Kinh nghiệm của Việt Nam

Một phần của tài liệu Thiết lập và áp dụng thẻ điểm cân bằng (balanced scorecard) tại công ty cổ phần nha trang seafoods f1 (Trang 45 - 47)

Ở Việt Nam, BSC đã bắt đầu được một số doanh nghiệp chú ý và tìm cách tiếp cận từ 2005. Tuy nhiên, phải đến năm 2010, BSC mới thực sự được nhiều doanh nghiệp áp dụng với tư cách là một công cụ quản trị. Đi đầu là các doanh nghiệp trong hệ thống ngân hàng, tiếp đến là các doanh nghiệp lớn như Tổng Công ty Liksin, FPT, Phú Thái, Viettel, Xi Măng Hà Tiên 1 …. Trong năm 2014 có thể nói đây là thời điểm mà BSC đã tạo ra sự chú ý đặc biệt, được các doanh nghiệp nghiêm túc nghiên cứu và áp dụng, nhất là các doanh nghiệp đang định hướng tái cấu trúc, sắp xếp lại hệ thống nhằm gia tăng hiệu quả như Tập đoàn VNPT, Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC), Ngân hàng ACB, tập đoàn Tân Hiệp Phát, công ty cổ phần Kỹ Nghệ Lạnh Searefico, Công ty Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Thọ Quang Đà Nẵng cùng hàng loạt các doanh nghiệp ở TPHCM cùng các tỉnh lân cận Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang mà trung tâm ATEM đã triển khai tư vấn đào tạo trong thời gian vừa qua (http://education.atem.vn).

Theo kết quả khảo sát của tổ chức đánh giá tín nhiệm Vietnam Report tháng 1/2009, trong số 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam có tới 7% doanh nghiệp đã áp dụng và 36% doanh nghiệp đang có kế hoạch áp dụng BSC trong quá trình xây dựng chiến lược của mình (http://vtc.vn). Con số ấn tượng này cho thấy các doanh nghiệp lớn của Việt Nam có sự chủ động trong việc chuẩn hóa và hiện đại hóa về cơ bản quá trình quản trị chiến lược và quản trị doanh nghiệp. Doanh nghiệp Việt Nam ngày càng nhận thức rõ mối quan hệ giữa xây dựng chiến lược với điều hành và phát triển doanh nghiệp, ngày càng quan tâm đến gắn kết tầm nhìn chiến lược với thực tiễn hoạt động kinh doanh (http://blog.cloudjetsolutions.com).

Việc vận dụng BSC đã đem đến thành công cho nhiều tổ chức bởi tính thiết thực của nó. BSC giúp tổ chức sắp xếp các hoạt động kinh doanh hướng vào tầm nhìn và chiến lược, cải thiện thông tin liên lạc trong và ngoài tổ chức, giám sát hoạt động của tổ chức dựa trên các mục tiêu chiến lược. Nó mang đến cho các nhà quản lý có cái nhìn cân bằng hơn về toàn bộ hoạt động của tổ chức.

Công ty cổ phần Kỹ nghệ lạnh Searefico đã thành công trong việc áp dụng BSC

Searefico là đơn vị dẫn đầu trong cả nước về lĩnh vực điện lạnh công nghiệp, cơ điện công trình, và cũng là đơn vị đầu tiên trong ngành cơ điện lạnh đạt chứng chỉ ISO

9001: 2000 do tổ chức BVC Vương quốc Anh chứng nhận và được xếp hạng là một trong 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (Vietnam Report -VNR 500).

Áp dụng BSC từ năm 2005 nhưng sang năm 2006 Searefico mới thật sự triển khai BSC xuống đến cấp trưởng phòng. Dựa trên mục tiêu chung đưa ra, công ty tiến hành cụ thể hóa các mục tiêu đó và thiết lập các thước đo rồi truyền đạt, giải thích đến tất cả các nhân viên hiểu được mục tiêu đó, lượng hóa công việc cụ thể cho nhân viên. Sau đó, công ty tiến hành giao các chỉ tiêu cho từng bộ phận. Kết quả thực hiện được sẽ được đo lường bởi các thước đo tương ứng và có chế độ khen thưởng công bằng hơn giữa các bộ phận với nhau.

Bài học kinh nghiệm:

Searefico đã chuyển chiến lược thành những mục tiêu và thước đo cụ thể, giải thích và truyền đạt đến tất cả các nhân viên để họ hiểu và cùng thực hiện. Nhận ra được vai trò của nhân lực - người đem lại thành công cho công ty nên công ty rất coi trọng việc phát triển nguồn nhân lực.

Seaprodex Danang thành công với BSC

Công ty Cổ phần XNK Thủy Sản Miền Trung (Seaprodex Danang), vốn điều lệ hiện có 75,6 tỷ đồng, hơn 1.000 lao động, nhà nước giữ 54,24% cổ phần. Seaprodex Danang đã tổ chức thực hiện BSC tại 1 đơn vị thành viên của công ty từ năm 2008 và đã rất thành công.

Ban đầu công ty gặp rất nhiều thách thức khi triển khai áp dụng BSC, vì mọi người chưa hiểu tác dụng của BSC nên ban đầu có nhiều ý kiến không thuận. Đa số mọi người thấy phải làm thêm việc, chưa thấy được ngay tác dụng. Tuy nhiên, khi mỗi phòng ban hiểu vai trò của mình trong hoạt động chung của công ty, thống nhất chọn những KPI (Key Perfomance Index), chỉ số đo lường hiệu quả riêng và cách đánh giá…thì mọi việc sẽ trôi chảy hơn. Đặc biệt, mọi KPI của từng bộ phận kết nối chặt chẽ với KPI của công ty. Mọi hoạt động như công việc, kết quả, đã đều được đo lường cụ thể. Truyền thông về BSC được tổ chức thông qua các hội thảo nội bộ hàng năm, có sự điều chỉnh, cải tiến cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển.

Seaprodex Danang tự nghiên cứu và triển khai công cụ BSC nên không gặp nhiều khó khăn trong vấn đề về chi phí. Tuy nhiên, luôn phải đối chiếu lý thuyết và thực tế, suy ngẫm từng trường hợp gặp phải và cần kiên trì vượt qua những “rào cản” về tâm lý, khối lượng công việc…

Bài học kinh nghiệm:

Công ty đã tiên phong trong việc áp dụng BSC, mặc dù bước đầu gặp không ít khó khăn nhưng sự quyết tâm đồng lòng đồng sức của mọi người đã giúp công ty có được thành công như ngày nay. Truyền thông luôn có sự điều chỉnh, cải tiến cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển và tùy đối tượng, tình huống khác nhau để có ngôn ngữ và cách tiếp cận khác nhau.

Một phần của tài liệu Thiết lập và áp dụng thẻ điểm cân bằng (balanced scorecard) tại công ty cổ phần nha trang seafoods f1 (Trang 45 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)