V. CẤU TRÚC CỦA LUẬN ÁN
2.2.2. Các phương pháp nghiên cứu
2.2.2.1. Phương pháp kế thừa
Phương pháp này được sử dụng để thu thập các thông tin thứ cấp liên quan đến các vấn đề nghiên cứu, đó là hoàn cảnh chung về kinh tế-xã hội, các chính sách lâm nghiệp, mối quan hệ giữa các bên liên quan, và các khía cạnh khác liên quan với các điểm nghiên cứu. Số liệu thứ cấp được thu thập từ các nguồn khác nhau bao gồm: niên giám thống kê hàng năm (2011-2013), các luật và các văn bản pháp lý liên quan đến chính sách lâm nghiệp từ cơ quan chuyên môn (Chi cục kiểm lâm, Chi cục lâm nghiệp, Sở TNMT…); các báo cáo tổng kết tình hình thực hiện kinh tế-xã hội hàng năm của các UBND xã; các bài báo từ các tạp chí, tập san…
2.2.2.2. Phương pháp phân tích chính sách
Phương pháp này được sử dụng chủ yếu để phân tích các văn bản chính sách (văn bản quy phạm pháp luật) liên quan đến quản lý rừng và đất lâm nghiệp và được tiến hành theo các bước chính sau đây:
Bước 1: Thu thập các văn bản luật và dưới luật (Luật, Nghị định, Quyết định, Thông tư…) liên quan đến quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp, giao đất giao rừng, quản lý rừng cộng đồng, quy chế quản lý rừng, khai thác gỗ và LSNG, chi trả DVMTR…
Bước 2: Rà soát và phân loại các văn bản theo từng nhóm liên quan đến chủ đề/nội dung nghiên cứu. Sau khi phân loại, tác giả đã tiến hành tham vấn
50
các chuyên gia từ các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành ở các cấp (Trung ương, tỉnh và huyện) về tính phù hợp, tính cập nhật của các văn bản đó.
Bước 3: Phân tích các văn bản (đã được phân loại ở bước 2) về các khía cạnh như mục tiêu, đối tượng và phạm vi điều chỉnh, các điều khoản liên quan đến các nội dung nghiên cứu của luận án. Trong đó tập trung phân tích các điều khoản liên quan đến các hình thức phân quyền và “tập hợp các quyền” trong quản lý rừng. Sau đó, tác giả cũng tiến hành tham vấn các chuyên gia từ các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành ở các cấp (Trung ương, tỉnh và huyện) về hai khái niệm phân quyền và “tập hợp các quyền” trong bối cảnh quản lý rừng ở Việt Nam.
2.2.2.3. Phương pháp đánh giá nông thôn có sự tham gia (PRA)
Trong phương pháp này, tác giả đã sử dụng hai công cụ chính sau:
Thảo luận nhóm
Thảo luận nhóm được tiến hành thông qua phỏng vấn bán cấu trúc (Phụ lục 1) để thu thập những vấn đề ban đầu và xác định những yếu tố có liên quan đến các chủ đề/nội dung nghiên cứu như: vai trò, động cơ và năng lực của các bên liên quan tham gia vào tiến trình thực hiện GĐGR, các quyền và nghĩa vụ của người nhận rừng theo luật định và trên thực tế (các hoạt động liên quan đến rừng), và mối quan hệ giữa người dân/cộng đồng với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng trước và sau khi tiến hành GĐGR. Kết quả thảo luận nhóm cũng là cơ sở cho việc phát triển bộ câu hỏi điều tra hộ gia đình.
Ở cấp cộng đồng, tác giả đã tiến hành thảo luận nhóm với hai nhóm đối tượng khác nhau: (1) nhóm người dân (bao gồm cả nam và nữ; già và trẻ; những người thường xuyên đi rừng và ít đi rừng); và (2) nhóm lãnh đạo thôn (bao gồm trưởng thôn, chi hội trưởng phụ nữ, chi hội trưởng nông dân, bí thư
51
đoàn thanh niên, già làng). Trong quá trình thực hiện luận án, tác giả đã thực hiện được 10 cuộc thảo luận nhóm khác nhau (2 cuộc thảo luận nhóm/thôn).
Tác giả cũng đã tiến hành 2 cuộc thảo luận nhóm (1 cuộc thảo luận nhóm/huyện) với nhóm cán bộ cấp huyện và xã (bao gồm cán bộ UBND xã; Hạt kiểm lâm, Phòng TNMT, BQLRPH).
Trong quá trình thảo luận nhóm, tác giả còn tiến hành phỏng vấn chuyên sâu một vài cá nhân trong nhóm để có những thông tin chi tiết hơn cho một vài chủ đề chung đã định trước.
Quan sát những thành viên tham gia và không tham gia
Nhìn chung, vấn đề nghiên cứu là rất nhạy cảm, chính vì vậy tác giả đã sử dụng những phương pháp này trong suốt quá trình đi thực địa/hiện trường để quan sát và đánh giá những hoạt động của người dân địa phương liên quan đến rừng. Ngoài ra, những phương pháp này đã cung cấp cho tác giả cơ hội để hỏi những câu hỏi vừa nảy sinh trong quá trình trao đổi người dân địa phương cũng như những người cung cấp thông tin khác. Làm như thế, tác giả đã có được một sự hiểu biết sâu hơn và kiểm tra chéo được các thông tin thu thập được.
2.2.2.4. Phương pháp điều tra xã hội học
Trong khuôn khổ của luận án, điều tra xã hội học được tiến hành thông qua điều tra hộ gia đình.
Điều tra hộ gia đình được sử dụng để thu thập các số liệu định lượng liên quan đến các đời sống của người dân ở cấp độ hộ gia đình. Công cụ này được thực hiện thông qua phỏng vấn chủ hộ bằng bảng câu hỏi (Phụ lục 2). Bảng câu hỏi gồm 4 phần chính: (1) thông tin chung của hộ gia đình, (2) các hoạt động sinh kế của hộ gia đình và an toàn lương thực, (3) vai trò, động cơ và năng lực khi tham gia vào tiến trình GĐGR, (4) các hoạt động liên quan đến
52
rừng cộng đồng (rừng tự nhiên). Chúng tôi (tác giả và nhóm nghiên cứu) đã điều tra được 245 hộ gia đình, trong đó thôn 2: 46 hộ (chiếm 100% tổng số hộ của thôn), thôn 4: 53 hộ (chiếm 100% tổng số hộ của thôn), thôn Kăn Sâm: 40 hộ (chiếm 100% tổng số hộ của thôn), thôn Pahy: 52 hộ (chiếm 68,4% tổng số hộ của thôn), và thôn Ka Nôn 1: 52 hộ (chiếm 59,8% tổng số hộ của thôn).
2.2.2.5. Nghiên cứu trường hợp
Phương pháp này được tiến hành nhằm thu thập những số liệu trên thực tế để minh họa thêm cho kết quả nghiên cứu. Tác giả đã tiến hành nghiên cứu 4 trường hợp ở cấp độ hộ gia đình: 2 trường hợp liên quan đến CTNR (1 ở thôn 4 và 1 ở thôn Ka Nôn 1), và 2 trường hợp liên quan đến khai thác gỗ ở thôn Ka Nôn 1.
Thông qua thảo luận nhóm và điều tra hộ gia đình, tác giả đã chọn được các hộ đại diện về CTNR và khai thác gỗ. Để thu thập được thông tin cho nghiên cứu trường hợp, tác giả đã đến thăm và nói chuyện rất nhiều lần với các hộ gia đình này. Lần đầu tiên đến thăm các hộ gia đình này, tác giả đã sử dụng phiếu điều tra hộ gia đình (công cụ điều tra hộ gia đình) nên các thông tin thu thập được chủ yếu là các số liệu định lượng. Những lần sau đến thăm và ở lại cùng với gia đình họ, chúng tôi nói chuyện một cách thân tình và đã thiết lập được mối quan hệ tốt với nhau. Chính vì thế, tác giả đã thu thập được các thông tin liên quan đến CTNR và khai thác gỗ.
2.2.2.6. Phương pháp chuyên gia
Tác giả đã tiến hành tham vấn các chuyên gia ở các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành cấp Trung ương (Bộ NNPTNT/Tổng cục Lâm nghiệp) trong các dịp tham gia hội thảo quốc gia liên quan đến GĐGR và QLRCĐ, và tác giả cũng đã tham vấn các chuyên gia cấp tỉnh và huyện (Chi cục lâm nghiệp, Chi cục kiểm lâm, Hạt kiểm lâm) để khẳng định tính phù
53
hợp và chính xác trong việc sử dụng “tập hợp các quyền” trong bối cảnh quản lý rừng ở Việt Nam. Liên quan đến các quyền không chính thức, tác giả đã tiến hành tham vấn các già làng/trưởng bản và một số người cao tuổi khác trong các thôn nghiên cứu. Ngoài ra, tác giả cũng thu thập được nhiều thông tin phục vụ cho luận án từ các thành viên khác khi tham gia các hội thảo liên quan đến GĐGR và QLRCĐ ở cấp quốc gia và cấp tỉnh.
2.2.2.7. Phương pháp phân tích thông tin
Vì đây là nghiên cứu phân tích, các thông tin được phân tích và giải thích mang tính định tính và định lượng, trong đó chủ yếu là phân tích định tính vì hầu hết số liệu thu thập được là thông tin định tính. Để đáp ứng được mục tiêu và nội dung nghiên cứu, việc phân tích thông tin được kết hợp với tranh luận lý thuyết. Phương pháp định lượng được sử dụng để tính toán các chỉ số kinh tế-xã hội như dân số, lao động, cơ cấu (tỷ trọng) các hoạt động sinh kế của hộ gia đình... Các bảng biểu, sơ đồ, biểu đồ, bản đồ cũng được sử dụng để minh họa cho các kết quả nghiên cứu.
Trên cơ sở các dữ liệu thu thập được và dựa vào khung nghiên cứu của luận án, trước hết tác giả phân tích vai trò, động cơ và năng lực của các bên liên quan tham gia vào tiến trình phân quyền. Thứ hai là xác định những bên liên quan nắm giữ quyền và những quyền gì (“tập hợp các quyền”) mà họ nắm giữ. Thứ ba là nghiên cứu họ thực hiện các quyền đó như thế nào, bao gồm cả quyền chính thức và quyền không chính thức, đồng thời phân tích các nguyên nhân dẫn đến “khoảng cách/bất cập” giữa quyền chính thức và quyền không chính thức. Tiếp đến là phân tích sự thực hiện các quyền đối với rừng ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động sinh kế của người dân. Cuối cùng, dựa vào những phát hiện chính để đưa ra những đề xuất chính sách liên quan đến phân quyền trong quản lý rừng và thể chế hóa quản lý rừng cộng đồng.
54 CHƯƠNG 3
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ BÀN LUẬN