1.1.2.4. Các nhân tố tác động đến hoạt động công bố thông tin trên thị trường chứng khoán chứng khoán
Cùng với việc phân tích các tiêu chí đánh giá chất lượng thông tin trên TTCK, việc nhìn nhận và đánh giá các nhân tố tác động đến hoạt động CBTT trên TTCK sẽ có tác dụng làm nổi bật lên vị trí vai trò của thông tin trong hoạt động đầu tư chứng khoán. Theo tôi những nhân tố sau đây sẽ tác động đến việc CBTT trên TTCK: a) Mức độ phát triển và hoàn thiện của TTCK; b) Môi trường pháp lý; c) Thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty; d) Hoạt động quản lý nguồn thông tin của Sở/Trung tâm GDCK; đ) Nhà quản trị công ty; e) Hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho hoạt động CBTT.
a) Mức độ phát triển và hoàn thiện của thị trường chứng khoán
Mức độ phát triển và hoàn thiện của TTCK cho phép nhà quản lý, nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận và kiểm soát thông tin của các chủ thể tham gia thị trường chứng khoán. TTCK hoạt động với tất cả các quy luật vốn có của nó: quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh, quy luật giá trị, nghĩa là mức độ phát triển của TTCK cho phép nhà đầu tư có được nhiều cơ hội lựa chọn và tìm kiếm các cơ hội đầu tư. Các diễn biến của thị trường là do chính thị trường quyết định. Những bước hiệu chỉnh của thị trường sẽ giúp cho thị trường đi theo đúng quy luật và đòi hỏi công chúng đầu tư.
TTCK cũng là một cơ thể sống, do đó, trong quá trình hoạt động sẽ bộc lộ những điểm yếu cần phải được khắc phục và sửa chữa kịp thời, nếu không sẽ ảnh hưởng đến độ an toàn, lành mạnh và bền vững của thị trường. TTCK rất nhạy cảm với thông tin nên các thông tin được phép công bố cần phải phù hợp với các giai đoạn phát triển của thị trường. Nói khác đi, thị trường càng phát triển thì những yêu cầu về minh bạch thông tin càng cao.
b) Môi trường pháp lý
Nếu như mức độ phát triển và hoàn thiện của TTCK được coi là “cơ sở hạ tầng”, thì môi trường pháp lý được coi là “kiến trúc thượng tầng”. Tính hiệu quả của các quy định pháp luật phải bảo đảm sự phù hợp của nó với các điều kiện kinh tế xã hội nhất định. Các quy định pháp luật, “luật chơi”, ngoài các văn bản quy phạm pháp luật (luật, pháp lệnh, nghị định, thông tư, chỉ thị, quyết định của cơ quan nhà nước ban hành), còn có các phong tục tập quán, chuẩn mực xã hội. Một hệ thống pháp luật đầy đủ và có tính khả thi cao kết hợp với sự phát triển đồng bộ của TTCK sẽ tạo điều kiện cho các thiết chế giám sát được hoạt động CBTT của các công ty niêm yết. Chỉ khi hoạt động CBTT được đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của luật pháp, cổ đông và các nhà đầu tư tiềm năng thì các thông tin được công bố luôn đầy đủ khách quan và công bằng.
c) Thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty
Hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty có tác động rất lớn đến hoạt động CBTT của chính bản thân các công ty này. Nếu công ty làm ăn thuận lợi, không gặp sự cố, công ty sẽ dễ dàng công bố và vui vẻ cung cấp thông tin cho các chủ thể có nhu cầu. Nhưng nếu hoạt động của công ty “có vấn đề” thì việc công khai hoá các hoạt động là rất khó khăn. Hiện tượng “phù phép”, đánh bóng các báo cáo tài chính, công bố kết quả kinh doanh… của các công ty cũng cần được xem xét, bởi lẽ, việc phù phép báo cáo tài chính được xem xét cả ở khía cạnh tích cực và khía cạnh tiêu cực.
Hiểu một cách tổng quát nhất thì “phù phép báo cáo tài chính” (Earnings management) là việc doanh nghiệp sử dụng một số kỹ thuật nhằm thay đổi số liệu
báo cáo tài chính để đạt được những mục tiêu nhất định. Các mục tiêu này có thể là để đạt được mức lợi nhuận theo kế hoạch, để bảo đảm một số hệ số tài chính như mong muốn… Bản thân việc phù phép báo cáo tài chính không phải là hành vi tiêu cực. Nó chỉ mang ý nghĩa tiêu cực khi động cơ của việc phù phép là nhằm tạo ra thông tin sai lệch để đánh lừa các nhà đầu tư mà thôi. Trên thực tế có nhiều trường hợp việc can thiệp vào số liệu kế toán không những không có hại mà còn có lợi cho người sử dụng thông tin tài chính [17].
Diễn biến trong nội bộ của công ty như thay đổi thành viên Hội đồng quản trị, thay đổi người quản lý công ty, thành viên Ban kiểm soát; các giao dịch tư lợi, hành vi lạm quyền của người quản trị… đều trực tiếp hay gián tiếp tác động đến giao dịch cổ phiếu của công ty. Tất cả những thông tin đó cần phải được công bố công khai kịp thời cho cổ đông và nhà đầu tư biết. Tuy nhiên, thực tế đây là những thông tin “nhạy cảm”, mang “tính nội bộ” và ít nhiều ảnh hưởng của tư lợi nên thường được che đậy và khó tiếp cận.
Không những thế, trong hoạt động kinh doanh, bí mật kinh doanh luôn là “chiếc chìa khoá” quyết định thành công của công ty, nên việc bảo vệ bí mật kinh doanh luôn được quan tâm đặt ra, nhất là trong việc CBTT. Bất cứ động thái nào của công ty cũng được các đối thủ quan tâm và sẵn sàng áp dụng các biện pháp có thể, kể cả cạnh tranh không lành mạnh để hạ gục đối thủ cạnh tranh. Do đó, việc CBTT của công ty ngoài việc căn cứ vào thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh ra còn cần phải xem xét đến việc bảo vệ bí mật kinh doanh như là việc bảo vệ lợi ích lâu dài của công ty. Song các công ty cũng không được phép lợi dụng việc bảo vệ bí mật kinh doanh để cố tình che giấu thông tin bất hợp pháp.
d) Hoạt động quản lý nguồn thông tin của Sở/Trung tâm giao dịch chứng khoán
Cung cấp thông tin cho Sở/Trung tâm GDCK là việc làm cấn thiết trước khi các công ty được niêm yết trên TTCK. Điều này yêu cầu Sở/Trung tâm GDCK phải có hệ thông hạ tầng quản lý thông tin do các chủ thể cung cấp. Thông qua các thông tin được các chủ thể cung cấp, Sở/Trung tâm GDCK công bố công khai trên Website của mình để cho công chúng đầu tư truy nhập. Hoạt động quản lý nguồn thông tin
của Sở/Trung tâm GDCK là cơ sở bảo đảm cho nguồn thông tin được thông suốt và đến được với công chúng đầu tư. Sự phát triển của công nghệ thông tin yêu cầu Sở/Trung tâm GDCK phải có được đội ngũ cán bộ có năng lực, bảo đảm được các thông tin được công bố là chính xác, hạn chế việc xâm phạm và làm sai lệch thông tin.
đ) Người quản trị công ty
Như đã phân tích ở trên, các thông tin trong công ty nếu không được các chủ thể có thẩm quyền công bố thì các thông tin đó vẫn chỉ là “các thông tin nội bộ”. Thông qua hoạt động của người quản trị công ty sẽ gắn kết công ty với thị trường, với đối tác và với nhà đầu tư. Bản thân người quản trị công ty luôn đứng trước sự toan tính giữa lợi ích cá nhân và lợi ích của công ty. Nếu người quản trị công ty thật sự hoạt động vì lợi ích lâu dài của công ty, vì quyền lợi của cổ đông thì sẽ sẵn sàng cung cấp thông tin để cho thị trường và cổ đông giám sát công ty và buộc công ty phải có những hiệu chỉnh cho phù hợp với sự phát triển của thị trường và lợi ích của công ty. Trên cơ sở “sự phản ứng” đó, người quản trị sẽ phải thay đổi cách quản trị và có các biện pháp để công ty hoạt động có hiệu quả hơn. Và ngược lại, nếu người quản trị công ty quản lý công ty đi theo tư lợi cá nhân thì sẽ phải cố tình che giấu thông tin và tước đoạt các cơ hội kinh doanh của công ty. Như vậy mục tiêu hoạt động của công ty đã không còn giữ được. Nâng cao đạo đức người quản trị và có các chế tài ràng buộc trách nhiệm của họ là biện pháp hữu hiệu nhất để cho người quản trị thật sự khách quan, vô tư, vì quyền lợi lâu dài của công ty mà hoạt động, dẫn dắt công ty đi đến thành công.
e) Hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho hoạt động CBTT
Hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho việc kiểm tra, giám sát hoạt động CBTT của các chủ thể tham gia thị trường là rất quan trọng. Sự phát triển của công nghệ thông tin cho phép các chủ thể tham gia thị trường có thể kết nối với nhau trong việc chia sẻ thông tin trong hoạt động. Đối với nước ta, việc thống nhất quản lý hoạt động CBTT trên TTCK và việc kiểm tra hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ
cho hoạt động CBTT vẫn còn đang là vấn đề cần được nghiên cứu rất kỹ lưỡng, đặc biệt là vấn đề an ninh mạng để tránh việc xâm nhập bóp méo thông tin công bố.