Quản lí bồi dưỡng giáo viên

Một phần của tài liệu thực trạng quản lý hoạt động dạy ở các trường trung học phổ thông huyện trần văn thời, tỉnh cà mau (Trang 27 - 29)

7. Phương pháp nghiên cứu

1.2.3. Quản lí bồi dưỡng giáo viên

1.2.3.1. Giáo viên THPT

Giáo viên THPT là những người làm công tác dạy học, giáo dục trong các nhà trường THPT, các cơ sở giáo dục ở bậc THPT. Theo quy định tại Điều 77- Luật Giáo dục thì trình độ chuẩn được đào tạo đối với giáo viên THPT là: có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm, hoặc có bằng tốt nghiệp đại học và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. [29, tr.100]

1.2.3.2. Bồi dưỡng giáo viên

* Bồi dưỡng

Bồi dưỡng được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau:

Xét về tinh thần, bồi dưỡng là làm tăng thêm về năng lực phẩm chất.

Xét về kiến thức nghiệp vụ, bồi dưỡng là làm cho nghiệp vụ tốt hơn, giỏi hơn.

Tóm lại, bồi dưỡng thực chất là quá trình bổ sung thêm những tri thức, cập nhật thêm những cái mới để làm tăng thêm vốn hiểu biết, kỹ năng nghiệp vụ từ đó nâng cao hiệu quả lao động.

*Bồi dưỡng giáo viên là quá trình bổ sung nhằm mục đích nâng cao và hoàn thiện năng lực sư phạm của giáo viên.

“Bồi dưỡng giáo viên được coi là hoạt động đào tạo lại, giúp giáo viên cập nhật được những kiến thức khoa học chuyên ngành, những phương pháp mới, tiếp thu những kinh nghiệm giáo dục tiên tiến, để từ đó nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm. Vì vậy, nhà trường và các cơ quan QLGD cần có kế hoạch lâu dài về Bồi dưỡng giáo viên nhằm thỏa mãn nhu cầu nghề nghiệp của nhà giáo, đồng thời đáp ứng những đòi hỏi nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của cơ sở giáo dục. Bồi dưỡng giáo viên được tiến hành chủ yếu dưới hai hình thức: Tập trung và thường xuyên.” [9, tr.30, 31]

“Bồi dưỡng giáo viên nhằm nâng cao nhận thức chủ nghĩa Mác-Lênin; đường lối, quan điểm của Đảng; chủ trương, chính sách của Nhà nước và của ngành; nâng cao năng lực CMNV theo hướng cập nhật, hiện đại hóa phù hợp với thực tiễn giáo dục Việt Nam để đáp ứng các yêu cầu đổi mới về mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục.” [9]

Tóm lại, Bồi dưỡng giáo viên thực chất là nhằm bổ sung thêm những kiến thức còn thiếu, lạc hậu, cập nhật thêm cho giáo dục những kiến thực về khoa học giáo dục, về nội dung chương trình SGK, về đổi mới PPDH, những kiến thức về chính trị, thực tiễn,…nâng cao trình độ mọi mặt cho giáo viên nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục, phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH đất nước.

1.2.3.3. Quản lý bồi dưỡng giáo viên

Quản lý bồi dưỡng giáo viên là việc thực hiện các chức năng quản lý trong quá trình tổ chức bồi dưỡng giáo viên, từ chức năng hoạch định, tổ chức, điều khiển đến chức năng kiểm tra công tác bồi dưỡng giáo viên đạt mục tiêu và hiệu quả.

Quản lý bồi dưỡng giáo viên gồm các nội dung sau:

*Quản lý mục tiêu bồi dưỡng: Quản lý bồi dưỡng giáo viên nhằm giúp giáo viên hoàn thiện về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, cập nhật những kiến thức, PPDH mới, hiện đại. Đồng thời, trang bị thêm cho giáo dục về trình độ chính trị, tin học, ngoại ngữ nhằm làm cho giáo dục ngày càng được chuẩn hóa, đảm bảo chất lượng, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu; nâng cao phẩm chất đạo đức, lối sống, lương tâm nghề nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp CNH-HĐH đất nước.

*Quản lý nội dung bồi dưỡng: Quản lý bồi dưỡng giáo viên là việc thực hiện các chức năng quản lý trong quá trình bồi dưỡng giáo viên. Cụ thể:

Trong quá trình xây dựng kế hoạch Quản lý bồi dưỡng giáo viên phải dựa trên các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, sự phối hợp giữa Sở GD&ĐT với các trường sư phạm, các Trung tâm bồi dưỡng, với các nhà trường trên cơ sở rà soát tình hình đội ngũ từ số lượng đến chất lượng và điều kiện thực tế của từng trường để xây dựng kế hoạch bồi dưỡng ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn.

Trong quá trình tổ chức: Trên cơ sở kế hoạch, Sở GD&ĐT, Trường sư phạm và các trường THPT tiến hành tổ chức bồi dưỡng giáo viên với các nội dung, hình thức, phương pháp đã được hoạch định trước.

Trong khâu kiểm tra: Cần kiểm tra về số lượng, đối tượng tham gia bồi dưỡng, kiểm tra tiến độ thực hiện kế hoạch, kiểm tra về nội dung, hình thức, điều kiện tổ chức và kiểm tra việc đánh giá kết quả bồi dưỡng.

Điều 4, Thông tư số 26/2012/TT-BGDĐT, quy định nội dung và thời lượng bồi dưỡng thường xuyên như sau:

-Nội dung bồi dưỡng thường xuyên được quy định trong Chương trình bồi dưỡng thường xuyên do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành.

- Tổng thời lượng bồi dưỡng thường xuyên đối với mỗi giáo viên là 120 tiết/ năm học, bao gồm:

+ Nội dung bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ năm học theo cấp học (gọi nội dung bồi dưỡng 1): khoảng 30 tiết/ năm học.

+ Nội dung bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển giáo dục địa phương theo năm học, bao gồm cả nội dung bồi dưỡng do các dự án thực hiện (gọi là nội dung bồi dưỡng 2): khoảng 30 tiết/ năm học.

+ Nội dung bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu phát triển nghề nghiệp liên tục của giáo viên (gọi là nội dung bồi dưỡng 3): khoảng 60 tiết/ năm học.

* Quản lý hình thức bồi dưỡng:

Quản lý hình thức bồi dưỡng giáo viên hiện nay thường được tiến hành quản lý một số hình thức sau:

- Bồi dưỡng tập trung: Đây là hình thức bồi dưỡng theo khóa, theo từng đợt hay theo từng chu kỳ. Hình thức này thường được dùng để bồi dưỡng chính trị, bồi dưỡng thay SGK, bồi dưỡng nâng cao năng lực, bồi dưỡng thường xuyên theo chu kỳ,…Đây là hình thức được sử dụng rất phổ biến do Sở GD&ĐT phối hợp với các trường Sư phạm, các Trung tâm bồi dưỡng tổ chức.

- Bồi dưỡng từ xa: Đây là hình thức bồi dưỡng thông qua giáo trình, tài liệu của các trường Sư phạm, các Trung tâm bồi dưỡng hoặc các trường Sư phạm, các Trung tâm bồi dưỡng có thể sử dụng công nghệ thông tin để truyền tải kiến thức.

- Bồi dưỡng tại chỗ: Đây là hình thức đơn gian, dễ thực hiện và ít tốn kém nhất. Tại các nhà trường, giáo viên được tổ chức bồi dưỡng thông qua các hoạt động như sinh hoạt chuyên môn, thổ chức chuyên đề, hội thảo, thông qua dự giờ, thao giảng, thi giáo viên dạy giỏi, thông qua việc luân chuyển công việc,….

Một phần của tài liệu thực trạng quản lý hoạt động dạy ở các trường trung học phổ thông huyện trần văn thời, tỉnh cà mau (Trang 27 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)