Lý tưởng bình đẳng dựa trên nguyên lý căn bản là con người sinh ra đều như nhau, đều có chung dòng máu đỏ và nước mắt mặn, và đều xứng đáng được hưởng quyền lợi như nhau [9]. Bình đẳng ở đây được hiểu là bình đẳng về cơ hội, có nghĩa là mọi người đều được tạo một cơ hội như nhau để phấn đấu và vươn lên trong xã hội. Bình đẳng không có nghĩa là sự “cào bằng” như nhau về hưởng thụ, về tài
năng, mà là sự bình đẳng “như nhau” về cơ hội, về điều kiện để phát triển đối với
mỗi cá nhân trong xã hội. Bản chất của bình đẳng là trong xã hội mọi người đều có cơ hội, điều kiện như nhau để phát triển năng khiếu và áp dụng tài năng. Mọi ranh giới như: giai cấp, màu da, chủng tộc, giới tính, trình độ, địa vị… không thể quyết định và thay đổi bản chất bình đẳng giữa mọi người. Các cá nhân trong mỗi cộng đồng bình đẳng với nhau, các cộng đồng trong xã hội cũng bình đẳng với nhau. Tuy
20
nhiên, cũng phải hiểu trong cuộc sống, nếu ai nỗ lực nhiều hơn, học giỏi hơn, làm việc hiệu quả hơn, tất nhiên sẽ thu được nhiều lợi ích hơn [17]. Mặt khác, bình đẳng cũng hướng đến việc quan tâm đến những nhóm người có điều kiện khó khăn hơn những người khác, những cộng đồng kém phát triển, chẳng hạn: người nghèo, người già, trẻ em, người tàn tật, dân tộc thiểu số, người ở vùng sâu, vùng xa… sao cho giảm bớt những khó khăn của họ.
Từ nguyên lý bình đẳng, mọi quy định, luật lệ, thiết chế xã hội đều nhằm mục tiêu đảm bảo sự bình đẳng giữa mọi người trong xã hội. Xã hội càng tiến bộ thì tính bình đẳng giữa mọi công dân càng cao. Chính vì vậy, khái niệm bình đẳng xuất hiện trong nhiều văn bản và trở thành nguyên tắc chủ đạo trong các văn bản về quyền con người. Chẳng hạn, Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ khẳng định: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Ý tưởng về sự bình đẳng trong Tuyên ngôn độc lập của Mỹ cũng được nhắc đến trong Bản Tuyên ngôn Nhân
quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về
quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.Với việc thừa nhận phẩm giá vốn có, các quyền bình đẳng và không thể tách rời của mọi thành viên trong gia đình nhân loại là cơ sở cho tự do, công bằng và hòa bình trên thế giới, năm 1948, Liên hợp quốc ra Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người nhằm thúc đẩy các quốc gia tôn trọng và tuân thủ các quyền tự do cơ bản của con người, thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội cũng như xây dựng các điều kiện sống tốt hơn, với sự tự do rộng rãi hơn, sự nhận thức thống nhất về các quyền và tự do cơ bản của con người. Ngay tại Điều 1 Tuyên ngôn nhân quyền 1948 đã khẳng định:
"Mọi người sinh ra đều tự do và bình đẳng về phẩm giá và các quyền. Mọi người
đều được tạo hóa ban cho lý trí và lương tâm, và cần phải đối xử với nhau bằng tình cảm anh em". Điều 2 Tuyên ngôn nhân quyền 1948 cũng nêu rõ: “Mọi người đều được hưởng tất cả các quyền tự do nêu trong bản Tuyên ngôn nhân quyền mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ,
21
tôn giáo, quan điểm chính trị hoặc quan điểm khác, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội, tài sản, thành phần xuất thân hay các địa vị khác…”. Như vậy, “bình đẳng” là một khái niệm chung của cả nhân loại, nó hướng đến việc khẳng định quyền lợi ngang nhau của mọi người, mọi đối tượng, mọi nhóm người trong xã hội. Nó chính là mục tiêu phấn đấu của mọi dân tộc, mọi xã hội tiến bộ, và là lý tưởng chung của mọi cuộc cách mạng trên thế giới, là một nguyên lý căn bản được chấp nhận bởi mọi quốc gia, mọi dân tộc.
Nguyên tắc bình đẳng xuất phát từ tư tưởng cho rằng tất cả mọi người, bất kể họ khác nhau về trí lực, thể lực và các đặc điểm khác, đều có giá trị và tầm quan trọng ngang nhau. Theo nghĩa dân sự và chính trị, điều này có nghĩa là chính phủ phải trao các quyền và ưu đãi như nhau cho mọi công dân. Nguyên tắc bình đẳng, cũng như một sản phẩm mà nguyên tắc này đem lại là việc cấm phân biệt đối xử, có thể được thể hiện bằng nhiều cách khác nhau trong pháp luật, tùy thuộc vào mục đích của văn bản và quan điểm của nhà soạn thảo và điều kiện đáp ứng của mỗi quốc gia ở mức độ nào.
Dưới góc độ quyền con người, quyền bình đẳng được phân loại thành ba cấp độ như sau [13]:
(1) Bình đẳng trên danh nghĩa
Theo quan điểm chính thống về sự bình đẳng, những người ở trong hoàn cảnh như nhau cần được đối xử giống nhau. Quan điểm này thường không tính đến sự khác biệt và bất lợi của từng cá nhân và hoàn cảnh, xem như những yếu tố này không có liên quan gì. Trong khi không cho phép đối xử người này hơn hoặc kém người kia, bình đẳng trên danh nghĩa không đặt ra quy định phải có những điều chỉnh và cải thiện cần thiết. Do vậy, quan điểm này không phù hợp khi phải đáp ứng nhu cầu của một số đối tượng là NKT.
(2) Bình đẳng về cơ hội
Bình đẳng có thể được định nghĩa theo một cách khác, đó là bình đẳng về cơ hội. Khái niệm này quy định về sự bình đẳng trong cơ hội chứ không nhất thiết phải là bình đẳng về kết quả. Cách nhìn này, thừa nhận vai trò quan trọng của những khác
22
biệt của cá nhân và tập thể đồng thời nhận diện những rào cản bên ngoài mà NKT gặp phải có thể cản trở họ tham gia vào xã hội. Định kiến và môi trường không thân thiện với NKT đều được coi là những vật cản đối sự tham gia toàn diện vào đời sống xã hội của NKT. Theo cách nhìn nhận này, tình trạng khuyết tật không phải là vấn đề quan trọng mà chính những định kiến mới là cơ sở cho vấn đề cần giải quyết, và phải nhất thiết tính đến những định kiến này nếu muốn tạo ra những thay đổi cho môi trường xã hội cũng như môi trường vật thể để tạo điều kiện cho NKT tiếp cận và hòa nhập cùng xã hội.
(3) Bình đẳng về kết quả
Bình đẳng về kết quả là sự bảo đảm các kết quả là như nhau đối với tất cả mọi người. Nếu nhìn nhận sự bình đẳng theo góc độ này, sự khác biệt giữa các cá nhân và các nhóm đối tượng sẽ được thừa nhận. Ví dụ, phải tính đến các chi phí thêm mà người lao động khuyết tật phải chi trả trong khi xem xét việc họ có nhận được tiền lương bằng mọi người hay không. Khái niệm này có một số nhược điểm. Nó không chỉ rõ trách nhiệm đáp ứng các nhu cầu của NKT nhằm đảm bảo sự bình đẳng thực sự về kết quả thuộc về ai - Nhà nước, khu vực tư nhân hoặc cá nhân nào đó. Ngoài ra, còn một điểm không rõ trong cách nhìn nhận này là người ta có thực sự hiểu rõ giá trị của một cá nhân hay không khi tìm cách để chứng minh rằng anh ta đã không làm ra được kết quả như những người khác.
Trên thực tế, khái niệm bình đẳng về cơ hội hiện nay được sử dụng nhiều nhất trong các văn bản pháp luật của các quốc gia. Việt Nam cũng là quốc gia đi theo nguyên tắc này.