng quan sát, khả năng phát hiện và giải quyết vấn đề liên quan đến thực tiễn.
Ví dụ 2: Tổ chức bài tập về tình huống không phù hợp khi dạy bài “Đặc điểm của ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết”:
(Cho HS xem một bản tin trên ti vi mà GV sưu tầm). Có bạn HS cho rằng bản tin trên thuộc ngôn ngữ viết mặc dù nó sử dụng phương tiện lời nói. Em có đồng ý với bạn không? Vì sao?
HS dựa vào kiến thức đã học về đặc điểm của ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết viết để giải quyết vấn đề mà thoạt nghe tưởng như không chính xác vì bản tin trên ti vi sử dụng phương tiện là lời nói. Sau khi giải quyết vấn đề, GV hướng dẫn HS khái quát về trường hợp ngôn ngữ viết trong văn bản được trình bày lại bằng lời nói miệng, từ đó phân biệt được chính xác trường hợp nào là ngôn ngữ nói, trường hợp nào là ngôn ngữ viết.
75
b) Bài tập về tình huống phản biện
Tình huống phản biện là tình huống tạo cho HS cơ hội tranh luận, bàn bạc, phê phán, bác bỏ một hiện tượng ngôn ngữ. Khi xây dựng tình huống, GV cố ý đưa ra một ngữ liệu không chính xác ở một phương diện nào đó và yêu cầu HS phản biện dựa trên những hiểu biết của bản thân về vấn đề được nói đến. Bài tập thực tiễn về tình huống phản biện có tác dụng tích cực trong việc rèn luyện khả năng tư duy phân tích, phân loại, so sánh và tổng hợp cũng như tư duy liên tưởng, tưởng tượng, tư duy sáng tạo của HS.
Ví dụ 1: Tổ chức bài tập giải quyết tình huống phản biện khi dạy bài “Phong cách ngôn ngữ báo chí”:
Có bạn HS cho rằng đặc trưng của ngôn ngữ báo chí là tính ngắn gọn, tuy nhiên có những phóng sự khá dài, thậm chí là phóng sự dài kỳ trên nhiều số báo, như vậy tính ngắn gọn không phải là đặc trưng của ngôn ngữ báo chí? Theo em, ý kiến của bạn đúng hay sai? Vì sao?
Để giải quyết được vấn đề mà bài tập đưa ra HS phải vận dụng kiến thức về phong cách ngôn ngữ báo chí, đặc trưng của thể loại phóng sự.
Ví dụ 2: Có người nói rằng phép tu từ chêm xen chỉ là một cách ghi chú, giải thích. Em có suy nghĩ thế nào về ý kiến đó? Em có đồng tình không? Nếu không, hãy vận dụng những hiểu biết của mình về phép tu từ chêm xen để phân tích một tác phẩm văn chương để làm rõ quan điểm của mình.
2.3.2.2. Bài tập tình huống – sáng tạo
Đây là dạng bài tập yêu cầu HS tự mình tạo nên (nói hoặc viết) sản phẩm ngôn ngữ theo một tình huống nào đó. Việc thực hiện những bài tập này gần với những hoạt động nói và viết hàng ngày của HS. Khi thực hành, HS có thể phát huy tính sáng tạo ở mức cao, đồng thời cũng có thể giúp các em rèn luyện nhiều loại tư duy cùng một lúc.
Dạng bài tập tình huống - sáng tạo có thể sử dụng khi GV giảng bài mới (HS tự tạo lập ngữ liệu và phân tích chính ngữ liệu đó theo định hướng của GV để kiến
76
tạo kiến thức) hoặc khi thực hành, khi giao bài tập về nhà. Khi xây dựng dạng bài tập này, GV nên hướng bài tập vào các tình huống giao tiếp có thể xảy ra nhằm nâng cao kĩ năng sử dụng ngôn ngữ của HS. Đây cũng chính là điểm thiếu sót của dạng bài tập tạo lập trong SGK mà chúng tôi sẽ bổ sung qua hai kiểu sau đây:
a) Cho sẵn tình huống, yêu cầu HS tạo lập ngữ liệu
Ví dụ 1: Khi dạy bài “Nghĩa của câu”, để giới thiệu với HS hai loại nghĩa: nghĩa sự việc và nghĩa tình thái, GV có thể đưa ra bài tập như sau:
Ba người bạn cùng vào một cửa hàng thời trang. Đứng trước một cái áo đẹp, có giá 97 nghìn đồng. Cả ba đều rất thích, nhưng một bạn thì tỏ thái độ bình thường, một bạn thì phàn nàn áo đắt, còn một bạn thì nghĩ giá như thế là rẻ.
- Em hãy viết những câu khác nhau để biểu thị thái độ của các bạn về giá của cái áo.
- Xác định sự việc mà cả ba câu cùng phản ánh?
- Xác định những từ ngữ thể hiện thái độ của người nói đối với sự việc? - Từ những phân tích ở trên hãy nêu cách hiểu của em về nghĩa tình thái?
Từ tình huống đã cho, HS tạo lập những câu khác nhau theo yêu cầu bài tập là một công việc khá đơn giản, nhưng nó lại là “chất xúc tác” để HS thực hiện các yêu cầu tiếp theo. Vì đây là bài tập hướng dẫn HS hình thành kiến thức nên những câu hỏi rất cụ thể và không khó để tìm ra đáp án với mục đích hướng dẫn HS đi lại con đường của nhà ngôn ngữ học, từ việc quan sát ngôn ngữ, phân tích và cuối cùng mới tiến hành khái quát.
Ví dụ 2: Tòa báo mà em tham gia làm cộng tác viên yêu cầu em viết cho chuyên mục “Gửi gió cuốn đi” một bài cảm nhận về mùa thu. Để thể hiện độ sâu của cảm xúc, em quyết định lấy biện pháp tu từ nghệ thuật lặp cú pháp làm biện pháp chủ đạo để sử dụng trong bài cảm nhận của mình. Hãy viết lại một đoạn văn bản có sử dụng phép lặp cú pháp trong bài cảm nhận đó.
Ví dụ 3: Em và bạn của em đang tranh luận về vấn đề sự quan trọng của tiền bạc và tình yêu. Để bảo vệ quan điểm của mình, cả hai đều sử dụng phép lặp cú
77
pháp nhằm tăng độ thuyết phục cho lập luận. Hãy trình bày lại cuộc đối thoại đó của các em và phân tích. (bài tập cho HS thảo luận theo cặp).
Ví dụ 2, 3 giúp HS có cơ hội kiểm tra năng lực ngôn ngữ thực sự của mình thông qua tình huống giao tiếp, từ đó nắm vững hơn về lý thuyết cũng như ý nghĩa của phép tu từ cú pháp đã học.
b) Yêu cầu HS tự đưa ra tình huống thực tiễn (tự ra bài tập).
Việc yêu cầu HS tự đưa ra tình huống là một vấn đề khó, hiện nay chưa nhiều, vì rằng HS giải quyết tình huống còn chưa xong thì nói gì đến xây dựng tình huống, nhưng không phải mọi HS đều không làm được, cứ xem đây là một dạng bài tập rất nhỏ, bước đầu dành cho HS khá trở lên. Đây là một công việc đòi hỏi năng lực độc lập rất cao và phần nào mang tính sáng tạo. Để làm được điều này đòi hỏi HS phải nắm vững kiến thức cơ bản, để khẳng định tình huống được đưa ra là đúng thì phải có óc xem xét và biết phê phán. Loại bài tập này có thể giúp HS nâng cao năng lực học tập, bằng cách tiến hành từng bước để tập dượt từ dễ đến khó. GV có thể gợi ý về nội dung kiến thức và cho một vài dữ kiện để HS đưa ra tình huống.
Ví dụ: Khi dạy bài “Đặc điểm của ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết” để mở rộng kiến thức cho HS, GV có thể tổ chức cho HS làm việc nhóm với bài tập như sau:
1. Có những trường hợp văn bản nói vẫn được ghi lại bằng chữ viết. Theo em, đó là những trường hợp nào? Hãy tạo một tình huống có vấn đề từ những trường hợp đó và ra yêu cầu cho nhóm khác giải quyết tình huống.
2. Có những trường hợp văn bản viết được trình bày bằng hình thức nói. Theo em, đó là những trường hợp nào? Hãy tạo một tình huống có vấn đề từ những trường hợp đó và ra yêu cầu cho nhóm khác giải quyết tình huống.
GV tùy tình hình lớp học mà lựa chọn hình thức làm bài tập nhóm phù hợp. Chẳng hạn, ở lớp có phần lớn HS khá, giỏi GV có thể chia lớp học thành 2 cụm nhóm, cho các nhóm bốc thăm chọn làm bài 1 hoặc 2. Nhóm bốc thăm bài 1 sẽ thực hiện yêu cầu của bài 1 sau đó giải quyết tình huống mà nhóm còn lại đưa ra, và ngược lại. Nếu ở lớp mà HS có nhiều trình độ khác nhau (từ khá, giỏi đến yếu, kém)
78
thì GV nên chia lớp thành 4 nhóm, trong đó 2 nhóm có nhiều HS khá giỏi và 2 nhóm có các HS còn lại. Các nhóm cũng tiến hành bốc thăm để làm bài 1 hoặc 2. Nhưng 2 nhóm có nhiều HS khá giỏi sẽ làm bài tập 1, 2 và 2 nhóm còn lại sẽ giải bài tập mà 2 nhóm khá giỏi đưa ra.
2.4. Một số biện pháp phát triển năng lực tư duy cho HS thông qua việc sử dụng hệ thống bài tập Tiếng Việt