Bệnh hẹp hòi, địa phương chủ nghĩa

Một phần của tài liệu Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cán bộ và vận dụng tư tưởng đó vào xây dựng đạo đức cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Việt Nam hiện nay (Trang 47 - 48)

Bệnh hẹp hòi biểu hiện ở người cán bộ là không biết cân nhắc người tốt, sợ người ta hơn mình. Ở ngoài Đảng thì khinh người, cho ai cũng không cách mạng, không khôn khéo bằng mình. Vì thế mà không biết liên lạc, hợp tác với người có đạo đức và tài năng ở ngoài Đảng, thường ích kỷ chỉ biết mình; khi thấy người khác có năng lực hơn mình thì chẳng những không cố gắng học hỏi, rèn luyện, phấn đấu để bằng họ mà còn tìm mọi cách dìm người ta xuống bằng nhiều thủ đoạn, nhất là những người cùng cơ quan với họ. Họ sợ khi có người hơn mình thì vị trí của mình sẽ bị lung lay hoặc sẽ bị mất vị trí độc tôn nên họ tỏ ra

không hợp tác trong công việc. Bệnh này làm cho những người có tài năng thực sự sẽ cảm thấy uất ức vì không được quan tâm và cất nhắc, còn những người lãnh đạo mắc bệnh này sẽ dần dần bị cô độc.

Hồ Chí Minh cho rằng: những người mắc bệnh hẹp hòi thường sinh ra bệnh địa phương chủ nghĩa. Những cán bộ mắc bệnh địa phương chủ nghĩa thì trong suy nghĩ và hành động chỉ chăm chút lợi ích địa phương mình, cơ quan mình, bộ phận làm việc của mình mà không quan tâm đến lợi ích toàn cục. Họ không xem xét toàn thể, không hiểu rằng ích lợi nhỏ phải phục tùng ích lợi to, ích lợi bộ phận phải phục tùng ích lợi toàn thể. Bác viết: “Bệnh này tuy không xấu bằng bệnh kia nhưng kết quả cũng rất tai hại. Miễn là cơ quan mình, bộ phận mình, địa phương mình được việc. Còn cơ quan, bộ phận, địa phương khác ra sao cũng mặc kệ” [35, tr.296].

Bệnh hẹp hòi, địa phương chủ nghĩa sẽ làm nảy sinh khuynh hướng tham danh vọng, tham địa vị, dìm người giỏi, cá nhân, hủ hóa... Người đã chỉ rõ: Vì ham danh vọng, địa vị cho nên chỉ biết có mình, chỉ biết có bộ phận mình mà quên cả Đảng; vì ham danh vọng, địa vị, hẹp hòi cho nên khi phụ trách một bộ phận nào, thì lôi người này, kéo người khác, ưa ai thì kéo vào, không ưa thì tìm cách đẩy ra. Cũng vì hẹp hòi đó mà cán bộ cấp trên phái đến và cán bộ địa

phương không đoàn kết chặt chẽ. Vì hẹp hòi mà dẫn “kéo bè, kéo cánh”, bè phái,

đi đến chia rẽ, mất đoàn kết. Ai hợp với mình thì dù người xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách dèm pha, nói xấu, tìm cách dìm người đó xuống. Làm như vậy sẽ rất có hại cho cơ quan mình, tổ chức mình, bộ phận mình và ảnh hưởng tới phong trào và sự phát triển chung.

Một phần của tài liệu Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cán bộ và vận dụng tư tưởng đó vào xây dựng đạo đức cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Việt Nam hiện nay (Trang 47 - 48)