Những thay đổi về chức năng tâm thu, tâm trương thất trái

Một phần của tài liệu Nghiên cứu các chỉ số Doppler mô cơ tim ở người trưởng thành bình thường và bệnh nhân tăng huyết áp (Trang 134 - 136)

Đánh giá chức năng thất trái là một vấn đề quan trọng trong thực hành lâm sàng đối với tất cả bệnh nhân tim mạch nói chung, trong đó có bệnh nhân THA. Ngày nay, siêu âm tim bao gồm cả siêu âm Doppler được coi là lựa chọn hàng đầu cho mục đích này, vì nó đơn giản, dễ thực hiện, rẻ tiền, cho kết quả nhanh chóng, chính xác và không xâm nhập.

Trên lâm sàng hiện nay chủ yếu sử dụng phân suất tống máu (EF%), chỉ số co ngắn sợi cơ (FS%) để đánh giá chức năng tâm thu thất trái cũng như dùng để dự báo các biến cố tim mạch. Nghiên cứu Framingham cho thấy ở bệnh nhân THA nguy cơ suy tim tăng gấp đôi ở nam và tăng gấp ba ở nữ giới. Do vậy đánh giá chức năng thất trái ở bệnh nhân THA có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Siêu âm truyền thống đánh giá chức năng tâm thu thất trái chủ yếu dựa vào phân suất tống máu EF% bằng phương pháp Teichholz hay Simpson. Nếu bệnh nhân THA có EF% < 50% thì nguy cơ phải nhập viện cao gấp 10 lần so với bệnh nhân THA có EF% > 50%. Trong kết quả nghiên cứu của chúng tôi có 18 bệnh nhân có phân số tống máu EF% < 50% và thực tế trên lâm sàng những bệnh nhân này cũng phải nằm viện điều trị suy tim. Các nghiên cứu đều thống nhất THA đã làm biến đổi cấu trúc tế bào cơ tim và làm ảnh hưởng đến chức năng tâm thu thất trái tuy nhiên diễn biến này thường xảy ra chậm, nên đa số bệnh nhân trong thời gian dài không thấy dấu hiệu suy tim và EF% hầu hết vẫn trong giới hạn bình thường. Tuy nhiên diễn biến này nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ nặng của bệnh, các yếu tố nguy cơ đi kèm và phương pháp điều trị…

Ngược lại với chức năng tâm thu, những biến đổi của chức năng tâm trương thất trái đến sớm hơn, quá trình này xảy ra ngay cả khi EF% vẫn trong giới hạn bình thường, hay gặp nhất là suy tâm trương độ I, các giai đoạn suy tâm trương nặng hơn, gặp với tỷ lệ ít hơn. Sở dĩ như vậy là do THA đã gây ra tái cấu trúc cơ tim, làm biến đổi siêu cấu trúc cơ tim, tăng chất tạo keo, nguyên bào sợi, tăng lắng đọng các chất nền ngoài tế bào, những yếu tố đó làm tăng độ “cứng cơ tim” và giảm khả năng thư giãn cơ thất trái. Kết quả dẫn đến giảm CNTTr thất trái, với các biểu hiện giảm vận tốc sóng E, tăng vận tốc sóng A, dẫn đến giảm tỷ lệ E/A, đồng thời kéo dài thời gian giảm tốc sóng E (DT) và thời gian giãn cơ đồng thể tích (IVRT).

Trên siêu âm Doppler dòng chảy qua van hai lá trong nghiên cứu của chúng tôi, vận tốc tối đa sóng đổ đầy đầu tâm trương (E) của nhóm bệnh giảm hơn so với nhóm chứng (61,7 ± 18,26 cm/s so với 63,5 ± 9,24cm/s; p > 0,05),

trong khi vận tốc tối đa sóng đổ đầy cuối tâm trương (A) tăng lên (79,4 ± 23,07cm/s so với 62,6 ± 14,33 cm/s; p < 0,001) làm tỷ lệ E/A giảm

xuống một cách rõ rệt với p < 0,01. Thời gian giảm tốc sóng E (DT) tăng cao hơn so với nhóm chứng có ý nghĩa thống kê (198,7 ± 51,97 ms so với 175,5 ± 37,48 ms, p < 0,001) và thời gian giãn cơ đồng thể tích (IVRT) tăng cao hơn so với nhóm chứng (92,2 ± 20,52 ms so với 79,6 ± 8,85 ms, p < 0,001) (bảng 3.21).

Bountioukos (2006) nghiên cứu trên 414 bệnh nhân tăng huyết áp tại cộng đồng cũng cho thấy có sự giảm vận tốc sóng E so với nhóm chứng. Vận tốc sóng A cũng tăng lên nhưng lại giảm mạnh ở nhóm bệnh nhân tăng huyết áp có phì đại thất trái vì vậy tỷ lệ E/A chỉ khác biệt ở nhóm tăng huyết áp có phì đại thất trái [45].

Nghiên cứu của Bùi Văn Tân (2010), Phạm Thái Giang (2011) cũng cho thấy ở nhóm bệnh nhân tăng huyết áp vận tốc sóng E giảm, vận tốc sóng A tăng, tỷ lệ E/A giảm có ý nghĩa thống kê [7], [15].

Một phần của tài liệu Nghiên cứu các chỉ số Doppler mô cơ tim ở người trưởng thành bình thường và bệnh nhân tăng huyết áp (Trang 134 - 136)