Bệnh tự cho mình là lãnh tụ

Một phần của tài liệu Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cán bộ và vận dụng tư tưởng đó vào xây dựng đạo đức cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Việt Nam hiện nay (Trang 48 - 51)

Biểu hiện của bệnh này, theo Hồ Chí Minh là những người làm được vài việc đã cho mình là tài giỏi lắm rồi, anh hùng lắm rồi, đáng làm lãnh tụ lắm rồi. Họ nào có biết, so với sự nghiệp của cả dân tộc thì những thành công đó chỉ là một chút cỏn con, có thấm vào đâu. Đảng mong có nhiều anh hùng, nhiều lãnh tụ

được dân tin, dân phục, dân yêu. Những anh hùng và lãnh tụ như thế là của quý của Đảng, của dân tộc. Song những anh hùng và lãnh tụ như thế đều do tranh đấu và kinh nghiệm rèn luyện ra, đều do dân chúng tin cậy và cử ra, chứ không phải tự mình muốn làm anh hùng hay lãnh tụ mà được. Bác lý giải: “Từ xưa đến nay, quần chúng không bao giời tin cậy và yêu mến những kẻ tự cao, tự đại, những kẻ có óc lãnh tụ, tự xưng ta đây là anh hùng, là lãnh tụ” [35, tr.296].

Nguyên nhân của bệnh này là tính tự phụ, tự cho mình là giỏi hơn người khác, đặt mình đứng trên mọi người, không thèm lắng nghe ý kiến của quần chúng, ham danh vọng, ham địa vị. Những người này họ không biết rằng, muốn trở thành lãnh tụ phải trải qua quá trình rèn luyện lâu dài thông qua thực tiễn đấu tranh cách mạng, phải được dân quý, dân tin và dân suy tôn.

Như vậy, Hồ Chí Minh đã thẳng thắn chỉ ra những chứng bệnh mà cán bộ thường mắc phải và Người yêu cầu: “Những khuyết điểm trên, nhỏ thì làm cho dân chúng hoang mang, lớn thì làm cho nền đoàn kết lay động. Chúng ta phải lập tức sửa đổi ngay…” [34, tr.20].

Theo Người, điều quan trọng là phải vạch rõ căn nguyên của những khuyết điểm, sai lầm đó và tìm ra phương cách sửa chữa. Người nói: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính” [35, tr.301].

Người tiếp tục giải thích: “Đảng ta không phải từ trên trời sa xuống. Nó ở trong xã hội mà ra. Vì vậy, tuy nói chung, thì đảng viên phần nhiều là những phần tử tốt, nhưng vẫn có một số chưa bỏ hết những thói xấu tự tư tự lợi, kiêu ngạo, xa hoa…Những thói xấu đó có đã lâu, nhất là trong 80 năm nô lệ. Những thói xấu đó, họ mang từ xã hội vào Đảng” [35, tr.303]. Và vì chủ nghĩa cá nhân là thứ “vi trùng” sinh ra các căn bệnh ấy nên Người cũng khách quan nhìn nhận rằng: “Sinh trưởng trong xã hội cũ, chúng ta ai cũng mang trong mình hoặc nhiều hoặc ít vết tích xấu xa của xã hội đó về tư tưởng, về thói quen… Vết tích xấu

nhất và nguy hiểm nhất của xã hội cũ là chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân trái ngược với đạo đức cách mạng, nếu nó còn lại trong mình, dù là ít thôi, thì nó sẽ chờ dịp để phát triển, để che lấp đạo đức cách mạng, để ngăn trở ta một lòng một dạ đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng” [41, tr.601-602]. Do đó, mỗi người cán bộ phải nhận thức được chủ nghĩa cá nhân chính là kẻ địch bên trong và rất nguy hiểm. Muốn đánh thắng kẻ địch bên ngoài, thì trước hết phải đánh thắng kẻ địch bên trong. Muốn giữ gìn sự trong sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin thì trước hết tự mình phải trong sáng. Về phía Đảng, Đảng cũng phải hiểu rằng, muốn đánh thắng kẻ thù là chủ nghĩa đế quốc, muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, thì trước hết phải chiến thắng kẻ thù bên trong của mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi cơ quan, đơn vị cũng như của cả sự nghiệp cách mạng của chúng ta. Bởi trong cuộc đấu tranh chống đế quốc xâm lược, chủ nghĩa cá nhân chống phá ta từ trong nội bộ, làm suy yếu ta, tiếp tay cho địch. Còn trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cá nhân đã đẻ ra muôn vàn thứ bệnh làm tha hóa, biến chất đội ngũ cán bộ của Đảng, làm mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng.

Chính vì vậy, Đảng phải giáo dục cán bộ, đảng viên kiên quyết sửa chữa những thói xấu để cho tiệt nọc các chứng bệnh. Còn đối với mỗi người cán bộ, đảng viên thì thang thuốc hay nhất là thiết thực phê bình và tự phê bình. Cần phải thật thà tự xem xét, kiểm điểm bản thân mình trước, đồng thời xét đồng chí mình, nếu ai có khuyết điểm nào thì thật thà cố gắng tự sửa chữa và sửa chữa giúp nhau. Có như vậy thì khuyết điểm ngày càng ít, ưu điểm ngày càng thêm, người cán bộ ngày càng trở nên chân chính, Đảng ngày càng phát triển.

Suốt cuộc đời Người, mặc dù phải quán xuyến trăm công ngàn việc cách mạng, Bác vẫn luôn là "người làm vườn" cần mẫn, ra sức chăm chút "vun trồng những cây cối quý báu" của Đảng, Nhà nước và của nhân dân ta. Hồ Chí Minh đã phân tích, xử lý những sai lầm, khuyết điểm về đạo đức cán bộ, đảng viên một cách bình tĩnh, khoa học, kiên quyết, triệt để nhưng lại thấm đẫm tinh thần nhân ái. Người kiên trì giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ đảng viên để họ có lòng bao dung, nhân ái, chí công vô tư, sống vì mọi người, sẵn sàng chiến đấu hết mình,

ích cá nhân, rũ sạch chủ nghĩa cá nhân, thấm nhuần đạo đức cách mạng. Nhờ có đạo đức cách mạng mà sợi dây chuyền Đảng - cán bộ - nhân dân trở nên bền chắc làm cho toàn bộ guồng máy cách mạng hoạt động hiệu quả, đưa công cuộc kháng chiến, kiến quốc của chúng ta đi đến thắng lợi cuối cùng.

Một phần của tài liệu Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cán bộ và vận dụng tư tưởng đó vào xây dựng đạo đức cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Việt Nam hiện nay (Trang 48 - 51)