Tinh thần yêu lao động, nỗ lực học tập, cầu tiến bộ

Một phần của tài liệu Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cán bộ và vận dụng tư tưởng đó vào xây dựng đạo đức cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Việt Nam hiện nay (Trang 35 - 38)

Lao động chính là điểm cơ bản nhất để phân biệt sự khác nhau giữa con người và con vật. Bằng lao động, con người cải tạo tự nhiên, cải tạo xã hội để đáp ứng những nhu cầu về mọi mặt của đời sống và cũng chính bằng lao động mà con người đã sáng tạo ra văn minh nhân loại. Hồ Chí Minh đã dạy rằng, lao động là vẻ vang. Dù chúng ta làm việc gì, dù là rửa bát, quét nhà hay là chủ tịch,

miễn là lao động chân chính thì đều vinh quang. Do đó, yêu lao động và lao động sáng tạo là một trong những chuẩn mực đạo đức cách mạng cơ bản. Người cán bộ phải gương mẫu trong lao động, phải đem hết sức lực và trí tuệ cho lao động của mình và của tập thể để đạt được năng xuất lao động ngày càng cao, góp phần cho công cuộc kháng chiến kiến quốc cũng như xây dựng nước nhà văn minh, giàu đẹp.

Không chỉ yêu lao động, người cán bộ còn phải nỗ lực học tập, cầu tiến bộ. Hồ Chí Minh chỉ rõ, tiến lên chủ nghĩa xã hội là cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ. Để cách mạng thành công, để xây dựng chủ nghĩa xã hội cần có những con người cách mạng sẵn sàng lao động quên mình, kiên quyết đấu tranh với những kẻ có âm mưu chống phá cách mạng. Hồ Chí Minh chỉ ra ba loại địch: thứ nhất là chủ nghĩa tư bản và bọn đế quốc; thứ hai là thói quen và truyền thống lạc hậu. Đây cũng là kẻ địch to vì nó ngấm ngầm ngăn trở cách mạng tiến bộ; thứ ba là chủ nghĩa cá nhân. Kẻ thù này nó ẩn nấp trong mỗi người chúng ta, là bạn đồng minh của hai kẻ địch kia.

Muốn chiến thắng các loại kẻ thù trên, người cán bộ phải ra sức học tập để có tri thức, để vững vàng vượt qua mọi thử thách cam go. Đó là học tập lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin để nâng cao trình độ nhận thức, để giữ vững lập trường, kiên định mục tiêu và lý tưởng. Học tập các nghị quyết, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để từ đó có quan điểm chỉ đạo đúng đắn trong quá trình tổ chức, vận động nhân dân thực hiện các nhiệm vụ cách mạng trong từng thời kỳ cụ thể.

Hồ Chí Minh nêu lên tính quy luật: Người chăm học thì mau hiểu biết, người siêng nghĩ ngợi thì hay có sáng kiến. Cán bộ, đảng viên là những người lãnh đạo nhân dân phải là những người hiểu sâu biết rộng, luôn luôn tìm tòi và có những sáng kiến mới để dẫn dắt phong trào, lãnh đạo nhân dân. Do đó, người cán bộ phải say mê học tập, phải tự nguyện, tự giác, coi học tập là việc thường xuyên và cũng là một nhiệm vụ quan trọng. Đúng như V.I.Lênin đã dạy: “Học, học nữa, học mãi”. Đồng thời mỗi người cán bộ phải xác định rõ động cơ học tập như lời

Bác Hồ đã ghi ở trang đầu quyển sổ vàng truyền thống của trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương:

“Học để làm việc, làm người, làm cán bộ.

Học để phụng sự Đoàn thể

phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt được mục đích, thì phải cần, kiệm, liêm, chính chí công vô tư” [36, tr.208].

Trong bài nói chuyện tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về công tác huấn luyện và học tập, Hồ Chí Minh chỉ rõ mục đích của việc học: “Học để tu dưỡng đạo đức cách mạng: Có đạo đức cách mạng thì mới hy sinh tận tụy với cách mạng, mới lãnh đạo được quần chúng đưa cách mạng tới thắng lợi hoàn toàn.

Học để tin tưởng: Tin tưởng vào Đoàn thể. Tin tưởng vào nhân dân.

Tin tưởng vào tương lai của dân tộc. Tin tưởng vào tương lai của cách mạng.

Có tin tưởng thì lúc ra thực hành mới vững chắc, hăng hái, lúc gặp khó khăn mới kiên quyết, hy sinh” [36,tr. 360-361].

Theo Lênin, chúng ta chỉ có thể xây dựng một xã hội mới trên cơ sở một nền học vấn hiện đại, mà nếu không có nền học vấn đó thì chủ nghĩa xã hội cũng chỉ là ước vọng mà thôi. Sau khi giành được chính quyền, Việt Nam ở trong tình thế hết sức khó khăn: kinh tế lạc hậu, trình độ dân trí thấp, số dân mù chữ nhiều, cơ sở vật chất kĩ thuật bị tàn phá nặng nề… Điều đó đòi hỏi sự nỗ lực lao động, học tập của tất cả mọi người dân, nhất là người cán bộ. Vì cán bộ cùng với Đảng lãnh đạo công cuộc kháng chiến kiến quốc nên cán bộ phải là những người có kiến thức, có hiểu biết, nắm vững đường lối, chính sách của Đảng, của Nhà nước

để hoàn thành tốt nhiệm vụ và đồng thời đem những kiến thức ấy phổ biến cho nhân dân. Do đó, theo Hồ Chí Minh, người cán bộ chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ.

Bản thân Hồ Chí Minh đã nêu một tấm gương sáng ngời về tinh thần học tập bền bỉ và khiêm tốn học hỏi. Khi nói chuyện với đảng viên, Bác phê phán đảng viên mới 40 tuổi mà đã cho là mình già nên ít chịu học tập và nói rõ là mình 76 tuổi nhưng vẫn cố gắng học thêm rồi kêu gọi chúng ta phải học và hoạt động cách mạng suốt đời. Hồ Chí Minh đã dẫn ra câu nói của Lênin để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học: “Không học thì không thể trở thành người cộng sản” [54, tr.138].

Trong điều kiện hiện nay, khi khoa học – công nghệ phát triển như vũ bão, thời đại bùng nổ thông tin và cơ chế kinh tế thị trường phát triển đòi hỏi các nước phải mở cửa hội nhập thì yêu cầu học tập, nghiên cứu đối với người cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý càng trở nên cấp thiết. Người cán bộ muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ, muốn làm tròn vai trò lãnh đạo thì nhất định phải chăm chỉ học tập, nâng cao trình độ về mọi mặt, tìm mọi cách để nắm bắt thông tin, tri thức mới. Người nào lười học, lười đọc, lười suy nghĩ, chỉ bằng lòng với những gì mình đã có, bằng lòng với kinh nghiệm của bản thân thì sẽ dẫn đến bảo thủ, trì trệ, tụt hậu.

Một phần của tài liệu Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cán bộ và vận dụng tư tưởng đó vào xây dựng đạo đức cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Việt Nam hiện nay (Trang 35 - 38)