Từ góc độ tộc người, nhiều nhà nghiên cứu đã nhận đinh Việt Nam như một Đông Nam Á thu
nhỏ. Điều này hàm nghĩa: Ở Việt Nam có gần như đầy đủ các tộc người đại diện cho các nhóm ngôn ngữ - tộc người lớn của Đông Nam Á như: Môn - Khơ Me, Tày - Thái, Việt - Mường, Mông - Dao, Nam Đảo, Hán, Tạng - Miến.
Việc phân chia các tộc người vào các nhóm ngôn ngữ cơ bản dựa vào cứ liệu ngôn ngữ và để nghiên cứu mối quan hệ về nguồn gốc và mối quan hệ ngôn ngữ. Tuy nhiên, ngôn ngữ cũng là một bộ phận văn hoá tộc người, nếu không muốn nói là bộ phận rất quan trọng. Mặt nữa, từ mối quan hệ nguồn gốc ngôn ngữ, cũng tạo nên những tương đồng về đời sống văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần của các tộc người trong một nhóm ngôn ngữ tộc người ấy.
Những nét cơ bản nhất về đặc trưng văn hoá, cuộc sống, tinh thần và tập quán xã hội của từng nhóm văn hoá - ngôn ngữ tộc người, được trình bày dưới đây.
1. Nhóm văn hoá ngôn ngữ Việt - Mường
- Nhóm Việt - Mường là nhóm ngôn ngữ tộc người lớn nhất của nước ta, gồm các dân tộc: Việt, Mường, Thổ, Chứt. Dân tộc Chứt sống ở miền núi Quảng Bình; dân tộc Kinh sinh sống tập trung ở đồng bằng châu thổ các dòng sông lớn từ Bắc tới Nam, ở các thành phố lớn, thị xã, thị trấn, thị tứ và các trục đường giao thông trên mọi miền của Tổ quốc; dân tộc Mường sống tập trung ở tỉnh hoà Bình, Thanh Hoá, rải rác ở Sơn La, Phú Thọ và Hà Tây; dân tộc Thổ sống tập trung ở miền núi Nghệ An.
- Hoạt động kinh tế: Người Chứt và người Thổ sống chủ yếu bằng nghề nương rẫy; nguời Mường sống chủ yếu bằng nghề ruộng nước; người Việt sống hoàn toàn chủ yếu bằng làm ruộng nước.
- Các giá trị văn hoá nền tảng/ văn hoá tinh thần
+ Tiếng Kinh (Việt) là tiếng phổ thông của cả nước, phát triển đến trình độ có chữ viết - chữ gốc La tinh. Các dân tộc khác chưa có chữ.
+ Tín ngưỡng: tín ngưỡng đa thần, người Kinh ngoài tín ngưõng dân gia thì còn chịu ảnh hưởng tư tưởng Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo. Ở một số vùng, người Kinh còn theo đạo Ki tô (Christian).
+ Lễ hội: phong phú. Người Kinh có lễ hội làng, lễ hội vùng và cả dân tộc.
+ Văn nghệ dân gian: các dân tộc nhóm Việt - Mường có kho tàng truyện cổ tích, dân ca, ca dao, tục ngữ phong phú. Riêng dân tộc Mường có cuốn 'Mo - sử thi dân tộc Mường' được đánh giá là di sản vô giá của dân tộc Mường nói riêng và của văn hoá Việt Nam nói chung.
+ Văn hoá xã hội: gia đình của các dân tộc nhóm văn hoá - ngôn ngữ Việt - Mường là gia đình phụ quyền.
2. Nhóm văn hoá ngôn ngữ Môn - Khơ Me.
- Gồm 21 dân tộc: Khơ Me, Ba Na, Xơ Đăng, Cơ Ho, Hrê, Co, Mnông, Xtiêng, Bru - Vân Kiều, Tà Ôi, Cơ Tu, Gié Triêng, Brâu, Rơ Măm, Mạ, Mảng, Chơ Ro, Khơ Mú, Kháng, Xinh Mun, Ơ Đu. Đây là các nhóm bản địa ở Việt Nam và Đông Dương. Ở Việt Nam, các tộc người nhóm này cư trú tập trung nhất ở đồng bằng sông Cửu Long, miền núi Đông Nam Bộ, các tỉnh Tây Nguyên, dọc Trường Sơn và một số ít ở Tây Bắc.
- Hoạt động kinh tế, trừ người Khơ Me là ruộng nước và chài lưới, các tộc người còn lại chủ yếu sống bằng nghề làm rẫy, trồng lúa nương.
- Các giá trị văn hoá nền tảng / văn hoá tinh thần
+ Tiếng nói của một số dân tộc đã có chữ viết: người Khơ Me có văn tự cổ gốc Sanscrit. Một số dân tộc ở Tây Nguyên như Ba Na, Mnông, Cơ Ho, Mạ đã có chữ viết nhưng là chữ do người Pháp xây dựng, trên cơ sở chữ cái La tinh.
+ Tín ngưỡng tôn giáo: rất đa dạng. Người Khơ Me ở đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu theo đạo Phật. Người Khơ Me có tục lệ là nam thanh niên được coi là người lớn khi đã tu ở chùa từ một đến ba năm. Trong thời gian tu, người đi tu được học chữ, học giáo lý của Phật, học lao động sản xuất.
Các dân tộc nhóm Môn - Khơ Me có tín ngưỡng đa thần. Giàng là tên gọi chung để chỉ các vị thần. Đó là các thần núi, thần sông, thần lửa, thần bến nước... Những hoạt động mở đầu năm sản xuất đều phải báo và xin phép Giàng mới được thực hiện.
+ Lễ hội: có nhiều lễ hội gắn với hoạt động sản xuất, sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng. Cư dân Môn - Khơ Me ở Nam Bộ có các ngày lễ Chon chnam thmay - đón năm mới, lễ Óc bom bóc - cúng trăng, lễ Vi sa ka ban chia - lễ Phật đản...
Các lễ hội nổi tiếng ở Tây Nguyên là lễ hội bỏ mả (Pơ thi), lễ cúng Giàng, trong lễ cúng Giàng có tục đâm trâu mang ý nghĩa hiến sinh; có cả lễ hội mang tư tưởng phồn thực như lễ mở đầu mùa gieo hạt trên nương rẫy của người Khơ Mú.
+ Vốn văn nghệ dân gian của các dân tộc nhóm Môn - Khơ Me đồ sộ, phong phú về thể loại lẫn chất lượng. Về dân ca đã có hàng chục làn điệu khác nhau; nhạc cụ dân gian Tây Nguyên rất độc đáo; già làng Tây Nguyên hay kể Khan / sử thi cho con cháu nghe ở nhà Rông. Một số dân tộc có bộ luật tục đồ sộ. Các dân tộc ở Tây Nguyên có tập quán làm tượng nhà mồ nhằm thể hiện tình cảm của người sống với người đã chết.
+ Văn hoá xã hội: các dân tộc có tập quán hôn nhân một vợ một chồng, cư trú bên nhà chồng là chính. Tuy nhiên có một số dân tộc lại có tục cặp vợ chồng luân phiên cư trú ở hai bên với ý giúp cho bố mẹ mỗi bên một thời gian, như các dân tộc: Xơ Đăng, Xtiêng, Brâu.
3. Nhóm văn hoá ngôn ngữ Tày - Thái
- Đây là nhóm ngôn ngữ lớn ở Đông Nam Á và Trung Quốc, có vai trò quan trọng trong tiến trình lịch sử và văn hoá của khu vực. Ở Việt Nam gồm có các dân tộc: Thái, Tày, Bố Y, Lào, Lự, Nùng, Giáy, Sán Chay, cư trú ở các tỉnh Việt Bắc và Tây Bắc, dọc
biên giới Việt - Trung và Việt - Lào.
- Nghề nghiệp chính của cư dân Tày - Thái là làm ruộng nước ở các thung lũng và trồng trọt cạn trên các sườn đồi.
- Các giá trị văn hoá nền tảng/ văn hoá tinh thần:
+ Tiếng nói của người Thái đã phát triển đến trình độ có chữ viết (chữ Phạn Ấn Độ). Tiếng Thái còn là tiếng phổ thông của miền Tây Bắc và miền núi Thanh Hoá, Nghệ An. Tiếng Tày, Nùng - tiếng phổ thông của Việt Bắc, vốn cũng có chữ viết gốc từ chữ
Hán và được các trí thức dân tộc Tày - Nùng hoá thành Nôm Tày, Nôm Nùng, trước khi có bộ chữ Tày, Nùng La tinh do nhà nước xây dựng năm 1961.
+ Tín ngưỡng cư dân nhóm Tày - Thái là tín ngưỡng đa thần, trọng tâm là thờ tổ tiên. Người Thái, Tày, Nùng còn chịu ảnh hưởng của Khổng giáo, Đạo giáo và Phật giáo.
+ Cư dân Việt Bắc và Tây Bắc có nhiều ngày lễ hội được tổ chức tưng bừng: lễ hội hang Bua (Nghệ An), lễ Xên bản, Xên mường ở Tây Bắc, lễ hội Lùng tùng ở Việt Bắc...
+ Kho tàng văn hoá dân gian của các dân tộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái rất phong phú và đa dạng, phổ biến là các loại hình truyền thuyết, truyện cổ, ca dao, tục ngữ, thành ngữ, truyện thơ. Nhiều thể loại văn học dân gian đã được biên soạn, ấn hành như Nam Kim Thị Đan, Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài, Sóng chụ xon xao, Khun Lú nàng Ủa... Các làn điệu dân ca đặc trưng là hát Sli (Tày) và hát Lượn (Nùng), là những nét văn hoá độc đáo của vùng Tây Bắc và Việt Bắc. + Văn hoá xã hội: gia đình các dân tộc nhóm Tày - Thái là gia đình phụ quyền. Trong tục cưới xin, người Thái có nét khác so với các dân tộc khác, đó là có tục cưới hai lần. Cưới lần đầu là để ở rể, cưới lần thứ hai mới được đưa vợ con về bên nhà chồng và làm nhà ở riêng.
4. Nhóm văn hoá ngôn ngữ Mông - Dao
- Nhóm này gồm các dân tộc: Mông, Dao và Pà Thẻn, có nguồn gốc phương Bắc. Cư dân sống ở vùng cao Việt Bắc và Tây Bắc, chủ yếu ở các tỉnh biên giới Việt - Trung và Việt - Lào.
- Hoạt đồng kinh tế: nghề nghiệp chính của cư dân Mông - Dao là trồng trọt cây lương thực trên khô cạn.
- Các giá trị văn hoá nền tảng/ văn hoá tinh thần: + Tiếng Mông được sử dụng rộng rãi trên vùng cao. Người Mông, trước khi có chữ Mông La tinh do nhà nước xây dựng, đã dùng chữ Hán để ghi chép gia phả và sách cúng, văn tự, ruộng đất. Người Dao, trước khi có chữ Dao La tinh, có chữ Nôm Dao để ghi chép sách cúng và gia phả.
+ Tín ngưỡng của các dân tộc nhóm Mông - Dao là tín ngưỡng đa thần, trọng tâm cũng là thờ tổ tiên. Tuy nhiên, biểu thị văn hoá thờ tổ tiên ở các dân tộc khác nhau. Người Mông không đặt bàn thờ tổ tiên trong nhà nhưng rất cơi trọng quan hệ dòng họ. Người Dao thờ tổ tiên là Bàn Vương. Người Dao còn chịu ảnh hưởng của đạo Nho và đạo Giáo (một biểu hiện ảnh hưởng của Đạo giáo). Trong những năm gần đây, một số vùng đồng bào theo đạo Tin lành.
+ Lễ hội: các dân tộc mở nhiều lễ hội vào mùa xuân, thể hiện đậm nét đặc trưng dân tộc. Người Mông có những lễ hội nổi tiếng như lễ Gầu Tào - lễ cầu tự và trả ơn sau khi cầu tự đã có con, lễ Nào xồng - lễ cúng ăn thề bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo vệ mùa màng và bảo vệ trị an trong bản làng. Người Dao, ngoài lễ hội Bàn Vương là lễ lớn nhất, được tổ chức hàng năm với nghi lễ trang nghiêm và ý thức sâu sắc về cội nguồn tổ tiên, còn có lễ /tục Cấp sắc cho nam thanh niên đến tuổi thành niên và còn là lễ cấp đèn cho làm thầy cúng, và lễ Nhàng chầm đao / nhảy chầm đao mà thực chất là ngày hội của nam thanh niên rèn luyện võ nghệ hàng năm, với vũ khí là dao bằng gỗ.
+ Vốn văn nghệ dân gian của các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ này rất đa dạng, chủ yếu tập trung ở người Mông và người Dao. Đó là những bài ca văn vần phổ biến; những bài ca dân ca trữ tình cũng như những tiếng hát than thân trách phận, phận làm dâu khổ sở, phận mồ côi nghèo đói. Dân tộc Mông có những nhạc cụ độc đáo là khèn bè, khèn lá, đàn môi, đặc biệt là sáo mông - một biểu tượng tình cảm của tình yêu đôi lứa... Người Dao có điệu hát dân ca 'Páo dung' là nức lòng các chàng trai, cô gái.
+ Văn hoá xã hội: gia đình các dân tộc nhóm ngôn ngữ Mông - Dao là gia đình phụ hệ nhỏ. Quan niệm dòng họ của người Mông và người Dao rất sâu sắc. Đặc trưng quan hệ dòng họ của người Mông là 'cùng họ cùng ma'. Người Dao trong quan hệ dòng họ cũng rất được quan tâm. Họ dùng hệ thống tên đệm giữ họ và tên để phân biệt vai vế, thế hệ giữ những người cùng họ. Trong hôn lễ, người Mông và người Dao có tục đón dâu độc đáo. Người Mông có tục đón dâu là trước khi cô dâu bước qua ngưỡng cửa vào nhà chồng, bà mẹ chồng cầm chân gà cào cào vào lưng cô dâu. Còn người Dao có tục cô dâu phải rửa chân trước khi bước vào nhà chồng. Hai hiện tượng khác nhau nhưng cùng chung một ý nghĩa, đó là động tác tách ma nhà cô dâu ra khỏi cô dâu và để cho ma nhà chồng quản lý cô dâu mới.
5. Nhóm văn hoá ngôn ngữ Mã Lai - Đa Đảo