điểm của các biện pháp này
EU là một Liên minh thuế quan của 27 quốc gia thành viên, do đó dẫn tới thực tế là trong quá trình điều tra hoặc rà soát hoặc áp thuế phòng vệ thương mại có thể phù hợp với lợi ích của một ngành sản xuất ở một quốc gia thành viên nào đó trong EU nhưng lại không có ý nghĩa nhiều lắm với các ngành sản xuất tương tự ở các quốc gia thành viên còn lại. Vì thế mỗi quyết định áp dụng hay không biện pháp phòng vệ thương mại thường gây ra nhiều tranh cãi trong nội bộ EU và việc đi tới một quyết định áp thuế với EU là khó khăn hơn so với các nước khác.
Điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại ở EU trên thực tế lại mang khá nhiều hơi hướng chính trị. So với pháp luật các nước khác về phòng vệ thương mại thì các quy định hiện tại của EU được xem là khá mềm mỏng, và "kiềm chế" trong quy trình điều tra và theo hướng có lợi hơn cho nhà xuất khẩu nước ngoài so với pháp luật của nhiều nước khác, đặc biệt là của Hoa Kỳ. Cụ thể, quy trình điều tra của EU tương đối đơn giản. Theo pháp luật của WTO thì một vụ điều tra chống bán phá giá hoặc chống trợ cấp không được kéo dài quá 18 tháng, tuy nhiên thời hạn này chỉ còn 15 tháng đối với chống bán phá giá và 13 tháng đối với chống trợ cấp tại EU. Ngoài ra, quy trình điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp của EU cũng đơn giản hơn với một cơ quan duy nhất có thẩm quyền về điều tra cả về phá giá, trợ cấp và thiệt hại là Ủy ban Châu Âu, (Hoa Kỳ có tới hai cơ quan tham gia vào quá trình này là DOC (điều tra về phá giá, trợ cấp) và ITC (điều tra về thiệt hại)).
Một điều khác biệt trong pháp luật về phòng vệ thương mại của EU so với Hoa Kỳ và nhiều quốc gia thành viên WTO, đó là tuy thủ tục, quy trình điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp tại EU khá đơn giản, tuy nhiên điều kiện áp thuế lại khó khăn hơn. Cụ thể, nếu như WTO và một số quốc gia khác quy định việc áp thuế chỉ được áp dụng nếu có đủ ba điều kiện: (i) có bán phá giá, trợ cấp đáng kể, (ii) có thiệt hại đáng kể đối với ngành sản xuất nội địa, (iii) có mối quan hệ nhân quả giữa việc bán phá giá, trợ cấp và thiệt hại thì tại EU, còn bổ sung thêm một điều kiện quan trọng khác cần phải đáp ứng là (iv) việc áp thuế không ảnh hưởng tới lợi ích Liên minh. Tại EU, nhắc đến lợi ích Liên minh được hiểu bao gồm lợi ích của cả nhà nhập khẩu và người tiêu dùng ở tất cả các nước trong EU (mà đối tượng này lại có chung lợi ích với các nhà xuất khẩu), do đó lợi ích này khá phân tán, và về cơ bản không có nhóm lợi ích nào có khả năng áp đặt quan điểm của mình với các nhóm khác. Do vậy, rất hiếm khi có được sự đồng thuận của đa số các nhóm lợi ích ở EU. Với tính chất là một thiết chế Liên minh đặc biệt, EU hiện đang áp dụng một quy trình ra quyết định áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại tương đối đặc biệt. Cụ thể, cơ quan có thẩm quyền điều tra, ra kết luận cuối cùng về các vấn đề điều tra, cơ quan đưa ra đề xuất áp dụng biện pháp chống bán phá giá/chống trợ cấp đều là Ủy ban Châu Âu. Đề xuất này sau đó sẽ được đệ trình tới Hội đồng Châu Âu (với thành phần là các Bộ trưởng, đại diện cho từng quốc gia thành viên của EU) để cơ quan này bỏ phiếu thông qua. Đề xuất áp thuế sẽ được thông qua nếu đa số thành viên Hội đồng bỏ phiếu ủng hộ đề xuất này. Như vậy, dù cuộc điều tra có đi đến kết luận khẳng định đầy đủ cả bốn điều kiện nêu trên thì biện pháp áp thuế vẫn có thể không được áp dụng nếu vận động được đa số các quốc gia thành viên EU phản đối quyết định áp thuế. Đây chính là điểm khác biệt cơ bản trong pháp luật phòng vệ thương mại của EU so với các quốc gia khác, đặc biệt là Hoa Kỳ, nơi mà các biện pháp phòng vệ được áp dụng gần như tự động sau khi có kết luận điều tra khẳng định tồn tại các điều kiện áp thuế.
Một đặc điểm khác của pháp luật phòng vệ thương mại của EU, đó là quy tắc thuế thấp hơn. Cụ thể, theo quy định của WTO, mức thuế chống bán phá giá không được cao hơn biên độ phá giá. Trên thực tế, các quốc gia thường áp dụng quy tắc thuế bằng biên độ phá giá được xác định trong điều tra. Tuy nhiên, EU lại xác định hai loại biên độ: biên độ phá giá và biên độ thiệt hại và sẽ áp dụng thuế suất bằng biên độ nào thấp hơn trong hai loại biên độ này. Như vậy, trong mọi trường hợp, Liên minh Châu Âu nếu có quyết định áp dụng biện pháp thuế cũng sẽ không cao hơn biên độ phá giá và có khả năng thấp hơn, điều này không giống như nhiều nước, trong đó có Hoa Kỳ, vì mức thuế suất luôn bằng biên độ phá giá được xác định, không có bất kỳ khả năng nào thấp hơn hoặc giảm nhẹ hơn.