Cơ sở hình thành văn hoá Chăm tại các điểm du lịch văn hoá Chăm

Một phần của tài liệu Tổ chức hoạt động tham quan hướng dẫn tại các điểm du lịch văn hóa Chăm, Ninh Thuận ( Nghiên cứu trường hợp tháp Po Klong Garai, làng dệt thổ cẩm truyền thống Chăm Mỹ Nghiệp, làng gốm Bầu Trúc) (Trang 40 - 45)

7. Bố cục luận văn

1.5.2. Cơ sở hình thành văn hoá Chăm tại các điểm du lịch văn hoá Chăm

1.5.2.1. Điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội

Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Chăm, cư dân chăm sống dọc theo đường bờ biển dài của miền Trung Việt nam. Người Chăm đã từng bước giao lưu, hội nhập với rất nhiều nền văn hoá khác nhau làm giàu thêm bản sắc văn hoá dân tộc mình. Trên cơ sở hoà nhập và tiếp biến văn hoá chứ không hoà tan người chăm đã dựa trên những cơ sở văn hoá của riêng mình để tiếp biến với các nền văn hoá và phát triển ngày càng mạnh mẽ.

Ninh Thuận là một vùng đất có nhiều nét riêng về điều kiện tự nhiên sinh thái và xã hội nhân văn.

- Về tự nhiên, Ninh Thuận là một tỉnh khô hạn, nắng nóng quanh năm, có lượng mưa ít nhất toàn quốc tạo nên khí hậu nhiệt đới khô.

- Về xã hội, sau năm 1471, khi vương quốc Chiêm Thành tan rã, vẫn tồn tại một vùng văn hóa Panduranga. Ninh Thuận là một trong những tỉnh cuối ở cực nam Trung Bộ trở thành đơn vị hành chính của Đại Việt (1692). Đây là vùng đất có tộc người Chăm sinh sống từ lâu đời, trong đó người Chăm Ahiêr là một cộng đồng chiếm đa số trong số người Chăm ở Ninh Thuận và ở Việt Nam. Người Chăm Ahiêr được gọi là “Chăm jat - Chăm gốc”, là một trong những chủ nhân đang lưu giữ những yếu tố truyền thống đậm nhất của văn hóa Chăm.

Trong nền kinh tế truyền thống của mình, người Chăm có một nền nông nghiệp phát triển khá sớm. Họ có kĩ thuật canh tác ruộng nước khá cao. Người Trung Quốc và người Kinh đều du nhập giống lúa người Chăm mà họ thường gọi là “lúa Chiêm”.

Nhìn chung kinh tế truyền thống của người Chăm bao gồm cả nghề nông, nghề biển và khai thác rừng. Ba hình thái kinh tế đó đã đóng góp phần làm cho đời

sống kinh tế Chăm phát triển phồn thịnh và hiện nay còn in dấu đậm nét trong lễ hội Chăm. Tuy nhiên ngày nay, một số ngành kinh tế truyền thống đã bị mất đi. Hiện nay người Chăm không còn làm nghề biển. Tuy một số làng Chăm ở Ninh Thuận như Bỉnh Nghĩa, Tuấn Tú vẫn còn sống gần biển nhưng họ không làm nghề biển mà lại quay lưng với biển. Đa số (khoảng 95%) người Chăm Ninh Thuận ngày nay sống bằng nghề nông, và một số ít làm nghề chăn nuôi và khai thác rừng. Đến nay họ vẫn còn phát huy truyền thống làm lúa nước và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hoạt động nông nghiệp vẫn là nền kinh tế chủ đạo trong đời sống của người Chăm [25, tr 29].

1.5.2.2. Nếp sống lao động

Người Chăm sinh hoạt kinh tế theo đơn vị gia đình. Công việc đồng áng dựa trên tập quán trồng trọt của địa phương (các loại cây nào), căn cứ vào nông lịch, sản xuất theo thời vụ và theo chu kì. Họ tuân thủ đúng theo thời vụ và chu kì sản xuất dựa vào sự tuần hoàn của các ngôi sao: sao Rua, sao Cày, sao Thần Nông… Ngoài ruộng rẫy, người Chăm có thu nhập đáng kể từ chăn nuôi (bò, dê, cừu, vịt thả đồng).

1.5.2.3. Nghề thủ công truyền thống

Người Chăm có nghề thủ công truyền thống phong phú, đa dạng ngoài nghề gốm người Chăm còn có nghề dệt vải, điêu khắc, nghề luyện kim, nghề đóng thuyền, đan lát, mây tre….Tuy nhiên ngày nay các nghề thủ công trên bị thất truyền chỉ còn lại hai nghề: nghề gốm và nghề dệt.

- Nghề gốm

Hầu hết các di chỉ thuộc văn hoá Sa Huỳnh đều có mặt đồ gốm. Ở đó, ngoài gốm Sa Huỳnh một số nơi còn tìm thấy gốm Trung Quốc, gốm Nhật Bản, gốm Islam…Điều này chứng tỏ rằng trên dải đất miền Trung – địa bàn cư trú của người Chăm một thời kỳ đã diễn ra sự trao đổi buôn bán mạnh mẽ với các nước khu vực Đông Nam Á.

Ngày nay ở Ninh Thuận còn tồn tại duy nhất một làng gốm Bàu Trúc. Gốm ở đây là gốm cổ truyền, họ làm hoàn toan bằng tay, không có bàn xoay. Gốm được trang trí nhiều loại hoa văn như hoa văn khắc vạch, sóng nước, các hoa văn hình

học …Gốm Bàu Trúc đuợc nung lộ thiên với ít nhiên liệu là củi và rơm nhưng lò gốm vẫn cho ra sản phẩm tròn trịa, nhiều sắc màu khác nhau: gốm chín đỏ, chín xám, xanh, đen, vàng….Sản phẩm gốm Bàu Trúc có nhiều loại như: Lu, chậu, lò nấu, đồ đựng các sản phẩm nông nghiệp.

Hiện nay, người Chăm Bàu Trúc có đến 95% số người dân còn làm gốm. Họ vẫn còn bảo lưu nhiều truyền thống, kỹ thuật cổ xưa chưa có gì biến đổi. Nghề gốm đang góp phần quan trọng cho kinh tế của người Chăm Bàu Trúc. [26, tr 35-40] - Nghề dệt

Nghề dệt thủ công truyền thống của người Chăm cách đây không lâu là nguồn cung cấp vải mặc cho các giai tầng của người Chăm và các cư dân quanh vùng như Raglai, Chu ru, Êđê. Nghề dệt người Chăm đã từng tạo nên sản phẩm nổi tiếng về chất lượng cũng như nghệ thuật trang trí hoa văn trên vải. Những trung tâm dệt vải Chăm trong các vương triều trước thế kỷ XVII đã sản xuất được các loại bông sợi tơ, các tấm vải may quần áo cho vua chúa và dân thường.

Ngày nay nghề dệt vẫn còn lưu truyền và phát triển ở làng Chăm Mỹ Nghiệp - Ninh Thuận - một làng cách thành phố Phan Rang 10 km về hướng nam. Làng Mỹ Nghiệp có hơn 95% hộ gia đình làm nghề dệt. Nghề dệt Chăm lắm công phu, phức tạp từ trồng bông, tách bông, quấn sợi, se chỉ …cho đến dệt vải. Ngày nay trong kỹ thuật dệt họ đã bỏ qua các khâu mà dệt từ sợi chỉ công nghiệp. Với kỹ thuật dệt đã đạt đến độ tinh xảo, phụ nữ Chăm Mỹ Nghiệp đã tạo nên nhiều hoa văn và màu sắc đẹp mắt như hoa văn quả trám (bingu tamun). Hoa văn cách điệu hình Rồng (bingu hăng), chân chó (takay asâu), chân chim (takay wak)…Với nhiều tấm vải phong phú như váy, áo, khăn đội đầu, khăn quấn; các loại vải trải bàn, trải giường, dây thắt lưng, các loại ví đeo [27, tr 119].

- Cơ sở văn hóa

Do đặc điểm cư trú của người Chăm là dải đất miền Trung nắng gió “nắng như rang và gió như phan”, phần nào đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống văn hóa của cư dân Chăm sau này: “do đặc điểm cư trú là dãi đất miền Trung nắng gió, thiên nhiên khắc nghiệt nên con người phải vật lộn với thiên nhiên, điều này đã tạo cho người Chăm một tính cách cứng rắn và cương nghị, thượng võ nghĩa là mang

bản chất dương tính [31, tr 428]. Với khi hậu ít mưa, lũ lụt thường xảy ra vào mùa mưa và hạn hán vào mùa khô đã gây không ít những khó khăn đến cư dân Chăm sinh sống nơi đây. Bên cạnh đó, với khí hậu nhiệt đới bệnh dịch thường xảy ra đã cướp đi biết bao nhiêu sinh mạng, cùng với nơi rừng thiên nước độc có nhiều thú dữ,…người Chăm lúc đó đang đứng trước sự đe dọa của thiên nhiên, sự sợ hãi từ thiên nhiên đã khiến họ nghĩ rằng mỗi ngọn núi, dòng sông, cửa biển, cây cổ thụ, …đều được người Chăm cho là có linh hồn, có khả năng phù hộ hoặc đe dọa đến đời sống con người từ đó.

Với trình độ tư duy còn sơ khai, khoa học kỹ thuật còn chưa phát triển, người Chăm cũng như các cư dân Đông Nam Á, có thể họ đã không lý giải được một số hiện tượng thiên nhiên xảy ra trong cuộc sống của họ nên họ cho rằng là do quyền năng của thượng đế vô hình gây ra. Để được mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống an bình…họ đã tôn thờ các vị thần tự nhiên như thần núi, thần sông, thần mây, thần mưa (đa thần – Polttheism)…họ đem tất cả những sản vật mà họ làm được để cầu cúng, tỏ lòng biết ơn và xin “Po Yang” bảo vệ, phù hộ cho họ. Đây có thể là nhân tố tiền đề quan trọng nhất tạo nên nền văn hóa cũng như tính cách con người Chăm ở vùng duyên hải miền Trung này.

Trong suốt chiều dài của lịch sử phát triển tộc người Chăm đã có một thời kỳ gắn liền với sự tồn tại và suy vong của nhà nước Champa, nên cơ cấu tổ chức xã hội của cộng đồng người Chăm ngày nay còn mang nhiều dấu ấn cơ cấu tổ chức nhà nước Champa thời cổ đại với sự ảnh hưởng mạnh mẽ của ba nền văn minh lớn Ấn Độ, Ảrập, Trung Hoa cùng với sự tác động của ba tôn giáo lớn như Bà La Môn giáo (Ấn giáo) ( Bà La Môn giáo du nhập và Chămpa rất sớm (từ đầu Công nguyên). Trong số các tượng điêu khắc vị thần của người Chămpa trong các đền đài đa số là tượng Shiva, điều này cho thấy người Chămpa xưa chủ yếu theo tín ngưỡng Shiva giáo) [20, tr 220], Phật giáo (Theo thư tịch cổ của Trung Hoa, Nghĩa Tịnh đã kể lại về cộng đồng người Chămpa vào thế kỷ thứ VII rất kính mến Phật Thích Ca. Đặc biệt, vào năm 605, khi quân nhà Tuỳ đem quân đánh chiếm Chămpa đã thu được rất nhiều chiến lợi phẩm, trong đó nổi bật nhất là 1.350 pho kinh Phật. Căn cứ vào những dẫn chứng trên, chúng ta có thể cho rằng tư tưởng cùng dòng Phật giáo

được truyền vào Chămpa vào khoảng thế kỷ thứ VII sau công nguyên), Hồi giáo và cuối cùng cộng đồng các dân tộc Việt Nam vào đầu thế kỷ XIX. Nhưng trên thực tế, ba tôn giáo này không tồn tại và phát triển cùng một lúc, mà chỉ tồn tại theo từng thời kỳ lịch sử phát triển thịnh vượng khác nhau. Mãi đến khi quyền lực của nhà nước Champa suy thoái, sự tranh giành ảnh hưởng của hai luồng tư tưởng Ấn giáo và Hồi giáo xuất hiện, đã gây nên sự phân hóa và đối lập mâu thuẫn trong nội bộ cộng đồng xã hội của người Chăm lúc đương thời.

Với vị trí địa lý khá thuận lợi, nằm trong một không gian đại dương mở trên ngã tư đường của nền văn hóa Đông và Tây, các dân tộc ở Đông Nam Á đã sớm tiếp xúc với nền văn mình của thế giới, đặc biệt là Ấn Độ. Dưới tác động của Ấn Độ, cả khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là những vùng đồng bằng ven biển đã nhanh chóng trở thành một thế giới, một cộng đồng chung cùng ít nhiều chịu ảnh hưởng của Ấn Độ, trong đó có người Chăm. Champa đã tiếp nhận gần như tất cả những thành tựu của văn hóa Ấn Độ cổ đại, từ chữ viết, văn bản, đến kiến trúc, điêu khắc; từ luật pháp chính trị tới văn học, nghệ thuật; các hệ thống đẳng cấp…Người Ấn Độ đến Đông Nam Á với mục đích chủ yếu là buôn bán và thiết lập những cơ sở làm ăn lâu dài, nên các thương nhân thậm chí cả tu sĩ, tăng lữ đều tìm cách ở lại.

Qua tiếp thu, ảnh hưởng nền văn hóa Ấn Độ thì tôn giáo luôn đóng một vai trò quyết định trong văn hóa Chăm. Từ Ấn Độ người Chăm đã du nhập và cải biến các tôn giáo của Ấn Độ trở thành tôn giáo chính thống của mình, đó là các tôn giáo như Bà La Môn giáo, Phật giáo. Đặc trưng của ảnh hưởng bản địa là chất dương tính trong tính cách Chăm, nên họ tôn thờ Shiva được đề cao bởi tính cách Shiva phù hợp với tính cách bản địa của người Chăm. Tuy mang bản chất dương tính nhưng lại sống trong vùng Đông Nam Á nông nghiệp, cho nên người Chăm không thể hấp thụ những ảnh hưởng của văn hóa khu vực mà đặc trưng diển hình là thiên về âm tính và cố gắng đạt đến sự hài hòa âm dương, với triết lý âm dương trong nhận thức và tục sung bái sinh thực khí trong tín ngưỡng [31, tr 428].

Ấn Độ giáo đã ảnh hưởng rất sâu sắc trong văn hóa Chăm qua việc tôn thờ các vị thần của Ấn Độ mà Shiva (Linga) là chủ yếu. Bên cạnh, tôn thờ các vị thần của Ấn Độ người Chăm đã không quên thờ các vị thần bản địa của mình bên cạnh

các vị thần của Ấn Độ và nhập vào cái vỏ thần thoại Ấn Độ. Người Chăm đã biến (Shiva) Linga thuần của Ấn Độ thành các vị vua của mình dưới dạng Mukhalinga, có thể nói đây là sự kết hợp giữa vương quyền và thần quyền một cách độc đáo của văn hóa Champa vào thế kỷ thứ X, loại hình tượng này được thờ rộng rãi trong các tháp Chăm (trường hợp chúng ta thấy như tháp Po Klong Girai, tháp Po Romé – Ninh Thuận). Hiện tượng thờ thần – vua ở Champa chỉ là một hình thức cao hơn của tín ngưỡng thờ phụng tổ tiên truyền thống của người Champa [15, trang 22].

Hồi giáo du nhập vào Champa trong thời gian sau này, vào khoảng thế kỷ thứ X – XI do các thuyền buôn Ả Rạp, Ba Tư sang buôn bán với người Chăm ở khu vực ven biển miền Trung và họ đã mang theo đạo Hồi giáo Java là Bia Tasi và từ thời điểm này ảnh hưởng Hồi giáo mới thực sự đi vào cung đình Champa và sau này đến thế kỷ thứ XVI – XVII lan rộng trong dân chúng [25, tr. 38]. Đạo Hồi của người Chăm trở nên mềm mại hơn, là một tôn giáo khác hẳn, chỉ là một biến dạng của đạo Hồi với tên gọi là Bàni hay được gọi là Chăm birau. Do đó, ngày nay người Chăm (theo quan niệm của Chăm klak) thường hay gọi cộng đồng này là Chăm birau [Chăm birau: Chăm có nghĩa là người Chăm; “birau” có nghĩa là mới, không còn nguyên gốc khác với “Chăm klak” (Chăm cũ)]. Đây là cộng cộng đồng người Chăm theo tín ngưỡng tôn giáo độc thần giáo. Họ từ chối và phủ nhận tất cả những tín ngưỡng liên quan đến các Po Yang (các vị thần) và Patao Bia (vua chúa). Chỉ có

Allah (Po Awluah) là đấng tôn thờ duy nhất.

Nhìn chung, văn hóa Chăm là tổng hòa của các nền văn hóa qua sự giao lưu và tiếp biến từ các dân tộc khu vực đến văn hóa Ấn Độ, quá trình giao lưu ấy diễn ra trong một thời kỳ dài mãi cho đến thế kỷ thứ XIX thì chấm dứt khi vương quốc Champa hội nhập vào quốc gia Việt Nam thống nhất. Từ sau đó, văn hóa Chăm là sự giao thoa giữa văn hóa Chăm - Việt mãi cho đến ngày hôm nay.

Một phần của tài liệu Tổ chức hoạt động tham quan hướng dẫn tại các điểm du lịch văn hóa Chăm, Ninh Thuận ( Nghiên cứu trường hợp tháp Po Klong Garai, làng dệt thổ cẩm truyền thống Chăm Mỹ Nghiệp, làng gốm Bầu Trúc) (Trang 40 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(156 trang)