Đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi sinh viên

Một phần của tài liệu nhận thức về sức khỏe sinh sản của sinh viên hệ cao đẳng trường đại học đồng nai (Trang 28 - 31)

8. CẦU TRÚC LUẬN VĂN

1.3.1. Đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi sinh viên

Thuật ngữ sinh viên bắt nguồn từ tiếng Latinh “student” nghĩa là người học tập, “ người tìm kiếm, khai thác tri thức” [14, tr 215]. Sinh viên là những người trong độ tuổi thanh niên từ 18 đến 25 tuổi và đang theo học bậc Đại học (theo học từ trình độ cao đẳng trở lên) và có một số đặc điểm đặc trưng sau:

a. Về sinh lý, cơ thể

Ở lứa tuổi sinh viên, các đặc điểm về sinh lý cơ thể các em đã đạt đến mức độ hoàn thiện, đặc biệt ở sinh viên đã có sự trưởng thành về mặt sinh dục. Điều này ảnh hưởng lớn đến nhận thức, thái độ và hành vi về giới tính, tình dục, SKSS của lứa tuổi sinh viên.

b. Về mặt xã hội

Sinh viên là những người đã có sự trưởng thành về mặt xã hội, là những công dân thực thụ. Họ có nhiều điều kiện giao lưu, gặp gỡ và rất dễ nảy sinh tình cảm nam nữ. Điều kiện sống xa gia đình hoặc ít chịu sự kiểm soát cua gia đình khiến họ khá thoải mái, tự do trong quan hệ yêu đương. Tuy nhiên do còn đi học, lại phụ thuộc về kinh tế nên tình yêu của họ thông thường chưa thể đến với hôn nhân trong giai đoạn này. Đây là đặc điểm có phần khác so với thanh niên cùng lứa tuổi nhưng đã có việc làm ổn định và trưởng thành về nghề nghiệp.

c. Đặc điểm về nhận thức, trí tuệ của sinh viên

Hoạt động nhận thức của sinh viên có những bước phát triển hơn so với học sinh phổ thông. Tuổi sinh viên là thời kỳ phát triển mạnh mẽ của tư duy lý luận,

cùng với khối lượng tri thức mà họ đã tiếp thu được trong gia đình, ở nhà trường và ngoài xã hội, sinh viên có thể liên kết các tri thức riêng lẻ lại với nhau hình thành nên một biểu tượng rất đặc trưng cho giới sinh viên. Có thể nói, sinh viên chính là thời kỳ hình thành rõ nét nhất về nhân cách của những trí thức trong tương lai. Họ có những quan điểm, nhu cầu, nguyện vọng riêng trong quá trình tiếp nhận những thay đổi của thời đại, của nền giáo dục và đào tạo. Trong quá trình mở cửa hội nhập cùng với sự phát triển mạnh mẽ và đa dạng của ngành giáo dục đại học, đội ngũ sinh viên có nhiều thay đổi về định hướng giá trị, về lối sống, nhu cầu. Đặc biệt trong vấn đề tình yêu, tình dục sinh viên ngày nay là đối tượng có suy nghĩ khá thoáng so với thế hệ trước đây.

Bên cạnh đó, hoạt động học tập của sinh viên còn mang tính chất độc lập, sáng tạo, khá nhạy bén với cái mới và có khả năng hoài nghi khoa học. Họ thường nhạy bén, uyển chuyển trong từng hoàn cảnh, linh hoạt trong việc vận dụng các kiến thức để giải quyết vấn đề trong tình huống mới; sáng tạo trong việc phát hiện ra vấn đề, xem xét và giải quyết vấn đề dưới những góc độ khoa học khác nhau. “Hoạt động tư duy của sinh viên trong quá trình học tập chủ yếu theo hướng phân tích, diễn giải, chứng minh các định đề khoa học” [20, tr 148]. Riêng đối với những vấn đề gắn liền với sự phát triển của lứa tuổi như tình yêu, giới tính, SKSS sinh viên khá nhạy bén.

Trí nhớ của sinh viên cũng có những phát triển mới so với lứa tuổi trước. Họ phải nhớ rất nhiều tài liệu nên đã có khả năng lựa chọn khi ghi nhớ, có các phương pháp ghi nhớ tốt. Chính vì vậy, họ có thể tích lũy được một khối lượng lớn tri thức vốn kinh nghiệm sống cho cá nhân. Trong số những tri thức họ cần phải đưa vào trí nhớ không thể không nhắc đến tri thức về SKSS. Ở lứa tuổi sinh viên họ đã được học và ghi nhớ một số tri thức liên quan đến SKSS như tình yêu, tình dục, thai nghén, sinh đẻ, biện pháp tránh thai, các bệnh VNĐSS và bệnh LQĐTD.

Lứa tuổi sinh viên cũng phát triển các thuộc tính của chú ý, là điều kiện cần thiết cho hoạt động nhận thức và sự phát triển trí tuệ. Sức tập trung chú ý, khối lượng chú ý tăng rõ rệt, họ có khả năng chú ý tương đối bền vững và lâu dài, phù

hợp cho hoạt động học tập mang tính chuyên sâu và các hoạt động nghiên cứu khoa học. Bên cạnh sự chú ý vào các nội dung học tập chuyên ngành sinh viên còn chú ý vào các nội dung khác như giới tính, tình yêu, xây dựng kế hoạch đường đời…

Tóm lại, ở lứa tuổi sinh viên họ đã có hoạt động trí tuệ đích thực, căng thẳng. Họ thực sự là những người lao động trí óc. Hoạt động nhận thức của sinh viên vừa để tiếp thu những tri thức khoa học mang tính nghề nghiệp, vừa tiếp thu những tri thức mang tính nhân văn nhằm hoàn thiện nhân cách, tích lũy kinh nghiệm sống để sau khi rời ghế nhà trường Đại học họ thực sự bước vào cuộc sống, đảm nhận những vai xã hội khác nhau. Một trong những tri thức mà lứa tuổi này cần phải tích lũy đó là tri thức về giới tính và SKSS.

d. Đặc điểm đời sống tình cảm của sinh viên

Tuổi sinh viên là thời kỳ phát triển tích cực những loại tình cảm cao cấp như tình cảm trí tuệ, tình cảm đạo đức, tình cảm thẩm mĩ. Những tình cảm này biểu hiện khá phong phú trong toàn bộ các hoạt động cũng như trong đời sống của sinh viên.

Đặc biệt và nổi trội nhất trong thời kỳ này là sự phát triển mạnh mẽ về tình yêu nam nữ. Sinh viên là lứa tuổi có sự phát triển hoàn mỹ về thể chất, có sự trưởng thành về tư tưởng, tinh thần, vị trí, mối quan hệ trong xã hội của họ được mở rộng. Đây chính là những điều kiện thuận lợi để sinh viên bước vào tình yêu nam nữ một cách mạnh mẽ, chủ động. Tình yêu ở lứa tuổi sinh viên mang một sắc thái mới, cao hơn và chín chắn hơn so với tình cảm thời trung học. Tình cảm này có tác dụng tích cực trong việc giúp họ thỏa mãn được nhu cầu về mặt tinh thần, chia sẻ những vui buồn, cùng nhau gắn bó vượt qua những khó khăn của tuổi sinh viên. Tuy vậy, tình cảm này cũng có thể gây cho sinh viên những mâu thuẫn. Theo tác giả Vũ Thị Nho thì đó là “mâu thuẫn giữa những đòi hỏi của tình yêu (chăm sóc, trìu mến, âu yếm nhau) với môi trường sống tập thể khó biểu lộ điều đó, mâu thuẫn giữa khối lượng tri thức nhiều, đa dạng với thời gian có hạn trong học tập trong khi tình yêu đòi hỏi không ít thì giờ, mâu thuẫn giữa việc còn phụ thuộc kinh tế gia đình với một tình yêu say đắm muốn thành vợ chồng và sống độc lập [20, tr 153]. Nếu không ý

thức được các mâu thuẫn này, nếu không được hướng dẫn, không biết cách giải quyết những mâu thuẫn này sẽ dẫn đến việc sinh viên có những nhận thức, thái độ và hành vi sai lầm như: tự do trong yêu đương, quan hệ tình dục không an toàn, lơ là trong học tập…

e. Đặc điểm tự đánh giá, tự ý thức của sinh viên

Một trong những đặc điểm tâm lý quan trọng nhất của sinh viên chính là sự phát triển của tự ý thức, tự đánh giá.

Tự đánh giá cũng là một hoạt đông tự nhận thức, nhận thức chính bản thân chủ thể. Tự đánh giá của sinh viên đã mang tính toàn diện và khá sâu sắc. Sinh viên không chỉ đánh giá mình ở các đặc điểm bên ngoài mà còn quan tâm đánh giá các phẩm chất bên trong, các giá trị nhân cách của chính họ. Đó không chỉ là việc trả lời cho câu hỏi “tôi là ai?” mà còn phải “tôi là người như thế nào?” và “tại sao tôi là người như thế?”

Tự ý thức là một trình độ cao của ý thức. Tự ý thức phát triển giúp sinh viên có khả năng hiểu biết về thái độ, hành vi của mình để có thể điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu của tập thể, của xã hội.

Nói tóm lại tự đánh giá, tự ý thức đã phát triển mạnh mẽ ở lứa tuổi sinh viên.

Họ đã có khả năng tự đánh giá và tự ý thức về tình yêu và các vấn đề liên quan đến SKSS. Đó là một điều kiện quan trọng, có ý nghĩa rất lớn, giúp họ có khả năng tự giáo dục, tự hoàn thiện mình theo chiều hướng tích cực.

Một phần của tài liệu nhận thức về sức khỏe sinh sản của sinh viên hệ cao đẳng trường đại học đồng nai (Trang 28 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)