Khái niệm nhân vật và tính cách nhân vật trong tác phẩm văn học

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tổ chức cốt truyện trong tiểu thuyết Ma Văn Kháng (Trang 80 - 82)

Trung tâm của mọi tác phẩm văn học là nhân vật. Nhân vật là nơi duy nhất tập trung hết thảy, giải quyết hết thảy trong một sáng tác.

Trong văn học nhân vật được hiểu rất rộng. Trong cuốn 150 thuật ngữ văn học, nhà nghiên cứu phê bình văn học Lại Nguyên Ân cho rằng: nhân vật là “hình tượng nghệ thuật về con người... có khi là các con vật, các loài cây, các sinh thể hoang đường được người ta gắn cho những đặc điểm giống với con người ... Nhân vật văn học là một đơn vị nghệ thuật, nó mang tính ước lệ, không bị đồng nhất với con người thực”[5-tr.249-250]. Chính sự phong phú, đa dạng về nhân vật làm cho văn học phản ánh hiện thực cuộc sống được cả bề rộng lẫn chiều sâu; đồng thời lại phù hợp với từng đối tượng độc giả. Do sự đa dạng về loại hình nhân vật nên dựa vào những tiêu chí khác nhau người ta phân loại nhân vật thành: nhân vật chính- nhân vật phụ-nhân vật trung tâm, nhân vật chính diện (còn gọi là nhân vật tích cực)- nhân vật phản diện (còn

81

gọi là nhân vật tiêu cực), nhân vật tư tưởng, nhân vật chức năng, …Tuy nhiên sự phân loại trên cũng chỉ mang tính chất tương đối bởi khi văn học càng đào sâu, áp sát đời sống thì sự xuất hiện của những con người mới trong văn học là điều không thể tránh khỏi.

Ta cũng cần phân biệt giữa nhân vật với tính cách và tính cách điển hình. Trong văn học, nhân vật được coi là khái niệm chung, “mới là hình ảnh con người”, tính cách là “hình tượng về con người”, tính cách điển hình chính là “điển hình về con người”. Tính cách có vai trò rất quan trọng trong văn học. Tính cách chính là “điểm trung tâm của mối quan hệ giữa nội dung và hình thức”(G.Hegel). Về nội dung, tính cách làm nhiệm vụ cụ thể hóa chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Về hình thức, có thể nói tính cách là yếu tố tạo nên những xung đột cũng như sắp xếp các sự kiện trong cốt truyện của tác phẩm. Hay nói như Dostoievski: “Đối với nhà văn, toàn bộ vấn đề là ở tính cách”. Tiểu thuyết là một thể loại tự sự nên nhân vật cũng được coi là một trong những yếu tố cốt tử. Một số nhà lý luận quan niệm nhân vật trong tiểu thuyết là hạt nhân của sự sáng tạo nghệ thuật, là “trọng điểm” để nhân vật lý giải mọi vấn đề của đời sống xã hội. Nhân vật chính là trung tâm của tiểu thuyết. Từ nhân vật sẽ đưa nhà văn đến những sáng tạo nghệ thuật khác: chọn chi tiết, cốt truyện, tình huống...

Với đặc trưng về thể loại, tiểu thuyết không chỉ có khả năng miêu tả một cách tỉ mỉ và khá toàn diện về cuộc đời của nhân vật mà còn đưa vào nó một khối lượng nhân vật đồ sộ. Với số lượng nhân vật lớn khả năng phản ánh hiện thực của tiểu thuyết rộng hơn đồng thời có thể đi sâu vào khám phá những ngóc ngách của đời sống thông qua những số phận cá nhân. Còn đối với độc giả, nhân vật trong tiểu thuyết chính là cái chìa khóa để giải mã những vấn đề mà tác giả đặt ra trong tác phẩm. Như vậy, nhân vật là vấn đề

82

trung tâm trong sáng tạo nghệ thuật của nhà tiểu thuyết. Nhân vật chính là sức mạnh của cuốn tiểu thuyết.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tổ chức cốt truyện trong tiểu thuyết Ma Văn Kháng (Trang 80 - 82)