Điều kiện xã hội, văn hóa giáo dục, an ninh quốc phòng

Một phần của tài liệu hoạt động kinh tế đối ngoại đăklăk 1986 2010 (Trang 29 - 31)

6. Cấu trúc luận văn

1.2.2. Điều kiện xã hội, văn hóa giáo dục, an ninh quốc phòng

Về dân cư: Đến cuối năm 2008, dân số tỉnh Đaklak khoảng 1.778.415 người, trong đó dân số thành thị chiếm 22,07%, dân số nông thôn chiếm 77,93%. [36,13]. Cộng đồng dân cư Đaklak gồm 44 dân tộc, trong đó người Kinh chiếm trên 70%, các dân tộc khác như: Ê Đê, M'nông, Thái, Tày, Nùng... chiếm gần 30% dân số toàn tỉnh. Mật độ dân số trung bình toàn Tỉnh là 131 người/km2. Dân cư ở Đaklak phân bố không đều, chủ yếu tập trung ở thành phố Buôn Ma Thuột (840,5 người/km2), thị trấn các huyện lỵ, ven các trục quốc lộ 14, 26, 27 chạy qua như Krông Búk, Krông Pắk, Ea Kar, Krông Ana (khoảng 250 - 350 người/km2). [36,13] Các huyện có mật độ dân số thấp chủ yếu là các huyện đặc biệt khó khăn như Ea Súp, Buôn Đôn, Lắk, Krông Bông, M’Drắk, Ea Hleo... (dưới 100 người/km2).

Đồng bào các dân tộc thiểu số chủ yếu sinh sống ở các xã vùng cao, vùng xa của Tỉnh. Ngoài ra, Đaklak còn có số đông dân di cư từ các tỉnh phía Bắc và miền Trung đến sinh cơ lập nghiệp. Trong những năm gần đây, dân số của Đaklak có biến động do tăng cơ học, chủ yếu là di dân tự do, điều này đã gây sức ép lớn cho Tỉnh về giải quyết đất ở, đất sản xuất và các vấn đề đời sống xã hội, an ninh trật tự và môi trường sinh thái. Tuy nhiên, với lịch sử canh tác cây công nghiệp dài ngày, đồng bào các dân tộc thiểu số ở Đaklak đã tích lũy được những kinh nghiệm quí báu trong trồng trọt. Kết hợp với những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới được ứng dụng vào sản xuất. Yếu tố dân cư là một trong những điểm mạnh trong phát triển cây công nghiệp dài ngày của Đaklak.

Đaklak là tỉnh có nhiều dân tộc cùng chung sống, mỗi dân tộc có những nét đẹp văn hoá riêng. Đặc biệt là văn hoá truyền thống của các dân tộc Ê Đê, M'Nông, Gia Rai... với những lễ hội cồng chiêng, đâm trâu, đua voi mùa xuân, kiến trúc nhà sàn, nhà rông; các nhạc cụ lâu đời nổi tiếng như các bộ cồng chiêng, đàn đá, đàn T'rưng; các bản trường ca Tây Nguyên... là những sản phẩm văn hoá vật thể và phi vật thể quý giá. Trong số đó, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được tổ chức UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tất cả các truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc đã tạo nên sự đa dạng, phong phú về văn hóa của Đaklak. [36,12]

Về giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực

Từ năm 2005, Đaklak đã được công nhận là Tỉnh đã hoàn thành chương trình quốc gia xoá mù chữ và phổ cập tiểu học. Tỉnh hiện có trường Đại học Tây Nguyên (trường đại học lớn nhất của khu vực Tây Nguyên), 01 trường Cao đẳng Sư phạm, 03 trường trung học chuyên nghiệp, 02 trường đào tạo công nhân kỹ thuật, các trung tâm giáo dục thường xuyên tại tất cả các huyện, thành phố và hệ thống các trung tâm đào tạo ngoại ngữ, tin học trên địa bàn. Với hệ thống các trường, các cơ sở đào tạo hiện có, những năm qua, Đaklak đã đào tạo, bồi dưỡng và cơ bản cung cấp đủ đội ngũ cán bộ, giáo viên phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.

Theo thống kê trong những năm 2005-2010, tỉnh Đaklak đã tạo được trên 24.000 việc làm mỗi năm. Trong đó tỉ lệ lao động được đào tạo tăng từ 27,2% năm 2005 lên 37% năm 2010 [24,130]. Đây chưa phải là con số ấn tượng so với các tỉnh khác nhưng đối với Đaklak một tỉnh còn nhiều khó khăn thì đây là sự cố gắng vượt bậc. Tỉ lệ người lao động qua đào tạo ngày càng tăng góp phần nâng cao chất lượng lao động. Đây là cơ sở để các doanh nghiệp có thể áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm ngay từ khâu thu hái cho đến khâu chế biến sản phẩm, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.

Về an ninh, quốc phòng: Thời gian qua, Ðaklak là một trong những địa bàn trọng điểm của Tây Nguyên tiếp nhận hàng chục nghìn hộ dân của các tỉnh đến xây dựng vùng kinh tế mới theo kế hoạch phân bổ lại lực lượng lao động và dân cư trên phạm vi cả nước. Ngoài ra, Tỉnh cũng là nơi thu hút mạnh mẽ các luồng di dân tự do trong toàn quốc đến sinh sống và lập nghiệp. Do ảnh hưởng của việc dân di cư tự do nên tỷ lệ hộ nghèo, đói trong tỉnh vẫn đang là con số lớn. Đến năm 2007, số hộ nghèo của tỉnh vẫn ở con số 23,28%, trong đó số hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ chiếm tới 53,4%, số hộ nghèo ở nông thôn chiếm 90,56% tổng số hộ nghèo của tỉnh), tình trạng mua bán, sang nhượng đất đai trái phép diễn ra khá phổ biến, các tệ nạn xã hội gia tăng. [36,13]

Từ năm 2005 đến hết năm 2008, Ðaklak đã thực hiện di chuyển, bố trí, sắp xếp dân di cư tự do vào vùng dự án được 526 hộ (bằng 43,31% tổng số dân di cư tự do

đến Đaklak giai đoạn 2005-2008), với tổng số vốn đầu tư đã chi là 23,774 tỷ đồng (bình quân đầu tư mỗi năm 4,75 tỷ đồng). Với số vốn này, Tỉnh đã chỉ đạo triển khai xây dựng: Ðường giao thông nội vùng dự án 119 km (vốn thực hiện 14,358 tỷ đồng), xây dựng 1.007 m2 lớp học tiểu học (vốn thực hiện 9,19 tỷ đồng), làm thủy lợi nhỏ hai công trình tưới cho 50 ha (vốn thực hiện 1,3 tỷ đồng), khai hoang đất sản xuất 150 ha (vốn thực hiện 821 triệu đồng), làm ba cầu giao thông nội vùng dự án (vốn thực hiện 1,376 tỷ đồng). [36,14]

Sau những bất ổn chính tri – xã hội trong các năm 2001-2004, dưới sự lãnh đạo của Bộ chính trị tỉnh Đaklak đã có những biện pháp hiệu quả quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia. Các cơ quan có trách nhiệm đã nắm bắt kịp thời diễn biến tình hình, nắm chặt chẽ họat động của các đối tượng. Kịp thời phát hiện và đấu tranh ngăn chặn làm thất bại mọi âm mưu, họat động chống phá của các thế lực thù địch.

Từ năm 2004 đến 2010 tình hình chính trị - xã hội ở Đaklak ổn định, là cơ sở thuận lợi cho phát triển kinh tế và thu hút vốn đầu tư.

Những điều kiện về vị trí địa lý, kinh tế xã hội và môi trường đầu tư là cơ sở thực tiễn, nền tảng cho hoạt động kinh tế nói chung và kinh tế đối ngoại nói riêng của tỉnh Đaklak. Tuy nhiên còn điều kiện khác cũng không kém phần quan trọng góp phần làm cơ sở cho họat động kinh tế đối ngoại của tỉnh Đaklak đó là điều kiện lịch sử, kinh tế.

Một phần của tài liệu hoạt động kinh tế đối ngoại đăklăk 1986 2010 (Trang 29 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(143 trang)