Điều kiện tự nhiên

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Phát triển dịch vụ giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn Tỉnh Đăk Lăk (full) (Trang 40 - 42)

6. Tổng quan tài liệu nghiên cứu

2.1.1.Điều kiện tự nhiên

a. Vị trí địa lý

Đăk Lăk là một trong năm tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên, nằm ở khu vực trung tâm của vùng. Tỉnh Đăk Lăk hiện có 15 đơn vị hành chính, bao gồm 1 TP Buôn Ma Thuột, 1 thị xã và 13 huyện (Ea H'leo, Ea Sup, Krông Năng, Krông Buk, Buôn Đôn, Cư M’Gar, Ea Kar, M’Đrăk, Krông Păk, Krông Bông, Krông Ana, Cư Kuin và huyện Lăk).

Diện tích tự nhiên toàn tỉnh 13.125 km2

. Phía Bắc giáp với tỉnh Gia Lai, phía Nam giáp tỉnh Lâm Đồng, phía Tây Nam giáp tỉnh Đắk Nông, phía Đông giáp tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, phía Tây giáp với Vương quốc Cămpuchia.

Đắk Lắk có nhiều tuyến đường giao thông quan trọng nối liền với các tỉnh trong vùng Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung. Có quốc lộ 14 chạy xuyên dọc tỉnh, nối Đăk Lăk với Gia Lai (phía Bắc) và nối với Đăk Nông (phía Nam); có quốc lộ 26 nối tỉnh với TP. Nha Trang (Khánh Hòa) và quốc lộ 27 đi TP. Đà Lạt (Lâm Đồng); trong tương lai có tuyến đường sắt Đăk Lăk - Phú Yên. Những mạng giao thông liên vùng đó là điều kiện cho Đắk Lắk mở rộng giao lưu với các tỉnh trong vùng Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung, miền Đông Nam bộ và cả nước. Tuy nhiên, với điều kiện thuận lợi về

giao thông lại là vấn đề khó khăn trong công tác quản lý của địa phương về vấn đề di cư tự do nội vùng và giữa các vùng miền. Đây cũng là vấn đề nan giải cho UBND tỉnh trong công tác ổn định, mở trường lớp và huy động trẻ trong độ tuổi mầm non đến trường.

b. Điều kiện địa hình

Địa hình của tỉnh Đắk Lắk có sự xen kẽ giữa các địa hình thung lũng, cao nguyên xen giữa núi cao và núi cao trung bình, có hướng thấp dần từ Đông Nam sang Tây Bắc.

Địa hình núi cao phân bố ở phía Đông Nam, có độ cao từ 1000 - 1500m, chiếm 25% diện tích toàn tỉnh. Dãy núi cao nhất là dãy Chư Yang Sin với ngọn cao nhất tới 2.445m. Vùng núi thấp, trung bình Chư Dơ Jiu: nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh, độ cao trung bình 600 - 700m (đỉnh Chư Dơ Jiu cao 1.103m), chiếm 10% diện tích toàn tỉnh.

Địa hình cao nguyên chiếm phần lớn diện tích tự nhiên của tỉnh, địa hình bằng phẳng, đại diện có 2 cao nguyên lớn là:

- Cao nguyên Buôn Ma Thuột có địa hình thấp hơn, nằm ở trung tâm tỉnh, độ cao trung bình 450 - 500m, diện tích khoảng 371 km2, chiếm 28,4% diện tích toàn tỉnh. Trên địa hình này phần lớn đã được khai thác và đưa vào sản xuất trong nhiều năm nay.

- Cao nguyên M’Drăk: nằm ở phía Đông tỉnh tiếp giáp với tỉnh Khánh Hoà, độ cao trung bình 400- 500m, địa hình cao nguyên này gồ ghề, có các dãy núi cao ở phía Đông và Nam.

Địa hình bán bình nguyên Ea Súp là vùng đất rộng lớn nằm ở phía Tây tỉnh, tiếp giáp với các cao nguyên. Bề mặt ở đây bị bóc mòn, có địa hình khá bằng phẳng, độ cao trung bình 180m, có một vài dãy núi nhô lên như Yok Đôn, Chư M’Lanh...

Địa hình vùng bằng trũng Krông Păc - Lăk: nằm ở phía Đông - Nam của tỉnh, giữa cao nguyên Buôn Ma Thuột và dãy núi cao Chư Yang Sin, độ cao trung bình 400 - 500m. Đây là vùng trũng bị lũ lụt vào các tháng 9, tháng 10 hàng năm.

Địa hình phức tạp và đa dạng cùng với sự khác biệt về khí hậu tạo ra ở Đắk Lắk có nhiều vùng sinh thái khác nhau, điều kiện để đa dạng hóa nông nghiệp và lâm nghiệp; song cũng đặt ra nhiều vấn đề trong phát triển cơ sở hạ tầng thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội giữa các địa phương. Cở sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm ảnh hưởng rất lớn đến điều kiện sinh hoạt cũng như điều kiện học tập của trẻ em. Đồng thời làm ảnh hưởng tới sự phân bố quy mô, mạng lưới trường lớp không đồng đều giữa các địa phương.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Phát triển dịch vụ giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn Tỉnh Đăk Lăk (full) (Trang 40 - 42)