Đặc trưng pháp luật về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán

Một phần của tài liệu Pháp luật về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán Việt Nam (Trang 39 - 42)

So với các quy định pháp luật về chứng khoán và TTCK, quy định pháp luật về CBTT cũng có những đặc trưng riêng của nó. Bởi lẽ, hoạt động CBTT là hoạt động được tiến hành thường xuyên của các chủ thể tham gia thị trường, đồng thời, các quy định này cũng có tác động đến bộ máy hoạt động của các công ty niêm yết. Một

hệ thống pháp luật đầy đủ, phù hợp với những đặc thù vốn có của nó sẽ có tác dụng rất lớn thúc đẩy TTCK phát triển. Theo chúng tôi, pháp luật về CBTT có những đặc trưng cơ bản sau đây:

Thứ nhất, pháp luật về CBTT có mối liên hệ mật thiết với các quy định pháp luật khác, như pháp luật về kế toán, pháp luật về kiểm toán, pháp luật về quản trị công ty… Nghiên cứu hệ thống quy định pháp luật về CBTT cho thấy, để tiếp cận được với các thông tin của các chủ thể tham gia thị trường, nhà quản lý cũng như các nhà đầu tư phải có những hiểu biết nhất định về tài chính, kế toán, kiểm toán. Một báo cáo thường niên của các công ty niêm yết dành phần lớn các quy định liên quan đến tài chính như báo cáo về tình hình tài chính của công ty; báo cáo giải trình về báo cáo tài chính và báo cáo kiểm toán; các thông tin về cổ đông/thành viên góp vốn… Do đó, khi xây dựng pháp luật về CBTT trên TTCK cần xem xét đến tính thống nhất, sự phù hợp của pháp luật về CBTT với các quy định pháp luật về kế toán, kiểm toán, pháp luật về quản trị công ty.

Tính hiệu quả của pháp luật về CBTT trên TTCK lại có sự phụ thuộc rất lớn vào các quy định pháp luật về kế toán, kiểm toán. Pháp luật về kế toán, kiểm toán xây dựng hệ thống các chỉ tiêu tài chính phản ảnh diễn biến tình hình tài chính của công ty qua các thời kỳ nhất định. Thông qua các chỉ tiêu tài chính người ta có thể thấy được tình hình tài chính của công ty để từ đó dự báo được xu hướng phát triển của công ty để có quyết định đầu tư đúng đắn. Do đó, việc nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật về CBTT trên TTCK cần có những hiểu biết nhất định về nguyên lý tài chính của doanh nghiệp, nhất là các quy định pháp luật về kế toán kiểm toán.

Thứ hai, pháp luật về CBTT trên TTCK là yếu tố quan trọng góp phần tạo lập TTCK minh bạch và phát triển bền vững.

Thông qua hệ thống các quy phạm pháp luật về CBTT, nhà lập pháp đưa ra được các loại thông tin cụ thể mà tổ chức phát hành phải công bố trong từng giai đoạn nhất định. Trên cơ sở các loại thông tin phải công bố, tổ chức phát hành chủ động trong việc chuẩn bị CBTT, chủ thể có thẩm quyền được CBTT. Pháp luật về CBTT còn quy định các biện pháp xử lý đối với các chủ thể vi phạm nghĩa vụ

CBTT. Đây được coi là “chiếc gậy sắt” để thiết lập lại trật tự thị trường. Các yêu cầu về các loại thông tin phải công bố, tổ chức phát hành phải thường xuyên cập nhất các thông tin lên Website của mình, phải thường xuyên báo cáo với cơ quan quản lý thị trường trong trường hợp có những biến động về thông tin... sẽ trở thành vô nghĩa nếu không được luật hoá.

Thứ ba, pháp luật về CBTT trên TTCK có tác động rất lớn đến hệ thống thông tin nội bộ của công ty, nhất là các thông tin có liên quan đến bí mật, chiến lược kinh doanh… Công ty là một thực thể sống và nó có nhu cầu xác lập các giao dịch phục vụ cho hoạt động của chính mình. Để bảo vệ quyền lợi cho công ty và các đối tác, các chủ thể phải tìm hiểu các thông tin liên quan đến đối tác nhằm giảm thiểu các rủi ro có thể phát sinh.

Đối với các công ty niêm yết trên TTCK thì yêu cầu về minh bạch thông tin là yêu cầu số một. Hoạt động của công ty có hiệu quả hay không, người quản trị có thực thi đầy đủ nghĩa vụ trung thực và mẫn cán hay không, khả năng sinh lợi của công ty, chiến lược kinh doanh của công ty thế nào… Tất cả chúng đều có ý nghĩa đối với nhà đầu tư. Tuy vậy, việc xác định đâu là các thông tin bắt buộc phải công bố, đâu là các thông tin nội bộ lại là vấn đề không đơn giản chút nào. Thời gian qua, việc thực hiện pháp luật về CBTT trên TTCK cũng đã có không ít công ty viện dẫn các thông tin đó là thông tin nội bộ, việc CBTT có thể làm lộ bí mật, chiến lược kinh doanh… để trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ CBTT.

Để bảo đảm sự chủ động trong việc thực thi pháp luật về CBTT của mình, các công ty niêm yết cần phân loại các thông tin được công bố, các thông tin hạn chế công bố và các thông tin không được phép công bố. Đồng thời với đó là các công ty cũng cần xây dựng quy trình CBTT trong nội bộ của mình. Các cơ quan quản lý thị trường cần chủ động phối hợp với các công ty để bảo đảm việc CBTT được dễ dàng, thông suốt.

Thứ tƣ, pháp luật về CBTT trên TTCK góp phần vào việc nâng cao kỹ năng quản trị của các công ty niêm yết trên TTCK. Nền kinh tế nước ta là nền kinh tế đang chuyển đổi, song lại chịu sự tác động rất to lớn của tiến trình hội nhập kinh tế

quốc tế. Kinh tế thị trường nước ta mới vận hành được hơn 20 năm, do đó, nhiều nội dung của kinh tế thị trường chúng ta phải vay mượn ở nước ngoài vào Việt Nam. Sự vay mượn đó ít nhiều ảnh hưởng đến hiệu quả của việc vận hành doanh nghiệp.

Quy chế quản trị công ty được ban hành là một bước tiến lớn, thể hiện sự nỗ lực trong việc nâng cao năng lực quản trị công ty ở nước ta hiện nay. Theo Quy chế này, Quản trị công ty là hệ thống các quy tắc để bảo đảm cho công ty được định hướng điều hành và được kiểm soát một cách có hiệu quả vì quyền lợi của cổ đông và những người liên quan. Các nguyên tắc của Quản trị công ty là: i) Đảm bảo một cơ cấu quản trị hiệu quả; ii) Đảm bảo quyền lợi của cổ đông; iii) Đối xử công bằng giữa các cổ đông; ivI Đảm bảo vai trò của những người có quyền lợi liên quan đến công ty; v) Minh bạch trong hoạt động của công ty; vi) Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát lãnh đạo và kiểm soát công ty có hiệu quả.

Để bảo đảm nâng cao hiệu quả của quản trị công ty, cần nâng cao vai trò của người quản trị trong việc thực hiện các nhiệm vụ quyền hạn do cổ đông giao cho, đồng thời kiểm soát có hiệu quả để tránh việc lạm dụng vị trí quản trị của người quản trị nhằm trục lợi. Nói một cách khác đi là nhấn mạnh đến đạo đức của người quản trị.

Một phần của tài liệu Pháp luật về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán Việt Nam (Trang 39 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)