Đạo đức cách mạng, nhất là đạo đức cán bộ theo Hồ Chí Minh còn bao gồm cả các tính tốt: Nhân, nghĩa, trí, dũng. Các đức tính này cũng được Người nhắc đến nhiều lần trong các bài viết, bài nói chuyện để răn dạy cán bộ phải thường xuyên trau dồi.
Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Bác viết: “Nhân là thật thà thương yêu, hết lòng giúp đỡ đồng chí và đồng bào” [35, tr.291]. Khi nói chuyện tại hội nghị quân sự lần thứ năm, Bác nói: “Nhân là phải thương yêu cấp dưới, đồng cam cộng khổ với họ. Đối với địch hàng, ta phải khoan dung” [35, tr.594]. Như vậy, theo Hồ Chí Minh, chữ “nhân” thể hiện ở người cán bộ là lòng yêu thương, mà trước hết là yêu thương đồng chí, đồng bào, yêu thương cấp dưới của mình, kiên quyết chống lại những người, những việc có hại đến Đảng, đến nhân dân và phải có lòng khoan dung, tha thứ. Vì thế mà cán bộ sẵn lòng chịu cực khổ trước mọi người, hưởng hạnh phúc sau thiên hạ, không ham giàu sang, không e cực khổ, không sợ oai quyền.
“Nghĩa” là “ngay thẳng, không có tư tâm, không làm việc bậy, không việc gì phải dấu Đảng, tất cả vì lợi ích của Đảng” [35, tr.292]. Ngoài lợi ích của Đảng thì cán bộ, đảng viên không có lợi ích riêng phải lo toan. Đảng giao cho bất kỳ việc gì, dù to hay nhỏ đều ra sức làm cẩn thận. Thấy việc phải thì làm, thấy việc
phải thì nói. Không sợ người ta phê bình mình, mà phê bình người khác cũng luôn luôn đúng đắn.
“Trí” là “sáng suốt, biết địch biết mình, biết người tốt thì nâng đỡ, biết người xấu thì không dùng, biết cái tốt của mình mà phát triển lên, biết cái xấu của mình để mà tránh” [35, tr.259]. Vì không có việc tư túi làm mù quáng cho nên đầu óc luôn trong sạch, sáng suốt, dễ hiểu lý luận, dễ tìm phương hướng. Người cán bộ phải có trí để phân biệt phải – trái, đúng – sai, biết làm việc lợi, tránh việc có hại cho Đảng, biết vì Đảng mà cất nhắc người tốt, đề phòng người gian.
“Dũng” là dũng cảm, gan góc, gặp việc phải có gan làm. Thấy có khuyết điểm thì có gan sửa chữa, cực khổ khó khăn thì có gan chịu đựng, có gan chống lại những vinh hoa, phú quý, không chính đáng. Nếu cần thì có gan hy sinh cả tính mạng cho Đảng, cho Tổ quốc, không bao giờ rụt rè, nhút nhát. Người dẫn chứng ra nhiều tấm gương về các đồng chí trong thời kỳ hoạt động bí mật và trong thời kỳ kháng chiến đã giữ vững khí tiết, trung thành tuyệt đối với Đảng, với cách mạng, chấp nhận hy sinh cả tính mạng của mình, thậm chí hy sinh cả lợi ích của gia đình mình. Các đồng chí ấy không đòi hỏi, kể công mà chấp nhận hy sinh với một tinh thần chí công vô tư.
Với các khái niệm “Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng” được sử dụng phổ biến trong quan niệm về đạo đức của người quân tử trong Nho giáo, Hồ Chí Minh đã khéo léo đưa vào đó các nội dung đạo đức cách mạng và giải thích nó theo quan điểm mới. Ở đây, các mối quan hệ lợi ích đã khác xưa. Nếu như trước kia, trong thời phong kiến thì tất cả là để phục vụ cho lợi ích của giai cấp thống trị, cho tầng lớp quan lại, thì giờ đây trong chế độ dân chủ cộng hòa tất cả vì lợi ích chung của dân tộc, của nhân dân.