Như trên đã phân tích, phụ nữ khuyết tật và trẻ em khuyết tật là 02 nhóm NKT đặc thù. Vì vậy CRPD đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với phụ nữ và trẻ em khuyết tật. Bên cạnh việc quy định nguyên tắc bình đẳng chung (Điều 3), CRPD đã dành riêng 2 điều (Điều 6 và Điều 7) thể hiện quan điểm về hai nhóm
đối tượng này. Trong đó, CRPD khẳng định: “phụ nữ và trẻ em khuyết tật thường
dễ bị bạo hành, thương tổn hoặc lạm dụng, bị đối xử vô trách nhiệm hoặc bất cẩn, ngược đãi hay bóc lột” và cần được hưởng đầy đủ các quyền và tự do cơ bản của
50
con người một cách bình đẳng. Đồng thời khẳng định tính chất tổn thương kép của phụ nữ và trẻ em khuyết tật. Và để phòng ngừa lạm dụng, các quốc gia thành viên
phải tiến hành tất cả những biện pháp thích hợp để bảo vệ trẻ em, kể cả “bằng một
điều khoản dịch vụ bảo vệ”. Những dịch vụ bảo vệ này phải “đảm bảo rằng những vụ bóc lột, bạo lực và lạm dụng chống lại người khuyết tật phải được phát hiện, điều tra và ở đâu thích hợp cần phải được thẩm tra”. CRPD đòi hỏi các quốc gia thành viên phân công một hoặc nhiều bộ chủ trì làm đầu mối trong chính phủ của mình để chịu trách nhiệm thực thi CRPD [7, tr43].
Đối với trẻ em khuyết tật: Việt Nam có rất nhiều luật liên quan tới bảo vệ trẻ em nói chung, thể hiện trước hết qua các quy định của Hiến pháp 2013 (Khoản 1 Điều 37) và một số văn bản pháp luật như: Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Lao động, Luật Giáo dục, Luật Đất đai, Luật Phòng chống HIV/AIDS, Luật Bình đẳng giới, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Điện ảnh, Luật Phòng chống Bạo lực Gia đình, Luật Tương trợ Tư pháp. Đặc biệt, Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục Trẻ em (sửa đổi 2004) đã cụ thể hoá các nguyên tắc cơ bản của Công ước Quyền Trẻ em mà Việt Nam là thành viên, trong đó nhấn mạnh nguyên tắc không phân biệt đối xử và vì lợi ích tốt nhất của trẻ; trao cho trẻ em nhiều quyền hơn, từ những quyền mang tính thụ động như quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ đến những quyền mang tính chủ động là quyền bày tỏ ý kiến và tham gia hoạt động xã hội [18].
Các quy định của pháp luật liên quan đến chính sách cho trẻ em khuyết tật, tàn tật nằm rải rác ở nhiều văn bản và thiếu tính cụ thể hoặc được quy định cho NKT nói chung, vì vậy, rất khó trong việc áp dụng các chính sách đối với trẻ em khuyết tật. Chính sách trong lĩnh vực này mới chỉ định hướng chủ yếu vào công tác bảo vệ, chăm sóc số trẻ em đã bị khuyết tật mà chưa chú ý đúng mức đến giải pháp mang tính phòng ngừa; nguồn lực để thực hiện chế độ, chính sách đối với trẻ em khuyết tật còn hạn hẹp, thậm chí có những chương trình, dự án được xây dựng nhưng không có hoặc không đủ nguồn lực để thực hiện; các dịch vụ khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, chăm sóc thay thế cho số trẻ em này còn thiếu, kém hiệu quả và chưa đồng bộ… Việt Nam lại thiếu một hệ thống bảo vệ trẻ em toàn diện và thống nhất được thiết kế để
51
phòng ngừa và đáp ứng những yêu cầu cần thiết cho trẻ khuyết tật, và cũng chưa có những cán bộ bảo trợ xã hội để đáp ứng những trường hợp trẻ em cần bảo trợ. Những dịch vụ xã hội hiện có chủ yếu dựa vào những cố gắng từ thiện, ngược với phương pháp tiếp cận dựa vào được hưởng quyền.
Đối với phụ nữ khuyết tật: Một trong những khó khăn hàng đầu phải kể đến là khó khăn trong việc đào tạo nghề, trong cơ hội việc làm và kéo theo nó là hàng loạt các khó khăn khác như điều kiện vật chất, đời sống văn hóa, tinh thần, sức khỏe… đặc biệt là nhóm phụ nữ khuyết tật ở khu vực nông thôn. Bài toán càng trở nên nan giải hơn bởi những rào cản về mặt xã hội, sự kỳ thị của cộng đồng, vấn đề bất bình đẳng giới… ngoài ra còn có cả sự thờ ơ, ghẻ lạnh của gia đình và chính sự tự ti của bản thân phụ nữ khuyết tật. Chính vì vậy, cần có những chính sách riêng bảo đảm quyền cho phụ nữ khuyết tật để họ có cơ hội và phát triển. Pháp luật Việt Nam nói chung và Luật NKT hầu như không có những điều khoản riêng thể hiện quan điểm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền của phụ nữ khuyết tật. Chỉ có quy định tại khoản 6 Điều 14 Luật NKT quy định về những hành vi bị nghiêm cấm trong đó có nghiêm cấm hành vi “cản trở quyền kết hôn, quyền nuôi con của NKT” và quy định tại điểm c khoản 2 Điều 44 Luật NKT quy định về trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng cho NKT đang mang thai hoăc ̣ nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Tuy nhiên, quyền của phụ nữ khuyết tật cũng vẫn được bảo đảm dựa trên quyền của phụ nữ nói chung qua những quy định cụ thể trong Hiến pháp, Luật Hình sự, Luật Dân sự, Luật Lao động, Luật Giáo dục, Luật Đất đai, Luật Phòng chống HIV/AIDS, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống Bạo lực Gia đình và nhiều văn bản pháp luật khác về bình đẳng giới [18, mục 14].
Có thể thấy pháp luật Việt Nam chưa có những quy định riêng thể hiện sự quan tâm đặc biệt trong việc đảm bảo các quyền cho phụ nữ và trẻ em khuyết tật. Nhìn chung, quyền lợi của hai nhóm NKT đặc thù này trên các lĩnh vực hiện vẫn được đảm bảo thông qua những quy định dành cho NKT và trẻ em, phụ nữ nói chung [7, tr44].
52