Tính công bằng trong việc điều tiết thu nhập của các tầng lớp dân cư trong xã hội phải được thực hiện trong từng sắc thuế. Có công bằng trong nghĩa vụ nộp thuế mới tạo ra được mục tiêu bình đẳng trong sản xuất kinh doanh giữa các thành phần kinh tế. Các nhà kinh tế cho rằng tính công bằng của thuế phải dựa theo nguyên tắc công bằng theo chiều ngang và theo chiều dọc.
- Hệ thống thuế được coi là công bằng theo chiều ngang, nếu các cá nhân có điều kiện về mọi mặt như nhau thì được đối xử như nhau trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế.
- Hệ thống thuế được coi là công bằng theo chiều dọc, nếu người có khả năng nộp thuế nhiều hơn thì phải nộp thuế cao hơn những người khác có khả năng nộp thuế ít hơn.
2.3.2. Nguyên tắc hiệu quả
Hiệu quả đối với nền kinh tế: Một chính sách thuế đúng đắn sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển. Xây dựng chính sách thuế không sát với thực tế sẽ kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế dẫn đến đối tượng nộp thuế có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng trốn kê khai nộp thuế cho Nhà nước, giảm thu NSNN.
Hiệu quả thu thuế là lớn nhất: Thể hiện tính hiệu quả là tổng số thuế thu được là lớn nhất với chi phí tổ chức thu thuế là thấp nhất. Tính hiệu quả của thu thuế được thể hiện là tổng số thuế thu được nhiều nhất trên cơ sở chi phí trực tiếp của cơ quan thuế và chi phí gián tiếp của NNT là thấp nhất. Các khoản chi phí trên gọi là chi phí hành chính. Nhằm giảm bớt chi phí hành chính đòi hỏi hệ thống thuế phải đơn giản chứa đựng ít mục tiêu. Mặt khác, hệ thống thuế đơn giản, dễ hiểu thì việc quản lý kiểm soát của Nhà nước đối với NNT mới dễ dàng, thuận tiện.
2.3.3. Nguyên tắc linh hoạt
Hệ thống thuế phải đảm bảo có khả năng dễ thích ứng với sự thay đổi của hoàn cảnh kinh tế thì mới phát huy được vai trò điều tiết vĩ mô nền kinh tế của thuế. Để đảm bảo được yêu cầu này mà không vi phạm nguyên tắc đã định ra, khi xây dựng hệ thống thuế thì cơ quan lập pháp thường chỉ quy định khung thuế suất, còn việc quy định thuế suất cụ thể thường giao cho cơ quan hành pháp, có như vậy mới đảm bảo cho hệ thống thuế thích ứng với những biến động của hoàn cảnh kinh tế.
2.3.4. Nguyên tắc minh bạch
Một hệ thống thuế chính xác thể hiện sự rõ ràng và minh bạch. Tức là, hệ thống thuế trước hết phải chỉ rõ ai chịu thuế, mức thuế phải nộp, thời hạn nộp thuế, miễn giảm, ưu đãi thuế cũng như xử lý vi phạm. Phải công khai các nội dung cam kết quốc tế về thuế cho tất cả các đối tượng nộp thuế và công dân được biết để họ có thể tính toán và thực hiện nghĩa vụ của mình. Việc minh bạch còn đòi hỏi khả năng tiếp cận các dự thảo và góp ý các dự thảo về chính sách thuế của Nhà nước trước khi ban hành. Phải minh bạch cả thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan hành thu các cấp, để nhân dân có cơ sở kiểm tra, đánh giá.
2.4. Cơ quan quản lý thuế tại Việt Nam 2.4.1. Cơ quan quản lý thuế 2.4.1. Cơ quan quản lý thuế
Cơ quan thuế được tổ chức theo ngành dọc thống nhất theo hệ thống hành chính các cấp từ Trung ương đến địa phương để quản lý thu các khoản thuế, thu NSNN phát sinh trong nội địa. Cơ quan hải quan được tổ chức tập trung tại cấp trung ương và khu vực địa bàn hải quan để quản lý thu các khoản thuế, thu NSNN phát sinh tại cửa khẩu hải quan. Trong giới hạn của đề tài, tác giả chỉ nghiên cứu những vấn đề liên quan đến công tác thu thuế tại Cơ quan thuế:
Tổng cục thuế:
Tổng cục Thuế là cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính quản lý nhà nước về các khoản thu nội địa trong phạm vi cả nước, bao gồm: thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác của NSNN; tổ chức quản lý thuế theo quy định của pháp luật.[9]
Cục Thuế ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là tổ chức trực thuộc Tổng cục Thuế, có chức năng tổ chức thực hiện công tác quản lý thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác của NSNN thuộc phạm vi nhiệm vụ của ngành thuế trên địa bàn theo quy định của pháp luật.[10]
Chi cục thuế:
Chi cục Thuế ở các quận ,huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là tổ chức trực thuộc Cục Thuế, có chức năng tổ chức thực hiện công tác quản lý thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác của NSNN thuộc phạm vi nhiệm vụ của ngành thuế trên địa bàn theo quy định của pháp luật.[11]
2.4.2. Các nguyên tắc trong quản lý thuế
Thuế là nguồn thu chủ yếu của NSNN. Nộp thuế theo quy định của pháp luật là nghĩa vụ và quyền lợi của mọi tổ chức, cá nhân. Tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xã hội đều có trách nhiệm tham gia quản lý thuế.
Việc quản lý thuế được thực hiện theo quy định của Luật quản lý thuế và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Việc quản lý thuế phải bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của NNT.
2.5. Nội dung quản lý thuế
Điều 3 Luật quản lý thuế số: 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006 được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 10 quy định các nội dung quản lý phân thành 3 nhóm như sau: [22]
Nhóm 1: Các thủ tục hành chính thuế, bảo đảm các điều kiện cho NNT thực hiện các quyền và nghĩa vụ kê khai, nộp thuế đầy đủ, đúng hạn, bao gồm các nội dung:
• Đăng ký thuế
• Khai thuế, tính thuế
• Ấn định thuế
• Nộp thuế
• Ủy nhiệm thu thuế
• Miễn thuế, giảm thuế
• Hoàn thuế, bù trừ thuế
• Trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế
Nhóm 2: Giám sát việc tuân thủ pháp luật thuế của cơ quan quản lý thuế đối với NNT, bao gồm các nội dung:
• Quản lý thông tin về NNT
• Kiểm tra thuế
• Thanh tra thuế
Nhóm 3: Các chế tài bảo đảm các chính sách thuế được thực thi có hiệu lực, hiệu quả, bao gồm các nội dung:
• Xử lý vi phạm pháp luật về thuế
• Cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế
• Giải quyết khiếu nại, tố cáo, khởi kiện liên quan đến pháp luật thuế.
2.6. Trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan quản lý thuế 2.6.1. Trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế 2.6.1. Trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế
- Tổ chức thực hiện thu thuế theo quy định của pháp luật.
- Tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật về thuế; công khai các thủ tục về thuế.
- Giải thích, cung cấp thông tin liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế cho NNT; công khai mức thuế phải nộp của hộ gia đình, cá nhân kinhdoanh trên địa bàn xã, phường, thị trấn.
- Giữ bí mật thông tin của NNT theo quy định của Luật này.
- Thực hiện việc miễn thuế, giảm thuế, xoá nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt, hoàn thuế theo theo quy định củaLuật này và các quy định khác của pháp luật về thuế.
- Xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ thuế của NNT
- Giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc thực hiện pháp luật về thuế theo thẩm quyền.
- Giao kết luận, biên bản kiểm tra thuế, thanh tra thuế cho đối tượng kiểm tra thuế, thanh tra thuế và giải thích khi có yêu cầu.
- Bồi thường thiệt hại cho người nộp thuế theo quy định của Luật này.
- Giám định để xác định số thuế phải nộp của NNT theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
- Yêu cầu NNT cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế, số hiệu, nội dung giao dịch của các tài khoản được mở tại ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác và giải thích việc tính thuế, khai thuế, nộp thuế.
- Yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế .
- Kiểm tra thuế, thanh tra thuế. - Ấn định thuế.
- Cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về thuế.
- Xử phạt vi phạm pháp luật về thuế theo thẩm quyền; công khai trên phương tiện thông tin đại chúng các trường hợp vi phạm pháp luật về thuế.
- Áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử lý vi phạm pháp luật về thuế theo quy định của pháp luật.
- Ủy nhiệm cho cơ quan, tổ chức, cá nhân thu một số loại thuế vào NSNN theo quy định của Chính phủ.
2.7. Người nộp thuế
- Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế;
- Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nộp các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước do cơ quan quản lý thuế quản lý thu theo quy định của pháp luật;
- Tổ chức, cá nhân khấu trừ thuế; tổ chức, cá nhân làm thủ tục về thuế thay NNT.
2.7.1. Quyền của người nộp thuế
Xét về bản chất, quan hệ pháp luật thuế là quan hệ pháp luật hành chính, thiết lập giữa Nhà nước với các pháp nhân và thể nhân khác trong xã hội và được điều chỉnh bởi phương pháp mệnh lệnh quyền uy. Dưới góc độ vật chất, quan hệ pháp luật thuế được thiết lập để tạo lập nguồn thu cho NSNN. Tiền đề thiết lập quan hệ pháp luật thuế là do sự hình thành chính thể Nhà nước để quản lý điều hành các hoạt động trong xã hội. Bộ phận chức năng ấy cần có nguồn vật chất hoạt động, nên thuế hình thành. Do vậy, trong quan hệ pháp luật thuế, các chủ thể tham gia với tư cách là NNT buộc phải chuyển giao một phần lợi ích của mình cho NSNN. Trước khi Luật Quản lý thuế ra đời NNT thường chỉ được nhìn nhận dưới góc độ phải thực hiện nghĩa vụ mà có rất ít quyền. Vì có ít, hoặc không xác định rõ quyền của NNT khiến cho chủ thể này cảm thấy mình bị cưỡng bức, bị tước bỏ một phần lợi ích vật
chất nên hệ quả là họ sẽ tìm cách để trốn tránh nghĩa vụ thuế. Ngoài ra, NNT có thể còn bị các cơ quan, cán bộ công quyền nhũng nhiễu khi thực thi quyền hành. Việc nhận thức không đầy đủ này có thể gây thiệt hại cho Nhà nước lẫn NNT và xã hội nói chung vì những hao phí cho các mục tiêu không mang lại giá trị. Do vậy, trong quan hệ pháp luật thuế, NNT cũng phải có một số quyền nhất định. Luật quản lý thuế đã quy định NNT có những quyền sau:[22]
- Được hướng dẫn thực hiện việc nộp thuế; cung cấp thông tin, tài liệu để thực hiện nghĩa vụ, quyền lợi về thuế.
- Yêu cầu cơ quan thuế giải thích về việc tính thuế, ấn định thuế; tổ chức giám định số lượng, chất lượng, chủng loại hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.
- Được giữ bí mật thông tin theo quy định của pháp luật.
- Hưởng các ưu đãi về thuế, hoàn thuế theo quy định của pháp luật về thuế. - Ký hợp đồng với tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế.
- Nhận văn bản kết luận kiểm tra thuế, thanh tra thuế của cơ quan quản lý thuế; yêu cầu giải thích nội dung kết luận kiểm tra thuế, thanh tra thuế; bảo lưu ý kiến trong biên bản kiểm tra thuế, thanh tra thuế.
- Được bồi thường thiệt hại do cơ quan quản lý thuế, công chức quản lý thuế gây ra theo quy định của pháp luật.
- Yêu cầu cơ quan thuế xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của mình.
- Khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
- Tố cáo các vi phạm pháp luật của công chức thuế và tổ chức, cá nhân khác.
2.7.2. Nghĩa vụ của người nộp thuế
- Đăng ký thuế, sử dụng mã số thuế theo quy định của pháp luật.
- Khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng thời hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế. - Nộp tiền thuế đầy đủ, đúng thời hạn, đúng địa điểm.
- Chấp hành chế độ kế toán, thống kê và quản lý, sử dụng hoá đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật.
- Ghi chép chính xác, trung thực, đầy đủ những hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế, khấu trừ thuế và giao dịch phải kê khai thông tin về thuế.
- Lập và giao hoá đơn, chứng từ cho người mua theo đúng số lượng, chủng loại, giá trị thực thanh toán khi bán hàng hoá, dịch vụ theo quy định của pháp luật.
- Cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế, số hiệu và nội dung giao dịch của tài khoản mở tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác.
- Chấp hành quyết định, thông báo, yêu cầu của cơ quan quản lý thuế, công chức quản lý thuế theo quy định của pháp luật.
- Chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật trong trường hợp người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền thay mặt NNT thực hiện thủ tục về thuế sai quy định.
2.8. Quản lý thu thuế đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ Khái niệm doanh nghiệp vừa và nhỏ Khái niệm doanh nghiệp vừa và nhỏ
Theo Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2009 của Chính Phủ thì doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam được hiểu là cơ sở kinh doanh đã đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật, được chia thành ba cấp: siêu nhỏ, nhỏ, vừa theo quy mô tổng nguồn vốn (tổng nguồn vốn tương đương tổng tài sản được xác định trong bảng cân đối kế toán của DN) không quá 100 tỷ đồng hoặc số lao động bình quân năm đã được đăng ký kinh doanh theo pháp luật hiện hành trung bình hàng năm không quá 300 người.[19]
Vai trò của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nền kinh tế:
Trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, thì DNVVN là loại hình DN chiếm đa số và chủ yếu trong nền kinh tế. Theo đó, loại hình DN này đóng vai trò quan trọng, nhất là tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, giúp huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, xóa đói giảm nghèo… Cụ thể, số liệu tính đến cuối năm 2014 như sau: Về lao động, hàng năm tạo thêm trên nửa triệu lao động mới; sử dụng tới 51% lao động xã hội và đóng góp hơn 40% GDP… Số tiền thuế và phí mà các DNVVN đã nộp cho Nhà nước đã tăng 18,4 lần sau 10 năm. Sự đóng góp đã hỗ trợ lớn cho việc chi tiêu vào các công tác xã hội và các chương trình phát triển khác. Do vậy, đã tạo tạo ra 40% cơ hội cho dân cư tham gia đầu tư có hiệu quả nhất trong việc huy động các khoản tiền đang phân tán, nằm trong dân cư, để hình thành các khoản vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh [7]
Vai trò của các DNVVN thể hiện qua các mặt sau đây: - Tạo ra việc làm mới, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp
- Huy động các nguồn vốn và sức mạnh của xã hội trong SXKD - Tạo thêm thu nhập cho phần lớn người lao động
- Đóng góp vào phát triển đồng đều giữa các vùng khác nhau - Góp phần giải quyết các vấn đề xã hội