Các hình thức thường dùng trong tổ chức động ngoại khóa môn vật lí

Một phần của tài liệu tổ chức hoạt động ngoại khóa các chương “từ trường” và “ cảm ứng điện từ” vật lí 11thpt (Trang 35 - 41)

Hình thức tổ chức HĐNK thì rất nhiều và đa dạng. Qua tham khảo từ các tài liệu, các đồng nghiệp cũng như kinh nghiệm bản thân chúng tôi nhận thấy trong vật lí thường được sử dụng những hình thức HĐNK sau:

1.5.5.1. Hội thi vật lí

Hội thi vật lí là một hình thức tổ chức HĐNK thường được tổ chức trong các trường phổ thông hiện nay. Đây là một hình thức đơn giản, dễ dàng tổ chức theo nhiều quy mô khác nhau và điều kiện cơ sở vật chất khác nhau. Quy mô, đối tượng tham gia, cách thức tổ chức hội thi phụ thuộc vào mục đích, yêu cầu, điều kiện tổ chức nhà trường. Tùy quy mô và điều kiện mà hội thi có thể tổ chức cho học sinh một lớp, một khối lớp, hay học sinh toàn trường. Hội thi là dịp để các HS tham gia thể hiện khả năng của mình trong lĩnh vực dự thi, để tập thể một nhóm thể hiện kết quả của quá trình làm việc cùng nhau và thể hiện sự đoàn kết. Hội thi còn là dịp để GV thể hiện khả năng tổ chức và điều hành của mình trong việc tổ chức các hình thức dạy học khác nhau.

a. Các hình thức thường được tổ chức trong một hội thi vật lí:

- Thi giải ô chữ. - Thi trả lời nhanh.

- Thi giải thích hiện tượng vật lí. - Thi giải bài tập vật lí.

- Thi thiết kế và làm thí nghiệm vật lí.

- Thi thiết kế các thiết bị kĩ thuật có ứng dụng vật lí. - Thi kể chuyện về các nhà vật lí.

- Thi thuyết trình về một chủ đề vật lí.

- Thi một số trò chơi có ứng dụng kiến thức vật lí.

- Thi kiến thức vật lí bằng cách sử dụng các biến thể của trò chơi game show trên truyền hình.

Việc lựa chọn hình thức nào trong hội thi là do HS và GV cùng nhau bàn luận để lựa chọn. Ngoài ra, việc lựa chọn này còn phụ thuộc vào mục đích của hội thi, nội dung cũng như trình độ tổ chức của GV và năng lực của HS. Để các phần thi trở nên hấp dẫn và lôi cuốn HS, người tổ chức cần lồng ghép, phối hợp linh hoạt giữa các hình thức với nhau.

b. Các bước để tổ chức một hội thi vật lí.

Để tổ chức một hội thi vật lí dù quy mô lớn hay nhỏ đều có những bước cơ bản sau:

Bước 1:Chuẩn bị

- Lập kế hoạch, xin chủ trương tổ chức hội thi từ tổ bộ môn và BGH: Kế hoạch cần nêu rõ mục đích của hội thi, nội dung và đối tượng tham gia. Kế hoạch cũng cần thể hiện rõ thời gian, địa điểm tổ chức; thành phần ban tổ chức, dự trù kinh phí, hình thức và mức khen thưởng….

- Sau khi kế hoạch được thông qua, Ban tổ chức hội thi cần có phân công cụ thể công việc cho từng thành viên để mỗi thành viên chuẩn bị các ông việc của mình như: chuẩn bị cơ sở vật chất ( hội trường, âm thanh, máy vi tính, máy chiếu, văn phòng phẩm, các phần thưởng, vật dụng tổ chức các trò chơi…), nội dung các câu hỏi các phần thi, thang điểm chấm của ban giám khảo, bài phát biểu khai mạc, người dẫn chương trình, các tiết mục văn nghệ…Sự chuẩn bị tốt góp phần rất quan trọng vào sự thành công của hội thi.

Bước 2:Tổ chức hội thi

Tiến hành tổ chức hội thi theo kế hoạch. Tuy nhiên cần lưu ý một số vấn đề sau:

- Ban giám khảo là những giáo viên giỏi chuyên môn, vô tư, không thiên vị. Cần có sự thống nhất về đáp án và thang điểm những người trong ban giám khảo.

- Ban thư kí cần tính toán đảm bảo nhanh, chính xác, công bằng.

- Người dẫn chương trình phải có kiến thức vững vàng, thông minh, nhanh nhẹn trong ứng xử, đối đáp, nhất là xử lí những tình huống ngoài dự kiến. Ngoài ra người dẫn chương trình cần có thái độ vô tư, khách quan trong nhận xét, đánh giá,

bình luận...Người dẫn chương trình cũng cần phải dí dỏm để tạo không khí vui vẻ cho cuộc thi.

Bước 3:Tổng kết hội thi

Đây là khâu cũng rất quan trọng góp phần rút kinh nghiệm cho các lần tổ chức sau tốt hơn. Trong phần này, ngoài việc công bố kết quả hội thi, khen thưởng cho các cá nhân, các đội đoạt giải thí cần có những đánh giá thẳng thắn và nghiêm túc những việc làm được và chưa được từ khâu chuẩn bị đến khâu tổ chức. Ban tổ chức cần phát huy những ưu điểm, tiếp thu những ý kiến đóng góp một cách chân tình, nghiêm túc sẽ giúp cho những lần tổ chức tiếp theo thành công hơn.

Trên là 3 bước cơ bản để tổ chức một hội thi vật lí. Tuy nhiên, nếu hội thi có quy mô nhỏ, các bước tiến hành có thể đơn giản hơn.

1.5.5.2. Hội vui vật lí

Là một hình thức ngoại khóa vật lí thường được tổ chức theo chuyên đề hoặc kết hợp với các môn khác. Hội vui thường mang tính biểu diễn hơn là thi thố giữa các cá nhân và tập thể, mặc dù trong hội vui vật lí cũng có những trò chơi thi đấu. Đối tượng tham gia thường HS cả một khối lớp, hoặc HS toàn trường, thậm chí của nhiều trường.

a. Các hình thức thường được tổ chức trong hội vui vật lí.

- Nói chuyện về tiểu sử của các nhà bác học vật lí, các giai đoạn phát triển của vật lí học.

- Biểu diễn các thí nghiệm, các ảo thuật vui.

- Giới thiệu máy móc, thiết bị kĩ thuật, các ứng dụng của vật lí trong khoa học kĩ thuật và trong đời sống, xem triễn lãm tranh, sản phẩm…

- Giới thiệu các thành tựu của vật lí hiện đại.

- Giới thiệu cách giải hay đối với một số bài tập lí khó.

- Giới thiệu các vấn đề chưa có điều kiện đưa vào chương trình vật lí phổ thông: Thiên văn học, giáo dục môi trường…

- Thảo luận các vấn đề của vật lí học.

- Tổ chức xemina

- Tổ chức giao lưu giữa HS và các cá nhân có thành tích nổi bật trong học vật lí như: học sinh đạt giải quốc gia, quốc tế, cựu HS, giáo viên, nhà khoa học…về phương pháp học tập, kinh nghiệm trong học và thi về vật lí…

Cũng tùy theo mục đích, quy mô tổ chức, điều kiện mà ban tổ chức lực chọn các hình thức phù hợp.

b. Các bước để tổ chức một hội vui vật lí.

Về cơ bản các bước tổ chức một hội vui vật lí cũng gồm 3 bước chính như tổ chức hội thi đó là: chẩn bị, tổ chức và tổng kết. Tuy nhiên, thông thường hội vui thường được tổ chức với quy mô lớn và cần không gian rộng hơn. Do đó khâu chuẩn bị và tổ chức hết sức quan trọng. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa các thành viên trong ban tổ chức góp phần rất lớn vào sự thành công của ngày hội.

1.5.5.3. Tham quan vật lí

Tham quan ngoại khóa là một hình thức tổ chức dạy học trong thực tế nhờ quan sát trực tiếp của học sinh dưới sự hướng dẫn của giáo viên và cơ sở tham quan nhằm nghiên cứu sự vật, hiện tượng cần tìm hiểu trong nội dung dạy học.

Nếu tổ chức tham quan nhằm chuẩn bị cho việc học một kiến thức nào đó được dễ dàng, tạo hứng thú cho HS thì được gọi là tham quan chuẩn bị. Cũng có thể tổ chức tham quan sau khi học một kiến thức nhằm cho HS hiểu sâu và củng cố kiến thức đã được học, thấy được sự ứng dụng của kiến thức vật lí đó trong đời sống, kĩ thuật thì được gọi là tham quan tổng kết.

a. Các nội dung tham quan vật lí thường được tổ chức

- Tham quan cở sở sản xuất các thiết bị có ứng dụng kiến thức vật lí được học.

- Tham quan các nhà máy, xí nghiệp tìm hiểu các máy móc được hoạt động dựa trên các nguyên lí, định luật vật lí…

- Tham quan các phòng thí nghiệm, các bảo tàng có liên quan đến kiến thức được học…

b. Các bước tổ chức một buổi tham quan học tập

Giống như khi tổ chức một hội thi hay hội vui vật lí, quá trình tham quan cũng phải trải qua 3 bước: chuẩn bị, tiến hành tham quan, tổng kết.

Trong bước chuẩn bị, GV tổ chức phải liên hệ trực tiếp trước với nơi dự định đến tham quan để thống nhất chương trình và nội dung tham quan. GV có thể đi “tiền trạm” trước xem xét những điều kiện của cơ sở tham quan để có đề xuất giúp đỡ cũng như định hướng cho buổi tham quan nhằm đạt mục tiêu đề ra. Để nâng cao hiệu quả của buổi tham quan, GV cần yêu cầu HS ôn tập lại các kiến thức liên quan, chuẩn bị trước các nội dung, vấn đề cần tìm hiểu. Ngoài ra, phương án đảm bảo sức khỏe, an toàn cho HS khi tham quan cũng phải được bàn tính thật kĩ vì hoạt động trên được diễn ra ngoài phạm vi nhà trường.

Trong quá trình tham quan cần bám sát nội dung tham quan, thiết kế nội dung hợp lí nhằm tạo hứng thú cho HS. Ngoài ra cần đảm bảo trật tự, kỉ luật, hướng dẫn HS ghi chép những kiến thức thu thập được để buổi tham quan ngoại khóa học tập không trở thành một buổi tham quan đơn thuần.

Sau khi tổng kết, đánh giá buổi tham quan nhằm rút kinh nghiệm cho những lần tổ chức sau, GV cần yêu cầu HS viết bản thu hoạch. Đây là dip để GV hướng dẫn cho HS cách viết báo cáo kết quả về buổi học tập thực tế. Và vì có yêu cầu viết báo cáo thu hoạch nên các em HS sẽ chú ý và nghiêm túc trong quá trình tham quan .

1.5.5.4. Câu lạc bộ vật lí

Câu lạc bộ vật lí là nơi tập trung những HS yêu thích, đam mê về vật lí . Đây là môi trường hết sức thuận lợi để các em có thể giao lưu học tập, trao đổi những kinh nghiệm lẫn nhau. Việc tham gia CLB dựa trên tinh thần tự nguyện nhằm phát huy năng lực bản thân và trang bị cho HS những kĩ năng cần thiết để vận dụng vào cuộc sống.

Khác với các hình thức HĐNK vật lí khác, thời gian tham tổ chức CLB vật lí thường kéo dài trong suốt năm học hoặc cả những năm tiếp theo. Thông thường,

các CLB có thể tổ chức sinh hoạt 1lần/tháng hoặc 2lần/tháng tùy theo điều kiện. Mỗi tháng câu lac bộ sinh hoạt theo một chủ đề hoặc một vài chủ đề .

a. Tổ chức câu lạc bộ vật lí

Để CLB hoạt động, GV cần thông báo chủ chương ngay từ đầu năm học để cho HS tìm hiểu và đăng kí tham gia. Câu lạc bộ phải có “Ban chủ nhiệm” để điều hành hoạt động. Chủ nhiệm CLB là một GV có năng lực chuyên môn cao và tâm huyết. Ngoài ra, CLB cũng cần một “Ban cố vấn” để góp ý cho CLB về nội dung, hình thức các hoạt động cũng như giúp đỡ HS khi gặp những khó khăn về mặt kiến thức. Trong tổ chức của CLB có thể chia các thành viên theo các nhóm chuyên đề nhằm phù hợp với sở thích và phát huy thế mạnh của mỗi HS.

Để duy trì hoạt động của CLB cần có một địa điểm cố định để hoạt động có thể là hội trường hoặc phòng bộ môn vật lí. Kinh phí hoạt động của CLB một phần do các thành viên tham gia đóng góp và xin hỗ trợ từ nhà trường, tác tổ chức như : Hội phụ huynh, Đoàn thanh niên…

b. Các hình thức thường tổ chức trong sinh hoạt câu lạc bộ vật lí

Hoạt động của CLB vật lí rất đa dạng và phong phú. Tùy điều kiện tổ chức mà mỗi lần sinh hoạt thể tổ chức các hình thức khác nhau như:

- Tổ chức thi thiết kế các thiết bị kĩ thuật, đồ chơi có ứng dụng kiến thức vật lí.

- Học làm và biểu diễn các thí nghiệm.

- Trao đổi, hướng dẫn nhau trong học tập môn vật lí.

- Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức vật lí, các trò chơi…

- Tổ chức các buổi giao lưu, nói chuyện về kinh nghiệm trong học tập vật lí…tổ chức các chuyến tham quan học tập.

- Tổ chức các buổi xemina về vật lí - Tổ chức viết báo nội bộ vật lí.

Trên đây là các hình thức tổ chức hoạt động ngoại khóa vật lí phổ biến ở trường phổ thông hiện nay . Mỗi hình thức tổ chức lại có những ưu điểm riêng và nếu chỉ giữ nguyên một hình thức tổ chức sẽ gây nhàm chán. Do đó trong điều kiện

có thể, cần kết hợp các hình thức tổ chức ngoại khóa vật lí nhằm đem lại hứng thú cho HS. [7]

Một phần của tài liệu tổ chức hoạt động ngoại khóa các chương “từ trường” và “ cảm ứng điện từ” vật lí 11thpt (Trang 35 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(153 trang)