Điều 20 CRPD đề cập đến việc đảm bảo khả năng di chuyển cá nhân của
NKT trong đó khuyến nghị: “Các quốc gia thành viên tiến hành các biện pháp hiệu
quả để bảo đảm cho người khuyết tật di chuyển cá nhân thuận tiện một cách độc lập tối đa có thể được, bao gồm bằng những cách sau: Tạo điều kiện cho người khuyết tật di chuyển cá nhân theo cách thức và vào thời gian họ chọn, với giá thành vừa phải; Tạo điều kiện cho người khuyết tật tiếp cận phương tiện, thiết bị và công nghệ hỗ trợ di chuyển và các hình thức trợ giúp hoặc người trợ giúp tại chỗ, bằng cách cung cấp những tiện ích như vậy với giá thành vừa phải; Cung cấp đào tạo thích hợp về kỹ năng di chuyển cá nhân cho người khuyết tật và đội ngũ nhân viên chuyên môn làm việc với người khuyết tật; Khuyến khích các cơ sở sản xuất phương tiện, thiết bị và công nghệ hỗ trợ di chuyển có tính đến mọi khía cạnh về sự di chuyển của người khuyết tật” [23].
Nội dung trên đã được pháp luật Việt Nam cụ thể hóa trong nhiều văn bản. Thời điểm trước khi có Luật Người khuyết tật, Luật Giao thông đường bộ có các
60
quy định về ưu tiên đối với người khuyết tật khi tham gia giao thông, tương ứng với quyền được ưu tiên của NKT là nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức khác. Luật Hàng không dân dụng, Luật Đường sắt. Luật Người khuyết tật có thêm quy định về điều kiện của các phương tiện giao thông công cộng nhằm bảo đảm sự tiếp cận của NKT, quy định về quyền của NKT khi tham gia giao thông như quyền được học và cấp giấy phép điều kiển đối với phương tiện giao thông cá nhân đòi hỏi phải có giấy phép điều khiển, quyền được sử dụng các phương tiện hỗ trợ hoặc sự trợ giúp tương ứng; quyền được mang theo và miễn phí khi mang phương tiện, thiết bị hỗ trợ phù hợp; quyền được miễn, giảm giá vé, giá dịch vụ, quyền được ưu tiên mua vé, được giúp đỡ, sắp xếp chỗ ngồi thuận tiện...
Tương ứng với các quyền của NKT, pháp luật hiện hành đã có một số quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức tương ứng như nghĩa vụ của đơn vị tham gia vận tải công cộng phải đầu tư và bố trí phương tiện bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật về giao thông tiếp cận trên các tuyến vận tải theo tỷ lệ do Chính phủ quy định trong từng thời kỳ (Điều 42 Luật NKT), quy định về nghĩa vụ của người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ, nhường đường cho xe lăn của NKT qua đường (Khoản 4 Điều 11 Luật Giao thông đường bộ), trách nhiệm giúp đỡ người tàn tật khi đi qua đường (Khoản 3 Điều 33 Luật Giao thông đường bộ), quy định về nghĩa vụ của hãng vận chuyển hàng không quan tâm, chăm sóc hành khách, đặc biệt là hành khách là người tàn tật (Khoản 2 Điều 145 Luật Hàng không dân dụng), quy định về nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt phải tổ chức lực lượng phục vụ hành khách là NKT vào ga, lên tàu, xuống tàu thuân lợi (Khoản 2 Điều 97 Luật Đường sắt), quy định về điều kiện của ga đường sắt (Khoản 1 Điều 21 Luật Đường sắt), trang thiết bị trên phương tiện giao thông đường sắt ((Khoản 3 Điều 43 Luật Đường sắt). Các quy định về nghĩa vụ này về cơ bản đã bảo đảm tính rõ ràng.
Ngoài ra, NKT khi tham gia giao thông bằng các phương tiện giao thông công cộng sẽ được sử dụng các phương tiện hỗ trợ hoặc sự trợ giúp tương ứng; được phép mang theo và miễn phí khi mang phương tiện, thiết bị hỗ trợ phù hợp.
61
NKT đặc biệt nặng và NKT nặng được miễn, giảm giá vé, giá dịch vụ khi tham gia giao thông bằng một số phương tiện giao thông công cộng theo quy định của Chính phủ. Bên cạnh đó, NKT còn được được ưu tiên mua vé, được giúp đỡ, sắp xếp chỗ ngồi thuận tiện khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng. Điều 42 Luật NKT cũng quy định: phương tiện giao thông công cộng phải có chỗ ưu tiên cho NKT; có công cụ hỗ trợ lên, xuống thuận tiện hoặc sự trợ giúp phù hợp với đặc điểm của NKT. Phương tiện giao thông công cộng để NKT tiếp cận sử dụng phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giao thông tiếp cận do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành... Nhằm cụ thể những quyền này, ngày 10/4/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 28/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật NKT, trong đó “quy định chi tiết ... giảm giá vé, giá dịch vụ; thực hiện lộ trình cải tạo công trình công cộng; phương tiện giao thông tiếp cận...
Liên quan đến chính sách tiếp cận trong xây dựng cơ sở hạ tầng, Luật Xây dựng (Điều 89) quy định các công trình công cộng phải bảo đảm thiết kế theo tiêu chuẩn xây dựng cho NKT, Luật Người khuyết tật (Điều 39) quy định việc phê duyệt thiết kế, xây dựng, nghiệm thu công trình xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp nhà chung cư, trụ sở làm việc và công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội phải tuân thủ hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng để bảo đảm NKT tiếp cận, đồng thời quy định lộ trình cải tạo nhà chung cư, công trình công cộng. Về cơ bản, quy định của hai luật về nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng công trình và hoạt động xây dựng trong việc bảo đảm NKT tiếp cận tương đối rõ ràng. Gần đây nhất Thông tư số 21/2014/TT-BXD về Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật
quốc gia về xây dựng công trình đảm bảo NKT tiếp cận sử dụng quy định các công
trình phải đảm bảo cho NKT tiếp cận sử dụng bao gồm: nhà chung cư; công trình công cộng; trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước; cơ sở khám, chữa bệnh; cơ sở giáo dục, dạy nghề; công trình văn hóa, thể dục, thể thao; công trình khách sạn, thương mại, dịch vụ; nhà ga, bến tàu, bến xe, đường, hè phố, hầm đi bộ, cầu vượt và các công trình hạ tầng kỹ thuật và tiện ích đô thị khác (nhà tang lễ, nghĩa trang, nhà
62
vệ sinh công cộng, điểm chờ xe buýt, máy rút tiền tự động, điểm truy cập internet công cộng,…).
Thực tế cho thấy, quyền này của NKT ngày càng được bảo đảm thực hiện từ những yếu tố rất nhỏ... Đơn cử như việc sản xuất các vòi nước cũng đã xuất phát từ ý tưởng vì NKT. Trước đây vòi nước được đóng mở bằng van vặn xoay, sau đó người ta làm cái cần gạt đóng mở là vì lợi ích của NKT. Bởi có những người không có bàn tay, người ta mở bằng cùi tay. Có thể nói, pháp luật Việt Nam đã thể chế khá đầy đủ các quyền của NKT liên quan đến vấn đề “tiếp cận môi trường” theo tinh thần của CRPD. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai thời gian qua vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập cần phải được khắc phục.
Thứ nhất, các quy định pháp luật liên quan đến quyền tiếp cận hạ tầng, giao thông của người khuyết tật vẫn còn chung chung, mang tính hình thức, chưa đầy đủ hoặc có nhưng chưa được thực thi trên thực tế: trách nhiệm khác của các chủ thể chưa được Luật quy định như nghĩa vụ của các đơn vị tham gia vận tải công cộng trong việc cung cấp sự trợ giúp cho NKT; trách nhiệm giảm giá cho NKT đặc biệt nặng và NKT nặng; trách nhiệm giúp đỡ, sắp xếp chỗ ngồi thuận tiện cho NKT. Tuy nhiên, những nghĩa vụ, trách nhiệm này hoặc được Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết (Nghị định 28/2012/NĐ-CP), hoặc được suy đoán một cách mặc nhiên từ các quyền của NKT đã được ghi nhận. Một vài quy định chưa được rõ ràng, cần được giải thích chính thức để NKT có thể thực hiện được quyền của mình và các cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ vận tải công cộng nhận thức rõ về nghĩa vụ của
mình, ví dụ như giải thích thế nào là “sự trợ giúp tương ứng” (Điều 41) “sự trợ
giúp phù hợp với đặc điểm của NKT” (Điều 42). Thiếu chế tài xử phạt khi không tuân thủ các quy định trong quy chuẩn cũng như các văn bản pháp quy có liên quan trong quá trình đầu tư xây dựng mới, cải tạo hoặc nâng cấp các công trình xây dựng. Thêm vào đó, việc đặt ra lộ trình tới năm 2025 (tức là sau 15 năm kể từ khi Luật này được thông qua) mới đảm bảo điều kiện tiếp cận đối với người NKT ở tất cả nhà chung cư, trụ sở làm việc, công trình hạ tầng kỹ thuật công cộng, công trình hạ tầng xã hội (Điều 40 Luật Người NKT năm 2010) là quá dài, cần điều chỉnh theo
63
hướng rút ngắn thời gian hoàn thành để sớm hiện thực hóa quyền tiếp cận, di chuyển của NKT [23].
Thứ hai, về mặt pháp lý, NKT đã được pháp luật ưu tiên một số quyền cơ bản khi tham gia giao thông bằng các phương tiện giao thông công cộng. Tuy nhiên, trên thực tế rất ít NKT, đặc biệt là NKT nặng được tiếp cận với các quyền lợi đã được luật định. Trên các phương tiện giao thông công cộng hiện nay như tàu hỏa, xe ô tô buýt... hầu như không được thiết kế cửa lên xuống dành riêng cho NKT. Đó là chưa kể có trường hợp một số nhân viên phục vụ trên các phương tiện giao thông công cộng không mấy mặn mà khi phải bố trí, sắp xếp chỗ ngồi thuận tiện cho NKT; có trường hợp còn có thái độ thiếu văn hóa với NKT. Những công trình đạt yêu cầu kỹ thuật đảm bảo tiếp cận chủ yếu là những công trình được đầu tư từ nguồn vốn nhà nước hoặc những công trình mang tính chất cải tạo thí điểm. Một số công trình được xây mới có các hạng mục tiếp cận nhưng NKT vẫn chưa dễ dàng tiếp cận được. Phương tiện giao thông tiếp cận cũng còn quá hạn chế, cả nước đến nay mới chỉ có 04 tuyến xe buýt với 2 - 3 xe buýt đảm bảo tiêu chuẩn tiếp cận và cũng chỉ có ở 02 thành phố trên cả nước; 01 toa tầu điện có tiêu chuẩn phù hợp cho NKT sử dụng; Hà Nội chỉ có duy nhất hãng taxi Thành Công triển khai dịch vụ “Taxi cho người khuyết tật” với nhiều tiện ích [39].
Có thể nói, vấn đề tiếp cận công trình công cộng đối với NKT vẫn còn rất nhiều khó khăn. Hầu hết các địa điểm và phương tiện công cộng không thuận tiện cho NKT tiếp cận và sử dụng.