Tây Nguyên là vùng đất cao nguyên đất đỏ, nằm ở phía Tây Nam trung Bộ, có biên giới với hai nước bạn Lào và Cam Pu Chia. Không kể các dân tộc thiểu số phía Bắc và người Kinh chuyển vào
đây sinh sống gần đây, nơi đây là địa bàn cư trú lâu đời của các dân tộc thuộc hai nhóm Môn Khơ Me và Nam Đảo. Tây Nguyên có những bình nguyên lớn như Kon Tum, Gia lai, Đắc Lắc, Đức
Trọng, Di Linh, Bảo Lộc... Rừng ở đây cung cấp rất nhiều gỗ quý. Những dòng sông lớn trên cao nguyên này là sông Sêsan, sông Adunpa và sông Sêpêpốk, trên ba sông này có hệ thống thuỷ điện
kiêm thuỷ lợi. Do có biên giới quốc gia với Lào và Cam Pu Chia, nên văn hoá cao nguyên có sự giao lưu trong lịch sử.
Vùng văn hoá Tây Nguyên trình bày ở đây là văn hoá của cư dân lâu đời trên mặt đất này.
1. Hoạt động kinh tế:
Hoạt động kinh tế của cư dân Tây Nguyên là phát nương làm rẫy, du canh. Cây trồng chính là cây lúa nương. Cây bông cũng được trồng phổ biến nhằm phục vụ nhu cầu mặc. Tây Nguyên cũng là vùng đất thích hợp trồng cây cà phê và cây cao su. Những cây công nghiệp này đang phát huy giá trị, có vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của vùng này. Chăn nuôi gia súc ở Tây Nguyên không phát triển. Đồng bào có nuôi trâu nhưng chủ yếu để làm vật hiến sinh (cúng Giàng). Người Tây Nguyên nuôi voi để phục vụ sản xuất và vận tải hàng hoá. Dân tộc Mnông ở bản Đôn (Đắc Lắc) nổi tiếng về nghề thuần dưỡng voi. Các ngành nghề thủ công như đan lát, dệt, phát triển mạnh, nhất là ngành đan lát mây tre rất phát triển, đan nhiều đồ đựng, gùi rất đẹp. Kinh tế hàng hoá trên cao nguyên chưa phát triển. Tài sản có giá
trị với đồng bào là chiêng, cồng, ché đựng rượu, Kpan (ghế dài...)
2. Đơn vị xã hội:
Người Tây Nguyên cư trú thành Buôn. Buôn thường nhỏ, nhà mỗi gia dình làm tương đối xa nhau. Vai trò của già làng rất quan trọng trong đời sống xã hội của đồng bào. Tiếng nói của già làng có giá trị đại diện cho dân làng, được dân tin tưởng nghe theo.
3. Đời sống vật chất:
Nhà ở của cư dân Tây Nguyên là nhà sàn. Đồng bào Ê Đê có truyền thống ở nhà dài. Ngôi nhà công cộng của cộng đồng à nhà Rông. Trang phục của người Tây Nguyên đơn giản về kiểu cách nhưng rực
rỡ về mầu sắc. Bộ trang phục phụ nữ gồm váy dài và áo chui đầu không tay. Nam giới mặc áo chui đầu và mặc quần, có khi đóng khố cởi trần. Trang sức của phụ nữ có khuyên tai, vòng cổ, vòng tay. Hoa văn trên trang phục chủ yếu là hoa văn hình học.
Người Tây Nguyên ăn cơm, rau, chế biến thức ăn khá đơn giản: rau thường ăn luộc, nấu canh, dùng nhiều ớt cay trong bữa ăn. Trong các dịp lễ hội, tiếp khách, hội ngộ, họ uống rượu cần. Khi có khách đến nhà, họ mang cơm rau đãi khách.
4. Sinh hoạt tinh thần:
Tiếng nói của đồng bào Tây Nguyên thuộc hai nhóm ngôn ngữ khác nhau: Nam đảo và Môn - Khơ Me. Tín ngưỡng của người Tây Nguyên là tín ngưỡng đa thần. Các thần có tên gọi chung là Giàng. Lễ cúng Giàng là lễ cúng phổ biến và lớn nhất ở Tây Nguyên, trong lễ cúng này bao giờ cũng có tục đâm trâu nhằm hiến sinh cho Giàng.
Lễ hội ở Tây Nguyên đã dạng: cúng trời, cúng đất, cúng hồn lúa, cúng lên nương, cúng nhập hồn lúa vào kho... trong rất nhiều lễ hội thì lễ hội bỏ mả là lễ hội lớn nhất, là một hình thức sinh hoạt tín ngưỡng văn hoá cộng đồng. Liên quan đến bỏ mả là tượng nhà mồ (tượng dựng ở nhà mồ). Tượng được tạc bằng gỗ, có nhiều hình dạng khác nhau, nói lên vị thế của người nằm trong nhà mồ.
Văn học dân gian của các dân tộc Tây Nguyên phong phú và độc đáo. Dân tộc nào cũng có truyện thần thoại, cổ tích, những làn điệu dân ca...Đặc biệt vùng cao nguyên này rất giàu sử thi và luật tục, thể hiện dưới dạng văn vần và lưu truyền bằng hình thức truyền khẩu. Đặc điểm sử thi Tây Nguyên là chất anh hùng ca thể hiện rất mãnh liệt, như chàng Đam San mà dám nghĩ đến việc bắt nữ thần mặt trời về làm vợ. Nhiều dân tộc ở Tây nguyên có tục kể sử thi cho con cháu nghe: người Ê Đê có Khan, người Ba Na có Hmon, người
Gia Rai có Hri...
Tây Nguyên là vùng đất giàu âm nhạc và phong phú về các loại nhạc cụ., đặc biệt là âm nhạc cồng chiêng. Hầu như mọi hoạt động tập thể, lễ hội, đón khách quý... đề có cồng chiêng. Cồng chiêng có từng bộ, gia đình nào cũng có. Cồng chiêng là tài sản của gia đình và là biểu tượng của sự giàu nghèo. Nhà nghèo có một bộ cồng chiêng, còn nhà giàu thì có nhiều bộ. Một bộ cồng chiêng thường từ 3 đến 15 cái, kèm theo cồng chiêng còn có trống. Người Tây Nguyên còn quan niệm có
thần trong chiêng, trống. Họ cho rằng trống là biểu tượng cho mặt trời / tính dương, cồng chiêng là biểu tượng của đất / tính âm. Quan niệm này thể hiện khái niệm nguyên sơ về tính lưỡng hợp.
Trong các lễ hội ở Tây Nguyên có một đặc trưng quan trọng là sự tham gia của cồng chiêng. Do vậy, có nhà nghiên cứu đã đưa ra thuật ngữ ''văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên'' để khái quát hoá đặc điểm nổi bật nhất của các dân tộc ở Tây Nguyên.