Có một thời, người ta đã quan niệm văn hoá là lĩnh vực đứng ngoài kinh tế, bởi cho rằng văn hoá là lĩnh vực không sinh lợi. Sự phát triển và tăng trưởng của hàng loạt các nước trên thế giới đã khiến nhân loại phải nhận thức lại vai trò của văn hoá. Năm 1988, Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hoá Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã tuyên bố để mở đầu thập kỷ thế giới phát triển văn hoá bằng sự nhấn mạnh:
''Kinh nghiệm của hai thập kỷ vừa qua cho thấy trong mọi xã hội ngày nay, bất luận ở trình độ phát triển kinh tế nào, hoặc xu hướng chính trị và kinh tế nào, văn hoá và phát triển là hai mặt gắn liền với nhau".
Nước nào tự đặt cho mình mục tiêu phát triển kinh tế mà tách rời môi trường văn hoá thì nhất định sẽ xảy ra những mất cân đối nghiêm trọng cả về kinh tế lẫn văn hoá và tiềm năng sáng tạo của nước ấy sẽ bị suy yếu rất nhiều.''
Xuất phát từ bài học kinh nghiệm của các dân tộc, tiếp nhận thành tựu trí tuệ của thời đại, Đảng và Nhà nước ta cũng đã có những nhận thức sâu sắc về vai trò của văn hoá trong phát triển:'' Kinh tế và văn hoá gắn liền với nhau hết sức chặt chẽ, kinh tế không tự mình phát triển nếu thiếu nền tảng văn hoá và văn hoá không phải là sản phẩm thụ động của kinh tế. Phát triển trên cơ sở kết hợp hài hoà kinh tế và văn hoá là
sự phát triển năng động, có hiệu quả và vững chắc nhất''.
Nghị quyết kỳ họp thứ tư Ban chấp hành Trung ương khoá VII đã khẳng định văn hoá vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Gần đây nhất (năm 1998), nghị quyết Trung ương lần thứ năm khoá VIII về xây dựng và phát triển văn hoá Việt Nam đã chỉ rõ: '' Phương hướng chung, đồng thời là nhiệm vụ bao quát của sự nghiệp văn hoá nước ta là phát huy chủ nghĩa yêu nước và truyền thống đại đoàn kết, ý thức độc lập tự chủ,
tự cường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu những tinh hoa văn hoá nhân loại, làm cho văn hoá thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng, từng địa bàn dân cư, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người, tạo nên trên đất nước ta đời sống tinh thần cao đẹp, trình độ dân trí cao, khoa học phát triển phục vụ đắc lực công nghiệp hoá, hiện đại hoá vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, tiến bước vững chắc lên chảu nghĩa xã hội''.