Tự phê bình và phê bình

Một phần của tài liệu Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cán bộ và vận dụng tư tưởng đó vào xây dựng đạo đức cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Việt Nam hiện nay (Trang 57 - 59)

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của đồng chí mình, tự phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của mình. Tự phê bình và phê bình phải đi đôi với nhau. Người khẳng định: tự phê bình và phê bình có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng. Hồ Chí Minh chỉ rõ, phê bình và tự phê bình là thứ vũ khí sắc bén nhất. Nó giúp cho Đảng ta ngày càng mạnh. Nhờ nó mà chúng ta sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, tiến bộ không ngừng.

Thực ra theo quan điểm của Hồ Chí Minh thì tự phê bình và phê bình là vấn đề tất yếu của cuộc sống, là quy luật trưởng thành của Đảng, là vũ khí sắc bén, là thang thuốc hiệu quả nhất để cho mỗi cán bộ, đảng viên sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm và nâng cao đạo đức cách mạng. Hoạt động trong điều kiện càng nhiều khó khăn, đòi hỏi thử thách càng lớn, càng làm cho con người dễ sinh ra khuyết điểm. Khuyết điểm càng lâu càng bám vào cơ thể như bụi bẩn hàng ngày. Bởi thế theo Hồ Chí Minh, tự phê bình để nhận rõ và gạt đi những bụi bẩn cũng “như công việc tắm gội, rửa mặt hàng ngày” không thể thiếu được. Người chỉ ra: “Đảng ta không phải từ trên trời sa xuống, nó ở trong xã hội mà ra”; “Đảng ta là một Đảng rất to lớn, bao gồm đủ các tầng lớp trong xã hội. Vì vậy có nhiều tính cách rất trung thành, rất kiên quyết, rất vĩ đại. Song cũng không tránh khỏi những tập tục, những tính nết, những khuyết điểm của xã hội bên ngoài, nó lây, nó ngấm vào trong Đảng” [35, 301-302]. Do đó, đấu tranh giữa những tư tưởng mới tiến bộ với những tư tưởng cũ lạc hậu là công việc diễn ra thường xuyên trong Đảng: “Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê

bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh mà Đảng sẽ khỏe mạnh vô cùng” [35, tr.279].

Tuy nhiên, trong thực tế theo Hồ Chí Minh tự phê bình và phê bình là một việc làm không dễ. Đó là một vấn đề rất nhạy cảm, đụng chạm đến từng cá nhân, tổ chức. Tâm lý của con người là thích được khen hơn bị chê. Mọi người dễ cho rằng tự nói ra khuyết điểm, tự nhận khuyết điểm nghĩa là tự thừa nhận sự non kém của mình. Điều này dễ liên lụy đến uy tín, vị thế chức tước, địa vị và bậc thứ nghề nghiệp. Bởi vậy, phê bình đã khó, tự phê bình càng khó khăn hơn. Tuy vậy, Người đã khéo léo giải thích: “Khuyết điểm cũng như chứng bệnh, phê bình cũng như uống thuốc. Sợ phê bình cũng như có bệnh mà dấu bệnh không dám uống thuốc, để đến nỗi bệnh ngày càng nặng... nể nang không phê bình để đồng chí mình cứ sa vào lầm lỗi đến nỗi hỏng việc, thế thì khác nào thấy đồng chí mình ốm mà không chữa cho họ, nể nang không dám tự phê bình để cho khuyết điểm mình chứa chất lại, khác nào mình tự bỏ thuốc độc cho mình” [35, tr.301]. Vậy, tự phê bình và phê bình là vạch khuyết điểm để sửa chữa. Muốn tự phê bình và phê bình có kết quả, cán bộ các cấp nhất là cấp cao phải noi gương trước.

Để sử dụng vũ khí tự phê bình và phê bình trong Đảng một cách có hiệu quả, theo Hồ Chí Minh trước hết phải nhận thức đúng vấn đề. Theo Người: “nhân vô thập toàn” nghĩa là con người thì ai cũng khó tránh khỏi sai lầm khuyết điểm; càng đảm nhiệm nhiều công việc thì càng dễ có sai lầm khuyết điểm nhiều hơn. Điều quan trọng là ở chỗ có dám tìm ra khuyết điểm để sữa chữa hay không. Người chỉ rõ: “Một Đảng mà dấu diếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sữa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính” [35, tr.301]. Thế nhưng vì là một vấn đề khó nên tiến hành tự phê bình và phê bình cần nắm vững những nguyên tắc cơ bản, thể hiện tính giáo dục, tính khách quan trung thực, thẳng thắn, dân chủ, đồng bộ sau đây:

Một là, tự phê bình và phê bình phải nhằm mục đích để giúp nhau tiến bộ nên động cơ phải trong sáng, dựa trên “tình đồng chí thương yêu nhau”; không công kích áp đặt khuyết điểm cho nhau. Khi phê bình người khác không được xoi mói “bới lông, tìm vết” để tìm cơ hội “hạ bệ’ lẫn nhau.

Hai là, tự phê bình và phê bình phải có thái độ kiên quyết không khoan nhượng, phải “ráo riết, triệt để”, đúng mức, thật thà không nể nang, không thêm bớt.

Ba là, tự phê bình và phê bình muốn có hiệu quả tốt cần sáng suốt, khôn

khéo, như chiếu tấm gương cho mọi người soi thấu những khuyết điểm của mình, để tự mình sữa chữa.

Bốn là, tự phê bình và phê bình phải có thái độ chân tình cầu thị, nói đúng

ưu điểm và khuyết điểm, phê bình phải đúng lúc, có hoàn cảnh thích hợp; phải biết lắng nghe và chờ đợi đồng chí tiếp thu để tránh việc làm cho người bị phê bình “nản chí, oán ghét”.

Tóm lại, tự phê bình và phê bình là phương pháp căn bản để giải quyết mâu thuẫn về nhận thức, tư tưởng, nhằm tăng cường đoàn kết trong Đảng trên cơ sở nâng cao trình độ nhận thức cho cán bộ, đảng viên, đồng thời đó cũng là động lực mạnh mẽ để thúc đẩy sự tiến bộ không ngừng. Người cán bộ muốn tốt thì phải có đạo đức cách mạng, phải biết phê bình và tự phê bình. Đúng như Hồ Chí Minh đã nói: “Người ta luôn luôn cần không khí để sống. Người cách mạng và đoàn thể cách mạng cần phê bình và tự phê bình thiết tha như người ta cần không khí” [37, tr.114].

Một phần của tài liệu Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cán bộ và vận dụng tư tưởng đó vào xây dựng đạo đức cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Việt Nam hiện nay (Trang 57 - 59)