Cách thức vận dụng bài tập.

Một phần của tài liệu SỬ DỤNG BÀI TẬP TRONG DẠY HỌC NHỮNG NGUYÊN LÝ CƠ BẢN CỦA CHỦ NGHĨA MÁC – LÊNIN VỀ KINH TẾ CHÍNH TRỊ Ở TRƯỜNG CAO ĐẲNG CÔNG NGHIỆP THỰC PHẨM – PHÚ THỌ (Trang 48 - 53)

Thực tế giảng dạy môn kinh tế chính trị cho thấy, bài tập kinh tế chính trị có thể được áp dụng rất phong phú, đa dạng trong nhiều hình thức dạy học kinh tế chính trị, dưới đây là một số hình thức điển hình.

2.2.2.1. Sử dụng bài tập trong thực hành bài giảng

Kinh nghiệm giảng dạy môn kinh tế chính trị cho thấy, nếu giáo viên kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa giảng bài với bài tập kinh tế chính trị sẽ có tác dụng rất tốt trong quá trình truyền thụ kiến thức, cũng như tiếp thu của sinh viên. Việc kết hợp này một mặt sẽ khắc phục được phương pháp thuyết trình một chiều của giáo viên, cho phép kết hợp phương pháp thuyết trình với phương pháp nêu vấn đề, kết hợp lý luận với thực tiễn làm cho bài giảng trở nên sinh động. Mặt khác, gây được sự hứng thú cho người học khi tiếp thu bài giảng và làm cho người học tiếp thu tốt hơn các nội dung mà giáo viên truyền thụ, đặc biệt là những nội dung khó, mang tính trừu tượng hoá cao, nhất là trong phần kinh tế tư bản chủ nghĩa. Đây vừa là đặc điểm, vừa là ưu thế của giảng bài kinh tế chính trị so với các bộ môn khoa học xã hội nhân văn khác. Trong chương trình bộ môn kinh tế chính trị có những bài giảng có nội dung rất trừu tượng, khó hiểu nếu như không có các số liệu và bài tập bổ trợ thì người học rất khó hiểu. Ví dụ, trong bài giảng “sự chuyển hoá của giá trị thặng dư thành lợi nhuận và lợi nhuận bình quân”. Khi phân tích sự chuyển

hoá của giá trị thặng dư thành lợi nhuân, các giáo trình và giảng viên đều khẳng định lợi nhuận và giá trị thặng dư là một, lợi nhuận chẳng qua chỉ là sự thần bí hoá của giá trị thặng dư mà thôi. Tuy nhiên, trên thực tế lượng lợi nhuận thu được của nhà tư bản có thể bằng, hoặc không bằng (cao hơn hoặc thấp hơn) lượng giá trị thặng dư. Để lý giải vấn đề này, nếu giáo viên ngoài việc phân tích sự ảnh hưởng của cung cầu đến giá cả hàng hoá ra mà đưa thêm một bài tập cụ thể vào như: “Một nhà tư bản có tổng tư bản là 10 triệu USD, trong đó tư bản bất biến là 8 triệu USD, tư bản khả biến là 2 triệu USD, tỷ suất giá trị thặng dư là 100%. Hãy tính lượng lợi nhuận mà nhà tư bản thu được sau khi sản xuất hàng hoá? Biết rằng số lượng hàng hoá này hiện đang khan hiếm trên thị trường nên nhà tư bản bán với gía cao hơn giá trị 10%”. Thông qua giải bài tập này, sinh viên sẽ hiểu được trong điều kiện cung thấp hơn cầu thì giá cả cao hơn giá trị, do đó lượng lợi nhuận sẽ cao hơn lượng giá trị thặng dư. Cũng tương tự như vậy, có thể ra các bài tập để cho sinh viên thấy được khi cung bằng cầu thì giá cả bằng giá trị, do đó lượng lợi nhuận thu được sẽ bằng lượng giá trị thặng dư; khi cung cao hơn cầu thì giá cả thấp hơn giá trị, do đó lượng lợi nhuận sẽ thấp hơn lượng giá trị thặng dư.

Để vận dụng tốt bài tập kinh tế chính trị vào bài giảng, đảm bảo có hiệu quả cao, giáo viên cần phải chú ý một số vấn đề sau:

- Không được lạm dụng quá mức việc đưa bài tập vào bài giảng. Bởi vì, bài tập kinh tế chính trị không thể thay thế được cho bài giảng mà chỉ là một hình thức hỗ trợ, việc làm cho người học hiểu các khái niệm, phạm trù, quy luật kinh tế vẫn chủ yếu là phương pháp giảng dạy truyền thống như phương pháp thuyết trình, phân tích, tổng hợp, so sánh. Nếu trong một bài giảng mà đưa quá nhiều bài tập vào đôi khi không có tác dụng mà còn phản tác dụng bởi sẽ hướng sự chú ý của người học vào một hướng khác, tính lôgíc của bài giảng khó thực hiện được. Do đó, giáo viên phải căn cứ vào nội dung bài giảng để chọn một hoặc một số bài tập phù hợp nhất, đắt nhất để hỗ trợ cho những nội dung khó, trừ tượng nhất.

- Trên cơ sở hệ thống bài tập kinh tế chính trị đã được xây dựng, giáo viên lựa chọn một, hoặc một số bài tập phù hợp nội dung bài giảng để lồng gép vào nội dung dưới hình thức nêu vấn đề, gợi mở, hoặc bổ trợ để làm rõ nội dung. Dù dưới hình thức nào thì giáo viên cũng phải chuẩn bị một cách cụ thể, tỷ mỉ, chu đáo khi đưa bài tập vào bài giảng. Điều này phải được thể hiện ngay trong quá trình soạn bài giảng, và thục luyện bài giảng. Chọn hình thức bài tập nào, chọn bài tập cụ thể nào vào nội dung nào của bài giảng phải được cân nhắc kỹ lưỡng và phải được thể hiện trong giáo án. Phải nắm chắc, thành thục cách giải bài tập đó. Việc làm này sẽ tránh được tính ngẫu hứng của một số giáo viên (thích thì đưa bài tập vào, không thích thì thôi) và giúp cho giáo viên kết hợp nhuần nhuyễn giữa nội dung bài giảng với bài tập, giữa phương pháp thuyết trình với phương pháp nêu vấn đề.

2.2.2.2 Giao bài tập để người học nghiên cứu và tìm lời giải

Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, việc giao bài tập kinh tế chính trị cho sinh viên với tư cách là bài tập ở nhà là một trong những phương pháp sư phạm quan trọng, có khả năng thúc đẩy việc nghiên cứu tỷ mỉ và sâu sắc hơn bắt sinh viên đọc các sách tham khảo.

Mặt khác, một số bài tập kinh tế chính trị được xây dựng trên cơ sở kiến thức tổng hợp của nhiều bài học, vì vậy giao bài tập cho sinh viên tự tìm lời giải ở nhà còn có tác dụng giúp cho những sinh viên chưa tiếp thu tốt kiến thức ở lớp, hoặc sinh viên đã vắng mặt trong các bài giải trước phải chủ động nghiên cứu lại bài giảng để nắm chắc các kiến thức có liên quan mới làm được bài. Ví dụ, Nếu như sinh viên vắng mặt trong bài giảng, hoặc nắm không chắc phạm trù cấu tạo hữu cơ của tư bản, thì họ không thể hiểu được nguyên nhân cơ bản của nạn thất nghiệp, quá trình hình thành tỷ suất lợi nhuận bình quân, sự chuyển hoá giá trị hàng hoá thành giá cả sản xuất, quy luật xu hướng giảm sút tỷ suất lợi nhuận… Muốn làm được các bài tập liên quan đến vấn đề này bắt buộc sinh viên phải nghiên cứu lại bài, nắm vững cấu tạo hữu cơ của tư bản.

Như vậy, với cách giao bài tập cho các cá nhân hiệu quả tiếp thu kiến thức của kinh tế chính trị được nâng cao hơn, khắc phục được tình trạng sinh viên tiếp thu chương trình không liên tục do nghỉ lên lớp.

Việc giao bài tập cho sinh viên tự làm bài ở nhà thường được giáo viên triển khai vào cuối bài giảng. Căn cứ vào nội dung bài giảng và hệ thống bài tập trong sách bài tập để giáo viên ra bài tập cho sinh viên một cách phù hợp. Giao bài tập cho sinh viên phải đảm bảo tính toàn diện, và tính trọng điểm. Toàn diện ở đây được hiểu là buộc mọi sinh viên đều phải làm các bài tập đã ra; còn trọng điểm là căn cứ vào lực học để ra một số bài tập riêng cho từng đối tượng cụ thể, trong đó giáo viên phải đặc biệt chú ý đến đối tượng có học lực tốt và yếu.

Việc kiểm tra kết quả tự làm bài tập của sinh viên ở nhà được giáo viên thực hiện qua nhiều kênh, nhiều hình thức như: tự mình kiểm tra, thông qua cán bộ tổ, lớp báo cáo, kiểm tra vào đầu giờ học buổi lên lớp tiếp theo, kiểm tra trong quá trình thảo luận… Chữa các bài tập đã ra cũng là một yêu cầu bắt buộc trong hình thức này. Căn cứ vào chương trình huấn luyện, việc chữa bài tập có thể được tiến hành thành một buổi riêng, hoặc trong các buổi thảo luận, hay trong các bài giảng trên lớp. Dù được tiến hành thế nào thì giáo viên cũng không nên làm thay sinh viên, mà giao cho các sinh viên tự giải bài tập trước lớp, giáo viên giữ vai trò là người định hướng. Trừ trường hợp một số bài khó mà toàn thể lớp không làm được, giáo viên mới trực tiếp giải cho toàn lớp.

2.2.2.3 Sử dụng bài tập trong kiểm tra và thi kinh tế chính trị

Hệ thống bài tập kinh tế chính trị là một công cụ để tiến hành thi, kiểm tra đáng giá kết quả của sinh viên một cách có hiệu quả. Việc sử dụng bài tập kinh tế chính trị trong thi, kiểm tra có thể được sử dụng một cách rộng rãi trong các hình thức kiểm tra, thi đa dạng như: kiểm tra miệng trong từng bài giảng, trong thảo luận; kiểm tra thi vấn đáp; kiểm tra, thi viết. Đặc biệt trong thi viết, sử dụng bài tập kinh tế chính trị có tác dụng đáng giá đúng kết quả học tập của từng học sinh, vì nó có khả năng cao cho phép loại trừ được tình

trạng sao chép tài liệu đã được sinh viên chuẩn bị trước, hoặc quay cóp, trao đổi của sinh viên, phát huy tư duy độc lập sáng tạo của họ. Bởi vì, do đặc tính đa dạng của bài tập kinh tế chính trị, cho phép giáo viên ra bài tập kiểm tra, thi độc lập cho từng sinh viên (nếu quân số lớp học ít), hoặc từng nhóm sinh viên (lớp học đông) được ngồi cách biệt nhau thông qua đánh số báo danh.

Căn cứ vào mục đích, tính chất cụ thể của kiểm tra và thi, giáo viên có thể sử dụng hệ thống bài tập kinh tế chính chị với tư cách là đề kiểm tra, thi độc lập, hay với tư cách là một câu hỏi xen kẽ với câu hỏi kiểm tra, thi kinh tế chính trị khác trong phiếu đề thi. Chẳng hạn, để kiểm tra mức độ tự học nắm kiến thức bài cũ của sinh viên, trong quá trình giảng bài mới, hoặc trong thảo luận giáo viên có thể đưa ra các bài tập kinh tế chính trị có liên quan để cho sinh viên làm bài. Kết quả làm bài tập của sinh viên cho phép giáo viên đánh giá đúng khả năng tự học ôn luyện bài cũ của sinh viên. Còn trong kiểm tra, thi hết phần, hết môn với hình thức viết hoặc vấn đáp, bài tập kinh tế chính trị được lựa chọn đưa vào phiếu đề thi. Kết quả kiểm tra, thi của sinh viên là sự tổng hợp của cả bài tập và các câu hỏi khác trong phiếu đề thi.

Cùng với sự phát triển của khoa học-công nghệ, các phương tiện dạy học hiện đại cũng ngày càng được áp dụng rộng rãi, cho phép áp dụng trong thi và kiểm tra. Trong trường hợp này, bài tập kinh tế chính trị, đặc biệt là dạng bài tập lựa chọn câu trả lời đúng, sai (theo phương án cho trước) cho phép dễ dàng áp dụng các phương tiện dạy học hiện đại vào tổ chức kiểm tra tự động hoá. Phương pháp này cho phép giáo viên cùng một lúc kiểm tra đánh giá kết quả của nhiều sinh viên, tiết kiệm được thời gian. Ví dụ: bằng phương pháp kiểm tra miệng, không có phương tiện dạy học hiện đại hỗ trợ mỗi bài tập dưới dạng chọn câu trả lời đúng, sai một sinh viên trả lời hết 1 phút, thì với một lớp học 40 người phải mất tối thiểu là 40 phút, nhưng nếu có máy kiểm tra tự động trả lời theo tín hiệu của đèn (đèn đỏ là đúng, đèn xanh là sai) thì chỉ mất 1 phút.

Tóm lại, sử dụng hệ thống bài tập kinh tế chính trị trong dạy học kinh tế chính trị là một yêu cầu tất yếu hiện nay. Bài tập kinh tế chính trị được sử dụng xen kẽ với các hình thức dạy học truyền thống khác như bài giảng, thảo luận, kiểm tra, tự học… có tác dụng hỗ trợ các hình thức trên, giúp người học hiểu sâu sắc hơn các khái niệm, phạm trù kinh tế; gây hứng thú say mê cho người học, từ đó nâng cao chất lượng dạy và học môn kinh tế chính trị. Bài tập kinh tế chính trị có nhiều dạng khác nhau, căn cứ vào đối tượng người học, vào chương trình môn học, vào điều kiện cụ thể mà giáo viên áp dụng cho phù hợp.

Một phần của tài liệu SỬ DỤNG BÀI TẬP TRONG DẠY HỌC NHỮNG NGUYÊN LÝ CƠ BẢN CỦA CHỦ NGHĨA MÁC – LÊNIN VỀ KINH TẾ CHÍNH TRỊ Ở TRƯỜNG CAO ĐẲNG CÔNG NGHIỆP THỰC PHẨM – PHÚ THỌ (Trang 48 - 53)