Cốt truyện gấp khúc

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tổ chức cốt truyện trong tiểu thuyết Ma Văn Kháng (Trang 42 - 46)

Trong tiểu thuyết Gặp gỡ ở La Pan Tẩn, cốt truyện vẫn dựa trên mô hình

truyền thống nhưng trình tự tuyến tính được thay thế bằng trình tự phi tuyến tính của chuyện kể theo thời gian gấp khúc. Truyện gồm hai mươi chương có chương đặt nhan đề, có chương chỉ đánh số. Truyện được bắt đầu ở phần mở nút khi Thiêm trong đang là người đánh trống trường cho một trường học ở thành phố. Anh luôn bị ám ảnh trong giấc chiêm bao tình ái trên bãi đá làng Mèo ở La Pan Tẩn.

Từ thời điểm hiện tại, ám thị bãi đá kia lần mở đưa ta về quá khứ khi Thiêm là chàng trai mới tốt nghiệp trung cấp sư phạm hăm hở lên La Pan Tẩn dạy học, mang ánh sáng văn hóa, văn minh đến xứ xở xa xôi. “La Pan Tẩn, bản Mèo trên núi cao, nơi Thiêm đã sống những tháng ngày say đắm, nơi anh mê mải hoàn thành chức trách một kẻ dẫn đường, một thày giáo. La Pan Tẩn, nơi cực chẳng đã anh phải chia tay. Nơi Thiêm như một cánh chim bay lòng còn dùng dắng mà vẻ ngoài thật dứt khoát, kẻ ở lại tay vẫy, miệng ứ nghẹn vì ân hận dâng đầy “Mổng à! Chi tu sa! Đi nhé! Đừng đứt lòng!” Đứt lòng sao được!Quên sao được!” [29-tr.306]. Với bà con ở La Pan Tẩn, Thiêm là “dở sấu” (ông tiên, ông thánh). Một mình anh biến vùng đất bấy lâu sống trong cảnh kinh tế thì tự túc, tự cấp; văn hóa thì nghèo nàn thành điểm sáng giáo dục của toàn huyện Xin Ma Chải. Kế hoạch anh đang say mê thực hiện là hoàn thành tòa lâu đài văn hóa La Pan Tẩn. Nơi đây, anh nhận được tình yêu thắm thiết, chân tình, đầy nước mắt của thiếu phụ xinh đẹp bị ép duyên Seo Mùa. Tình yêu của họ không chiến thắng tập tục và cái ác. Seo Mùa bị Quốc Thanh (ông đặc phái viên chính trị của huyện) sàm sỡ khiến Tếnh, chồng cô ghen tuông, đánh đập. Seo mùa ăn lá ngón tự tử. Bản thân Thiêm bị Quốc Thanh (kẻ cơ hội, đội lốt cán bộ cách mạng mà thực chất là phá hoại cách

43

mạng, phá hoại phong trào xây dựng chủ nghĩa xã hội) hãm hại đến mức phải rời La Pan Tẩn.

Kết thúc tác phẩm trở về thời gian của hiện tại, Thiêm ngoài việc trực trống trường cho một trường ở Hà Nội còn đi dạy kèm. Lúc này anh đã có bằng đại học và là giáo viên dạy kèm có tiếng tăm. Anh dạy cho con của Văn Bốn (tức Quốc Thanh khi xưa). An, vợ hắn, là một phụ nữ đẹp đã đem lòng yêu Thiêm. Ghen tuông, Văn Bốn thuê người tạt axít hủy hoại gương mặt và đôi mắt của Thiêm. Anh trở về quê thì gặp đám tang ông nội. Ở quê, bệnh của anh được chữa khỏi nhờ thuốc gia truyền của dòng họ và cả sự linh ứng phù hộ của ông nội. Anh nhận được thư của học trò cũ (Giàng A Tú) mời anh lên La Pan Tẩn - vùng đất đang khát chữ- và có An đang khao khát chờ anh. Đây là tác phẩm sử dụng nhiều từ ngữ chỉ thời gian không xác định, thời gian phiếm chỉ thuộc nhiều về quá khứ, hồi ức: Một hôm, gia phả đời thứ ba mươi dòng họ này ghi, tổ phụ xa xưa của dòng họ, mười hai tuổi, mười lăm tuổi, mười sáu tuổi, ấy là một buổi sáng mùa đông, mùa đông đầu tiên Thiêm sống ở La Pan Tẩn, hồi ấy, lúc ấy,…Thủ pháp này làm cho quá khứ, hiện tại và tương lai bị xáo trộn và đổi chỗ cho nhau. Thời gian nghệ thuật trở nên gấp khúc không liền mạch.

Trật tự thời gian trong tác phẩm bị đảo lộn khá triệt để. Mở đầu tác phẩm (Chương I) là giấc chiêm bao của thầy giáo Thiêm, một giấc mơ tình ái. Bỗng xen lẫn vào đó là cảnh Thiêm cùng phường săn với mười tay súng đuổi con hươu tơ vào một buổi sáng mùa lạnh, rừng khô kiệt. Sau đó lại tiếp tục miêu tả cảnh tận cùng cơn khoái lạc của Thiêm… Tiếp đến là hình ảnh nhân vật Thiêm đã “quá nửa đời người” với những hồi ức sống động về quá khứ của anh. Sống với kí ức, anh nhớ đến ông nội với “một cốt cách văn hóa cổ xưa”, “một biểu trưng của tính bảo lưu truyền thống”; nhớ đến “người cha tài hoa, bạc mệnh” của mình; nhớ đến những năm tháng lập nghiệp ở bản Mèo La Pan

44

Tẩn, “nơi có cái bãi đá cao lưng chừng trời”. Rồi anh liên hệ cái quá khứ ấy với hiện tại: một thuở oai hùng với cuộc sống khá nhàm chán mà anh đang sống: “ngày hai buổi đến trường chỉ với thao tác vung dùi gõ vào mặt da trống theo một tiết tấu đã ước định” với một nỗi niềm băn khoăn “Sao lại có thể đang từ một kẻ dẫn đường, một kẻ sống một ngày là tỏa sáng một ngày lại biến thành một gã đàn ông đánh trống trường?”. Cuối cùng lại là suy nghĩ của Thiêm về một người phụ nữ “gần cận, luôn tươi mới và ngày càng trở nên vô giá với anh”. Đó là toàn bộ chương I, nhưng đọc hết chương này, người đọc vẫn không thể nào tìm ra ra được mối liên hệ giữa các sự kiện, không biết được người phụ nữ trong giấc mơ tình ái của Thiêm là ai, không biết được vì sao anh lại trở thành người đánh trống trường và hiện giờ anh đang ở đâu… Mãi đến chương XIX, người đọc mới biết được Thiêm đang ở Hà Nội, người phụ nữ ấy là vợ của Quốc Thanh, tên An. Đọc chương XVIII, người đọc chứng kiến cảnh Thiêm đi một mình, “dò giẫm giữa không gian vô bờ và bơ vơ” tìm đường về quê hương vì “Thiêm đã mất hết khả năng nhìn”. Nhưng anh vẫn nhận ra quê hương bởi “Thiêm đã mở hết các huyệt điểm trên cơ thể để thu nhận tất cả hương vị đặc sắc của miền đất vừa phong khoáng vừa sâu thẳm tâm linh này”; nhận ra đám tang ông nội, “một đám tang thật lớn, một đám tang của những thế kỷ xa xưa, đang chầm chậm tiến đến và lần lượt từng khúc đoạn diễu qua mắt anh”. Nhưng muốn biết được nguyên nhân vì sao Thiêm bị trọng thương hai mắt, mất hết khả năng nhìn thì người đọc phải đọc qua chương XIX. Nguyên nhân là do “Thiêm bị bọn đâm thuê chém mướn giở trò bạo lực man rợ, tạt axít vào mặt anh mưu đồ làm nhục anh và hạ sát anh”, vì lí do như công an đã kết luận là “do tranh đoạt tình cảm đàn bà”.

Tăng tính gấp khúc, không liền mạch còn là những chương lắp ghép về một mảnh đời của nhân vật nào đó xen vào giữa dòng chảy của hệ thống sự

45

kiện trong cốt truyện như một cách làm chùng, kéo dãn độ căng của cốt truyện. Chẳng hạn, xen giữa mười sáu chương truyện kể về Thiêm những ngày dạy học ở La Pan Tẩn lại có chương thứ X với nhan đề “Ông nội” kể về cuộc đời người ông nội cũng như gia cảnh của dòng họ và tuổi thơ của Thiêm. Sự ngược dòng quá khứ, đồng hiện không gian mở ra cho cốt truyện trường khám phá và phản ánh rộng lớn. Ma Văn Kháng sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật như hồi tưởng, dòng kí ức, phép đồng hiện thời gian nhằm tái hiện một cách phong phú cuộc đời của các nhân vật. Ở chương II, người đọc biết được những chi tiết cụ thể về sự nghiệp của Thiêm. Đó là từ lúc anh ra trường, nhận quyết định lên vùng cao công tác, những lời dặn dò của ông nội và những lời động viên của thầy giáo chủ nhiệm lúc anh và các bạn lên đường, sự kiện trên sân ga Phố Lu giữa núi rừng Tây Bắc, các “hố pẩu khăn áo xanh lè màu chàm, trịnh trọng và ngơ ngác” đến đón các giáo sinh sư phạm và Thiêm theo hố pẩu Giàng Dìn Chin về xã La Pan Tẩn, đến hôm khai giảng lớp học đầu tiên… Năm năm sau, những chi tiết đó được kể lại trong một cuộc trò chuyện giữa Thiêm và hố pẩu Giàng Dìn Chin. Điều đặc biệt ở đây là tất cả được kể không theo trình tự thời gian mà nó được tái hiện lại, được gợi nhắc đến một cách tự nhiên trong hồi ức của hố pẩu Giàng Dìn Chin và Thiêm.

Để câu chuyện không nhàm chán, nhà văn sử dụng nhiều yếu tố kì ảo, đi sâu vào thế giới tâm linh, tiềm thức của con người để gia tăng sự hấp dẫn cho cốt truyện. Đó là các chi tiết như trong đêm mưa đá (chương XI) Thiêm gặp linh hồn người lái chiếc xe Ford mà anh mang vành bánh xe về làm kẻng. Linh hồn trò truyện với anh về lẽ sống, về chính trị, báo lá số tử vi của Thiêm. Thiêm gặp lại linh hồn này trong giấc mơ của anh ở chương XIX để nghe linh hồn khẳng định công bằng vốn là lẽ tự nhiên. Cũng trong chương XIX, Khiêm chiêm bao thấy Thúy đến xin lỗi anh và kể về phần đời của cô từ sau khi hai người xa nhau và xa La Pan Tẩn. Khiêm cũng mơ thấy ông nội về an

46

ủi và chữa cho vết thương trên mặt anh. Sau đêm mơ đó, Khiêm lành vết sẹo, mắt sáng lại như một kì tích. “Ngày tứ cửu, Thiêm trở dậy, quái lạ, đưa tay lên sờ mặt bỗng thấy như mặt ai. Những đám sần sùi phồng rộp đã xèm xẹp, nhăn nhẵn. Hôm sau nữa, những vệt da lởm nhởm, ram ráp đã như bị bóc tuột đi. Và mắt đã bắt gặp một ánh trắng bong của cánh hoa nhài nở bên bể nước mưa cạnh bức tường hoa.” [29-tr.552]. Anh nhận được tin vui ở La Pan Tẩn. An tìm đến nơi hẹn hò của hai người theo ngôn ngữ và cách hành động của nhân vật cổ tích “Tôi và anh Thiêm hẹn gặp nhau ở La Pan Tẩn. Tôi không biết đường. Tôi đi hỏi cô đồng tên là Thúy. Cô đồng dặn tôi đường tới lâu đài hạnh phúc. Tôi đi mọi sự diễn ra đúng như lời của cô đồng chỉ bảo. Rằm tháng bảy tôi ra đầu cầu Chương Dương. Đứng ở đó nửa giờ đồng hồ thì có một chiếc Toyota mười hai chỗ ngồi màu kem đỗ lại. Tôi xin lên xe. Xe chạy tới sáng hôm sau, tới một ngã ba thì hỏng lốp sau. Tôi xuống xe thấy ở đó có một đoàn ngựa thồ đang nghỉ chân. Tôi gặp ông già người Mèo đeo nón sơn vàng ở sau lưng, tôi nói “Cho tôi theo với!”. Thế là tôi theo ông ấy và đoàn ngựa thồ về tới Bãi Đá này.” [29-tr.556]. Trên thực tế cho thấy, khi đi vào thế giới tâm linh, tiềm thức, vô thức, nhà văn sử dụng kiểu kết cấu lắp ghép. Các sự kiện diễn ra trong cuộc đời nhân vật, các hiện tượng diễn ra trong đời sống được tái hiện trong sự mờ nhòe của các đường biên phân cách giữa thực - hư, quá khứ - hiện tại rất tự nhiên, nhẹ nhàng. Nhà văn đã mượn yếu tố giả cổ tích trong kết thúc có hậu, mượn mô típ kì ảo về chiêm mộng, người báo tin, người chỉ đường để đưa người đọc đến thế giới tâm linh, thế giới của những huyền bí, nhiệm màu chữa bớt đi phần hiện thực tàn khốc, đem đến cho người đọc niềm tin rằng người tốt sẽ được đền bù. Niềm tin ấy không mới nhưng vẫn mang giá trị nhân văn cao cả nhất là trong cuộc sống bộn bề những âu lo, bất trắc của thời đại chúng ta ngày nay.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tổ chức cốt truyện trong tiểu thuyết Ma Văn Kháng (Trang 42 - 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)