Tu dưỡng bền bỉ, thường xuyên

Một phần của tài liệu Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cán bộ và vận dụng tư tưởng đó vào xây dựng đạo đức cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Việt Nam hiện nay (Trang 51 - 53)

Viêc rèn luyện bền bỉ và luôn có ý thức trau rồi đạo đức cách mạng là một việc làm cần thiết và là nguyên tắc quan trọng nhất đối với cán bộ. Đạo đức cách mạng không phải là tự nhiên có được, cũng không phải là tính vốn có, mà phải do rèn luyện mà có, giáo dục mà nên. Người khẳng định: Đạo đức cách mạng phải qua đấu tranh, rèn luyện bền bỉ mới thành. Người viết: “Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong” [41, tr.612]. Theo Người, việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức là suốt đời. Bởi vì, một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tự rèn luyện có vai trò rất quan trọng, Người khẳng định, đã là người thì ai cũng có chỗ hay, chỗ dở, chỗ xấu, chỗ tốt, ai cũng có thiện, có ác ở trong mình. Vấn đề là dám nhìn thẳng vào con người mình, không tự lừa dối, huyễn hoặc; thấy rõ cái hay, cái tốt, cái thiện để phát huy và thấy rõ cái dở, cái xấu, cái ác để khắc phục. Tu dưỡng đạo đức phải được thực hiện trong mọi hoạt động thực tiễn, trong đời tư cũng như trong sinh hoạt cộng đồng, trong mối quan hệ của mình. Người đã nhiều lần chỉ rõ: Mỗi con người phải thường xuyên

chăm lo tu dưỡng đạo đức như việc rửa mặt hàng ngày, đấy cũng là công việc phải kiên trì bền bỉ suốt đời, không người nào có thể chủ quan tự mãn.

Theo Hồ Chí Minh, tu dưỡng đạo đức cách mạng phải trên tinh thần tự giác, tự nguyện dựa vào lương tâm của mỗi người và dư luận của quần chúng. Người cách mạng phải ý thức được đạo đức cách mạng là nhằm giải phóng con người và đạo đức của những con người được giải phóng. Đã hoạt động cách mạng thì khó tránh khỏi sai lầm và khuyết điểm. Một người dù tài giỏi đến đâu, giàu kinh nghiệm đến đâu cũng không thể xem xét và bao quát hết mọi vấn đề, mọi lĩnh vực. Do đó, việc học tập, tu dưỡng bản thân đối với mọi người và nhất là người cán bộ là việc làm thường xuyên. Nó không phải việc một sớm một chiều mà làm được, nó phải trải qua quá trình nhận thức, tiếp thu, kế thừa và sàng lọc từ thực tiễn cuộc sống. Tu dưỡng đạo đức phải gắn liền với thực tiễn bền bỉ, vì: “Đá đi lâu cũng mòn. Sắt mài lâu cũng sắc. Ta cố gắng sửa chữa thì khuyết điểm ngày càng ít, ưu điểm ngày càng thêm. Đảng viên và cán bộ ngày càng trở nên người chân chính cách mạng. Đảng ngày càng phát triển” [35, tr.302]. Nếu không thường xuyên rèn luyện thì lúc khó khăn có thể vượt qua, có công với cách mạng, nhưng đến khi an nhàn lại xa vào chủ nghĩa cá nhân trở thành con người ngăn cản cách mạng, hại dân, hại nước. Cũng chính vì lẽ đó mà tu dưỡng đạo đức phải gắn với thực tiễn bền bỉ trong mọi lúc mọi nơi, mọi hoàn cảnh. Đây cũng là nhân tố cơ bản để hình thành đạo đức cách mạng của người Việt Nam trong thời đại mới, nhân tố quyết định thắng lợi sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.

Như vậy, rèn luyện đạo đức theo quan điểm của Hồ Chí Minh không giống như sự tu tâm dưỡng tính trong Nho giáo hay Phật giáo. Theo Hồ Chí Minh, biện pháp rèn luyện là dựa vào nhận thức khoa học, dựa vào học thuyết Mác – Lênin, chứ không phải dựa vào niềm tin mù quáng; phải rèn luyện trong lò lửa chiến tranh, trong lao động và sản xuất, trong mọi quan hệ và công tác hàng ngày. Đúng như Bác khẳng định: “Kháng chiến lại là một viên đá thử vàng đối với cán bộ” [35, tr.166].

Một phần của tài liệu Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cán bộ và vận dụng tư tưởng đó vào xây dựng đạo đức cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Việt Nam hiện nay (Trang 51 - 53)