Hoa Kỳ với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam
Theo thống kê của Hội đồng Tư vấn các biện pháp phòng vệ thương mại quốc tế (Hội đồng TRC) - VCCI, tính đến tháng 10 năm 2012, Hoa Kỳ đã
tiến hành tổng cộng tám cuộc điều tra chống bán phá giá đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, trong đó năm 2002 có một vụ điều tra đối với mặt hàng cá da trơn, năm 2003 khởi xướng một vụ điều tra đối với mặt hàng tôm, năm 2008 khởi xướng điều tra đối với sản phẩm lò xo không bọc, năm 2009 khởi xướng điều tra sản phẩm túi nhựa PE, năm 2010 tiếp tục điều tra mặt hàng mắc treo quần áo bằng thép và năm 2011, liên tiếp khởi xướng ba vụ điều tra đối với ống thép cácbon, mắc áo thép và tuabin điện gió.
Cũng theo thống kê của Hội đồng TRC của VCCI, tính đến tháng 12 năm 2011, Hoa Kỳ đã tiến hành bốn vụ kiện chống trợ cấp đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Cụ thể, ngày 31/3/2009, Hoa Kỳ đã khởi kiện chống trợ cấp đối với mặt hàng mắc túi nhựa PE của Việt Nam, ngày 31/8/2009 đã áp dụng biện pháp tạm thời với mức thuế tạm thời là 0,20%-4,24%, sau đó ngày 04/5/2010, đã áp dụng biện pháp cuối cùng với thuế chống trợ cấp là 5,28 -52,56%, trong thời hạn năm năm. Năm 2011, Hoa Kỳ đã lần lượt khởi xướng điều tra chống trợ cấp đối với ba mặt hàng của Việt Nam (15/11/2011 - đã khởi xướng điều tra đối với mặt hàng ống thép của Việt Nam; ngày 29/12/2011 đồng thời khởi xướng điều tra với cả sản phẩm mắc áo thép và tuabin điện gió). Tính đến nay, chưa có vụ kiện tự vệ nào được áp dụng đối với hàng hóa của Việt Nam tại Hoa Kỳ.
Từ thống kê này có thể thấy trước năm 2009, các vụ điều tra phòng vệ thương mại mà Hoa Kỳ đã tiến hành đối với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đều là các vụ điều tra chống bán phá giá. Kể từ năm 2009 cho đến nay, hai trong số ba vụ điều tra chống bán phá giá mới đều đồng thời điều tra chống trợ cấp (điều tra kép). Riêng đối với các vụ điều tra chống bán phá giá, chỉ có một trong số tám vụ là điều tra chống lẩn tránh thuế (là loại điều tra phái sinh, áp dụng đối với những sản phẩm mà phía Hoa Kỳ nghi là có hiện tượng chuyển khẩu sang Việt Nam từ một nước khác đang bị áp thuế phòng vệ thương mại tại Hoa Kỳ. Quy định về chống lẩn tránh thuế trong pháp luật
của Hoa Kỳ có thể tiến hành điều tra chống lẩn tránh thuế đối với các sản phẩm từ một nước thứ ba (nước thứ ba này không phải là bị đơn trong vụ kiện chống bán phá giá gốc) và nếu kết quả điều tra cho thấy đúng là có kết quả lẩn tránh thuế, cơ quan này có quyền mở rộng phạm vi áp dụng biện pháp chống bán phá giá gốc cho các sản phẩm tương tự đến từ nước thứ ba này. Thực tế này xuất phát từ hiện tượng các doanh nghiệp tại các nước láng giềng của Việt Nam khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ và bị "chặn" bằng thuế chống bán phá giá thì tìm cách chuyển khẩu sang Việt Nam, gian lận hoặc lợi dụng sự thiếu hiểu biết hoặc sự ham lợi trước mắt của một số doanh nghiệp Việt Nam để cấu kết, lấy xuất xứ Việt Nam cho hàng hóa, xuất đi Hoa Kỳ tránh thuế.
Việt Nam với tính chất của cơ cấu hàng hóa xuất khẩu có nhiều điểm tương đồng với các nước láng giềng, do đó khi các nước láng giềng (đặc biệt là Trung Quốc) lại thường xuyên là đối tượng của các biện pháp phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ, Việt Nam hiện đang đứng trước hai nguy cơ lớn: hoặc bị doanh nghiệp các nước này lợi dụng chuyển khẩu lẩn tránh thuế, hoặc bị Hoa Kỳ nghi ngờ là điểm chuyển khẩu cho những sản phẩm của các nước láng giềng mà Hoa Kỳ đã áp dụng thuế phòng vệ thương mại. Hai nguy cơ này dẫn tới rủi ro là các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam bị kiện nhiều mà không phải xuất phát từ lý do tích cực là sức cạnh tranh cao của sản phẩm mà vì bị liên lụy từ các nước láng giềng đã bị áp thuế phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ (điều tra chống lẩn tránh thuế) hoặc đang bị phía Hoa Kỳ xem xét kiện (điều tra gốc, kiện một chùm nhiều nước để tránh nguy cơ lẩn tránh thuế sau này).
Thực tiễn áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ cho thấy các mặt hàng bị kiện chống trợ cấp và chống bán phá giá của Việt Nam gồm những sản phẩm xuất khẩu từ thuộc nhóm hàng mà Việt Nam có thế mạnh (cá, tôm), đến những sản phẩm có sức cạnh tranh trung bình (túi nhựa), thậm chí cả các sản phẩm mà Việt Nam mới chỉ xuất sang Hoa Kỳ nói riêng và các thị trường xuất khẩu khác nói chung với số lượng và trị giá hạn chế (mắc áo thép, turbin điện gió, lò xo không bọc…). Trên bình diện chung, số
liệu về các vụ điều tra phòng vệ thương mại mà Hoa Kỳ tiến hành đối với Việt Nam không phải là nhiều so với số các vụ việc mà xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt ở các thị trường khác trên thế giới. Mặc dù vậy, nếu nhìn vào quy mô thị trường và mức độ thiệt hại (dựa vào kim ngạch xuất khẩu, mức thuế suất và thời gian áp thuế) thì có thể nói Hoa Kỳ là một trong những thị trường "rủi ro" nhất về vấn đề phòng vệ thương mại đối với xuất khẩu của Việt Nam.
Về các biện pháp thuế bị áp dụng, ngoài bốn vụ điều tra chống bán phá giá và hai vụ điều tra chống trợ cấp bị khởi xướng từ cuối năm 2010 đến nay, tất cả các vụ điều tra mà Hoa Kỳ tiến hành đối với sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đều đi đến kết quả khẳng định có đủ điều kiện áp thuế (khẳng định có hành vi bán phá giá gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ), với mức thuế suất cao (đặc biệt là thuế suất toàn quốc, mức thuế áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất và xuất khẩu sang Hoa Kỳ sản phẩm liên quan ngoài một số hạn chế các doanh nghiệp được hưởng thuế suất riêng) và tới nay, chưa có sản phẩm nào đã bị áp thuế mà thoát khỏi thuế đó khi hết thời hạn áp thuế ban đầu (5 năm). Thực tế này bắt nguồn từ việc tại Hoa Kỳ áp dụng quy chế nền kinh tế phi thị trường của Việt Nam trong các điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp tại Hoa Kỳ. Cụ thể, theo quy định của WTO, đối với trường hợp điều tra chống bán phá giá sản phẩm đến từ các nước có nền kinh tế phi thị trường (là nền kinh tế mà Nhà nước kiểm soát giá cả và sản xuất) thì việc sử dụng các phương pháp tính toán giá theo đúng chuẩn có thể là không phù hợp, nghĩa là cho phép nước điều tra áp dụng phương pháp tính toán khác mà họ cho là thích hợp. Khi gia nhập vào WTO, dưới sức ép của đàm phán, Việt Nam đã phải chấp nhận quy chế nền kinh tế phi thị trường trong các vụ điều tra phòng vệ thương mại đến hết 31/12/2018. Hoa Kỳ đã áp dụng điều này trong pháp luật của mình bằng cách sử dụng phương pháp "nước thứ ba thay thế" trong điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp với các nước có nền kinh tế phi thị trường như Việt Nam, cụ thể là sử dụng giá lấy từ
giá thông thường, từ đó tính toán biên độ phá giá. Giá này, do đó không phản ánh tình trạng thực của giá sản phẩm và đa số các trường hợp, khiến cho biên độ phá giá/trợ cấp bị "đội lên", bị "thổi phồng" lên nhiều. Mức thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp ở Hoa Kỳ lại được xác định căn cứ vào kết quả tính toán biên độ phá giá, trợ cấp. Điều này dẫn tới thực tế mức thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp trong các vụ điều tra đối với sản phẩm của Việt Nam thường cao hơn so với thực tế và là nguyên nhân của tình trạng Việt Nam thua trong hầu hết các vụ kiện ở Hoa Kỳ, nghĩa là hàng Việt Nam bị kết luận có bán phá giá hoặc có trợ cấp với biên độ cao và phải chịu mức thuế cao, trừng phạt cao tương ứng. Đây cũng chính là một động cơ thúc đẩy các nhà sản xuất nội địa Hoa Kỳ đi kiện sản phẩm một số nước như Trung Quốc hay Việt Nam để đạt được mục tiêu áp thuế cao cho sản phẩm nhập khẩu.
Đầu năm 2012, các hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ tiếp tục gặp phải các rào cản từ phía Hoa Kỳ. Cụ thể, ngày 18/01/2012, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã ra quyết định khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm mắc áo bằng thép. Mặc dù mắc áo thép chưa phải là sản phẩm xuất khẩu mạnh của Việt Nam, tuy nhiên điểm đặc biệt là vụ việc này là ở chỗ: đây không phải lần đầu tiên mắc áo thép Việt Nam bị Hoa Kỳ kiện phòng vệ thương mại. Năm 2010, sản phẩm này đã từng bị kiện chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá. Đây là vụ kiện kép cả chống bán phá giá và chống trợ cấp, điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ phải bỏ gần như gấp đôi thời gian, công sức và tiền bạc để thuê luật sư tư vấn, chuẩn bị tài liệu, trả lời bảng câu hỏi, gửi bảng câu hỏi... Và nếu kết luận cuối cùng dẫn đến việc áp cả hai loại thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp thì doanh nghiệp sẽ rơi vào tình cảnh "một cổ hai tròng", cùng lúc phải chịu hai thứ thuế, việc cạnh tranh tại thị trường Hoa Kỳ vì vậy có thể sẽ khó khăn hơn nhiều. Chỉ sau vài tháng, kể từ tháng 11/2011 vừa qua, ngành thép đã và đang phải chống chọi với 2 vụ kiện phòng vệ thương mại (1 vụ kiện chống bán phá giá và 1 vụ kiện chống trợ cấp) đối với sản phẩm ống thép
cac-bon tiêu chuẩn. Do đây là lần thứ hai Việt Nam bị kiện chống trợ cấp và cũng là lần thứ hai bị kiện kép chống trợ cấp và chống bán phá giá (nếu không kể đến vụ ống thép vừa mới khởi xướng điều tra và chưa có nhiều hoạt động kháng kiện liên quan) nên ít nhiều chúng ta cũng đã rút ra được bài học kinh nghiệm từ vụ kiện trước, đặc biệt là bài học về sự cách thức phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước và doanh nghiệp, về các phương án đối phó đối với từng loại cáo buộc trợ cấp và phá giá.... trong đó những lập luận thành công của Việt Nam trong vụ kiện chống trợ cấp đối với túi nhựa PE trước DOC tạo tiền lệ tốt cho Việt Nam trong các vụ điều tra chống trợ cấp sau tại Hoa Kỳ, trong đó có vụ ống thép này. Trong vụ kiện chống trợ cấp thép lần này, có khoảng 2/3 trong số các chương trình trợ cấp bị nguyên đơn cáo buộc có tính chất tương tự với các chương trình đã bị kiện trong vụ Túi nhựa, vì vậy Việt Nam hoàn toàn có thể sử dụng các lập luận tương tự vụ túi nhựa để áp dụng trong trường hợp đã "thắng" trong vụ túi nhựa (tất nhiên với các dẫn chứng cụ thể của ngành thép) và có điều kiện để tập trung nguồn lực nhiều hơn nhằm đối phó với các chương trình trợ cấp bị cáo buộc mới xuất hiện trong vụ việc này hoặc đã xuất hiện trong vụ túi nhựa nhưng DOC chưa có kết luận cuối cùng.
Một tin vui gần đây cho các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng ống thép hàn cácbon của Việt Nam là ngày 16/10, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã công bố quyết định cuối cùng trong vụ điều tra chống trợ cấp đối với mặt hàng này. Theo đó, DOC khẳng định không tồn tại trợ cấp đối kháng dành cho các nhà sản xuất, xuất khẩu ống thép hàn cácbon Việt Nam. Như vậy, DOC đã chính thức loại bỏ cả 17/17 chương trình, chính sách bị cáo buộc là trợ cấp. Với quyết định này, vụ điều tra chống trợ cấp đối với mặt hàng ống thép hàn cácbon của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ kéo dài gần một năm qua sẽ chính thức chấm dứt. Tiếp theo DOC sẽ ban hành văn bản hướng dẫn Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ cho thanh khoản các khoản thuế chống trợ cấp đối với các lô hàng ống thép hàn cácbon của Việt
Nam được nhập khẩu vào Hoa Kỳ kể từ sau ngày 30/3/2012 với mức thuế suất trợ cấp bằng 0. Đồng thời gửi thông báo quyết định của mình tới Ủy ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC) để chính thức kết thúc vụ việc.